Trong bài viết đầu tiên của series, thông tin chung về mục tiêu, cấu trúc cũng như yêu cầu toàn bộ bài thi TOEIC Speaking đã được cung cấp đầy đủ. Bài viết thứ hai dưới đây sẽ tiến hành giới thiệu chi tiết tiêu chí đánh giá, phân tích kiến thức cần có cũng như gợi ý hướng xử lý phần thi TOEIC Speaking Part 1: “Read a text aloud” (đọc thành tiếng một đoạn văn) ứng với câu 1 và 2 trong bài thi.
Tổng quan về TOEIC Speaking Phần 1 - Đọc một đoạn văn
Các dạng bài thường gặp trong Read a text aloud TOEIC Speaking Part 1:
Thông báo (Announcements)
Quảng cáo (Advertisements)
Báo cáo tin tức (News reports)
Giới thiệu (Introduction)
Tin nhắn (Phone message)
Những chủ đề thông dụng được lồng ghép vào ngữ liệu cũng vô cùng đa dạng, chủ yếu là về đời sống thường nhật và môi trường làm việc, ví dụ: mua bán, thuê nhà, phương tiện di chuyển, tin tức, vấn đề trong văn phòng,…
Các tiêu chí đánh giá cho Phần 1 của TOEIC Speaking
Đối với dạng “Read a text aloud”, việc đánh giá kết quả xoay quanh hai nhóm tiêu chí “Pronunciation” (Phát âm) và “Intonation and Stress” (Ngữ điệu và Trọng âm), ứng với từng mức điểm (0-3) cụ thể như sau:
Có thể thấy:
Đối với nhóm tiêu chí Phát âm: ở mức điểm 0, thí sinh không đưa ra câu trả lời hoặc câu trả lời không phải là tiếng Anh hoặc câu trả lời hoàn toàn không liên quan đến câu hỏi. Từ mức điểm 1-3, tính hiểu được (intelligible) tăng dần, đồng thời số lượng sai sót (lapses) và ảnh hưởng khác của ngôn ngữ (language influence) giảm dần.
Đối với nhóm tiêu chí Ngữ điệu và Trọng âm: ở mức điểm 0, thí sinh không đưa ra câu trả lời hoặc câu trả lời không phải là tiếng Anh hoặc câu trả lời hoàn toàn không liên quan đến câu hỏi. Từ mức điểm 1-3, tính hiệu quả trong việc sử dụng nhấn giọng (emphases), khoảng dừng (pauses) hay tông giọng cao/thấp (rising/falling pitch) tăng dần, đồng thời số lượng sai sót (lapses) và ảnh hưởng khác của ngôn ngữ (language influence) giảm dần.
Kiến thức cần thiết trong Phần 1 của TOEIC Speaking
Phát âm
Phát âm ở đây chỉ cách thức tạo âm trong một từ. Trong Tiếng Anh, có 44 âm được tổng hợp qua bảng phiên âm tiếng Anh IPA (International Phonetic Alphabet) và phát âm của tất cả các từ đều được cấu thành bằng việc kết hợp những âm này lại.
Để đảm bảo tính hiểu được (intelligible), thí sinh cần nắm được cách phát âm theo bảng IPA để có thể phát âm từng từ – đơn vị cấu nên cả câu hay cả đoạn – một cách chuẩn xác. Người học có thể sử dụng giáo trình Phát âm như “Pronunciation In Use” của Nhà xuất bản Đại học Cambridge (Cambridge Univeristy Press), hoặc theo dõi các trang hướng dẫn phát âm của người bản xứ. Ngoài ra, người học còn có thể tham khảo kiến thức nền tảng về Phát âm đã được tổng hợp trong bài viết Master your Pronunciation. Chìa khóa đến với việc học, cải thiện Phát âm chính là luyện tập.
Một số lưu ý về Phát âm:
Người học cần làm quen với những kết hợp chữ cái thông dụng ứng với cách phát âm của chúng để tăng tốc độ phản xạ nhận biết khi đọc mặt chữ, đặc biệt là khi gặp từ lạ.
Ví dụ: Kết hợp chữ cái –tion (như trong information, nation, station, …) sẽ được phát âm /ʃən/, -ge (như trong change, page, large, …) sẽ được phát âm /dʒ/ hay –ch (như trong match, check, rich, …) sẽ được phát âm /tʃ/.
