“Bạn sẵn lòng giết một người để cứu năm người không?”
Có lẽ không ai trong chúng ta đã không nghe về “vấn đề của chiếc xe đẩy” (hoặc The Trolley Problem trong tiếng Anh). Đây là một thí nghiệm đạo đức giả tưởng nổi tiếng, trong đó đặt ra một tình huống giả định buộc người tham gia phải lựa chọn giữa hai kết quả tiêu cực. Nói một cách đơn giản, nội dung có thể tóm tắt bằng một câu hỏi: “Bạn sẵn lòng giết một người để cứu năm người không?”. Cụ thể hơn, vấn đề đó như sau:
“Có một chiếc xe đẩy đang lao xuống đường ray của tàu hỏa. Phía trước, có năm người bị trói trên đường ray và không thể di chuyển, trong khi chiếc xe đẩy đó lao thẳng về phía họ. Bạn đang đứng ở một khoảng cách xa trong bãi đậu xe của tàu, và bên cạnh bạn có một cái đòn bẩy. Nếu bạn kéo cái đòn bẩy, chiếc xe đẩy đó sẽ chuyển hướng sang một bộ đường ray khác, và bạn sẽ cứu được năm người kia. Tuy nhiên, bạn nhận ra rằng trên bộ đường ray đó cũng có một người đang ở trên đó. Bạn có hai (và chỉ hai) lựa chọn:
1 - Bạn không làm gì cả, và trong trường hợp đó, chiếc xe đẩy sẽ giết năm người trên đường chính.
2 - Bạn kéo cần gạt, chuyển hướng chiếc xe đẩy sang đường ray phụ, nơi đó nó sẽ giết một người nhưng cứu được năm người còn lại.
Theo bạn, lựa chọn nào mới là đạo đức hơn? Hay đơn giản hơn, lựa chọn nào là đúng mà bạn cần phải làm?
Chúng ta đều nhận thấy rằng, không có câu trả lời nào là hoàn toàn đúng cho vấn đề này. Dù bạn chọn cách nào đi nữa, sẽ luôn có những khía cạnh không thỏa đáng trong hành động của bạn. Vậy, câu trả lời của bạn là gì?
Hercule Poirot, thám tử tư nổi tiếng của chúng ta, đã phải đối diện với tình huống tương tự như vấn đề xe đẩy được đề cập trong cuốn tiểu thuyết Án Mạng Trên Chuyến Tàu Tốc Hành Phương Đông của Agatha Christie. Bối cảnh của câu chuyện cũng là trên đường sắt. Nếu bạn tò mò về cách mà một nhân vật như Poirot, được hàng triệu người hâm mộ, sẽ giải quyết vấn đề khó khăn này, hoặc đơn giản bạn chỉ muốn đọc một trong những cuốn tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng nhất, hãy đọc Án Mạng Trên Chuyến Tàu Tốc Hành Phương Đông ngay!
Lời Ngỏ Về Tác Giả Và Tác Phẩm
Án Mạng Trên Chuyến Tàu Tốc Hành Phương Đông là một trong những cuốn tiểu thuyết được đón đọc nhất của Agatha Christie, một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của Anh. Agatha Christie sinh năm 1890 ở một thị trấn ven biển ở Anh và qua đời vào năm 1976. Bà được biết đến như 'nữ hoàng trinh thám' với số lượng sách bán ra lớn thứ ba chỉ sau Kinh Thánh và Shakespeare. Bạn muốn biết tại sao truyện của bà lại nổi tiếng như vậy không? Đó là bởi tính khó đoán của cốt truyện và sự hấp dẫn từ các nhân vật thám tử như Hercule Poirot và Jane Marple. Agatha Christie cũng là người đặt nền móng cho thể loại truyện trinh thám với nhiều luật lệ và cú twist mà các tác giả trinh thám hiện đại tuân theo.
Tiểu thuyết Án Mạng Trên Chuyến Tàu Phương Đông được xuất bản lần đầu vào năm 1934 và đã được chuyển thể sang nhiều định dạng khác nhau, từ phim điện ảnh đến phim truyền hình. Đây là một trong 33 tiểu thuyết của Agatha Christie có nhân vật chính là Hercule Poirot. Mặc dù có nhiều cuốn về Poirot, bạn có thể chọn bất kỳ cuốn nào để đọc vì mỗi cuốn có thể đứng độc lập.
Trong khi thưởng thức kỳ nghỉ của mình, Poirot đột nhiên nhận được một cuộc điện từ Luân Đôn, buộc ông phải trở về ngay lập tức vì công việc. Mặc dù bực tức vì sự gián đoạn này, Poirot vẫn quyết định điều chỉnh kế hoạch để đón chuyến tàu sớm nhất có thể.
