
Như các em đã biết, chúng ta đã thảo luận rất nhiều về nỗi sợ, vì nó là một yếu tố rất mạnh mẽ trong cuộc sống của chúng ta. Bây giờ, chúng ta hãy nói về tình yêu, hãy cùng khám phá xem liệu đằng sau từ này và cảm xúc này - vốn rất quan trọng với tất cả chúng ta - có ẩn chứa nỗi lo âu và sợ hãi khác thường mà người lớn gọi là sự cô đơn không.
Các em có biết tình yêu là gì không? Các em có yêu thương cha mẹ, anh chị em, thầy cô và bạn bè không? Các em có hiểu ý nghĩa của tình yêu không? Khi các em nói rằng em yêu cha mẹ, điều đó có nghĩa là gì? Các em cảm thấy an toàn khi ở bên họ, và ở cùng họ các em cảm thấy như ở nhà mình. Cha mẹ bảo vệ các em, cho các em tiền bạc, thức ăn, quần áo và nơi ở, và các em cảm thấy một mối quan hệ mật thiết với họ, đúng không? Các em cảm thấy rằng mình có thể tin tưởng họ - hoặc có thể không. Có thể các em không nói chuyện với họ thoải mái và hạnh phúc như với bạn bè. Nhưng các em kính trọng họ, họ dẫn dắt các em, các em nghe lời họ, các em cảm thấy có một trách nhiệm nào đó đối với họ, rằng các em phải chăm sóc họ khi họ già. Về phần họ, họ cũng yêu thương các em, họ muốn bảo vệ các em, hướng dẫn và giúp đỡ các em - chí ít là họ nói như vậy. Họ muốn các em lập gia đình để sống một cuộc sống được gọi là đạo đức và ổn định, chồng thì bảo vệ vợ, còn vợ thì lo việc nhà và sinh con đẻ cái cho chồng. Tất cả những điều đó được gọi là tình yêu, phải không?
Chúng ta không thể dễ dàng nói tình yêu là gì, vì tình yêu không thể giải thích một cách dễ dàng bằng lời nói. Tình yêu không đến với chúng ta một cách dễ dàng. Nhưng không có tình yêu, cuộc sống trở nên vô cùng cằn cỗi; không có tình yêu cây cối, chim chóc, nụ cười của con người, những cây cầu bắc qua sông, người chèo thuyền và muông thú đều trở nên vô nghĩa. Không có tình yêu, cuộc sống giống như một hồ nước cạn. Sông sâu với dòng chảy phong phú và nhiều tôm cá sinh sống, nhưng một hồ cạn nước rồi sẽ sớm trơ đáy dưới sức nóng khủng khiếp của ánh mặt trời, không gì tồn tại ngoài bùn lầy và rác rưởi.
Với hầu hết chúng ta, tình yêu là điều quá phi thường và khó hiểu bởi cuộc sống của ta quá nông cạn. Ta khao khát yêu và được yêu, nhưng lại ngấm ngầm giấu đi nỗi sợ hãi đằng sau từ ngữ đó. Vì vậy, liệu điều quan trọng nhất đối với mỗi chúng ta là khám phá điều phi thường này thực sự là gì? Và ta chỉ có thể khám phá nếu ta nhận ra cách ta đối xử với người khác, cách ta nhìn cây cối, thú vật, người lạ, người đang đói khát. Ta phải ý thức về cách ta cư xử với bạn bè, với thầy cô, và với cha mẹ.
Khi các em nói: “Tôi yêu cha mẹ tôi, tôi yêu người giám hộ, thầy cô của tôi”, điều đó nghĩa là gì? Khi các em kính trọng và ngưỡng mộ một ai đó quá mức, khi các em cảm thấy bổn phận phải vâng lời họ và họ cho rằng các em phải vâng lời, đó có phải là tình yêu không? Tình yêu có mang tính sợ hãi không? Khi các em coi ai đó cao hơn mình, đồng thời cũng coi ai đó thấp hơn mình, phải không? Đó có phải là tình yêu không? Trong tình yêu có cảm giác hơn kém, có sự ép buộc phải tuân theo không?
Khi các em nói rằng các em yêu thương một người, có phải sâu thẳm bên trong các em phụ thuộc vào người đó không? Khi còn nhỏ, đương nhiên các em phụ thuộc vào cha mẹ, thầy cô, người giám hộ của mình. Các em cần được chăm sóc, cung cấp thức ăn, quần áo, chỗ ở. Các em cần cảm giác an toàn, cảm giác rằng có người chăm lo cho mình.
Nhưng thông thường điều gì xảy ra? Ta dần lớn lên, cảm giác phụ thuộc vẫn tiếp tục, đúng không? Các em không nhận thấy điều đó ở người lớn, ở cha mẹ và thầy cô mình sao? Các em không thấy họ phụ thuộc về mặt cảm xúc vào vợ hoặc chồng, vào con cái hoặc vào chính cha mẹ họ sao? Khi trưởng thành, hầu hết mọi người vẫn bám víu vào ai đó, họ vẫn tiếp tục phụ thuộc. Nếu không có ai để nương tựa, không có ai mang lại cảm giác thoải mái và an toàn, họ sẽ cảm thấy cô độc, phải không? Họ cảm thấy lạc lõng. Sự phụ thuộc này được gọi là tình yêu, nhưng nếu các em quan sát kỹ, các em sẽ thấy sự phụ thuộc đó là sợ hãi, chứ không phải tình yêu.
