“Không biết Mark Twain đã từng đọc Seneca chưa, nhưng nhiều người tin rằng ông ấy đã có suy nghĩ tương tự: “Tôi là một ông già và đã gặp rất nhiều rắc rối, nhưng hầu hết chúng chưa bao giờ xảy ra.” Nói cách khác, chúng chỉ là tưởng tượng.” (Bữa Sáng Cùng Seneca – David Fideler)
Nếu bạn đã từng nghe đến chủ nghĩa khắc kỷ, chắc hẳn bạn không còn xa lạ với cái tên Seneca – nhà tư tưởng La Mã cổ đại theo trường phái khắc kỷ sớm nhất. Chủ nghĩa khắc kỷ trong một thời gian dài đã bị hiểu lầm. Khi nhắc đến nó, nhiều người liên tưởng đến việc kìm nén cảm xúc. Trong Bữa Sáng Cùng Seneca, David Fideler hướng người đọc đến cách tiếp cận mới với các quan điểm của Seneca về chủ nghĩa khắc kỷ. Cuốn sách gồm phần mở đầu và 14 chương, tập trung khai thác các tác phẩm kinh điển của Seneca và giải thích rõ ràng các ý tưởng của ông. Fideler cung cấp những chỉ dẫn về cách áp dụng chủ nghĩa khắc kỷ vào cuộc sống hiện đại như một phương pháp trị liệu tâm hồn để đạt được cuộc sống hạnh phúc và viên mãn.
Có một điều thú vị đối với những ai đã từng đọc về chủ nghĩa khắc kỷ hay tiếp xúc với các triết gia như Seneca, Epictetus hay Marcus Aurelius, họ sẽ cảm thấy những vấn đề tương tự đang tồn tại trong cuộc sống của mình. Bạn đã bao giờ cảm nhận được nỗi buồn, sự chán nản, thất vọng hay cảm giác mơ hồ về cuộc sống chưa? Trong Bữa Sáng Cùng Seneca, David Fideler giải thích những quan điểm của Seneca một cách ngắn gọn để giúp người đọc hiểu được tâm trạng của mình. Cái nhìn sâu sắc của Seneca mang lại các hướng dẫn cuộc sống, chỉ ra những tổn thương bên trong mỗi người có thể được chữa lành. Ở mỗi chương, Fideler đề cập một cách đơn giản với nhiều trích dẫn phong phú về các chủ đề Seneca đã trình bày trong các tác phẩm của mình, từ cảm xúc như tức giận, đau buồn, vượt qua nghịch cảnh, sợ hãi cái chết đến tình bạn, sự giàu có và giá trị của thời gian. “Khi cảm thấy khó chịu, chúng ta thường nghĩ rằng mình đang phản ứng với thế giới bên ngoài, nhưng thật ra chúng ta đang phản ứng với những gì bên trong bản thân: phán xét, niềm tin hay quan điểm của chính mình. Và chúng ta phản ứng cảm tính vì những phán đoán nội tại mà chúng ta liên tục đưa ra. Đối với Seneca và những người theo trường phái khắc kỷ khác, thay vì bị tác động bởi những thứ bên ngoài, tốt hơn là hãy nhìn vào những đánh giá bên trong khiến chúng ta khó chịu. Bằng cách đó, chúng ta có thể học cách sống bình thản.” Có thể thấy, Seneca đã mở rộng tư tưởng của chủ nghĩa khắc kỷ theo nhiều cách. Ông chỉ ra rằng những niềm tin sai lầm dẫn đến đau khổ về tâm lý. Chúng ta ở thế kỷ 21 vẫn bị chi phối bởi những ảnh hưởng vô thức. Vì vậy, chúng ta cần điều chỉnh việc tiêu thụ tin tức và mạng xã hội để giữ cho đầu óc tỉnh táo và tinh thần khỏe mạnh. Điều này không có gì ngạc nhiên. Một trong những nguyên tắc của chủ nghĩa khắc kỷ sẽ giúp bạn đồng hóa các tình huống khủng hoảng với sự bình tĩnh, như Seneca đã nói: “Tai họa là cơ hội của đức hạnh.”
Trong chương 4 của cuốn sách, Fideler chỉ ra nguyên nhân của cảm xúc tiêu cực xuất phát từ những xung đột và mâu thuẫn. Tại sao chúng ta tức giận? “Sự tức giận phát sinh từ một phán đoán tinh thần rằng “Tôi bị hại” hoặc “Tôi đã bị đối xử bất công”, và khi ý kiến đó được chấp nhận hoàn toàn, sự tức giận sẽ phát sinh như một phản ứng lại bất công. Đối với Seneca, tức giận là cảm xúc tồi tệ nhất của con người.” Một người có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi môi trường và xã hội. Nếu bạn sống với những cảm xúc tiêu cực, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy yên bình vì tâm trí bạn không nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Cảm xúc lúc này bị chi phối bởi nhận định hay quan điểm sai lầm, sẽ khiến bạn hành động theo cách có hại và tự hủy hoại bản thân. Thay vì tức giận với người khác, chúng ta có thể rèn luyện việc kiểm soát cơn giận của mình. Theo các nhà khắc kỷ, nếu chúng ta tìm hiểu câu trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta có thể loại bỏ những cảm xúc tiêu cực trước khi chúng phát triển. Điều này không dễ dàng. Có thể mất nhiều thời gian để học và thực hành, và đòi hỏi sự phát triển nhận thức về bản thân đáng kể.
Bữa Sáng Cùng Seneca“Bữa Sáng Cùng Seneca” là một bộ sưu tập thú vị với những phân tích rõ ràng và toàn diện về những luận điểm nổi bật của Seneca, một triết gia có tầm ảnh hưởng lớn trong lịch sử. Dù bạn chưa quen thuộc với chủ nghĩa khắc kỷ, cuốn sách này vẫn mang lại những kiến thức mới mẻ về nhiều khía cạnh tâm lý và tinh thần, giúp chúng ta áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.
David Fideler là một biên tập viên, giáo sư đại học và nhà tư vấn giáo dục. Ông từng học tại Đại học Pennsylvania và có bằng tiến sĩ về triết học, lịch sử khoa học và vũ trụ học. David nổi tiếng với nghiên cứu về trường phái Pythagore và đã đóng góp nhiều bài viết học thuật trong “Phê Bình Văn Học Cổ Điển và Trung Đại” (1997), “Từ Điển Mới về Lịch Sử Ý Tưởng” (2004). Những tác phẩm nổi bật của ông bao gồm “Phục Hồi Linh Hồn Của Thế Giới”, “Bữa Sáng Cùng Seneca”…
Đánh giá chi tiết bởi Quỳnh Ly – MyBook
Hình ảnh: Quỳnh Ly