Hiện nay, nhu cầu học tập và làm việc tại nước ngoài của người Việt ngày tăng cao, do đó việc sở hữu các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được xem là điều cần thiết và đang là mối quan tâm của đại đa số người học. Do đó, bài viết sau sẽ giới thiệu đến người đọc một trong số những bài thi chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế phổ biến ngày nay là TOEFL. Đây được xem là bài kiểm tra đánh giá năng lực Tiếng Anh học thuật hàng đầu, được tin cậy và sử dụng bởi nhiều quốc gia trên thế giới. Bài viết sẽ hỗ trợ người đọc giải đáp các thắc mắc liên quan đến tính ứng dụng, cấu trúc, cũng như cách tính điểm bài thi trên.
Key takeaways
TOEFL iBT là chứng chỉ phổ biến và được chấp nhận bởi hơn 11000 trường đại học và cơ sở giáo dục trên toàn thế giới, do đó sẽ phù hợp cho đối tượng thí sinh có mong muốn du học hoặc định cư nước ngoài.
Bài thi TOEFL iBT là bài kiểm tra đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của thí sinh trong môi trường giáo dục bao gồm 4 phần Nghe-nói-đọc-viết diễn ra trong 3 tiếng và được thực hiện qua mạng Internet tại các trung tâm tổ chức.
Nội dung câu hỏi đa dạng, xoay quanh các chủ đề, bài giảng trong trường học, yêu cầu thí sinh kết hợp bốn kỹ năng để trả lời.
Thang điểm cho mỗi phần thi là 0-30 và thang điểm tống cho bốn phần thi là 0-120.
Chứng chỉ TOEFL là gì?
TOEFL® Essentials™ được ra mắt vào khoảng cuối tháng 8 năm 2021. Bài thi đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh thông qua 4 kỹ năng trọng tâm là Nghe-Nói-Đọc-Viết. TOEFL® Essentials™ đánh giá hai loại hình ngôn ngữ là tiếng Anh học thuật (Academic English) và Tiếng Anh tổng quát (General English). Hình thức thi qua mạng Internet tại nhà và diễn ra trong khoảng 1 tiếng 30 phút. Bài thi phù hợp cho đối tượng thí sinh muốn kiểm tra năng lực sử dụng tiếng Anh một cách tổng quát và nhanh chóng.
TOEFL iBT® là bài thi với độ dài truyền thống có mục tiêu đánh giá trực tiếp khả năng giao tiếp Tiếng Anh của thí sinh trong các môi trường học thuật như đại học học hoặc cao đẳng. Bài thi tập trung hoàn toàn vào đánh giá loại hình ngôn ngữ là tiếng Anh học thuật (Academic English). Bài thi bao gồm 4 kỹ năng Nghe-nói-đọc-viết diễn ra trong khoảng 3 tiếng và được thực hiện qua mạng Internet tại các trung tâm hoặc cơ sở chịu trách nhiệm tổ chức. Bài thi được xem là phù hợp với đối tượng thí sinh có mong muốn du học và phát triển con đường học vấn của bản thân.
Bài viết sẽ tập trung giới thiệu về bài thi TOEFL iBT®.
Tại sao nên chọn thi TOEFL iBT ?
Hiện nay, chứng chỉ TOEFL iBT được chấp nhận trên toàn thế giới bởi hơn 11.000 trường đại học và học viện tại hơn 150 quốc gia. Do đó, thí sinh sở hữu chứng chỉ TOEFL iBT sẽ có nhiều cơ hội đề học tập, làm việc và định cư nước ngoài.
Chứng chỉ được chấp nhận bởi hơn 80% các chương trình đào tạo sau đại học ở Canada, bên cạnh đó các trường đại học tại đây ưu tiên sinh viên sở hữu chứng chỉ TOEFL hơn các bài kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh khác.
90% các trường đại học tại Hoa kỳ ưa chuộng chứng chỉ TOEFL và được chấp nhận hầu như ở tất cả các cơ sở giáo dục đại học tại đây.
100% các trường đại học Anh Quốc chấp nhận chứng chỉ TOEFL, bao gồm cả các trường đại học thuộc Russell Group (bao gồm 24 trường đại học danh tiếng tại Vương Quốc Anh).
TOEFL được chấp nhận bởi các trường đại học hàng đầu Châu Âu và được xem là bài kiểm tra Tiếng Anh ưa chuộng nhất tại Pháp và Đức.
