Đây là một vật dụng cực kỳ cần thiết khi xe gặp sự cố hoặc dừng đỗ xe trên cao tốc, nhưng nhiều tài xế không chú ý, vì thế có thể gây ra hậu quả đáng tiếc.
Thứ quan trọng đó là tam giác phản quang.
Có thể nói, tai nạn giao thông trên cao tốc trong quá trình dừng đỗ xe ô tô không còn là hiếm. Một trong những nguyên nhân chính là do nhiều tài xế không sử dụng tam giác phản quang khi dừng đỗ.
Trên đường cao tốc, tốc độ tham gia giao thông của các phương tiện rất lớn, thời gian để người tham gia giao thông nhận biết và xử lý tình huống chỉ được tính trong tích tắc, vì thế nhiều tai nạn đã xảy ra khi tài xế không kịp tránh các xe đang dừng đỗ ở bên đường.
Vụ tai nạn kinh hoàng năm 2016 trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là một ví dụ điển hình. Theo đó, nguyên nhân ban đầu được xác định do tài xế khi dừng xe trên đường cao tốc để thay lốp đã chiếm một phần đường xe chạy, nhưng không đặt biển cảnh báo nguy hiểm. Mặc dù người còn lại đứng ngoài làm nhiệm vụ cảnh báo nhưng khi xe bồn chở xăng đi tới đã không quan sát được xe đang dừng đỗ nên tông thẳng vào.
Gần đây nhất là vụ tai nạn giữa xe khách và xe tải trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn tối 10/3/ 2024, nguyên nhân ban đầu được xác định cũng là do xe tải khi dừng đậu trên đường cao tốc đã chiếm một phần đường xe chạy và đỗ xe nhưng không đặt báo hiệu cảnh báo nguy hiểm theo quy định.
Ảnh minh họa
Tam giác phản quang là gì? Ích lợi như thế nào?
Biển tam giác cảnh báo dành cho xe hơi là biển cảnh báo sự cố khi xe dừng, đỗ giữa đường do hỏng hóc, trục trặc về máy móc, giúp người lái xe khác từ phía sau nhận biết và xử lý tình huống kịp thời, bảo đảm an toàn giao thông cho mọi người.
Trên thị trường, biển tam giác phản quang được bán với giá trên 80.000 đồng tùy vào chất liệu sử dụng.
Ảnh: Kisama
Đối với lái xe, khi chiếc xe gặp vấn đề trên đường cao tốc sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt là vào ban đêm hoặc khi phải dừng đỗ. Nguy hiểm sẽ tăng lên nếu những xe khác đang di chuyển với tốc độ cao không nhận ra bạn đang dừng đỗ. Do đó, việc sử dụng tam giác phản quang để cảnh báo khi dừng đỗ xe trên đường cao tốc trở nên cực kỳ quan trọng, giúp các phương tiện khác có thể nhận biết và phát hiện từ xa. Theo các tài xế, tam giác phản quang giống như 'bùa hộ mệnh' mỗi khi dừng đỗ xe trên đường, đặc biệt là vào ban đêm.
Hướng dẫn cách đặt tam giác phản quang khi xe gặp sự cố
Khi gặp sự cố phải dừng đỗ xe bên đường, việc đầu tiên là mở nhanh nắp hộp chứa tam giác phản quang, mở to các chân để đặt ở phía sau xe với khoảng cách phù hợp để người tham gia giao thông có thể dễ dàng nhận biết và chuyển làn.
Theo báo Tuổi trẻ, trường hợp xe hỏng vào ban đêm buộc dừng ngay trên đường cao tốc đã được hướng dẫn cụ thể trong cuốn Giáo trình kỹ thuật lái xe (NXB Giao thông vận tải, 2018, trang 89-90).
Khi xe gặp sự cố kỹ thuật trên đường cao tốc, tài xế cần bật tín hiệu đèn khẩn cấp, kiểm tra an toàn xung quanh, sau đó đưa xe vào làn dừng đỗ khẩn cấp (lưu ý khi đi trên đường nhiều làn thì chuyển làn một cách an toàn), đặt biển báo hiệu khẩn cấp để cảnh báo cho các phương tiện khác.
Khoảng cách tối thiểu để đặt biển báo hiệu khẩn cấp khi gặp sự cố là 100m vào ban ngày và 200m vào ban đêm. Biển báo hiệu nguy hiểm cần đặt phía sau xe khi đi một chiều và cả phía trước và phía sau xe khi đi hai chiều.
Bạn cần ngay lập tức bật đèn cảnh báo nguy hiểm khi đi vào làn dừng xe khẩn cấp trên cao tốc.
Theo đại diện Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT), gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông trên đường bộ trong khoảng thời gian từ 19h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, đặc biệt là ở những điểm đường có đoạn cong cua, hạn chế tầm nhìn và một số đoạn tuyến cao tốc chưa được trang bị làn dừng xe khẩn cấp và hệ thống đèn chiếu sáng.
Để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, Phòng Hướng dẫn Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt (Cục CSGT) khuyến khích và yêu cầu người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của luật giao thông đường bộ như tránh, vượt xe đúng quy định, đi đúng phần đường, làn đường, tuân thủ tốc độ quy định, không vi phạm nồng độ cồn, ma túy khi điều khiển phương tiện…
Cục CSGT đề xuất các chủ xe trang bị tối thiểu 3 chiếc nón bảo hiểm hoặc 3 biển tam giác phản quang cho mỗi phương tiện. Khi gặp sự cố, các tài xế cần đặt ngay nón bảo hiểm hoặc biển tam giác phản quang phía sau xe, để cảnh báo với khoảng cách tối thiểu là 50m trên đường quốc lộ và 100m trên tuyến cao tốc.
'Các chủ xe cần trang bị cho lái xe, phụ xe áo phản quang để mặc khi xử lý sự cố trên đường trong điều kiện trời tối, sương mù và ban đêm', đại diện Cục CSGT nói thêm.
Nguồn: VTV