TPO - Cuộc chiến dành hình ảnh lớn nhất từ trước đến nay do các tổ chức bảo tồn thực hiện tại 21 khu rừng ở Việt Nam đã ghi nhận hình ảnh một số loài động vật quý hiếm, bí ẩn, rất khó bắt gặp ngoài tự nhiên.
Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ chính vừa công bố kết quả điều tra bằng bẫy ảnh lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam.
Để ghi nhận hình ảnh các loài vật trong rừng sâu, dự án đã thiết lập 1.176 điểm bẫy ảnh tại 21 khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trên địa bàn 8 tỉnh, thành.
Loài cầy vằn đã được ghi nhận tại VQG Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một trong những loài cầy quý hiếm nhất thế giới, sống rải rác từ miền Bắc đến miền Trung của Việt Nam, Lào và phía Nam Trung Quốc.
Bẫy ảnh đã ghi nhận được một quần thể chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Đây là một loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm, đang trong tình trạng cực kỳ nguy cấp tại Việt Nam. Bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng là nơi ghi nhận quần thể chà vá chân nâu lớn nhất hiện nay.
Một cá thể gấu chó đã được ghi nhận tại rừng phòng hộ Tây Giang. Từng là loài có phạm vi phân bố rộng ở Việt Nam, đến nay số lượng cá thể gấu chó ngoài tự nhiên rất hiếm, phạm vi phân bố cũng thu hẹp nhiều.
Tại VQG Vũ Quang, đã ghi nhận một cá thể mang lớn. Vào năm 1994, lần đầu tiên, một cá thể mang lớn được ghi nhận tại Việt Nam, đồng thời là một loài mới được phát hiện trên thế giới. Loài này rất quý hiếm, có giá trị quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gen và được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp.
Theo Ban quản lý dự án, kết quả của đợt bẫy ảnh cho thấy, mặc dù động vật hoang dã đã giảm sút nghiêm trọng ở 21 khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, nhưng mức độ đa dạng sinh học vẫn tương đối cao, với 9 loài đặc hữu và 21 loài đặc hữu của dãy Trường Sơn. Các loài quý hiếm như mang lớn và gấu chó cũng đã được phát hiện, góp phần cung cấp thông tin về chúng ở Việt Nam trong 20 năm qua.
Giai đoạn hai của dự án đang được triển khai tại 21 khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, nhằm đánh giá xu hướng đa dạng sinh học ở các khu vực thực hiện dự án. Dự kiến đợt bẫy ảnh thứ hai sẽ kết thúc vào năm 2025.