Tham gia một khóa học vẽ
'Sao bầu trời lại màu tím?', thằng bạn cùng bàn nhìn bức vẽ của tôi mà thắc mắc.
Giờ đây, với những hiểu biết phức tạp của người lớn, tôi có lẽ sẽ trả lời đó là phong cách hậu ấn tượng, sử dụng thủ pháp phi tự nhiên hóa màu sắc để thể hiện nội tâm giằng xé của người nghệ sĩ. Nhưng hồi đó, tôi chỉ biết im lặng và cảm thấy xấu hổ.
Tôi ghét các tiết học mỹ thuật. Tôi không thể vẽ, càng không thể tô màu. Vì thế tôi ghét vẽ và tô màu. Tôi không hiểu sao mẹ lại cho tôi đi học vẽ ở cung văn hóa thiếu nhi thành phố. Tôi ghét từng giây phút ngồi ở đó, đến mức não bộ từ chối ghi nhớ mọi kỷ niệm về lớp học. Chỉ có chiếc xe tải nhỏ chở lá khô ngoài cửa sổ là ám ảnh tôi. Mỗi khi ngồi trong lớp, tôi đều nhìn ra ngoài tìm kiếm chiếc xe đó. “Nó chở lá đi đâu nhỉ? Sao không chở mình ra khỏi nơi này?”.
Nghệ thuật có khả năng giải phóng con người, ít nhất là đối với tôi. Khoảng năm ba đại học, khi con người ở đỉnh cao của sự nghi ngờ bản thân, tôi mua cuốn 'Dẫn luận về cái đẹp' từ một tủ sách nào đó của Oxford. Tôi mua nó vì tôi không biết cái đẹp là gì. Tôi cũng không dám nhận xét về mỹ học của bất kỳ thứ gì, vì sợ lộ ra sự thiếu hiểu biết và bị chê cười. Không dám mở miệng nghĩa là không dám suy nghĩ. Vì thế, tôi chắc chắn mình là một người mù tịt về nghệ thuật và cái đẹp.
Đọc khoảng 30 trang, tôi bỏ ngang vì ngôn ngữ khô khan, nhưng vẫn kịp nắm bắt một câu văn có thể xem là tiên đề của cuốn sách. Đến hôm nay, câu đó trở thành một trong những triết lý của tôi: “Cái đẹp mang tính chủ quan!”. Rằng tồn tại song song với vẻ đẹp tinh tế của một vở kịch dành cho giới tinh hoa là vẻ đẹp chân thực và thô lỗ của một câu chuyện nơi bàn nhậu. Nằm ngay bên cạnh vẻ đẹp lý tính thuần túy của phương trình Euler là vẻ đẹp bị bóp méo bởi tri giác lệch lạc từ chứng tâm thần phân liệt. Ta có thể đấu tranh cho cái đẹp mình theo đuổi, thậm chí chê bai những cái đẹp khác bằng đủ loại triết lý và lập luận. Nhưng không thể thay đổi là cảm nhận chủ quan của mỗi người, điều có lẽ là chân thật nhất và riêng tư nhất trên đời. Vẻ đẹp của tôi có lẽ nằm đâu đó giữa những điều đó.
Vậy là tôi không nên tự ti về gu thẩm mỹ của mình nhỉ? Thế là bây giờ, ở tuổi hai tám, tôi học vẽ lại từ đầu.
Cấu thành một bức vẽ gồm những gì? Ta có bố cục, đường nét và màu sắc. Nhưng trên hết phải là phong cách. Phong cách được kết tinh từ thế giới nội tâm của người vẽ. Có người rón rén vẽ từng nét cẩn thận. Có người khoáng đạt vẽ nhanh các đường lớn. Có người sâu sắc chăm chút chiều sâu cho tác phẩm. Người nông cạn thì vẽ gì thấy nấy. Rón rén, nông cạn, sâu sắc hay khoáng đạt? Mỗi người mỗi phong cách. Bởi vậy ta nói phong cách là thứ không thể bị phê bình.
