“Một người có thể làm cho chính mình vui vẻ, hoặc khốn khổ, bất kể điều gì đang xảy ra bên ngoài, chỉ bằng cách thay đổi nội dung của ý thức”
― Mihaly Csikszentmihalyi
/ Flow: Tâm Lý Học của Trải Nghiệm Tối Ưu /
(Một người có thể làm cho chính mình vui vẻ hoặc khốn khổ, bất kể điều gì đang xảy ra 'bên ngoài', chỉ bằng cách thay đổi nhận thức của mình)
Chắc chắn mỗi người chúng ta sẽ có những khoảnh khắc tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi “Hạnh phúc là gì? Làm thế nào để đạt được hạnh phúc?” Và ở đây, trong cuốn sách Flow (1990), nhà tâm lý học Mỹ - Mihaly Csikszentmihalyi đã trả lời: hạnh phúc nằm trong ý thức của mỗi người chúng ta, để trở nên hạnh phúc hơn, chúng ta cần thay đổi ý thức của mình, trao cho cuộc sống của mình một cái nhìn mới, tổng thể và sâu sắc hơn.
I. Hạnh Phúc Là Gì?
Vậy để đạt được hạnh phúc trước hết chúng ta cần định nghĩa rõ ràng hạnh phúc là gì? Ralph Waldo Emerson đã từng viết: “Cuộc sống là một hành trình, không phải là điểm đến”. Một cuộc sống hạnh phúc không thể chỉ được định nghĩa bằng những thành tựu như chiếc điện thoại xịn, xe ôtô sang trọng hay nhà cao cấp,... Cuộc sống của chúng ta là một cuộc hành trình, một cuộc phiêu lưu với vô vàn màu sắc, cung bậc cảm xúc: hỉ, nộ, ái, ố. Trong cuộc phiêu lưu đó chúng ta gặp những khó khăn thử thách đòi hỏi ta phải nỗ lực lao động, rèn luyện, học tập để phát triển, để trở nên mạnh mẽ cả về thể chất, tinh thần và tri thức. Trong cuộc phiêu lưu đó chúng ta cũng có thể gặp “những người bạn đồng hành”, họ giúp chuyến hành trình của chúng ta trở nên dễ dàng hơn, không còn cảm giác cô đơn, thậm chí họ còn có thể dạy chúng ta vô vàn những bài học. Một cách dễ hình dung hơn, đó chính là khi bạn xem một trận đấu bóng đá, thứ hấp dẫn và lôi cuốn chúng ta không phải là tỷ số giữa 2 đội, hay đội nào chiến thắng mà chính là sự giằng co trái bóng giữa 2 bên, những cú sút điêu luyện được các cầu thủ thực hiện,...
II. Flow Là Gì?
Chắc chắn các bạn đã có thêm một góc nhìn mới về hạnh phúc rồi phải không nào. Tiếp theo đến với câu hỏi “Vậy làm thế nào để đạt được hạnh phúc?” Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về khái niệm “Flow”. Flow là một từ để chỉ trạng thái hoàn toàn tập trung vào một công việc cụ thể. Khi chúng ta đạt được trạng thái Flow, chúng ta sẽ không còn nhận thức về thời gian, không gian hay bất kỳ tác động xung quanh làm xao lạc - đây chính là trải nghiệm tối ưu mà Csikszentmihalyi đã đề cập trong cuốn Flow của mình. Bạn hãy nhớ lại xem có bao giờ bạn đọc một cuốn sách hay làm một công việc gì đó mà quên hết tất cả mọi thứ đang diễn ra xung quanh mình, thậm chí quên cả việc ăn. Nếu có thì chúc mừng, bạn đã rơi vào trạng thái Flow rồi đó, cảm giác flow này còn được Csikszentmihalyi ưu ái cho rằng đó là thứ cảm giác tuyệt vời nhất mà một người có thể có được.
III. Làm Thế Nào Để Đạt Được Trạng Thái Flow?
Dưới đây là là các bước mà chúng mình đã tìm hiểu được để chúng ta có thể đạt được trạng thái flow.
Bước 1
Chúng ta thường có rất nhiều cảm hứng và động lực khi được làm những công việc mà chúng ta yêu thích. Vậy khi mới bắt đầu tập luyện để đạt được trạng thái flow, chúng ta có thể lựa chọn những hoạt động mà bản thân yêu thích để làm. Tuy nhiên, đừng để những hoạt động yêu thích đó bó hẹp bản thân bạn nhé. Hãy luôn cởi mở, tích cực thử và khám phá những hoạt động mới lạ vì đó là cơ hội giúp chúng ta “mở khóa” những kỹ năng, tri thức mới.
Bước 2
Để tránh lạc đường, chúng ta cần phải có bản đồ. Việc đặt ra mục tiêu và chuẩn bị kế hoạch cụ thể trước khi bắt đầu thực hiện công việc là vô cùng cần thiết, nó giống như một tấm bản đồ giúp chúng ta định hướng và đi thẳng đến đích. Đặt mục tiêu chính là việc bạn xác định điểm đến của mình, và lên kế hoạch chính là việc vẽ ra cách làm thế nào để đến được điểm đến mình mong muốn. Khi chúng ta đã nắm rõ các bước, các quy trình để có thể hoàn thành được công việc và mục tiêu của công việc đó là gì chúng ta sẽ làm việc với một tâm thế tự tin. Chúng ta không còn loay hoay, mông lung không biết đi đâu về đâu hay dừng lại để suy nghĩ xem tiếp theo mình cần làm là gì.