100% các trường đại học tại Úc và Newzealand chấp nhận sinh viên sở hữu điểm TOEFL theo yêu cầu và cho tất cả các thị thực nhập cư.
Chứng chỉ còn được chấp nhận rộng rãi trên toàn châu Á, bao gồm tại các trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia.
Tính linh hoạt và độ chính xác cao
Thời gian chờ đợi bắt buộc giữa các lần thi của một thí sinh là 3 ngày, do đó thí sinh sẽ có nhiều cơ hội đăng ký hơn, đáp ứng được nhu cầu kiểm tra liên tục và thuận tiện trong các trường hợp khẩn cấp. Thí sinh có thể đăng ký trực tuyến tối đa 2 ngày trước ngày thi tiếp theo.
ETS cung cấp miễn phí đề thi thử cho thí sinh để đánh giá năng lực bản thân và chuẩn bị cho bài thi thật. Cấu trúc và độ dài đề thi thử tương ứng với đề thật. Người đọc có thể tham khảo theo link sau: https://www.ets.org/toefl/test-takers/ibt/prepare/tests
So với trước đây, đề thi đã được rút ngắn 30 phút. Do đó thí sinh chỉ cần hoàn thành bài thi trong vòng 3 trong cùng ngày mà không cần tham dự vào ngày hôm sau.
Thí sinh có thể nhận điểm Nghe và Đọc ngay lập tức sau khi hoàn thành hết nội dung bài thi. Điểm tổng sẽ được thông báo trong vòng 6 ngày kể từ ngày thi.
Bài thi được chấm điểm tại một mạng lưới điểm trung tâm, không chấm tại các trung tâm khảo thí. Điểm Listening và Reading được chấm bằng máy tính, điểm Writing và Speaking sẽ được chấm bởi sự kết hợp giữa hệ thống tính điểm tự động AI và nhiều giám khảo được đào tạo chuyên sâu để đảm bảo điểm số đưa ra được công bằng và chính xác nhất.
ETS cho ra mắt một tính năng mang tên “MyBest scores” vào khoảng cuối năm 2019. Đây là hệ thống ghi nhận số điểm cao nhất của từng phần thi (Nghe-nói-đọc-viết) trong thời gian 2 năm sau đó tổng hợp lại thành điểm tổng tốt nhất. Ví dụ:
Điểm Reading ngày 19 tháng 10: 22/30 (cao nhất trong số những lần thi trong vòng 2 năm)
MyBest scores sẽ lấy điểm Reading của ngày thi này cộng với điểm Listening cao nhất (ngày 10 tháng 3) , điểm Speaking cao nhất (ngày 19 tháng 10) và điểm Writing cao nhất (ngày 2 tháng 1). Vậy điểm tổng kết của thí sinh cũng sẽ được nâng lên.
Vậy nhờ có tính năng này, thí sinh sẽ có nhiều thời gian hơn để trau dồi kiến thức cho những kỹ năng yếu và có cơ hội để tăng điểm tổng kết của mình.
Tuy nhiên, thí sinh cần phải đảm bảo hiểu rõ về yêu cầu điểm số của trường đại học mình theo đuổi, liệu trường có chấp nhận điểm TOEFL tính theo MyBest scores hay không trước khi sử dụng tính năng này. Thí sinh có thể tham khảo link sau để kiểm tra danh sách các trường đại học chấp nhận điểm MyBest scores tại đây.
Cấu trúc của bài thi TOEFL iBT
Đọc, nghe sau đó trả lời câu hỏi (speaking).
Nghe sau đó trả lời câu hỏi (speaking).
-
Đọc, nghe sau đó trả lời câu hỏi (writing).
Bài thi kéo dài trong vòng khoảng 3 tiếng và sẽ có 10 phút nghỉ ngơi. Tuy nhiên, thí sinh lưu ý tổng thời gian diễn ra có thể nhiều hơn 30 phút do thực hiện quá trình check-in (đăng ký, xác nhận thông tin vào thi) và check-out (xác nhận thông tin ra về).
Sơ lược về thời gian và cấu trúc bài thi:
Phần thi Reading (52-72 phút) bao gồm 30-40 câu hỏi. Thí sinh có nhiệm vụ đọc các đoạn văn và trả lời câu hỏi.
