1. Bị tê chân thường xuyên có nguy hiểm không?
Bàn chân rất nhạy cảm với các cảm giác trực tiếp lên da như nóng, lạnh, đau, và buồn. Tuy nhiên, đôi khi bạn có thể cảm thấy chân mình không hoạt động bình thường, cảm giác châm chích, khó di chuyển, không cảm nhận nổi sự nóng, lạnh hoặc các kích thích khác. Đó gọi là hiện tượng tê chân.
Ban đầu, bạn có thể chỉ mất cảm giác ở một vùng trên chân nhưng dần dần tình trạng này có thể lan rộng ra cả hai bàn chân. Hiện tượng này có thể đi kèm với các triệu chứng khác như cảm giác như nhiều kim châm vào da, ngứa ngáy, đau nhức, và mất cân bằng.
Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng bị tê chân thường gặp, và một số nguyên nhân khiến bạn phải chú ý đặc biệt như:
-
Tư thế không đúng: khi bạn đứng, ngồi hoặc nằm không đúng cách, rất dễ gây áp lực lên các nhóm cơ và hệ thần kinh, dẫn đến tê cứng các bộ phận trên cơ thể, thường thì triệu chứng tê chân sẽ giảm khi bạn nhận ra và sửa đổi tư thế.
-
Sử dụng đồ uống có cồn: thường xuyên dùng rượu bia có thể làm tăng nguy cơ tê chân do cồn gây tổn thương hệ thần kinh.
Rượu cũng có thể gây ra tình trạng bị tê chân
-
Tê chân do các chấn thương ở cột sống, chân, hông,... tạo áp lực lớn lên các dây thần kinh xung quanh.
-
Ngoài ra, tê chân cũng có thể bắt nguồn từ hội chứng Guillain Barre, tác dụng phụ của thuốc hoặc có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm khác.
2. Tình trạng bị tê chân là dấu hiệu của bệnh gì?
Tê chân có thể chỉ đơn giản là một trạng thái tự nhiên của cơ thể khi gặp sự cố về các dây thần kinh điều khiển và thường sẽ tự khắc phục mà không gây hại. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị tê chân kèm theo các triệu chứng khác như thay đổi màu sắc của chân, khó thở, co giật, đau đầu, chóng mặt, mất kiểm soát cơ thể,... thì có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó cần phải điều trị ngay.
Một số bệnh lý có thể gây ra tình trạng bị tê chân là:
-
Thiếu dinh dưỡng: tê chân có thể do thiếu một số chất dinh dưỡng như vitamin nhóm B, calci kali hoặc axit folic;
-
Các bệnh xương khớp: hầu hết các bệnh liên quan đến xương khớp đều gây áp lực lên các nhóm cơ, mạch máu và dây thần kinh, dẫn đến tình trạng tê chân;
-
Bệnh về hệ thần kinh: những người bị các bệnh về thần kinh có thể có biểu hiện chân bị tê;
-
Ung thư: tê chân kéo dài thường xuất hiện nhiều ở bệnh nhân ung thư, đặc biệt là ung thư thần kinh;
-
Một số bệnh lý khác như bệnh Lyme, viêm mạch máu, tiểu đường,...
Tình trạng bị tê chân có thể là dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư
3. Làm gì để khắc phục tình trạng người bệnh hay bị tê chân?
Có thể ngăn ngừa tình trạng hay bị tê chân hay không?
Tuy rằng ai cũng hiểu biểu hiện này không phải lúc nào cũng đáng lo ngại, thế nhưng đề phòng vẫn luôn là cách thức tốt nhất để bảo vệ cơ thể chúng ta. Dưới đây là một số biện pháp bất kỳ ai cũng có thể thực hiện để ngăn ngừa hiện tượng bị tê chân.
-
Bổ sung đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là nhóm vitamin B;
-
Chú ý đến các tư thế đứng, ngồi hay ngủ thoải mái nhưng cũng khoa học nhất;
-
Sử dụng các loại thuốc kháng sinh đúng theo sự chỉ định của các y bác sĩ, không uống quá liều, bừa bãi;
-
Chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao giúp xương khớp khỏe mạnh, dẻo dai.
Khi xuất hiện triệu chứng tê chân, có một số phương pháp có thể thực hiện ngay tại nhà để giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn. Bạn đọc có thể áp dụng các cách thức như giữ cho chân thư giãn, mát xa bàn chân, chườm nóng khi dây thần kinh bị chèn ép hoặc chườm lạnh khi chân sưng tấy,...
Ngoài ra, việc sử dụng thuốc để điều trị cũng được khuyên dùng dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa. Một số loại thuốc như Corticosteroid giảm viêm, Gabapentin, Pregabalin, Duloxetine và Milnacipran có tác dụng giảm tê chân, giảm viêm nhiễm và tăng tuần hoàn máu.
Mát xa chân là một trong những phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa và chữa trị tình trạng hay bị tê chân
Một triệu chứng phổ biến như tê chân tưởng chừng không có hại cho sức khỏe, nhưng lại có thể là yếu tố phát hiện các bệnh lý nghiêm trọng tiềm ẩn. Vì vậy, khi bạn thường xuyên bị tê chân hoặc kèm theo các triệu chứng khác, hãy nhanh chóng tìm đến các cơ sở uy tín để điều tra bệnh tình ngay.