Chiếc đồng hồ này không chỉ ứng dụng vỏ carbon nhẹ và bền mà còn được nâng cấp bộ máy bên trong, sử dụng dây tóc bằng silic có khả năng kháng từ tốt hơn.
So với các phiên bản vỏ thép không gỉ, Tissot PRX Forged Carbon có đường kính lớn hơn 0.5mm, từ 40mm lên 40.5mm. Đồng hồ cũng dày hơn chút, từ 10.9mm lên 11.2mm. Tuy nhiên, những con số này không ảnh hưởng nhiều đến cổ tay người Việt, vì đồng hồ vẫn sẽ nằm gọn trên cổ tay anh em.
Kích thước tăng nhẹ là do kết cấu lớp vỏ. Bên trong là khung thép, bên ngoài được bọc bởi lớp carbon đúc nguyên khối, bao gồm cả viền bezel và lug giữ dây cao su.
Ngoài điểm nhấn lớn nhất là lớp vỏ carbon, thiết kế của PRX Powermatic 80 vẫn giữ phong cách cổ điển lấy cảm hứng từ thập niên 1970, nhưng được hiện đại hóa để trẻ trung hơn. Mặt kính sapphire phẳng chống lóa vẫn có mặt. Núm vặn chỉnh giờ góc 3h không thay đổi nhưng được làm từ thép mạ PVD đen để hài hòa với thiết kế tổng thể.
Điểm đặc biệt khác là mặt số của phiên bản mới này, thay vì kim loại, đã được Tissot chế tác từ carbon đúc với những đường vân bất đối xứng độc đáo. Để tạo sự tương phản, cọc số và bộ kim thép chải xước có tông màu sáng, nổi bật.
Như đã đề cập, PRX Powermatic 80 Forged Carbon không chỉ nâng cấp về mặt vật liệu mà còn ở bộ máy bên trong. Vẫn dựa trên nền tảng ETA 2824 với tần số 21600 vph và khả năng trữ cót 80 giờ, nhưng dây tóc điều hòa được nâng cấp từ Nivachron lên silic, tương tự phiên bản trên dòng Gentleman trước đó. Ban đầu, PRX được thiết kế với dây kim loại liền case, nhưng Tissot sau đó đã bổ sung dây cao su. Phiên bản carbon đúc này cũng sử dụng dây cao su đen, cùng hệ thống tháo lắp nhanh để dễ thay đổi dây.
Trong phân khúc đồng hồ cơ cao cấp tầm giá khởi điểm, rất ít thương hiệu, ngoài các microbrand, có thể cung cấp đồng hồ với vỏ carbon đúc dưới 1000 USD như Tissot PRX. Một lần nữa, PRX chứng minh mình là lựa chọn hợp túi tiền, hoàn toàn phù hợp với mục tiêu mà Tissot đã đặt ra ban đầu.