Các điện thoại cao cấp dùng màn hình AMOLED hoặc OLED thường gặp tình trạng màn hình bị in bóng mờ, tạo ra sự khó chịu và rất khó khăn trong việc khắc phục.
Burn-in hoặc screen burn là thuật ngữ xuất phát từ công nghệ màn hình CRT cũ, mô tả hiện tượng lưu ảnh (cháy màn hình, bóng mờ, ảnh ma) trên màn hình điện thoại thông minh mặc dù hình ảnh gốc đã biến mất từ lâu.
Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến khả năng đọc và màu sắc của màn hình theo thời gian và làm giảm trải nghiệm xem của người dùng.
Trên thiết bị di động, cháy màn hình thường xuất hiện trên màn hình sử dụng tấm nền AMOLED hoặc OLED đời cũ và hiếm khi xảy ra trên các điện thoại thông minh mới hơn.
Hiện tượng này xảy ra khi người dùng để một hình ảnh trên màn hình quá lâu, gây ra vấn đề cho các pixel khi chuyển sang màu khác. Thường gặp hơn với các hình ảnh màu xanh lam và khi cài đặt màn hình quá sáng.
Hiện tượng cháy màn hình có thể gây tổn thương vĩnh viễn và được coi là vấn đề phần cứng chứ không phải là lỗi phần mềm đồ họa hay trình điều khiển.
Tấm nền AMOLED hoặc OLED mang lại hình ảnh sắc nét và độ tương phản cao, thường được áp dụng trên các điện thoại cao cấp như Samsung Galaxy S23, iPhone 14 Pro Max.
Trên diễn đàn Reddit, người dùng với nickname Nik3m đã chia sẻ hình ảnh chiếc iPhone 14 Pro Max gặp lỗi burn-in chỉ sau một tháng rưỡi từ khi mua về.
Mang theo chiếc điện thoại mới mua với giá gần 30 triệu đồng, chắc chắn không ai muốn gặp phải sự cố này. Dưới đây là cách khắc phục và phòng ngừa điều không may xảy ra.

Tắt thiết bị
Đây là một phương án đơn giản nhưng thường mang lại hiệu quả, đặc biệt khi bạn sớm nhận thấy hiện tượng lưu ảnh và muốn khắc phục ngay.
Tắt hoàn toàn điện thoại và để máy nghỉ trong vài giờ. Nếu vấn đề không quá nghiêm trọng, phương pháp này sẽ giúp các pixel có đủ thời gian để tự phục hồi, giảm hiện tượng lưu ảnh, và màn hình sẽ trở lại như mới khi bật nguồn.
Điều này là một ưu điểm của công nghệ pixel hữu cơ linh hoạt được áp dụng trong màn hình dựa trên tấm nền OLED, với khả năng tự sửa lỗi dễ dàng hơn so với công nghệ pixel trước đó.
Sử dụng ứng dụng để khắc phục
Nếu việc tắt điện thoại một thời gian không hoàn toàn giải quyết được vấn đề, lựa chọn tiếp theo là thử 'huấn luyện' lại các pixel trên màn hình để chúng trở lại trạng thái cân bằng. Có nhiều ứng dụng hỗ trợ điều này.
Đối với các thiết bị Android, Google Play cung cấp một bộ sưu tập các công cụ kiểm tra và sửa lỗi màn hình, bao gồm cả OLED Saver. Người dùng iOS có thể sử dụng Doctor OLED X thay thế.
Ứng dụng này đưa pixel đi qua nhiều màu sắc và cường độ sáng khác nhau, đưa chúng trở lại trạng thái ban đầu.

Phòng ngừa là biện pháp tốt nhất
Bất cứ ai cũng có thể tự phòng tránh hoặc giảm thiểu hiện tượng cháy màn hình trên điện thoại. Cơ bản, người dùng nên đảm bảo sử dụng đa dạng các hình ảnh trên điện thoại, tránh giữ một hình ảnh tĩnh quá lâu và quá thường xuyên.
Ngoài ra, người dùng cũng có thể thực hiện các điều chỉnh dưới đây để phòng tránh.
Giảm độ sáng: Độ sáng cao dẫn đến hoạt động tăng cường của pixel OLED, dễ dẫn đến hiện tượng lưu ảnh.
Nếu điện thoại đang sử dụng độ sáng cao, chuyển sang độ sáng tự động hoặc mức độ sáng thấp để tránh sự cố.
Thiết lập tự động khóa và tắt màn hình: Tất cả điện thoại thông minh đều có tính năng tự động khóa và tắt màn hình khi không sử dụng.
Hãy đảm bảo tính năng này được bật và đặt thời gian tắt là một phút hoặc lâu hơn. Điều này ngăn chặn hiện tượng lưu ảnh vì màn hình sẽ không duy trì trong thời gian dài để xảy ra sự cố.
Ẩn các thanh menu, trạng thái và điều hướng: Hiện tượng lưu ảnh có thể xảy ra khi sử dụng ứng dụng với hình ảnh cố định trên màn hình như thanh menu, thanh điều hướng, hoặc logo (ví dụ như khi chơi trò chơi hoặc xem phim).
Các thanh và biểu tượng cố định này nếu xuất hiện quá lâu có thể dẫn đến hiện tượng lưu ảnh sau một thời gian sử dụng. Hãy tìm cách ẩn chúng.
Sử dụng chế độ tối: Mặc dù không đảm bảo 100% chống lại hiện tượng lưu ảnh, nhưng việc sử dụng chế độ tối trên điện thoại di động có thể giảm thiểu rủi ro một phần.
Mặc dù hiện tượng lưu ảnh trên màn hình LCD hiếm khi xảy ra, nhưng không phải là không thể xảy ra.
Việc khắc phục trên màn hình LCD sẽ khó khăn hơn nhiều so với màn hình OLED, vì các pixel LCD hoạt động khác biệt. Do đó, người dùng thường cần chấp nhận tình trạng này sẽ tồn tại mãi mãi.
Tuy nhiên, trước khi từ bỏ hy vọng hoàn toàn, người dùng vẫn nên thử sử dụng LCD Burn-In Wiper, một công cụ giúp xoay vòng các màu tương tự như phương pháp áp dụng trên màn hình OLED để sửa chữa các điểm bị ảnh hưởng.
Phương án cuối cùng sau khi không khắc phục được tình trạng là mang thiết bị đến trung tâm sửa chữa.