Bước 3
Sau khi hoàn thành xong công việc hoặc 1 phần công việc, chúng ta cần tìm những người có trình độ và hiểu biết rộng hơn chúng ta để họ có thể đánh giá những điểm chúng ta đã làm được, chưa làm được, cần phải làm gì để cải thiện. Từ đó chúng ta hiểu biết hơn về công việc, biết mình chưa tốt ở đâu và phải cải thiện như thế nào. Từ đó ta sẽ không bị chán nản và có động lực hơn để cải thiện bản thân
Bước 4:
Khi bạn được giao một công việc mà nó quá dễ với bạn, bạn đã có nhiều kinh nghiệm điều đó rất dễ gây cho bạn cảm giác chán nản và chủ quan, chính vì vậy bạn rất khó để tập trung và “flow” cùng công việc ấy
Tuy nhiên khi bạn được giao một công việc quá khó so với năng lực hiện tại của bạn, điều ấy sẽ khiến bạn quá sợ hãi và lo lắng, sẽ khiến bạn khó có thể thực hiện tốt công việc và cũng có thể đẩy bạn vào trạng thái stress khi phải “cố” trong một khoảng thời gian
Để bạn có thể thoải mái sử dụng sự sáng tạo, chất xám của mình vào trong công việc hãy lựa chọn những công việc bạn thấy phù hợp với năng lực của mình, không quá dễ nhưng cần một chút thử thách để bạn có thể vừa cảm thấy tự tin, vui vẻ, vừa tò mò và hào hứng khi thực hiện nó.
Bước 5:
Để hoàn toàn có thể tập trung hoàn thành công việc, chúng ta cần lựa chọn không gian và thời gian phù hợp. Ta không thể nào không bị xao nhãng nếu không gian xung quanh của chúng ta có quá nhiều người, quá nhiều tiếng động, hay chiếc điện thoại cứ liên tục thông báo. Trước khi bắt đầu để bước vào trạng thái flow bạn hãy lựa chọn những nơi đủ yên tĩnh, không có ai làm gián đoạn, tắt hoặc để điện thoại ở xa. Ngoài ra, bạn cũng nên lựa chọn làm việc vào khoảng thời điểm bạn thấy bản thân mình tỉnh táo, và năng suất nhất và hãy nhớ ăn uống đầy đủ để không bị tụt huyết áp khi làm việc bạn nhé! Với một không gian và khoảng thời gian lý tưởng bạn sẽ đi vào trạng thái flow mà không có bất cứ yếu tố nào làm gián đoạn nó.
IV. Lợi ích flow đem lại:
Tại sao flow lại được tác giả Csikszentmihalyi ca ngợi đến như vậy? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những lợi ích mà ta có được khi đạt được trạng thái flow.
1. Đem lại mức độ hiệu quả cao hơn trong công việc.
Khi ở trong trạng thái flow, chúng ta sẽ tập trung hoàn toàn vào công việc từ đó chúng ta sẽ thực hiện công việc đó với thời gian nhanh hơn, mà không gặp phải sự gián đoạn nào. Đồng thời nó cũng đem lại chất lượng tốt hơn vì chúng ta đã dồn hết 100% công lực của mình vào việc đó. Đặc biệt là với học sinh, sinh viên chúng ta, khi chúng ta tập trung 100% cho việc học, chắc chắn chúng ta sẽ tiếp thu những kiến thức ấy một cách nhanh hơn, dễ dàng hơn và nhớ được lâu hơn.
2. Nâng cao kỹ năng và kiến thức.
Như đã đề cập ở trên, flow không khuyến khích chúng ta lựa chọn những công việc quá dễ dàng vì sẽ gây ra sự nhàm chán. Ta nên lựa chọn những công việc có mức độ thử thách nhất định để đem lại sự tò mò, hứng thú cho bản thân. Việc đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực và học hỏi thêm kiến thức mới và trong quá trình flow ta sẽ tìm ra cách thức làm việc, học tập hiệu quả hơn.
Ngoài ra flow cũng đòi hỏi chúng ta phải đi tìm những “feedback” cho công việc của mình. Khi ta nhờ người khác đánh giá về công việc của mình; những lời nhận xét, góp ý mà họ đưa ra sẽ giúp chúng ta nhìn thấy được “điểm mù” của bản thân - những điều bản thân chưa hoàn thiện, những kiến thức hay mà ta chưa biết.
3. Giảm căng thẳng, mệt mỏi.
Khi rơi vào flow chúng ta đắm chìm với công việc của mình, vì chúng ta đã lên kế hoạch trước cho nó rồi nên ta sẽ không còn lo lắng xem bước tiếp theo phải làm là gì, lúc này chúng ta chỉ cần làm theo đúng những gì mà chúng ta đã hoạch định ra với tâm thế chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thành nó.
4. Đem lại niềm vui, sự hạnh phúc.
Chúng ta đạt được flow khi ta làm công việc chúng ta thích, ta biết khi ta làm xong nó sẽ như thế nào, ta biết cách thức để hoàn thành công việc đó, ta biết nó nằm trong khả năng của chúng ta, ta làm nó trong một môi trường thuận lợi và phù hợp, vậy chắc chắn ta sẽ thành công. Ta hạnh phúc vì ta được làm thứ ta thích và ta biết nó đem lại giá trị và nâng tầm cho bản thân chúng ta.
Hãy nhận thức rõ điều gì đem lại được giá trị, niềm vui, niềm hạnh phúc cho chúng ta và hãy lựa chọn làm điều đó; để bạn luôn cảm thấy những việc chúng ta đang làm là có ý nghĩa, để luôn yêu thương và vui vẻ với những gì chúng ta đang có và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn từng phút từng giây.
Tác giả: Thu Trang