Nếu bạn đã từng đặt chân đến Nhật Bản hoặc tiếp xúc với người Nhật, bạn có thể dễ dàng nhận ra một thói quen tích cực từ họ đó là Truất Giày Trước Khi Vào Nhà. Thậm chí, hành động này đã sâu vào tiềm thức của người dân và dần trở thành một phần của văn hóa đẹp.
Tại sao người Nhật lại thực hiện thói quen truất giày trước khi vào nhà
Theo một số nghiên cứu, ở Nhật Bản, thói quen thay dép trước khi vào nhà đã tồn tại từ khoảng 2.000 năm trước. Do điều kiện thời tiết nóng ẩm trong mùa hè, kiến trúc các ngôi nhà truyền thống thường có phần sàn cao hơn so với mặt đất để tránh ẩm ướt và cho phép gió mát thổi qua phía dưới, giúp làm dịu nhiệt độ trong nhà. Hơn nữa, trong các ngôi nhà truyền thống, sàn thường được lót bằng chiếu Tatami, việc đi giày lên sàn có thể làm hỏng chiếu.
Trong cuốn sách 'Văn hóa giao tiếp với người Nhật' được xuất bản lần đầu vào năm 1984, nhà xã hội học Nakane Chie đã nêu bật tầm quan trọng của không gian bên trong (Uchi) và không gian bên ngoài (Soto). Bên trong nhà được xem là nơi sạch sẽ, riêng tư hơn so với bên ngoài ồn ào và bụi bặm. Do đó, hầu hết các ngôi nhà truyền thống đều có huyền quan (Genkan) tách biệt giữa hai không gian, là nơi để thay giày sang dép khi bước vào nhà.
Người Nhật rất quan trọng việc duy trì vệ sinh trong nhà nên không thích đi giày trong nhà
Ngày nay, mặc dù nhiều ngôi nhà ở Nhật được xây dựng theo kiểu phương Tây, nhưng vẫn giữ lại phòng trải chiếu tatami để giữ gìn nét truyền thống. Do đó, thói quen cởi giày trước cửa vẫn phổ biến.
Ngoài việc giữ gìn vệ sinh, việc cởi giày còn là biểu hiện của sự tôn trọng khi bước vào nhà hoặc cửa hàng của người khác. Tuy quan điểm này không còn quá nghiêm ngặt trong cuộc sống hiện đại, nhưng vẫn được nhiều người chú ý. Vì thế, trước khi bước vào, người Nhật thường hỏi ý kiến chủ nhà hoặc chủ cửa hàng để đảm bảo có được phép giữ giày ở ngoài hay không.
Điều gì ở dưới đế giày của bạn?
Dù đôi giày của bạn có vẻ mới và sạch sẽ, chúng vẫn thu hút nhiều vi khuẩn có hại và cuối cùng sẽ lan ra mọi bề mặt bạn đi qua.
Trong một nghiên cứu từ Đại học Arizona (Mỹ), đã phát hiện khoảng 421.000 loại vi khuẩn khác nhau trên giày. Trong số đó, vi khuẩn Coliform – thường gặp trong phân người chiếm đến 96%. Ngoài ra còn có E.coli, Klebsiella (gây nhiễm trùng đường tiểu), Serratia Ficaria (gây nhiễm trùng đường hô hấp),...
Theo Charles Gerba – một thành viên của nhóm nghiên cứu, những đôi giày bạn đi ra ngoài có thể đã bước vào chất bẩn từ đường phố, nhà vệ sinh,... Điều này cũng đồng nghĩa với việc mang giày vào nhà sẽ kéo theo vi khuẩn đó.
Charles P. Gerba, một giáo sư và nhà vi sinh vật học tại Đại học Arizona (Mỹ), đã nghiên cứu về số lượng và loại vi khuẩn tồn tại dưới đế giày. Ông cho biết các phát hiện của nghiên cứu đã thay đổi cả một số hành vi của ông. 'Nó khiến tôi không bao giờ đặt chân lên bàn của mình', ông nói.
Tuy nhiên, vi khuẩn từ giày thường chỉ lây nhiễm cho bạn nếu bạn chạm vào giày, sau đó chạm vào mặt, miệng hoặc ăn thức ăn rơi trên sàn.
Lisa A. Cuchara, giáo sư khoa học y sinh tại Đại học Quinnipiac, cho rằng vi khuẩn chắc chắn sẽ lây truyền từ giày sang sàn nhà, nhưng 'đối với hầu hết người lớn khỏe mạnh, đây không phải là mối đe dọa'. Bà lưu ý rằng sàn nhà trong nhà vệ sinh công cộng có khoảng 2 triệu vi khuẩn trên mỗi inch vuông (6,4 cm2). Một bệ ngồi toilet có trung bình khoảng 50 triệu vi khuẩn trên mỗi inch vuông.
'Hãy suy nghĩ về điều đó khi bạn đặt ví hoặc túi xách lên sàn nhà vệ sinh công cộng, sau đó mang về nhà và đặt trên bàn bếp hoặc quầy bar'.
Nói chung, các nhà khoa học khuyến nghị rằng, nếu có trẻ nhỏ bò trên sàn nhà hoặc có người trong nhà bị dị ứng, bạn nên cởi giày.
