Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên | |
---|---|
Thành lập | 11 tháng 9, 1961 |
Trụ sở chính | Gland, Thụy Sĩ |
Ngân sách | 374 triệu € (2006) |
Nhân viên | khoảng 4500 |
Lịch sử
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) được thành lập vào ngày 11 tháng 9 năm 1961 tại Thụy Sĩ, ban đầu mang tên World Wildlife Fund. Trong năm đầu tiên, WWF đã mở rộng hoạt động tới Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, sau đó là Áo, Đức, Hà Lan và Nam Phi. Hiện nay, WWF hoạt động tại 59 quốc gia trên toàn cầu.
Năm 1986, để kỷ niệm 25 năm thành lập và mở rộng hoạt động, WWF quyết định đổi tên thành World Wide Fund For Nature, trong khi tên cũ vẫn được sử dụng tại Bắc Mỹ, bao gồm Hoa Kỳ và Canada.
Biểu tượng của WWF là hình phác họa theo mẫu con gấu trúc lớn có tên Chi Chi, được chuyển từ Sở thú Bắc Kinh đến Sở thú Luân Đôn vào năm 1958, ba năm trước khi WWF được thành lập. Năm 2002, WWF thắng kiện làm cho Công ty Đấu Vật Thế giới - World Wrestling Federation phải đổi tên thành World Wrestling Entertainment (WWE).
Mục đích
WWF đặt ra các mục tiêu sau đây:
WWF mong muốn giảm thiểu sự tàn phá thiên nhiên toàn cầu để xây dựng một tương lai hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
- Bảo tồn đa dạng sinh học trên toàn cầu.
- Bảo vệ và sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững.
- Đẩy mạnh giảm thiểu ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên.
Hoạt động
Khí cầu với biểu tượng WWF ở Brazil. Trong văn bản thành lập, WWF cam kết 'bảo vệ động vật, thực vật, rừng, cảnh quan, nước, đất và các tài nguyên thiên nhiên thông qua mua và quản lý các khu vực. Ngân sách được sử dụng cho nghiên cứu, giáo dục cộng đồng, thông tin công chúng, và liên kết các nhóm quan tâm'. WWF tập trung vào các hoạt động bảo vệ môi trường dài hạn bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp để tài trợ các dự án bảo vệ sinh thái, thay vì tập trung vào các chiến dịch nổi bật ngắn hạn như các tổ chức bảo vệ môi trường khác. Trải qua quá trình phát triển, WWF đã mở rộng hoạt động để trở thành một tổ chức bảo vệ thiên nhiên phổ biến, đặc biệt chú trọng đến ngăn chặn hiệu ứng nhà kính do sự nóng lên toàn cầu, thành lập các khu bảo tồn để bảo vệ lâu dài động và thực vật bị nguy cơ, thay vì chỉ tập trung vào các loài hoang dã ban đầu.
Từ năm 1960, WWF đã tài trợ hơn 12.000 dự án tại 153 quốc gia, với diện tích lên đến 1.500.000 km² đã được biến thành các vườn quốc gia.
Trên toàn cầu, có khoảng 4000 nhân viên WWF hoạt động tại hơn 100 quốc gia, quản lý hơn 300 khu bảo tồn. Với sự ủng hộ của hơn 5 triệu người trên toàn thế giới, vào năm 2006 đã quyên góp được hơn 374 triệu Euro để sử dụng cho các hoạt động bảo vệ thiên nhiên, trong đó có 2000 dự án bảo vệ môi trường.
Việt Nam
- Vào ngày 14 tháng 12 năm 2016, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Việt Nam và Vườn quốc gia Yok Đôn đã khởi động kế hoạch Hành động khẩn cấp để bảo tồn đàn voi rừng Yok Đôn giai đoạn 2016-2020, nhằm giảm nguy cơ tuyệt chủng cho đàn voi rừng lớn nhất của Việt Nam. Các số liệu quan sát cho thấy Tây Nguyên hiện có đàn voi rừng lớn nhất với khoảng 70 con, trong tổng số khoảng 100 con trên toàn quốc. Từ năm 2009 đến nay, ít nhất có 23 con voi, chủ yếu là voi con dưới một tuổi, ở Đắk Lắk bị chết. Tình trạng săn bắn voi để lấy ngà và phá rừng để làm rẫy đe dọa trực tiếp đến không gian sống, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của đàn voi rừng tại đây.
Chủ tịch
- Hoàng tử Bernhard của Hà Lan (1962–1976)
- John H Loudon (1976–1981)
- Hoàng thân Philip, Công tước Edinburgh (1981–1996)
- Syed Babar Ali (1996–1999)
- Ruud Lubbers (2000–2000)