Phần thi Listening (41-57 phút) bao gồm 28-29 câu hỏi. Thí sinh trả lời các câu hỏi liên quan đến nội dung một bài giảng hoặc buổi thảo luận ở lớp học.
Nghỉ ngơi (10 phút)
Phần thi Speaking (17 phút) bao gồm 4 câu hỏi. Thí sinh nói về một chủ đề quen thuộc và thảo luận về những tài liệu mà thí sinh được đọc hoặc được nghe.
Phần thi Writing (50 phút) bao gồm 2 câu hỏi. Thí sinh đọc một đoạn văn và nghe một bài nói sau đó đánh máy câu trả lời.
Nội dung chi tiết từng phần thi:
Phần thi Reading
Phần thi Đọc hiểu của bao gồm 3 hoặc 4 bài đọc, mỗi bài dài khoảng 700 từ và có 10 câu hỏi, chủ yếu là câu hỏi dạng trắc nghiệm đa lựa chọn (A,B,C,D). Các bài đọc được trích từ tài liệu hoặc sách dùng cho trình độ đại học với nội dung đa dạng liên quan đến các chủ đề học thuật. Phần thi không yêu cầu thí sinh phải có kiến thức liên quan đến chủ đề đưa ra, thông tin cần để trả lời câu hỏi sẽ được cung cấp trong bài đọc. Bên cạnh đó, một số bài đọc sẽ cung cấp cho thí sinh một bảng chú thích về các thuật ngữ không phổ biến.
Các dạng câu hỏi phổ biến thường gặp trong phần thi Reading:
Câu hỏi dạng Factual information và Negative Factual Information: câu hỏi Factual Information có thể yêu cầu thí sinh xác định về nội dung chính, nội dung chi tiết hoặc định nghĩa của thông tin đưa ra trong câu hỏi. Câu hỏi Negative Factual Information yêu cầu thí sinh xác định lựa chọn nào là sai hoặc không đề cập trong 4 lựa chọn đưa ra. Thông tin để trả lời hai dạng câu hỏi này đều được đề cập trực tiếp trong bài đọc.
Câu hỏi dạng Inference và Rhetorical: câu hỏi dạng Inference yêu cầu thí sinh xác định nghĩa mở rộng hoặc hàm ý của thông tin đưa ra trong câu hỏi. Câu hỏi Rhetorical yêu cầu người đọc xác định mục đích, lí do tại sao tác giả đề cập một thông tin cụ thể. Thông tin để trả lời sẽ không được trực tiếp nêu ra trong bài đọc, thí sinh cần dựa vào thông tin có sẵn và suy luận.
Câu hỏi dạng Reading Vocabulary: yêu cầu thí sinh xác định nghĩa của từ hoặc một cụm từ có trong bài đọc.
Câu hỏi dạng Sentence Simplification: yêu cầu thí sinh xác định câu có chứa thông tin quan trọng mang ý nghĩa chính tương đồng với câu hỏi đưa ra trong đề bài.
Câu hỏi dạng Insert Text: khác với các dạng câu hỏi bên trên, câu hỏi dạng Insert Text không yêu cầu thí sinh chọn A,B,C hoặc D mà yêu cầu thí sinh xác định vị trí phù hợp để điền câu cho sẵn vào một trong bốn chỗ trống của một đoạn văn. Câu hỏi yêu cầu người đọc phải nắm rõ và hiểu được trình tự sắp xếp thông tin bài đọc.
Câu hỏi dạng Prose Summary: câu hỏi yêu cầu người đọc xác định ba thông tin chính và quan trọng về bài đọc trong tổng số 6 thông tin đưa ra. Khi làm bài, thí sinh sẽ dùng chuột kéo ba thông tin cho là đúng vào bảng.
Trong phần Reading đôi lúc sẽ xuất hiện một số câu hỏi phụ và sẽ không được tính điểm. Các câu hỏi được đưa ra nhằm mục đích phục vụ cho nghiên cứu của tổ chức.
Phần thi Listening
Trong phần này, thí sinh sẽ được nghe các bài giảng hoặc các đoạn hội thoại giữa hai người xảy ra trong bối cảnh trường học. Cấu trúc phần thi bao gồm:
3-4 bài giảng, mỗi bài kéo dài trong khoảng 3-5 phút và sẽ có 6 câu hỏi cho mỗi bài giảng
2-3 đoạn hội thoại giữa hai người, mỗi đoạn kéo dài 3 phút và có 5 câu hỏi cho mỗi đoạn.