Giáo sư y sinh học Cuchara cho biết: 'Trong trường hợp hệ thống miễn dịch của bạn bị suy giảm, như người mắc bệnh ung thư đã trải qua cấy ghép nội tạng hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng, việc cởi giày khi về nhà là càng quan trọng hơn'.
April Masini, một tác giả chuyên viết về mối quan hệ và giao tiếp, khuyên rằng, dù không thấy giày ở lối vào, bạn nên luôn hỏi chủ nhà xem có cần phải cởi giày trước khi vào nhà không.
Thay đổi giày cho từng phòng
Không chỉ cần cởi giày khi ở ngoài mà bạn còn nên thay đổi giày cho từng phòng riêng biệt. Có những phòng bạn chỉ cần đi chân trần hoặc mang vớ.
Mỗi khu vực ở Nhật Bản thường sử dụng loại dép riêng
Theo thông tin từ báo Japan Horizon, khi bạn bước vào một ngôi nhà truyền thống ở Nhật, việc đầu tiên cần làm là cởi giày và mang đôi dép lê riêng biệt. Điều này giúp bạn cảm thấy thoải mái và giữ cho đôi chân ấm áp.
Phòng vệ sinh được người dân Nhật cho rằng là không sạch sẽ. Do đó, nếu bạn muốn sử dụng phòng tắm, bạn sẽ được yêu cầu thay đôi dép. Thậm chí khi muốn ra ban công, bạn cũng phải đổi sang đôi dép khác, và điều này cần lặp lại khi bạn muốn đi ra sân vườn. Tuy nhiên, ở những nơi có chiếc chiếu tatami, bạn có thể di chuyển mà không cần mang giày hoặc chỉ cần mang vớ.
Những quy định này nhằm mục đích duy trì vệ sinh cho không gian sống, giữ cho mọi thứ luôn sạch sẽ và hạn chế vi khuẩn cũng như bụi bẩn. Trong tư duy của người Nhật, nhà cửa, đặc biệt là phòng ngủ, cần phải là nơi 'thiên đường' sạch sẽ, ấm áp và tiện nghi để có thể thư giãn và phục hồi sau một ngày làm việc.
Những nơi 'cấm' mang giày
Dưới đây là những dấu hiệu dễ nhận biết giúp những người mới đến Nhật không còn lạ lẫm với phong tục cởi giày.
- Sự hiện diện của giá đỡ: Nếu bạn thấy có giá đỡ ngay tại lối vào hoặc bất kỳ nơi nào khác, có hoặc không có cửa, đó chắc chắn là tín hiệu cho việc bạn nên thay đôi giày và để chúng vào trong giá đỡ.
- Học hỏi từ người khác: Khi bạn đến các nơi công cộng, nếu yêu cầu phải đi chân trần vào trong, thường sẽ có một hàng dài các đôi dép được để bên ngoài. Bạn chỉ cần học theo những người đi trước để gọn đôi dép vào phía ngoài và đi chân trần vào trong. Hãy nhớ chỗ để dép vì có thể đám đông sẽ làm xô lệch đôi dép của bạn so với vị trí ban đầu.
- Sàn Tatami: Điều này cũng rất quan trọng nếu bạn nghĩ rằng có thể mang dép vào không gian có Tatami. Tuy nhiên, điều này không được phép, bạn chỉ có thể đi chân trần hoặc mang vớ khi vào khu vực này.
- Hỏi chủ nhà: Khi đến thăm nhà của ai đó, hãy hỏi trước liệu có được phép mang giày vào nhà hay không. Tuy nhiên, với tính cách chu đáo của người Nhật, họ thường chuẩn bị sẵn dép để bạn thay ngay khi đến.
Một số địa điểm thường yêu cầu cởi giày như:
Nhà hàng truyền thống: Thường ở các nhà hàng kiểu truyền thống, họ sử dụng sàn Tatami hoặc các khu vực ngồi bệt (ví dụ như đệm sàn hoặc chỗ ngồi lõm).
Trường học là một trong những địa điểm cần cởi giày trước khi vào lớp học
Trường học: Người Nhật rất chú trọng đến sức khỏe nên khi đến trường, học sinh thường cất giày vào tủ và chỉ sử dụng giày đế mềm để đi trong lớp học.
Nhà tắm công cộng và khu suối tắm nước nóng: Ở Nhật Bản, ngay từ lối vào của tòa nhà, bạn cần phải cởi giày thay vì trong phòng thay đồ. Ngoài ra, nhiều cơ sở kinh doanh suối nước nóng sử dụng chiếu tatami nên cần được giữ sạch sẽ và khô ráo.
Các ngôi chùa: Ở khu vực bên ngoài sân, mọi người vẫn có thể sử dụng giày cá nhân. Tuy nhiên, khi bước vào tòa nhà chính, các khu vực thờ phụng bên trong thường có khu vực riêng để cởi giày và cất chúng gọn gàng.
Cách sắp xếp giày dép sao cho đúng?
Mang vớ sạch, lịch sự, không có lỗ thủng
Sắp xếp đôi giày của bạn gọn gàng ở khu vực huyền quan, trong không gian được cung cấp, hoặc trong các hộc để giày
Nên sắp xếp mũi giày hướng ra cửa, tiện lợi cho việc sử dụng ngay khi cần…