Trong vài năm qua, tôi đã âm thầm trở thành người hướng dẫn (mentor) cho nhiều bạn trẻ xin học bổng thạc sỹ từ các quốc gia phát triển. Nhờ vậy, tôi đã có dịp đọc, đánh giá và chỉnh sửa nhiều bài luận xin học bổng (Tuyên bố Mục Đích). Tôi nhận thấy một vấn đề phổ biến trong nhiều bài luận là thiếu sự rõ ràng và mạch lạc. Nói một cách khác, viết rõ ràng là một kỹ năng mà nhiều người trong chúng ta vẫn chưa hoàn thiện và cần cải thiện.
Viết rõ ràng (viết một cách sáng tỏ) là gì? Và tại sao viết rõ ràng lại quan trọng đến vậy?
Có nhiều phương pháp để viết một cách sáng tỏ và mạch lạc như sử dụng từ vựng/mẫu câu đơn giản ngắn gọn, không trì hoãn mà trực tiếp đi vào vấn đề mà bạn muốn truyền đạt, sử dụng câu chủ động thay vì câu bị động, tránh sử dụng quá nhiều thuật ngữ chuyên môn, v.v. Tuy nhiên, tôi nhận ra, ngay cả đối với nhiều bạn có trình độ tiếng Anh rất tốt, việc viết rõ ràng và mạch lạc vẫn có thể là một thách thức. Tại sao lại như vậy?
Thiếu sự chú ý đến độc giả khi viết
Bài viết này sẽ tập trung vào một khía cạnh khác. Đó là, phần lớn các bài viết thiếu sự rõ ràng, vì người viết không đặt mình vào vị trí của độc giả (hoặc chính là ban giám khảo) khi viết bài luận. (Các phương pháp khác như sử dụng từ ngữ, cấu trúc câu, v.v. đã được nhiều người đề cập rồi, vì vậy trong bài viết này tôi sẽ không đi vào chi tiết!)
Để viết một bài luận rõ ràng, ta cần luôn suy nghĩ về độc giả, đặt mình vào vị trí của họ và tự hỏi, “Có gì trong câu này, đoạn này khiến người đọc hiểu nhầm ý của mình không?”. Có thể bạn đang tự hỏi, “Tại sao tôi phải quan tâm đến người đọc khi bài luận là về bản thân tôi?”.
Thực ra, viết về chính bản thân mình đòi hỏi ta càng phải nghĩ về người đọc. Ta không muốn họ hiểu nhầm về con người mà ta muốn mô tả trong bài luận. Ta muốn đảm bảo rằng, nếu một trải nghiệm nào đó có ý nghĩa với sự phát triển cá nhân của ta, người đọc cũng cảm nhận được điều đó một cách rõ ràng. Ta muốn đảm bảo rằng, nếu ta muốn tạo ra hình ảnh một ứng viên chủ động, thông minh, chuyên nghiệp, thì họ cũng nhìn thấy những phẩm chất đó trong bài luận.
Tại sao nhiều người viết không suy nghĩ về người đọc khi viết?
Nguồn ảnh: Canva.com
Những bài luận thiếu rõ ràng thường do người viết giả định rằng: Độc giả (hoặc ban giám khảo) hiểu biết rõ về các khái niệm như hệ thống giáo dục, chính trị, công việc, và chuyên môn của ta. Và vì họ nghĩ rằng người đọc cũng hiểu những điều này, nên họ thường không cố gắng giải thích hoặc cung cấp thêm ví dụ để minh họa ý của mình.
Thực ra, điều này hoàn toàn dễ hiểu. Chúng ta thường cho rằng thế giới của chúng ta cũng là thế giới của mọi người. Nhưng thực tế, ít người thật sự hiểu rõ về thế giới của chúng ta (chỉ có số ít người mà chúng ta tiếp xúc thường xuyên thôi!)
Khi viết luận xin học bổng, hãy luôn nhớ rằng: Hội đồng tuyển chọn (người đọc của bạn) sống trong một thế giới hoàn toàn khác, với trình độ học vấn, nền văn hoá, xã hội, chính trị, và giá trị cuộc sống có thể hoàn toàn khác biệt so với bạn. Tôi cho rằng, đây là một giả định hợp lý!
Ví dụ, các bài luận xin học bổng thạc sỹ Chevening của chính phủ Anh được xem xét bởi một hội đồng độc lập, sinh sống ở London. Bạn nghĩ, “người đọc” này hiểu biết bao nhiêu về Việt Nam, trường học của bạn, hệ thống giáo dục, công việc của bạn, v.v.?
Việc giả định rằng hội đồng tuyển chọn không hiểu gì về thế giới của bạn giúp bạn viết bài luận một cách rõ ràng như thế nào?
Thứ nhất, tâm thế này sẽ giúp bạn làm nổi bật những hoạt động, kinh nghiệm, trải nghiệm quan trọng trong quá trình học tập của bạn.
Một lần, tôi đọc một bài luận, người viết tự hào vì được bầu làm bí thư đoàn trường khi còn là sinh viên Đại học. Tôi góp ý rằng, không nên sử dụng từ “bí thư”, hoặc nếu sử dụng thì cần giải thích ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, người viết không đồng ý, vì “thành tựu này rất quan trọng với em”.