Thí sinh có thể ghi chú lại nội dung đã nghe để trả lời câu hỏi.
Một số dạng câu hỏi thường xuất hiện trong phần thi Listening:
Dạng câu hỏi Gist content: yêu cầu người nghe xác định ý chính của một đoạn hội thoại hoặc bài giảng. Dạng câu hỏi này sẽ luôn là câu hỏi đầu tiên được đưa ra khi thí sinh hoàn thành bài nghe. Thí sinh chọn một đáp án chính xác trong bốn lựa chọn đưa ra. Đôi khi, bài nói sẽ có hai nội dung chính, do đó đề bài sẽ yêu cầu thí sinh chọn hai đáp án .
Dạng câu hỏi Detail: yêu cầu người nghe xác định thông tin chi tiết, cụ thể được đề cập trong bài nói. Đề bài thường sẽ hỏi về các thông tin nổi bật và quan trọng, không yêu cầu thí sinh ghi nhớ các thông tin không quan trọng.
Dạng câu hỏi Function: yêu cầu người nghe xác định nghĩa của một câu nói cụ thể trong ngữ cảnh đưa ra. Vì câu nói trong đề bài có thể có nhiều nghĩa nếu đặt trong các tình huống khác nhau, do đó thí sinh cần hiểu được mục đích cũng như ý nghĩa mà người nói muốn diễn đạt.
Dạng câu hỏi Attitude: yêu cầu người nghe xác định thái độ hoặc cảm giác của người nói về một sự vật, sự việc đề cập trong bài nói.
Dạng câu hỏi Organization: yêu cầu người nghe nắm được bố cục, cũng như trình tự thông tin của bài nói. Các câu hỏi dạng này thường sẽ hỏi về những ví dụ trong bài giảng.
Dạng câu hỏi Connecting Content: yêu cầu người nghe xác định được mối quan hệ giữa các thông tin trong bài giảng, nội dung câu hỏi thường xoay quanh các bước trong một chu trình, nguyên nhân-hệ quả của một sự việc, sự phân loại, hoặc dự đoán kết quả. Câu hỏi thường ở dạng điền vào vào biểu đồ, bảng hoặc chọn đáp án đúng.
Dạng câu hỏi Inference: yêu cầu người nghe xác định nghĩa mở rộng hoặc hàm ý của một thông tin đưa ra trong bài nói.
Trong phần thi Listening đôi lúc sẽ xuất hiện một số câu hỏi phụ và sẽ không được tính điểm. Các câu hỏi được đưa ra nhằm mục đích phục vụ cho nghiên cứu của tổ chức.
Phần thi Nghe sẽ bao gồm nhiều giọng nói khác nhau nhưng chủ yếu đều do người bản xứ thực hiện, ở các nước như Bắc Mỹ, Anh, New Zealand, Úc.
Phần thi Speaking
Phần thi bao gồm 4 câu hỏi với ngữ cảnh tương ứng với các tình huống diễn ra trong trong và ngoài lớp học. Câu hỏi 1 được gọi là “Independent speaking task” vì người học cần tự lên ý tưởng, ý kiến và liên kết với kinh nghiệm của bản thân để trả lời câu hỏi. Câu hỏi 2-4 được gọi là “integrated speaking tasks” vì người học cần kết hợp nhiều kỹ năng ví dụ nghe-nói, đọc-nói.
Thí sinh sẽ có 15-30 giây để chuẩn bị cho mỗi câu hỏi và có 45-60 giây để trả lời câu hỏi. Khi trả lời thí sinh sẽ nói vào micro của tai nghe, câu trả lời sẽ được ghi âm và gửi về ETS.
Nội dung câu hỏi thường gặp trong phần thi Nói:
Câu 1: đề bài sẽ đưa ra hai ý kiến về một vấn đề, hoặc hai tình huống khác nhau, sau đó yêu cầu thí sinh nêu lên quan điểm của bản thân và giải thích.
