Trong khi những người thực sự gặp khó khăn về tinh thần trong cuộc sống hàng ngày, trên không gian ảo lại xuất hiện nhiều 'chuyên gia' tự xưng, phát ngôn, tư vấn, thậm chí tự chẩn đoán về tâm lý trực tuyến.
Minh họa: Báo Boston Globe
Theo khảo sát được công bố vào tháng 2 bởi Công ty nghiên cứu và tư vấn thị trường Hall & Partners, hơn 59 triệu người Mỹ đã tìm kiếm lời khuyên về sức khỏe từ những người có ảnh hưởng trên TikTok và Instagram.
Xu hướng rõ ràng đặc biệt ở thế hệ trẻ, với 1/3 thế hệ Z và hơn 1/4 thế hệ Y chuyển sang các nền tảng này để hiểu rõ hơn về các vấn đề tâm lý và các tình huống khó khăn về sức khỏe. Trái lại, chỉ có 5% người thuộc thế hệ X chọn lựa cách này.
Các video dài một phút hoặc bài viết ngắn gọn không đủ để giải quyết mọi vấn đề phức tạp và có thể tạo ra sự xác nhận thiên kiến - xảy ra khi một người đã có một quan điểm hoặc niềm tin và tìm kiếm thông tin để xác nhận nó, có thể dẫn đến những nhận định về sức khỏe không đáng tin cậy.
Ngoài ra, tự chẩn đoán dựa trên lời khuyên trực tuyến cũng không cung cấp cái nhìn toàn diện về tình hình và thách thức riêng của mỗi người.
Lắng nghe trải nghiệm của người khác,
đừng tự chẩn đoán.
Là người dùng của TikTok, Andrea Tarantella, một chuyên gia tư vấn được cấp phép tại Mỹ, thường xuyên gặp phải các vấn đề về tâm thần được chia sẻ và thảo luận trên nền tảng này.
'Những lời khuyên dựa trên kinh nghiệm cá nhân và chỉ là câu chuyện thường làm đơn giản hóa quá mức vấn đề về tâm thần phức tạp. Nhiều người xem những nội dung này và sau đó tự đặt ra những chẩn đoán cho bản thân như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hoặc tự kỷ' - cô nói với Medical News Today.
Mặc dù ở một khía cạnh nào đó, những câu chuyện cá nhân có thể là sự thật, nhưng các chuyên gia nhấn mạnh rằng chúng không nên được áp dụng phổ quát hay làm cho mọi người hiểu lầm là 'chắc chắn sẽ xảy ra'.
Trả lời kênh CNBC-TV18, tiến sĩ Sangeetha Reddy, một nhà tâm lý học tư vấn ở Hyderabad (Ấn Độ), cho rằng suy nghĩ thông thường của người xem là nếu người A đang trải qua điều gì đó mà họ cũng trải qua thì cả hai đều gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần giống nhau, hoặc nếu người A đưa ra lời khuyên thì việc làm theo cũng có thể giúp ích cho họ. Nhưng điều này không đúng. Tiến sĩ Reddy nhấn mạnh tuyệt đối không nên tự chẩn đoán dựa trên kinh nghiệm cá nhân của người khác.
Tiến sĩ Alex Dimitriu, một chuyên gia tâm thần học, cảnh báo việc tự chẩn đoán và tự quyết định kế hoạch điều trị dựa trên tư vấn trực tuyến, có tính trải nghiệm cá nhân hoặc thương mại, có thể làm trì hoãn sự trợ giúp từ các chuyên gia và gây hại cho người bệnh.
Theo Tarantella, thiếu niên và thanh niên là hai đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương nhất trước thông tin trôi nổi về sức khỏe tinh thần trên mạng xã hội. Hai nhóm này vẫn đang phát triển khả năng tư duy phản biện cần thiết để phân biệt giữa thông tin đáng tin cậy và thông tin sai lệch. Ngoài ra, định dạng video ngắn cũng gián tiếp loại bỏ đi các khía cạnh quan trọng liên quan đến chẩn đoán và điều trị bệnh tâm thần.
Tại sao giới trẻ yêu thích 'chuyên gia' trên TikTok?
Có nhiều lý do mà thế hệ trẻ chọn mạng xã hội để tìm kiếm tư vấn về sức khỏe tâm thần. Diksha Sharma, 19 tuổi, chia sẻ với CNBC-TV18 rằng sau khi được chẩn đoán mắc chứng lo âu và trầm cảm nhẹ, cô tìm kiếm các video về sức khỏe tâm thần chỉ để cảm thấy không cô đơn, đọc các bình luận để có cảm giác thuộc về một cộng đồng.