Đặc biệt, người học cũng nên chú ý các từ vay mượn từ ngôn ngữ khác và các tên riêng của Quốc gia, địa danh thông dụng.
Ví dụ:
Entrepreneur /ˌɑːntrəprəˈnɜːr/, genre /ˈʒɑːnrə/, café /kæˈfeɪ/, ballet /bæˈleɪ/ (từ mượn Tiếng Pháp)
Argentina /ˌɑːrdʒənˈtiːnə/, Chile /ˈtʃɪli/, Los Angeles /ˌlɔːs ˈændʒələs/, Paris /ˈperɪs/
Người học cần nắm chắc và tập thói quen phát âm âm cuối (ending sound) đối với danh từ số nhiều, động từ số ít hay động từ quá khứ có quy tắc bởi bên cạnh là một phần của Phát âm, yếu tố này phần nào thể hiện nhận thức của người học về Ngữ pháp. Không những vậy, trong một số trường hợp hi hữu, phát âm của từ còn có thể thay đổi hoàn toàn dựa vào thì.
Ví dụ: cùng cách viết “read”, động từ nguyên mẫu “read” được phát âm /riːd/ nhưng dạng quá khứ bất quy tắc “read” lại là /red/.
Trọng âm
Trọng âm là một yếu tố quan trọng không chỉ đối với từ mà còn đối với câu.
Người học cần đảm bảo nắm được trọng âm ngay khi học cách phát âm của từ. Trọng âm rơi vào âm tiết nào thì âm đó được phát âm to và rõ hơn so với các âm còn lại. Một từ có thể gồm nhiều âm tiết và việc nhận thức được vị trí của trọng âm vô cùng quan trọng bởi cùng một mặt chữ, từ có thể được phát âm theo nhiều cách khác nhau khi thay đổi về từ loại.
Ví dụ: Cùng cách viết “increase”, danh từ “increase” được phát âm /ˈɪŋkriːs/ và động từ “increase” lại được phát âm /ɪnˈkriːs/. Tương tự, cùng cách viết “subject”, danh từ “subject” được phát âm /ˈsʌbdʒekt/, trong khi động từ “subject” nên được phát âm /səbˈdʒekt/.
Một số lưu ý về Trọng âm từ:
Đối với trường hợp trọng âm thay đổi như trên, người học cần trau dồi khả năng phán đoán, nhận diện dựa vào ngữ pháp, như: Danh từ thường theo sau mạo từ hoặc tính từ, hoặc cả hai; tính từ đứng trước danh từ và theo sau động từ chỉ trạng thái như “be”, “feel”, “seem”, “look”, “smell”,… hoặc đứng sau động từ to be; động từ đứng sau chủ ngữ của câu;…
Hậu tố (suffixes) là một dấu hiệu giúp nhận biết quy luật trọng âm.
Danh từ tận cùng là –ion, –tion, -sion hay –ic thường có trọng âm rơi vào âm ngay trước hậu tố.
Ví dụ: Production /prəˈdʌkʃn/, conversion /kənˈvɜːrʒn/, mechanic /məˈkænɪk/
Động từ tận cùng là –ize hay –ate thường có trọng âm rơi vào âm đầu nếu từ có 3 âm tiết và âm thứ hai nếu từ có 4 âm tiết.
Ví dụ: finalize /ˈfaɪnəlaɪz/, estimate /ˈestɪmeɪt/, decentralize /ˌdiːˈsentrəlaɪz/, appreciate /əˈpriːʃieɪt/
Những từ tận cùng là -cy,-ty, -phy hay -gy thường có trọng âm rơi vào âm thứ ba tính từ hậu tố trở về trước.
Ví dụ: Efficiency /ɪˈfɪʃnsi/, electricity /ɪˌlekˈtrɪsəti/, demography /dɪˈmɑːɡrəfi/, geology /dʒiˈɑːlədʒi/
Tiền tố (prefixes) cũng là một dấu hiệu giúp nhận biết quy luật trọng âm. Đối với động từ hay từ có từ 2 âm tiết trở lên, trọng âm thường rơi vào âm thứ hai.
