Bàn phím trên các máy MacBook Pro mới sử dụng lẫy phím hình cánh bướm, nhưng dễ hỏng hơn nếu bụi bẩn xâm nhập vào dưới các nút bấm.
Apple đã chuyển từ bàn phím thông thường sang loại bàn phím mới với lẫy hình cánh bướm từ chiếc MacBook Pro năm 2016 để giảm độ dày của máy.
Tuy nhiên, dữ liệu từ dịch vụ chăm sóc khách hàng Apple Genius Bar và các cửa hàng sửa chữa bên thứ ba cho thấy tỉ lệ hỏng của loại bàn phím 'bướm' này cao gấp đôi so với loại bàn phím chuẩn trước đó trên các MacBook Pro.
Ví dụ, MacBook Pro 2014 đã được bảo hành 2.120 lần, trong đó có 118 lần liên quan đến bàn phím. Số liệu tương tự cho MacBook Pro 2015 là 1.904 lần bảo hành và 114 lần liên quan đến bàn phím. Đến MacBook Pro 2016, trong số 1.402 lần bảo hành, có 165 lần liên quan đến bàn phím, không tính các vấn đề với Touch Bar. Tỉ lệ hỏng bàn phím của MacBook Pro 2014 là 5,6%, 2015 là 6%, và đột ngột tăng lên 11,8% đối với 2016. Mặc dù số liệu năm 2017 chưa đầy đủ, trong nửa đầu năm đó, đã có 94 trường hợp lỗi bàn phím trong số 1.161 lần bảo hành.
So sánh giữa lẫy 'bướm' trên MacBook Pro 2016 và lẫy 'kéo' trên các đời máy trước đó
Tỉ lệ hỏng cao gấp đôi là một vấn đề đáng lưu ý, nhưng việc tỉ lệ tái hỏng ngày càng tăng cũng cho thấy thiết kế của Apple có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự thất bại của loại bàn phím mới này. Trong số 118 lần sửa chữa bàn phím của MacBook Pro 2014, có 8 trường hợp phải sửa lần thứ hai chỉ trong 90 ngày. Đối với MacBook Pro 2015, con số này là 6 trường hợp. Không có trường hợp nào cần sửa lần thứ ba đối với cả hai mẫu máy.
Sau khi được tái thiết kế vào năm 2016, có tới 51 trường hợp bàn phím cần phải được sửa lần thứ hai, trong đó có 10 trường hợp cần phải sửa lần thứ ba trong vòng 90 ngày. Đối với mẫu 2017, có 17 trường hợp sửa lần thứ hai và 3 trường hợp sửa lần thứ ba.
Cơ chế bàn phím trên các mẫu MacBook Pro 2016 và 2017 cũng khiến chi phí sửa chữa trở nên rất đắt đỏ. Nếu bàn phím gặp vấn đề, bạn sẽ phải thay 'toàn bộ' - bao gồm cả bàn phím, pin, vỏ máy và các cổng Thunderbolt 3. Nếu không may hết hạn bảo hành, việc thay bàn phím một mình sẽ mất tới 700 USD, trong khi chi phí sửa chữa tại cửa hàng chính hãng cho các mẫu 2014 và 2015 chỉ là 400 USD.
'Chúng tôi không biết có bao nhiêu trường hợp hỏng GPU trên các mẫu MacBook Pro từ 2011 đến 2013 đã buộc Apple phải thực hiện can thiệp, cũng như điều gì đã khiến hãng phải kéo dài chương trình sửa chữa khẩn cấp. Nhưng tỉ lệ hỏng bàn phím tăng gấp đôi chỉ sau một năm kể từ khi MacBook Pro 2016 ra mắt thật sự là một cú shock đối với người dùng, và ai cũng muốn biết lí do tại sao' - Apple Insider đã phát biểu.
Với bàn phím 'bướm' mới dễ hỏng hơn và chi phí sửa chữa cao hơn, có lẽ bạn nên xem xét các dòng laptop khác nếu bạn đang tính mua laptop thay thế cho MacBook và MacBook Pro.
Tham khảo: DigitalTrends