Tiết Hạ Chí đã qua và tiết Tiểu Thử của năm nay đã bắt đầu. 'Thử' ở đây biểu thị cho nắng và khí nóng. Vậy thời tiết trong giai đoạn này sẽ như thế nào?
Đang là mùa hè nóng bức ở hầu hết các tỉnh thành của nước ta. Theo lịch trình truyền thống của các nền văn minh phương Đông cổ điển, được áp dụng tại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản…, thì thời tiết nóng bức vào thời điểm này chính là Tiểu Thử.
Tiết Tiểu Thử - 'tiểu' mang ý nghĩa nhỏ, còn 'thử' biểu thị cho nắng và khí nóng. Tiểu Thử được hiểu là 'nóng nhẹ'. Tiết này đánh dấu sự thay đổi thời tiết, bắt đầu giai đoạn nóng nhất trong năm: Nhiệt độ tăng, trời nóng hơn, mặc dù vẫn chưa đến đỉnh điểm nóng nhất. Thời tiết đặc trưng của tiết này là nóng ẩm, đôi khi có mưa dông và mưa đá.
Tiết Tiểu Thử được hiểu là "nóng nhẹ", nhưng ngoài trời vẫn rất nóng. Trong ảnh là người dân ở thành phố Saitama (Nhật Bản) trong một đợt nóng tháng 7. Ảnh: Kyodo.
Trong tiết Tiểu Thử, nhiệt độ và độ ẩm cao khiến con người dễ mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng. Do đó, các tài liệu lịch sử khuyên rằng trong giai đoạn này nên ăn nhiều rau củ và trái cây, tránh đồ ăn cay và nhiều dầu mỡ, nếu có thể nên tránh ra ngoài nắng.
Những ngày này, thời tiết ở nhiều khu vực của nước ta cũng rất nóng. Chiều nay, ngày 7/7, nhiệt độ tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành lân cận đều từ 41 đến 42 o C (nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời). Dự báo ngày mai sẽ tương tự hoặc nóng hơn một chút.
Nhiều địa phương ở Đông Á đều đang trải qua thời tiết rất nóng. Ví dụ, ngày hôm qua, 6/7, Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận nhiệt độ không khí cao nhất là 34 o C, nhiệt độ cảm nhận lên đến 38 o C, bằng kỷ lục về ngày nóng nhất trong tiết Tiểu Thử từng được thiết lập vào năm 2016.
Hệ thống các tiết khí được coi là cách tính rất tinh vi, đánh dấu chính xác các mốc thời gian quan trọng, đã được UNESCO ghi nhận vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể.
Tiết khí Tiểu Thử sẽ kéo dài đến ngày 21/7, sau đó sẽ là thời gian nóng hơn.