Câu 2: thí sinh sẽ được đọc một bài văn về một chủ đề trong trường học, sau đó thí sinh được nghe một cuộc hội thoại về chủ đề này và cuối cùng thí sinh trả lời câu hỏi đề bài đưa ra. Câu hỏi yêu cầu thí sinh xác định quan điểm của người nói trong đoạn hội thoại và giải thích quan điểm trên có mối quan hệ gì với vấn đề đưa ra trong bài đọc. Tóm lại, thí sinh cần tổng kết và liên kết hai nội dung được trình bày.
Câu 3: thí sinh được đọc một bài văn về một khái niệm học thuật, sau đó được nghe một bài giảng nêu lên các ví dụ. Thí sinh sau đó giải thích ví dụ đưa ra đã giải thích và minh họa cho khái niệm như thế nào.
Câu 4: thí sinh nghe một bảng giảng và trả lời câu hỏi đề bài, thường câu hỏi sẽ yêu cầu thí sinh tóm tắt lại một nội dung trong bài giảng.
Phần thi Writing
Phần thi gồm có hai câu hỏi. Thứ nhất là Integrated Task (kéo dài 20 phút), ở câu hỏi này thí sinh sẽ đọc một đoạn văn ngắn và nghe một bài giảng ngắn sau đó trả lời câu hỏi đề bài đưa ra. Thứ hai là Independent task (30 phút), thí sinh sẽ viết một bài văn dựa trên kinh nghiệm hoặc quan điểm cá nhân nói về một chủ đề cụ thể.
Cách tính điểm trong bài thi TOEFL iBT
Mỗi phần thi sẽ được chấm theo thang điểm từ 0-30.
Điểm tổng là điểm của bốn phần thi cộng lại, trên thang điểm 0-120.
Điểm thành phần sẽ được quy đổi ra trình độ ngôn ngữ tương ứng. Mỗi phần thi sẽ được chia thành 4 hoặc 5 trình độ, do đó dựa vào cách quy đổi điểm số, người học có thể xác định được trình độ của bản thân.
Kỹ năng Reading
Trình độ cao (Advanced level): 24-30
Trình độ trung cấp cao (High-Intermediate): 18-23
Trình độ trung cấp thấp (Low-Intermediate): 4-17
Trình độ dưới trung cấp thấp (below Low-Intermediate): 0-3
Kỹ năng Listening
Trình độ cao (Advanced level): 22-30
Trình độ trung cấp cao (High-Intermediate): 17-21
Trình độ trung cấp thấp (Low-Intermediate): 9-16
Trình độ dưới trung cấp thấp (below Low-Intermediate): 0-8
Kỹ năng Speaking
Trình độ cao (Advanced level): 25-30
Trình độ trung cấp cao (High-Intermediate): 20-24
Trình độ trung cấp thấp (Low-Intermediate): 16-19
Trình độ căn bản (Basic): 10-15
Trình độ dưới căn bản (below basic): 0-9
Kỹ năng Writing
Trình độ cao (Advanced level): 24-30
Trình độ trung cấp cao (High-Intermediate): 17-23
Trình độ trung cấp thấp (Low-Intermediate): 13-16
Trình độ căn bản (Basic): 7-12
Trình độ dưới căn bản (below basic): 0-6
Điểm số TOEFL iBT không có mức đậu hoặc rớt. Do đó thí sinh xác định điểm số đã đạt hay chưa dựa vào yêu cầu điểm của các trường đại học hoặc cơ sở giáo dục cụ thể.
Quy trình đăng ký và phí thi TOEFL iBT
Trụ sở chính
75 Giang Văn Minh, Q. Ba Đình, Hà Nội
Văn phòng Hà Nội
Tầng 3, Trung Yên Plaza, 1 Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
Chi nhánh TP. Đà Nẵng
19 Hoàng Văn Thụ, Q. Hải Châu, Đà Nẵng
Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh
Tầng 1, Tháp 1, The Sun Avenue, 28 Mai Chí Thọ, An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM
Hoặc thí sinh có thể đăng ký trực tuyến trên trang web của ETS qua đường link: https://www.ets.org/toefl/test-takers/ibt/take/register
Lệ phí thi TOEFL iBT sẽ phụ thuộc vào địa điểm thi. Mỗi quốc gia sẽ có mức lệ phí thi khác nhau, ở Việt Nam, lệ phí thi dao động khoảng $170 (tương đương 3 triệu 900 nghìn đồng).
Tổng kết
IELTS là gì?
TOEIC là gì?
VSTEP là gì?
PTE là gì?
Duolingo English Test là gì?