Shopee và TikTok Shop kiểm soát 93,4% thị phần giao dịch trong quý II/2024. Trong số đó, chỉ có Shopee mở rộng thị phần, còn ba nền tảng khác đều giảm. Lazada và Tiki chỉ giữ lại 5,9% và 0,7% thị phần tương ứng.
Theo báo cáo của YouNet ECI - Công ty phân tích và tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử, người dùng đã chi tiêu 87.370 tỷ đồng trên bốn sàn thương mại điện tử chính là Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki trong quý II, tăng 10,4% so với quý I.
Shopee tiếp tục dẫn đầu với tổng giao dịch (GVM) đạt 62.380 tỷ đồng, chiếm 71,4% thị phần. Sàn này cũng chiếm hơn 50% thị phần trong tất cả các nhóm ngành hàng thương mại điện tử.
TikTok Shop giữ vị trí thứ hai với tổng giao dịch 19.240 tỷ đồng, chiếm 22% thị phần. Các vị trí còn lại thuộc về Lazada với 5.160 tỷ đồng và Tiki với 584,77 tỷ đồng.
Tính tổng thể, Shopee và TikTok Shop nắm giữ 93,4% thị phần tổng giao dịch trong quý II/2024, tăng so với 91,25% của quý I. Hiện tại, cuộc đua thị phần trên thương mại điện tử chỉ còn là cuộc chiến giữa TikTok Shop và Shopee.
So với TikTok Shop, Shopee có tốc độ tăng trưởng vượt trội trong quý II so với quý I. Trong khi GMV của TikTok Shop chỉ tăng 4,8% so với quý trước, GMV của Shopee tăng đến 16,1%, giúp Shopee chiếm thêm 3,5 điểm thị phần.
Sự chênh lệch chủ yếu xuất phát từ mức độ phụ thuộc vào nhóm ngành hàng Thời trang & Phụ kiện của Shopee và TikTok Shop. Trong khi nhóm hàng này chỉ chiếm 24% tổng GMV của Shopee, nó lại chiếm đến 37,5% tổng GMV của TikTok Shop trong cùng thời gian. Sau dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu sụt giảm đã làm ảnh hưởng lớn đến doanh số của TikTok Shop trong quý II.
Để duy trì lợi thế cạnh tranh, Shopee đang theo đuổi chiến lược 'sàn bạn có gì mình có đó' bằng cách tích hợp mua sắm với giải trí.
Cụ thể, Shopee đã đẩy mạnh đầu tư vào livestream với nhiều hình thức khác nhau, kết hợp với các KOL nổi tiếng, nhằm đối trọng với các hoạt động shoppertainment nổi bật của TikTok Shop. Trong khi đó, TikTok Shop nổi bật với chuỗi sự kiện 'Sinh nhật vui sắm' kéo dài hai tháng 5 và 6, và đã tạo ra cơn sốt livestream triệu USD.
Nhờ sự thúc đẩy này, GMV toàn thị trường trong tháng 6 đã đạt mức cao nhất từ đầu năm, lên tới 33.800 tỷ đồng/tháng.
Hình thức mua sắm kết hợp giải trí mà hai sàn đang đầu tư mạnh mẽ dự đoán sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc Phân tích thị trường tại YouNet ECI, dự đoán rằng trong 3-5 năm tới, xu hướng chủ đạo thúc đẩy tăng trưởng TMĐT tại Việt Nam sẽ bao gồm: thói quen mua sắm trực tuyến hàng ngày, các mặt hàng giá trị cao và sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng shoppertainment.