Ví dụ: revise /rɪˈvaɪz/, outlast /ˌaʊtˈlæst/
Không những vậy, trong cả một câu, trọng âm cũng giúp nhấn mạnh thông tin quan trọng. Những từ hàm chứa ý nghĩa nội dung câu (content words), thường là động từ, danh từ, tính từ hoặc trạng từ, nên được nhấn mạnh. Trong khi đó, những từ chức năng (function words) chỉ với nhiệm vụ đảm bảo quy tắc ngữ pháp như đại từ, mạo từ, trợ động từ hay giới từ sẽ thường được phát âm nhẹ hơn. Tuy nhiên, tùy thuộc vào dụng ý của người nói, việc phân định từ nào cần được nhấn cũng sẽ thay đổi, không nhất thiết phải tuân theo quy luật.
Xét những phiên bản trọng âm khác nhau trong câu ví dụ: I promise that I did not lie to you!
“I PROMISE that I did not lie to you!”: Nhấn mạnh hành động “hứa”, thể hiện sự thành khẩn về thái độ.
“I promise that I did not lie to you!”: Nhấn mạnh chủ thể “I”, có thể ám chỉ không phải “tôi” mà là người khác đã nói dối.
“I promise that I DID NOT lie to you!”: Nhấn mạnh việc phủ định hành động nói dối, thể hiện sự chắc chắn trong khẳng định của mình.
“I promise that I did not lie to YOU!”: Nhấn mạnh chủ thể “you”, có thể ám chỉ hành động nói dối có xảy ra nhưng không phải với “bạn”.
Dấu ngữ điệu và Cách ngắt câu
Ngữ điệu là sự nâng cao (rising) hay hạ thấp (falling) tông giọng, góp phần giúp thể hiện ý nghĩa câu cũng như thái độ, cảm xúc của người nói.
Một số lưu ý về Ngữ điệu:
Đối với câu tường thuật: Ngữ điệu thường đi xuống ở cuối câu. Nếu trong câu có yếu tố liệt kê, người nói thường sử dụng ngữ điệu đi lên khi nhắc tới các đối tượng đầu để báo hiệu sự tiếp nối của những đối tượng khác. Ngoài ra, khi trong câu tường thuật có sử dụng từ nối để đánh dấu (ví dụ: Additionally, As a result of this, In comparison, For example, In other words, Finally, First / Next / Then), bản thân các từ này nên được phát âm với ngữ điệu đi lên và mệnh đề/câu theo sau chúng nên có ngữ điệu đi xuống.
Ví dụ:
The three most important qualities are self-discipline (rising), diligence (raising), and bravery (falling).
Finally (raising), we’d like to thank all of our guests for their participation (falling).
Đối với câu hỏi:
Câu hỏi lấy thông tin bắt đầu bằng các từ để hỏi Wh- (What, Where, When, Why, Who, How) thường có ngữ điệu đi xuống.
Câu hỏi Yes/No bắt đầu bằng các trợ động từ (Do, Have, Can, …), bao gồm cả câu hỏi đuôi, thường có ngữ điệu đi lên.
Ví dụ:
When will the soccer match start? (falling)
How much does the dress cost? (falling)
Do you enjoy the movie? (rising)
Have you checked the files? (rising)
Ngắt câu ở những vị trí thích hợp giúp chia câu thành các đơn vị có nghĩa và nhờ đó, người nghe có thể nắm thông điệp được truyền tải một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Một số lưu ý về Ngắt câu:
Dấu câu là tín hiệu căn bản mà người học cần chú ý để có khoảng ngừng ngắn. Các loại dấu câu thường được dùng gồm: dấu chấm, dấu phẩy, dấu hai chấm, dấu hỏi chấm và dấu than chấm.
Trong câu được cấu thành từ nhiều mệnh đề hay chứa những cụm từ (cụm danh từ, cụm trạng ngữ, cụm giới từ,…), người học cũng cần chú ý đọc trọn vẹn mỗi một thành phần trước khi ngắt và chuyển sang các thành phần khác.
Ví dụ:
We would like to know more about the seminar which is going to be held this Sunday.
Ví dụ về cách ngắt không hợp lý: We would like to know / more about the seminar which is going / to be held this Sunday.
Cách ngắt hợp lý hơn: We would like to know more about the seminar / which is going to be held this Sunday.
Please respond to us as soon as you receive the package.
Ví dụ về cách ngắt không hợp lý: Please respond to / us as soon as you receive the package.
