Bạn đã bao giờ nghĩ rằng cuộc sống là một sân khấu lớn, mỗi người đều đóng một vai trò? Có người đóng vai con, cha, mẹ, bạn, thầy, trò… Có người đóng vai bác sĩ, luật sư, kỹ sư, nhà báo, nghệ sĩ, nhà văn… Có người đóng vai giàu có, nghèo khổ, hạnh phúc, đau khổ, thành công, thất bại… Có người đóng vai anh hùng, phản diện, khổng lồ, tiểu nhân, thông minh, ngốc nghếch… Và có người đóng vai chính mình.
“Đời đã trao cho mình vai trò gì để diễn”. Đây là một quan điểm có vẻ tiêu cực ban đầu, nhưng lại mở ra góc nhìn thú vị về sự tự nhận và vai trò của mỗi người. Hãy cùng theo dõi và khám phá quan điểm này, để đánh giá xem liệu con đường này có đẹp và dễ đi hơn không nhé!
1. Chúng ta luôn mong muốn được tham gia diễn xuất:
Trước hết, hãy tìm hiểu tại sao chúng ta luôn mong muốn được tham gia diễn xuất trong cuộc đời. Theo tôi, có hai lý do chính cho điều này. Thứ nhất, để có một mục tiêu trong cuộc sống. Thứ hai, để phát triển và hoàn thiện bản thân.
Thực tế, có rất nhiều người không biết họ đang đóng vai diễn gì trong cuộc sống này: Họ là ai? Họ muốn trở thành người như thế nào? Họ cần thay đổi hay làm gì để trở thành người mình mong muốn? Điều này có thể gây ra sự mất phương hướng, mất động lực, thậm chí là sự trống trải trong tâm hồn. Ngược lại, những người biết mình đang đóng vai diễn gì cảm thấy tự tin hơn, họ biết rõ mục tiêu của mình.
Đó có thể là ước mơ về tương lai, mong muốn trở thành người dẫn dắt học sinh, làm y, bác sĩ đáng tin cậy, hoặc đó là mong muốn thực hiện tốt vai trò trong gia đình hoặc bất kỳ vai trò nào khác mà chúng ta cảm thấy quan tâm và trách nhiệm. Khi có một vai diễn rõ ràng, chúng ta sẽ có mục tiêu, lộ trình để theo đuổi và tiêu chuẩn để tự đánh giá. Điều này sẽ giúp chúng ta có động lực, niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống.
Tuy nhiên, để xây dựng vai diễn của mình, chúng ta cần thời gian để tự nhìn nhận, trò chuyện và hiểu bản thân, cần có kinh nghiệm và tư duy không ngừng hoàn thiện. Điều này đòi hỏi chúng ta phải học hỏi, rèn luyện và thách thức bản thân. Chúng ta cũng cần lắng nghe, quan sát và hiểu người xung quanh để phát triển vai diễn một cách tốt nhất.
Một lợi ích khác của việc diễn một vai diễn là rèn luyện và phát triển bản thân. Vai diễn là một hình tượng, một mẫu người lý tưởng mà khi nhập vào, chúng ta phải thay đổi bản thân để vai diễn ngày càng đạt đến sự hoàn hảo.
Việc nhập vai giúp chúng ta tách biệt cảm xúc và sống ở hiện tại hơn. Mỗi người có thể đảm nhận nhiều vai trò trong cuộc sống: bạn bè, con cái, và chúng ta thường phải thay đổi vai diễn theo tình huống. Nhưng khi chúng ta biết rõ vai diễn của mình và sử dụng chúng hiệu quả, cuộc sống trở nên trọn vẹn hơn.
Diễn một vai diễn không có nghĩa là giả dối hoặc không sống chân thành. Như các diễn viên chuyên nghiệp, chúng ta phải hiểu nhân vật để diễn tốt. Vai diễn phản ánh bản thân và sự phát triển của chúng ta, và mỗi người mang lại một sự độc đáo và sức hút riêng.
Vai diễn vẫn phản ánh bản sắc của người diễn viên, nhưng mỗi người lại đem lại một cảm nhận và phong cách khác nhau, tạo ra một dấu ấn độc đáo. Ví dụ như nhân vật Spider-Man có thể được thể hiện bởi nhiều diễn viên khác nhau, mỗi người mang lại một trải nghiệm mới cho khán giả.
Những nhân vật mà chúng ta muốn thể hiện thường được xây dựng dựa trên những khuyết điểm, những điều mà chúng ta cảm nhận bản thân còn thiếu sót. Mỗi lần diễn vai đó là một cơ hội để rèn luyện và khắc phục những yếu điểm, sự tự ti của chúng ta.
Ví dụ, khi chúng ta cảm thấy áp lực về việc học tập, tham gia vai diễn của người học giỏi giúp chúng ta nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn mới, thay đổi suy nghĩ và tìm ra giải pháp cho bản thân.
Diễn một vai diễn không phải là lừa dối, mà là cách để chúng ta tìm mục đích và hoàn thiện bản thân, vượt qua thử thách của cuộc sống. Hãy tự tin diễn vai diễn của mình vì đó là cách để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Tác giả: Trang Nguyễn