Ngoài Poirot, đoàn tàu còn chở thêm một số hành khách khác, trong đó có một người đàn ông người Mỹ tên Samuel Ratchett. Mặc dù ăn mặc như một nhà từ thiện, Poirot nhận thấy ông ta có ánh mắt ác độc. Ratchett yêu cầu Poirot bảo vệ ông, nhưng bị từ chối do thiếu cảm tình.
“Ông rất gan lì.” Ratchett nói. “Hai mươi ngàn đô-la có làm ông thay đổi ý kiến không?”
“Không chắc.”
“Nếu muốn nhiều hơn, ông cũng đừng hi vọng. Tôi biết giá trị của mọi thứ.”
“Tôi cũng vậy, ông Ratchett…”
“Tôi đề xuất rằng có gì không ổn?”
Poirot đứng lên.
“Nếu bạn tha thứ cho sự trung thực của tôi, thì tôi phải nói rằng: Tôi không hài lòng với diện mạo của bạn, thưa ông Ratchett.”
Nói xong, ông rời khỏi phòng ăn.
Vào sáng hôm sau, khi đang gần thủ đô Serbia, đoàn tàu phải dừng lại vì tuyết dày. Vào thời điểm đó, giám đốc điều hành đoàn tàu thông báo với Poirot rằng, Ratchett đã bị ám sát: Ông bị phát hiện trong cabin của mình, với 12 vết thương dao trên người. Poirot phải đảm nhận vụ án này, vì cảnh sát không thể tiếp cận được đoàn tàu bị mắc kẹt.”
“Thủ phạm đang ẩn náu giữa chúng ta... ngay trên chuyến tàu này... lúc này...”
Trong quá trình Poirot phá án, độc giả sẽ cùng với vị thám tử tư ấy khám phá về không chỉ cách thức vụ án giết người được tiến hành, mà còn cả về ranh giới mờ nhạt giữa đúng và sai, cũng như bản chất của con người: chúng ta sẽ thấy rằng, nỗi đau có thể sẽ đẩy chúng ta xuống bờ vực như thế nào, và khiến chúng ta làm những gì - kể cả những điều tồi tệ nhất, những điều mà chúng ta nghĩ sẽ không bao giờ làm.
Cảm Nhận (Có Spoiler)
Về nội dung cũng như cốt truyện, hiếm người có thể chê được bất kì một chi tiết nào trong cuốn truyện này. Agatha Christie hoàn toàn xứng đáng với danh xưng nữ hoàng trinh thám bởi sự sáng tạo không có giới hạn của bà. Mỗi khi nhắc tới bà, độc giả luôn nhất định phải kể đến những cú ngoặt độc đáo không thể nào mà lường trước được trong mỗi tác phẩm của bà: điểm đáng nói ở đây đó là, chúng không bao giờ trùng lặp nhau.
Trong cuốn Án Mạng Trên Chuyến Tàu Tốc Hành Phương Đông cũng vậy, bà đã đi ngược lại với khuôn mẫu cứng nhắc thường thấy trong thể loại truyện trinh thám là “có một kẻ giết người trong số chúng ta”: bà đã bẻ ngược nó lại, và biến nó thành “tất cả chúng ta đều là kẻ giết người”. Dù kiến thức của độc giả về vụ án và những gì đã xảy ra là không có khuyết thiếu gì so với vị thám tử Hercule Poirot, đa số chúng ta vẫn không thể suy luận được ra về sự thật của vụ ám sát Ratchett giống như ông. Đây chính là bằng chứng cho sự đại tài của nữ nhà văn.
Thêm nữa, không giống như giọng văn của nhiều tác giả nổi tiếng khác trong cùng thời kỳ, cách nữ nhà văn Agatha Christie viết nên những câu chuyện của bà là không hề cầu kì, hoa mỹ mà thực ra khá đơn giản, ngắn gọn; mạch truyện phần lớn được dẫn dắt bởi những đoạn hội thoại giữa các nhân vật, không quá chú trọng tới yếu tố miêu tả,... Theo mình, đây là một sự lựa chọn hợp lý bởi hầu hết các độc giả của bà, một khi họ đã cầm tác phẩm của bà lên tay, sẽ muốn thử tự mình phá án cùng với nhận vật chính của cuốn tiểu thuyết là vị thám tử - điều này là do thông thường, những dữ kiện cần thiết để tìm ra chân tướng của vụ việc đều đã được bà cung cấp ở ba phần tư đầu của cuốn sách.