Cách ngắt hợp lý hơn: Please respond to us / as soon as you receive the package.
There has been a serious traffic accident due to the heavy rain.
Ví dụ về cách ngắt không hợp lý: There has been a serious traffic / accident due to the heavy rain.
Cách ngắt hợp lý hơn: There has been a serious traffic accident / due to the heavy rain.
Các bước xử lý cho dạng bài Đọc một đoạn văn - Phần 1 của TOEIC Speaking
Bước 1: Đọc lướt toàn bộ ngữ liệu.
Việc đọc lướt toàn bộ ngữ liệu vô cùng quan trọng bởi người học cần nắm chắc thể loại ngữ liệu cũng như đại ý được truyền tải là gì. Bên cạnh đó, qua bước này, người học cũng có thể hình thành ý niệm về số lượng câu và các dấu câu được sử dụng để kiểm soát việc ngắt nghỉ cho phù hợp. Bước này có thể hoàn thành được trong khoảng 20 giây.
Bước 2: Kiểm tra lại các từ khó phát âm hoặc dễ nhầm lẫn.
Ở bước tiếp theo này, người học nên rà soát lại các từ chứa nhiều âm tiết, các từ có âm cuối cũng như các từ lạ chưa từng gặp bao giờ để thử “đoán” phát âm. Bên cạnh đó, người học cũng cần chú ý nhận dạng các từ có nhiều cách phát âm dễ gây nhầm lẫn như đã nêu ở mục 1 và 2 của phần II. Bước này có thể hoàn thành được trong khoảng 15 giây.
Bước 3: Xem xét trọng âm và điều chỉnh ngữ điệu.
Cuối cùng, người học nên chú ý đến các từ nội dung để xác định vị trí trọng âm của câu cũng như quyết định ngữ điệu phù hợp: đi lên hay đi xuống. Bước này có thể hoàn thành được trong khoảng 10 giây.
Minh họa ví dụ
Xét ví dụ sau đây:
Welcome to sunny Yorktown and thank you for joining us today at our first national New Marketers training conference. Please make sure to check in at the booth so that we can record your attendance. The trainers will be on hand to conduct tours of the facilities. You will be given a training handbook and a new employee packet. At the end of today’s training session, we’ll handling be out surveys. Does anyone have any questions?
Nguồn: Skills for the Toeic test: Speaking and Writing.
Bước 1: Đọc lướt toàn bộ ngữ liệu.
Ngữ liệu đã cho trên là một lời giới thiệu, chỉ dẫn về một hội nghị đào tạo trong ngành Marketing, gồm 5 câu trần thuật và 1 câu hỏi ở cuối cùng. Ngoài dấu chấm/dấu chấm hỏi báo hiệu kết thúc câu (đồng thời cần ngắt giọng), không có dấu câu nào khác được sử dụng.
Bước 2: Kiểm tra lại các từ khó phát âm hoặc dễ nhầm lẫn.
Các từ nhiều âm tiết cần chú ý trọng âm: NAtional, MARketer, CONference, atTENdance, faCIlities, employEE, SESsion, SURveys, QUEStions.
Tên riêng: Yorktown.
Từ có nhiều cách phát âm:
record: vì xuất hiện sau động từ khiếm khuyết “can”, “record” ở đây chắc chắn là động từ – Phát âm /rɪˈkɔːrd/.
conduct: vì xuất hiện sau “to” và trước danh từ “tours”, “conduct” ở đây chắc chắn là động từ – Phát âm /kənˈdʌkt/.
Bước 3: Xem xét trọng âm và điều chỉnh ngữ điệu.
Câu 1 là lời mở đầu và cảm ơn nên có thể nhấn mạnh vào các từ nội dung: “welcome”, “thank you”, “training conference”.
Câu 2 là lời nhắc nhở về thủ tục nên có thể tập trung vào các từ nội dung như: “check in”, “booth”, “record”, “attendance”.
Câu 3-5 là hướng dẫn nên có thể tập trung vào các từ nội dung như: “trainers”, “on hand”, “conduct”, “given”, “training handbook”, “employee packet”, “end”, “surveys”.
Ngoại trừ câu hỏi Yes/No ở cuối có ngữ điệu tăng dần, tất cả các câu còn lại đều là câu trần thuật nên ngữ điệu giảm dần ở cuối câu.