Theo Taneesha Mirwani, một nhà sáng tạo nội dung 20 tuổi, vì chủ đề sức khỏe tâm thần thường bị phân biệt đối xử, nên các nền tảng video ngắn thường là một trong những nguồn hiếm hoi mà giới trẻ lựa chọn để tiếp cận.
'Các video về tâm lý học đại chúng đóng góp quan trọng vào việc phá vỡ những quy tắc xã hội về các vấn đề sức khỏe tâm thần. Bằng cách tiếp cận những chủ đề này một cách mở cửa và thẳng thắn, các nền tảng này làm cho cuộc trò chuyện về sức khỏe tâm thần trở nên bình thường hơn' - Prableen Kaur Bhomrah, một nhà sáng tạo nội dung 25 tuổi, nói.
Do đó, mạng xã hội, với khả năng giảm bớt sự phân biệt đối xử và tạo điều kiện cho các câu hỏi trực tuyến, đã tạo ra một loại hình 'tâm lý học đại chúng' (pop psychology), với những lời khuyên đơn giản về sức khỏe tâm thần.
Ảnh: Vanessa Tam/redandblack.com
Tiến sĩ Reddy cảnh báo: 'Việc chia sẻ nội dung về sức khỏe tâm thần hoặc chỉ đưa một video theo lối 'Những điều bạn sẽ liên tưởng đến vì bạn mắc chứng OCD' đang trở thành xu hướng trên mạng xã hội. Vì nó phù hợp với thuật toán nên nhiều nhà sáng tạo nội dung đã tham gia, mặc dù có đúng sai, tạo ra các video thời thượng với những lời khuyên về sức khỏe tâm thần'.
Theo một nghiên cứu của PlushCare được công bố vào tháng 11-2022, phần lớn lời khuyên về sức khỏe tâm thần trên TikTok (khoảng 83,7%) có thể không đáng tin cậy. Ngoài ra, khoảng 14,2% video chứa nội dung có thể gây hại.
Nghiên cứu cũng phát hiện chỉ có 9% cá nhân đưa ra hướng dẫn về sức khỏe tâm thần trên TikTok có thông tin xác thực phù hợp. Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Tâm Thần Học Canada cho thấy 52% trong số 100 video TikTok hàng đầu thảo luận về ADHD được phát hiện là không chính xác hoặc gây hiểu nhầm.
Theo các chuyên gia, một vấn đề quan trọng khác của 'tâm lý học đại chúng' là nó làm cho những cuộc đấu tranh thực sự của những người mắc chứng rối loạn trở nên phổ biến hơn. Một nghiên cứu với hơn 2.000 người trưởng thành ở Hoa Kỳ được CharityRx công bố vào tháng 12-2022 cho thấy 33% thế hệ Z tin tưởng TikTok hơn cả bác sĩ.
Một cách giải thích cho con số này là mọi người thường tin vào kinh nghiệm cá nhân hơn là các chuyên gia có bằng cấp và bài báo khoa học hấp dẫn. Đối với một số người, mối quan hệ cá nhân quan trọng hơn cả bằng cấp của một bác sĩ hoặc một chuyên gia y tế.
Đó là lý do nhiều người dễ dàng tin vào những điều không chính xác, chỉ vì chúng được nói ra bởi những người họ cảm thấy thân thiết. Sức mạnh của trải nghiệm cá nhân và mối quan hệ kết nối trên mạng xã hội thúc đẩy mọi người tìm đến những người sáng tạo nội dung về sức khỏe tâm thần hơn là các chuyên gia.
Ảnh: bacp.co.uk
Theo các chuyên gia, mạng xã hội vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về chăm sóc sức khỏe tinh thần, bao gồm cả tư vấn trực tuyến. Tuy nhiên, người dùng cần phải tiếp cận một cách cẩn thận và đa chiều.
'Việc chỉ cung cấp một ít kiến thức là rất nguy hiểm. Hãy xem xét về nguồn gốc và chuyên môn của người cung cấp lời khuyên và khuyến nghị, họ đến từ đâu và có qua các khóa đào tạo nào. Đảm bảo rằng họ không phải làm việc như một phần của chiến lược tiếp thị cho một số sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định được che giấu kỹ lưỡng' - tiến sĩ Dimitriu chia sẻ với Medical News Today.
Ngoài ra, khi xác minh thông tin, không nên dựa vào mạng xã hội mà cần tìm kiếm các nguồn tin đáng tin cậy, như từ các cơ quan chính phủ, các nền tảng hoặc dịch vụ chuyên nghiệp trực tiếp...
Nếu các triệu chứng trở nên đáng kể đến mức ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, mối quan hệ, giấc ngủ, chế độ ăn hoặc thư giãn, thì người bệnh cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia đã được kiểm chứng thay vì tự tìm kiếm câu trả lời trên mạng.