“Bức vẽ của anh có thể trở thành một phong cách riêng!”, cô trợ giảng nhận xét - có lẽ người ta nói vậy khi không còn gì khác để khen. Nhưng đúng là phải chấp nhận, đường nét của tôi tệ, bố cục chẳng có chiều sâu. Không sao. Bên trong mình lộn xộn và điên cuồng thì trên mặt giấy cũng lộn xộn và điên cuồng. Không bận tâm phải sắp xếp mọi thứ, cứ để nó tự nhiên, trông đủ ấn tượng với tôi rồi. Một bức vẽ mà tôi tự hào. “Tư duy nghệ thuật mới khó, chứ đường nét và kỹ thuật học mấy hồi.” - Tôi sẽ nhớ câu này, nếu không học được sẽ quay lại mắng vốn.
Buổi học vẽ than chì đầu tiên
Thầm nghĩ rằng, nếu hồi xưa mình được học như thế này, có lẽ đã không ghét vẽ đến vậy.
Tôi không tin vào những người nói nghệ thuật là vô dụng. Chẳng có thứ gì mà chúng ta làm lại không có mục đích, ngay cả hành vi “vận động vô mục đích” trong chứng tâm thần phân liệt cũng có chức năng của nó. Phát biểu nghệ thuật vô dụng có lẽ chỉ là câu nói để nghệ sĩ lãng mạn hóa công việc hàng ngày của họ, nghe cho sang mồm, như thể họ được dẫn dắt bởi thần khí và đứng trên loài người.
Nói rằng nghệ thuật không có mục đích thiết kế trước khi sáng tạo thì tôi tin. Bởi con người thường không ý thức được những gì mình nghĩ, và họ tin rằng mình có tự do ý chí, và cái đẹp tồn tại độc lập với sự hữu dụng. Tất nhiên, nhận định này vẫn sai, nhưng ít nhất tôi đánh giá cao sự chân thực về sự vô tri của họ.
Một mục đích của nghệ thuật là giao tiếp, dù là ai giao tiếp với ai. Giao tiếp giữa mình với chính mình. Giao tiếp với khán giả hữu hình. Giao tiếp với ai đó chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng. Giao tiếp với quá khứ hay tương lai. Giao tiếp với thần thánh, quỷ dữ, vô thức, vũ trụ, người ngoài hành tinh, hay thậm chí Thorin, con của Thrain, con của Thror... Tất cả tạo tác của con người đều phục vụ mục đích giao tiếp.
Đôi khi đó là một cuộc trò chuyện chân thành, nơi người này bộc lộ bản thân cho người kia hiểu rõ. Đôi khi đó là cuộc trò chuyện đầy toan tính, nơi người này thao túng người kia để đạt mục đích, hoặc cài cắm một hệ tư tưởng nào đó. Ý tưởng là ký sinh trùng và nghệ thuật là vật chứa trung gian. Ngay cả trong “văn nghệ minh họa” vẫn có những nghệ sĩ lồng ghép góc nhìn chân thật của mình. Điều này thể hiện ý chí mãnh liệt của con người trong những hoàn cảnh khó khăn.
Con người muốn phơi bày chính mình. Một trong những giấc mơ phổ biến nhất là mơ thấy mình lõa thể nơi công cộng. Chẳng phải đó là minh chứng rõ ràng nhất cho mong muốn này sao? Thông qua tác phẩm nghệ thuật, chúng ta phơi bày những điều sâu sắc hơn cả thân thể trần truồng, đôi khi là những điều đã bị ý thức kiểm duyệt chôn vùi từ lâu.
Hồi lớp bốn, tôi có một người bạn thân vẽ rất đẹp. Một hôm, mấy đứa con gái trong lớp bu lại xem nó vẽ. Tôi ngồi cách đó mấy bàn, lén lút lấy cục phấn vẽ một con gấu dưới hộc bàn. Con gấu đó chẳng đẹp, thậm chí với tiêu chuẩn của một học sinh tiểu học thì nó vẫn rất ngô nghê. Tôi giấu đi nhưng không xóa. Vẽ là phơi bày con người, tôi không muốn cái thế giới nội tâm xấu xí của mình bị lộ ra. Tôi kìm nén nó, bởi vì tôi sợ. Tôi vẽ nó trong bóng tối, tự nhủ rằng nó đẹp và giữ riêng cho mình.
Giờ đây, tôi vẽ những nét cuồng loạn, xiên ngang xiên dọc trên mặt giấy (công nhận giấy vẽ rất bền). Tôi nhìn thẳng vào đó và gào thét: “Đây là tôi! Tôi trần trụi! Nhìn đi!”