Biến đổi năng lượng Energiewende
Sự khác biệt giữa Đức ngày nay và mấy thập kỷ trước là rất rõ ràng, đặc biệt khi những phong trào như Fridays for Future của Greta Thunberg xuất hiện, với khẩu hiệu “hãy lắng nghe chuyên gia”. Trong những năm 1970 và 1980, những nhà hoạt động thường phớt lờ những bằng chứng khoa học và phân tích của các chuyên gia. Khi ấy, các chuyên gia tin rằng điện hạt nhân, do chính phủ quản lý, sẽ là tương lai, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo khác có vẻ quá xa vời. Phản đối điện hạt nhân và ủng hộ năng lượng tái tạo ban đầu đã tạo ra Đảng Xanh ở Đức vào năm 1980, và sau đó tham gia chính quyền từ năm 1998 đến 2005, sau khi hợp tác với Đảng Dân chủ Xã hội Đức. Liên minh này đã cấm việc vận hành các nhà máy điện hạt nhân mới và lập kế hoạch đóng cửa các nhà máy và lò phản ứng đang hoạt động đến năm 2022. Các luật mới đã thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo.Kết quả là, vào năm 2000, tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong lưới điện toàn quốc Đức là 6.3%. Con số này tăng lên 51.8% vào năm 2023.
Con số này thể hiện sự đóng góp quan trọng của người dân Đức. Năm 2019, dân Đức sở hữu 40.4% tổng công suất năng lượng tái tạo mà nước sản xuất và tiêu thụ, bao gồm cả những hợp tác xã điện gió, các nhà máy biogas gắn liền với trang trại chăn nuôi, và cả những tấm pin mặt trời trên nóc các tòa nhà…
Sự khác biệt ở đây là, trong khi các quốc gia khác chuyển sang mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và sử dụng công nghệ xanh hơn, cuộc cách mạng năng lượng Energiewende của Đức hướng tới việc loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch và năng lượng hạt nhân, thay vào đó sử dụng chủ yếu năng lượng tái tạo.
Thiếu chiến lược dài hạn
Khái niệm Energiewende xuất phát từ cuốn sách: “Cuộc cách mạng năng lượng: Tăng trưởng và phồn thịnh mà không cần dầu mỏ và Uranium”, xuất bản năm 1980, của một nhóm chuyên gia phản đối năng lượng hạt nhân.
Từ đó, các chính phủ Đức trong suốt 2 thập kỷ rưỡi đã theo đuổi con đường này. Chỉ có một lần ngoại lệ, từ 2009 đến 2013, chính phủ thứ hai dưới thời bà Angela Merkel ủng hộ phát triển năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, hỗ trợ này chỉ kéo dài đến năm 2011, sau sự cố nhà máy điện Fukushima Dai-ichi ở Nhật Bản, khiến 250 nghìn người dân Đức biểu tình phản đối hoạt động nhà máy điện hạt nhân, và đảng Xanh giành chiến thắng trong bầu cử quốc gia.
Kế hoạch ngừng vận hành điện hạt nhân đến năm 2022 lại được triển khai.
Một thách thức lớn mà Đức đang đối mặt là vấn đề lưu trữ chất độc từ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Đến nay, Đức vẫn chưa tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Không có cộng đồng nào chấp nhận việc lựa chọn địa điểm chôn lấp hoặc lưu trữ chất độc từ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Thay vào đó, các nhà máy điện trước đây ở Đức đã chọn cách lưu trữ chất độc gần các lò phản ứng, nhưng đây chỉ là một giải pháp tạm thời.
Người Đức chưa bao giờ ủng hộ điện hạt nhân
Khảo sát quốc gia tại Đức cho thấy sự phản đối mạnh mẽ, thậm chí là căm ghét năng lượng hạt nhân của người dân nơi đây. Ngay cả vào giữa năm 2022, trong thời kỳ cao điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, 52% người được hỏi vẫn phản đối việc xây dựng những nhà máy hạt nhân mới. Tuy nhiên, 78% cho biết họ ủng hộ việc tiếp tục vận hành những nhà máy hiện có cho đến mùa hè năm 2023.
Tháng 4/2023, liên minh ba đảng Dân chủ xã hội, Đảng Xanh và Đảng Tự do Đức tan rã, mở ra những kế hoạch mới với điện hạt nhân ở nước này.
Bây giờ, 51.6% người Đức cho rằng việc hủy bỏ kế hoạch là quá sớm. Trước bối cảnh chính trị hiện nay ở Đức, với Đảng Xanh tiếp tục phản đối mạnh mẽ điện hạt nhân, cùng với phần lớn dân số, việc trì hoãn ngừng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân ở Đức sẽ trở nên khó khăn.
Mặc dù đã xuất hiện một số ý kiến ngược lại từ phía công chúng, nhưng về cơ bản, rất ít chính trị gia Đức tin rằng nước họ có thể tái phát triển điện hạt nhân như trước đây, lùi lại quyết định ngừng sử dụng loại năng lượng này.
Một chuyên gia năng lượng đã cho biết những nỗ lực để đưa điện hạt nhân trở lại Đức là 'không thể hiểu và mất trí', vì các nhà đầu tư đã gặp quá nhiều rủi ro trong quá khứ và giờ đây họ chỉ muốn đầu tư vào các dự án an toàn hơn về mặt tài chính. Thêm vào đó, 'việc xây dựng nhà máy hạt nhân mới sẽ mất hàng thập kỷ,' và điện hiện nay không còn là vấn đề lớn ở Đức, nhờ sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo. Bây giờ ở Đức, điều quan trọng hơn là nguồn cung cấp năng lượng cho sưởi ấm và giao thông.
Một điều may mắn là, dự đoán rằng khi Đức ngừng sử dụng điện hạt nhân, than sẽ quay lại và đóng góp vào lưới điện đã hoàn toàn sai. Tháng 3/2023, một tháng trước khi ba nhà máy hạt nhân cuối cùng ở Đức đóng cửa, tỷ lệ sản xuất điện từ năng lượng tái tạo chiếm 53% tổng công suất lưới điện. Than chiếm 25%, khí đốt chiếm 17%, và điện hạt nhân chỉ chiếm 5%.
Một năm sau đó, điện tái tạo chiếm 60%, than giảm còn 24%, và khí đốt chiếm 16%.
Tính tổng cộng, năm ngoái đã ghi nhận kỷ lục về sản xuất điện tái tạo ở Đức, và lượng than dùng để vận hành các nhà máy điện là thấp nhất trong 60 năm qua, kèm theo đó là mức giảm đáng kể của phát thải, giảm giá điện.
Riêng với ngành điện ở Đức, họ đã chấp nhận hoàn toàn việc từ bỏ điện hạt nhân. Theo một nhà quan sát ngành năng lượng: “Khi một lần tắt, chúng không bao giờ quay lại,” không có cơ hội để Đức trở lại thời đại điện hạt nhân. Và có lẽ không nhiều người Đức cảm thấy tiếc nuối về công nghệ năng lượng này.
Theo ArsTechnica