Phần đông người đời sợ đứng một mình; họ sợ tự suy nghĩ, sợ cảm nhận sâu xa, sợ khám phá toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống. Vì vậy, họ nói họ yêu Thượng đế, và họ phụ thuộc vào điều họ gọi là Thượng đế; nhưng đó không phải là Thượng đế, điều không biết, mà chỉ là sản phẩm do trí não tạo ra.
Chúng ta cũng làm như thế với lý tưởng hay niềm tin. Tôi tin vào điều gì đó, hoặc bám vào một lý tưởng vì nó mang lại cho tôi sự an tâm lớn lao; nhưng nếu bỏ lý tưởng đó, tôi sẽ lạc lối. Điều này cũng đúng với một vị đạo sư. Tôi phụ thuộc vì muốn nhận điều gì đó, và vì thế tôi đau khổ vì sợ hãi. Điều này cũng tương tự khi các em phụ thuộc vào cha mẹ hay thầy cô. Phụ thuộc là tự nhiên và đúng khi còn nhỏ, nhưng nếu lớn lên mà vẫn phụ thuộc, các em sẽ không thể tư duy độc lập, không thể sống tự do. Nơi nào có sự phụ thuộc, nơi đó có sợ hãi, và nơi nào có sợ hãi, nơi đó có uy quyền, không có tình yêu. Khi cha mẹ yêu cầu các em phải vâng lời, tuân theo truyền thống hoặc theo đuổi một nghề nào đó - tất cả những điều đó không có tình yêu. Và trong tâm hồn các em không có tình yêu khi các em phụ thuộc vào xã hội, nghĩa là chấp nhận cơ cấu xã hội hiện tại mà không đặt câu hỏi.
Bất kỳ ai, dù nam hay nữ, mà đầy tham vọng thì không thể biết tình yêu là gì – và chúng ta bị chi phối bởi những người tham vọng. Vì vậy, không có hạnh phúc trong thế giới này và điều quan trọng nhất là khi lớn lên, các em phải thấy và hiểu tất cả những điều này, và tự mình tìm hiểu xem có thể khám phá tình yêu là gì không? Các em có thể có địa vị cao, nhà đẹp, khu vườn tuyệt vời và nhiều quần áo, có thể trở thành thủ tướng, nhưng nếu không có tình yêu thì không gì có ý nghĩa cả.
Vì vậy, các em phải bắt đầu khám phá từ bây giờ – không đợi đến lúc lớn tuổi, vì khi đó các em sẽ không thể khám phá được nữa – những gì các em thực sự cảm nhận trong quan hệ với cha mẹ, thầy cô, đạo sư, chứ không chỉ chấp nhận từ “tình yêu” hay bất cứ từ nào khác. Các em phải hiểu rõ ý nghĩa thực sự của từ đó - cảm nhận thực sự chứ không phải nghĩ rằng mình cảm nhận. Nếu các em cảm thấy ghen tỵ hay tức giận, nhưng lại nói: “Tôi không được ghen, không được giận”, thì đó chỉ là mong ước, không phải hiện thực. Vấn đề là phải thấy trung thực và rõ ràng những gì các em đang cảm nhận ngay lúc đó, chứ không phải tưởng tượng mình nên cảm nhận hay sẽ cảm nhận như thế nào trong tương lai, bởi vì “Tôi phải yêu cha mẹ, tôi phải yêu thầy cô” không có ý nghĩa gì cả, đúng không? Vì cảm xúc thật của các em hoàn toàn khác, và những từ đó trở thành bình phong để các em ẩn nấp.
Nhìn vượt ra ngoài ý nghĩa truyền thống của từ, đó không phải là con đường của trí tuệ sao? Những từ như “bổn phận”, “trách nhiệm”, “Thượng đế”, “tình yêu”, đều mang ý nghĩa truyền thống, nhưng người thông minh, thực sự có giáo dục phải nhìn vượt qua ý nghĩa truyền thống của những từ đó. Ví dụ, nếu ai đó nói với các em rằng họ không tin Thượng đế, các em sẽ bị sốc, phải không? Các em sẽ nói: “Trời ơi, thật khủng khiếp!”, bởi vì các em tin Thượng đế – ít nhất các em nghĩ rằng mình tin. Nhưng tin hay không tin đều không có ý nghĩa gì.
Điều quan trọng là các em phải nhìn ra phía sau từ “tình yêu”, để xem các em có thực sự yêu cha mẹ và cha mẹ có thực sự yêu các em không. Chắc chắn nếu các em và cha mẹ thực sự yêu nhau, thế giới sẽ hoàn toàn khác. Sẽ không còn chiến tranh, đói khát, không còn phân biệt giai cấp. Không còn người giàu và người nghèo. Các em thấy đấy, nếu không có tình yêu mà cố gắng cải cách xã hội về mặt kinh tế, ta sẽ chỉ lập lại trật tự mọi thứ, nhưng chừng nào chưa có tình yêu trong lòng, ta chưa thể tạo ra một cơ cấu xã hội thoát khỏi xung đột và đau khổ. Vì vậy, ta phải tìm hiểu kỹ những điều này; và có lẽ khi đó, ta sẽ tìm ra được tình yêu là gì.