Thế nên, cách viết của bà sẽ giúp cho độc giả có thể dễ dàng tập trung vào câu chuyện và những gì đang diễn ra ở trong đó hơn. Ngoài ra, ta còn có thể thấy rằng, mặc dù truyện của nữ nhà văn Agatha Christie phần lớn là chỉ tập trung vào yếu tố trinh thám, nhưng đôi khi ta cũng có thể thấy một vài vấn đề đạo đức và xã hội nổi trội thời bấy giờ hiện hữu trong tác phẩm của bà. Trong cuốn tiểu thuyết này, bà đã phần nào đề cập tới cuộc tranh luận mà đã diễn ra cả hàng thế kỉ: công lý thực sự là gì? Liệu công lý có bắt buộc phải là do luật pháp quyết định hay không? Thế nhưng, cho tới tận trang cuối cùng, cuốn truyện không cho chúng ta một câu trả lời rõ ràng mà chỉ để ngỏ câu hỏi ở đó, như thể muốn người đọc tự bản thân họ suy ngẫm và đưa ra kết luận của riêng mình.
Ngoài ra, trong cuốn truyện ấy, nhân vật chính của chúng ta - Hercule Poirot - đã phải đối diện với một phiên bản khác thực tế hơn của vấn đề xe đẩy mà mình đã nhắc tới ở đầu bài viết này. Vị thám tử ở cuối truyện cũng có hai lựa chọn: Poirot có thể quyết định hi sinh thứ công lý về mặt luật pháp mà Ratchett - một tên tội phạm mà đã bắt cóc và giết hại một đứa trẻ con vô tội, làm tan nát cả một gia đình - đáng nhẽ ra được hưởng, và cứu sống mười hai con người bị tra tấn bởi sự đau khổ và cảm giác tội lỗi mà đã bị gây ra bởi tội ác của Ratchett năm xưa; hoặc Poirot có thể nói sự thật về vụ giết người của Ratchett với cảnh sát, rằng mười hai hành khách còn lại chính là hung thủ của vụ ám sát ấy, và ở một mức độ nào đó hi sinh cuộc sống của mười hai con người ấy cho công lý của Ratchett.
Có lẽ, các độc giả cũng đã không cảm thấy quá ngạc nhiên khi biết được rằng Poirot đã quyết định nói dối với cảnh sát để mười hai con người kia có thể được giải thoát khỏi gánh nặng là Ratchett và bắt đầu lại cuộc sống từ đầu. Chắc hẳn rằng, đa số trong chúng ta cũng đều sẽ lựa chọn giống vị thám tử này, hoặc ít nhất, hiểu và thông cảm được cho quyết định cuối cùng của ông. Poirot thấy được rằng, cội nguồn của tội ác này, dù bị bao phủ bởi sự đau thương và ham muốn trả thù, đó chính là tình yêu: không chỉ mỗi tình yêu đôi lứa nói riêng giống như nhiều tác phẩm khác của Agatha, mà ở đây, thứ tình yêu mà được đề cập tới ở trong cuốn truyện còn bao hàm tất cả mọi tình cảm giữa con người với con người - nó bao gồm cả tình yêu gia đình, sự ngưỡng mộ mến thương,...
Nếu như bạn là một thành phần quen thuộc với các tác phẩm khác của Agatha về Poirot, bạn chắc cũng biết rằng vị thám tử này không phải là một người dễ mủi lòng: ông có một cái khái niệm rất chắc chắn - gần như không thể lay chuyển - về cái gì là đúng và cái gì là sai, và ông rất coi trọng việc tuân thủ luật pháp (có thể phần lớn những điểm này là do ông từng là sĩ quan cảnh sát vào thời còn trẻ). Thế nên, khi chứng kiến Poirot lựa chọn đi ngược lại với luật pháp - một hướng đi mà ông gần như chưa bao giờ quyết định đi trước đó - những độc giả quen thuộc với vị thám tử này chắc đã phần nào nhận ra được rằng, vụ án này khác biệt với những vụ án trước đó mà ông đã từng phá.
Còn sự đặc biệt đó là gì, mỗi người trong số chúng ta sẽ có những cái nhìn khác nhau về vấn đề này: có lẽ, không giống như nhiều kẻ giết người khác mà ông đã từng gặp qua, ông nhận thấy rằng mười hai hành khách kia không còn là mối nguy hại cho xã hội nữa, vậy nên ông có thể tha thứ cho họ; hoặc có lẽ - một lí do thiên về mặt tình cảm hơn - ông cảm thấy thông cảm cho họ, và do đó, ông quyết định cho họ một cơ hội thứ hai để làm lại cuộc đời.
Lời Kết
Theo mình, Án Mạng Trên Chuyến Tàu Tốc Hành Phương Đông là một trong những tác phẩm mang tính nhân văn nhất của nữ nhà văn Agatha Christie. Điều này là do đây là một trong những cuốn truyện hiếm hoi của bà mà không chỉ tập trung vào vụ án mạng đã xảy ra, mà còn một phần nhỏ nào đó đề cập tới thứ bản chất rối rắm của con người.