Ghét một ai đó là trạng thái tạo ra nhiều cảm xúc đối lập. Giống như khi uống một chai nước rất ngọt, mang lại cảm giác hả hê, thỏa mãn, cao thượng hơn khi dùng lý lẽ, lập luận 'rất hợp lý' để phán xét hành vi của một ai đó. Nhưng dần dà, nước ngấm vào thân và bạn mới phát hiện, chai nước ấy có độc.
Đầu tiên, 'độc tố' khiến bạn ghiền, phải uống thêm cũng giống như việc đã lỡ ghét ai đó thì khó quay đầu lại mà thích người ta, vì như vậy chẳng khác nào thừa nhận bản thân đã định kiến và đánh giá vội vàng như thế nào. Để rồi, bạn kết nối những sự việc đơn giản, rời rạc, bộc phát để tạo nên một 'truyền kỳ' đầy hấp dẫn, vững chắc để 'bơm' thêm thuốc độc vào bản thân.
Nếu không phải gặp người mình ghét thường xuyên, thứ độc đó chỉ có tác dụng nhất thời và dần phai mờ qua thời gian. Tuy nhiên, nếu phải liên tục đối diện với người mình không ưa trong thời gian dài nghĩa là dùng 'độc dược' đều đặn và tích lũy qua ngày tháng, tâm trí chúng ta sẽ trở nên héo mòn, chai sạn và liên tục bị dày vò bởi những điều tiêu cực, bất như ý cứ hiển hiện trước mắt.
Khi hỏi, chúng ta rất dễ dàng đổ lỗi cho đối phương. Tuy nhiên, ít ai nhận ra được rằng, hành động của đối phương không thể tác động đến tâm trí chúng ta, nếu không được chính chúng ta 'mở lối mời vào'. Hay nói cách khác, 'thuốc độc' do chúng ta tự uống, chứ chẳng ai ép cả.
Giữa vòng xoáy của trách nhiệm và áp lực cuộc sống, mỗi người bị cuốn vào một vòng xoáy bất tận yêu cầu liên tục phải tranh đấu, nỗ lực và đứng vững nếu không muốn bị quật ngã. Giữa những nỗ lực để bám trụ đó, chúng ta tự biến mình thành một 'tảng đá' thô cứng. Một cách tự nhiên, chúng ta dùng góc nhìn của mình để đánh giá mọi thứ xung quanh. Dù rằng dễ dàng nói ra người khác cần làm gì, chúng ta lại ít để ý việc mình cần làm với cuộc sống của mình. Dần dà, cái tôi ảo tưởng được thổi phồng bởi một cuộc sống an toàn, đều đặn và đúng quy chuẩn khiến chúng ta bị dính mắc vào một sự 'vẹn toàn không có thực' của chính mình. Để rồi, mỗi khi nghe đến lời góp ý, đánh giá, nhận xét mà không đúng với ý muốn của bản thân, chúng ta lập tức cảm thấy bị tổn thương, 'sứt mẻ'. Mà khi đã chạm đến một điểm đáy cảm xúc, chúng ta dùng 'ghét bỏ' như một cách để hạ bệ quan điểm và hạ thấp đối thương để bảo vệ 'lòng tự tôn' của mình.
Vậy cảm giác không ưa ai đó đến từ đâu? Không kể đến việc gây tổn thương hay hại nhau, mình nghĩ cảm giác ghét bỏ một ai đó hay một điều gì đó đến từ các khái niệm nhị nguyên, đúng - sai mà chúng ta đã được dạy từ nhỏ. Những bài học từ người đi trước hay quan điểm tự học hỏi, tóm tắt chúng ta gán ghép như một hệ quy chiếu cho mọi sự việc, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống.
'Bạn lái xe ngược chiều. Điều này là vi phạm luật giao thông rồi.
Cách làm việc không minh bạch với mục tiêu lợi ích cho bản thân là 'không đẹp' trong môi trường công sở.
Yêu cầu phải hoàn thành bài tập trước 12H mà giờ vẫn chưa nộp nghĩa là bạn không tôn trọng lớp học.'
Nhưng một sự thật là, con người ai cũng 'tìm lý do' cho mọi hành động của mình.
'Tôi đi ngược chiều vì sắp trễ giờ làm rồi, hôm nay có buổi họp quan trọng.'
Tôi tập trung vào lợi ích vì tôi có mẹ già và con thơ cần chăm sóc.
Chẳng ai muốn làm bài tập trễ nhưng nhiều việc quá nên tôi phải chấp nhận.
Trong cuộc sống, ít khi chúng ta sẵn sàng lắng nghe để hiểu được khó khăn của người khác. Thường khi gặp vấn đề, chúng ta quan tâm đến cách giải quyết bề ngoài mà không để ý đến nguyên nhân và cách khắc phục tận gốc.