Tôi hỏi người viết liệu họ nghĩ người đọc có hiểu được tầm quan trọng của vị trí ấy không. Họ nghĩ độc giả có hiểu về hệ thống trường lớp, chính trị của chúng ta không? Người đọc bài của họ chắc chắn sống trong một hệ thống khác. Trong trường hợp này, để độc giả cảm nhận được thành tựu của họ, họ có thể xem xét sử dụng cụm từ “Một lãnh đạo của Tổ chức Thanh niên/Hội Sinh viên trường Đại học X”, kèm theo giải thích về những kỹ năng, phẩm chất và thành tích trong học tập mà họ đã đạt được. Lưu ý, hãy nhấn mạnh những kỹ năng, phẩm chất mà học bổng đang tìm kiếm.
Thường xuyên tôi bật cười khi đọc bài luận của các bạn, 'Tôi đã tốt nghiệp từ trường Đại học X, được xem là trường đứng đầu/tốt nhất/chất lượng nhất ở Việt Nam'. Và chỉ dừng lại ở đó. Bạn nghĩ độc giả đã đánh giá hệ thống giáo dục của chúng ta đến mức nào để phải kinh ngạc khi biết bạn đến từ trường Đại học hàng đầu không? Câu này còn khiến độc giả phải tự hỏi:
(1) Vì bạn học ở trường Đại học hàng đầu, nên bạn chắc chắn đã có những kỹ năng và phẩm chất mà học bổng đang tìm kiếm; (2) Một sinh viên tốt nghiệp từ trường hàng đầu, thì hiển nhiên.... cũng là ứng viên xứng đáng nhất để được chọn.
Thực tế, câu trên không mang lại bất kỳ thông tin tích cực nào cho bản thân bạn, vì đơn giản là nó không chứa bất kỳ thông tin hữu ích nào, ngoại trừ việc cho người đọc biết bạn đã tốt nghiệp từ trường nào. Trong việc viết luận, tránh những từ ngữ 'rỗng' như hàng đầu, chất lượng nhất, bởi vì độc giả có thể có quan điểm về một 'trường Đại học hàng đầu' khác nhau.
Trong trường hợp này, chỉ cần nói rằng bạn đã tốt nghiệp từ trường Đại học X chuyên ngành Y. Sau đó, nhấn mạnh rằng bạn đã học được những kỹ năng, kiến thức và phẩm chất mà học bổng đòi hỏi.
Tôi thường khuyên các bạn, khi xem xét lại bài viết, hãy đọc kỹ từng câu và tự hỏi: Liệu câu này có mang lại giá trị cho cả đoạn văn, cho toàn bài không? Liệu độc giả có hiểu đúng ý mình muốn truyền đạt không?
Thứ hai, luôn luôn nghĩ về độc giả khi viết sẽ giúp bạn làm nổi bật những trải nghiệm thú vị nhưng mới lạ đối với người đọc bên ngoài
Nguồn hình ảnh: dreamstime.com
Tôi đã có cơ hội làm việc với nhiều bạn trẻ tham gia vào những công việc thú vị, nhưng bài luận của họ thường không làm nổi bật sự thú vị đó. Lý do chủ yếu là vì họ chỉ... liệt kê tên công việc, vị trí, hoặc các hoạt động liên quan mà không giải thích thêm.
Một bạn chia sẻ với tôi về hoạt động 'community mapping' rất ý nghĩa và thú vị. Tuy nhiên, trên bài luận, khi đề cập đến hoạt động này, họ chỉ viết 'community mapping', không giải thích thêm. Tôi tin rằng người đọc sẽ không hiểu hoặc hiểu rất ít về công việc này. Để giúp người đọc hiểu được sự thú vị của hoạt động này, bạn cần bổ sung thêm một số giải thích.
Hoặc có nhiều bài luận sử dụng rất nhiều thuật ngữ chuyên ngành mà chỉ có những người làm cùng ngành mới hiểu. Chúng ta cần nhận ra rằng, do làm công việc hàng ngày và tiếp xúc thường xuyên với những người giống mình, chúng ta có thể cho rằng mọi người đều hiểu công việc và thuật ngữ chuyên môn của mình. Tuy nhiên, thế giới rất rộng lớn và số người không hiểu về chuyên ngành và công việc của chúng ta nhiều hơn rất nhiều so với số người hiểu. Và người đọc bài luận của bạn, tiếc thay, thuộc trường hợp đầu tiên đó!
Lời khuyên mà tôi muốn chia sẻ với bạn là sau khi hoàn thành bài luận, hãy gửi cho bạn bè để họ đọc và nhận xét. Đừng nhờ những người sống trong thế giới của bạn - những người cùng công ty, cùng ngành nghề, những người hiểu rõ bạn đang làm gì. Hãy gửi cho những người hoàn toàn không quen biết bạn, những người không hiểu về công việc và chuyên môn của bạn.
Hãy hỏi họ những câu hỏi sau: “Sau khi đọc bài của tôi, (1) có đoạn nào bạn thấy không rõ ràng không? (2) có cụm từ nào/ý nào tôi cần giải thích thêm không?, và (3) tôi muốn xây dựng hình ảnh một ứng viên (ví dụ) chuyên nghiệp, tiến bộ, ham học hỏi…bạn có thấy tôi đã làm được như vậy qua bài viết không?”
Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog! Chúc bạn may mắn và thành công trong việc xin học bổng.
Trương Thanh Mai