'Chẳng cuộc trôi nào là vô tình hết, bản thân sự nổi trôi là thông điệp, tín hiệu, thư mời của chân trời. Sớm hay muộn thì cũng có kẻ nhận lời'.
Trong một nền văn học đang dần lụi tàn vì dường như những chủ đề về tình cảm đôi lứa, tình cảm gia đình thiêng liêng,... đang dần trở nên vô cùng đại trà khiến cho nhiều bài học, ý nghĩa mất đi giá trị và dần chìm vào quên lãng trong lòng bạn đọc. Hàng năm có vô số cuốn sách được xuất bản nhưng chúng răm rắp đi theo một mô - típ đã được đề ra từ trước, chúng đua theo những chủ đề hợp thời đại mà bỏ quên đi mình đang dần hòa tan vào đám đông và không để lại một chút ấn tượng nào. Tuy vậy, một cây bút đã nổi lên với văn phong tìm về sự giản dị, mộc mạc nhưng vẫn nêu cao giá trị về tình yêu đôi lứa, gia đình, tình yêu thiên nhiên, con người, đó là tác giả Nguyễn Ngọc Tư.
Ta vẫn thường nghe mọi người gọi cô bằng một cái tên thân thuộc là cô Tư, cách gọi nghe thân mật, duyên dáng tựa như những con người chân chất ở vùng châu thổ sông Mê Kông. Cái tên ấy đi song với lối hành văn đặc sắc, mang đậm hơi thở của vùng đồng bằng Nam Bộ, nơi cái nắng nóng phủ kín đất trời, đời sống thường nhật của con người và có lẽ là cả trong những tác phẩm văn học của cô. Một tác phẩm tiêu biểu mới xuất hiện trong thời gian gần đây của Nguyễn Ngọc Tư đã được nhiều người đón đọc, Trôi. Trôi nổi bật lên hoàn toàn giữa hàng trăm những đầu sách ca ngợi quê hương, đất nước bởi lẽ bên cạnh việc cho độc giả thấy phong cảnh của xứ mút cà tha hẻo lánh, cô Tư còn cho ta chứng kiến những sự thật trần trụi, mục nát của những tâm hồn bị tổn thương, héo mòn trong môi trường sống nghèo đói, lạc hậu.
Giới thiệu về tác giả và tác phẩm
Sinh ra dưới cái nắng oi ả của đất rừng phương Nam, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã sớm hình thành lối viết giản dị, bình dị và mộc mạc của thôn quê. Cô Tư âm thầm gắn bó với văn học để rồi vào năm 20 tuổi rực rỡ ấy, cô đã thật sự tỏa sáng khi nhận được giải Nhất cuộc thi Văn học của Nhà xuất bản trẻ. Tiếp nối thành tựu ấy, Nguyễn Ngọc Tư đã liên tục cống hiến cho nền văn học nước nhà và giành được vô số giải thưởng trong và ngoài nước, tiêu biểu là Giải văn học Liberaturpreis 2018 do Litprom (Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin ở Đức) bình chọn. Một số tác phẩm tiêu biểu của cô như Ngọn đèn không tắt (2011), Khói trời lộng lẫy (2010), Hong tay khói lạnh (2015), trong đó tác phẩm nhận được nhiều đề cử và giải thưởng danh giá nhất là Cánh đồng bất tận.
Và như vậy, vòng luẩn quẩn không bao giờ chấm dứt và con người mãi mãi phải lang thang tìm kiếm, mãi 'đói', mãi 'đong đưa', mãi 'mơ', mãi 'đợi', và mãi 'trôi', để đến một ngã tư, đợi chờ phán quyết cuối cùng cho thứ tội lỗi không rõ ràng như trong truyện Bên cửa: 'Tôi phải về. Kịp phiên tòa cuối cùng'.
'Em thà trôi một mình. Nhưng những gì còn sót lại của một cù lao tan rã chẳng là bao nhiêu. Vài ba mái nhà trôi nổi trên mặt nước, một vài con lu, những đoạn đất rộng rãi đủ cho một người ngồi thì cũng có, lại trôi đến chân trời xa xôi. Mãi mới có mảnh đất trôi gần, đúng lúc nó rùng mình nứt làm hai. Trong mê cung của nước, mình không biết mình sẽ trôi tới đâu. Không bờ bến để phân biệt. Ngó đâu cũng chỉ thấy nước và bọt nước, cùng những vật chất nổi lên. Giờ thì mạnh ai nấy trôi'
Độc giả dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm nơi từng nhân vật trong tập truyện ngắn Trôi, như thể họ là một phần của chính mỗi con người chúng ta. Và con người ấy, được mô tả như vật thể lang thang vô định - luôn trong trạng thái loay hoay lý giải, làm sáng tỏ về điều mà họ đã mất. Và trong hành trình trôi nổi theo quỹ đạo riêng, những vật thể này vô tình chạm vào nhau, gợi lên hơi ấm con người, thôi thúc cảm giác cái đẹp là một điều thường trực, một mối nguy hại về sự tan rã.
Phong cách nghệ thuật tối giản mà tinh tế
Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư không chỉ là một sự thể hiện tài năng văn chương mà còn là một dấu ấn sâu sắc của nền văn hóa và đời sống dân dã miền Nam Việt Nam. Với việc sử dụng ngôn từ đậm chất Nam Bộ, tác giả đã tạo ra một không gian văn hóa sống động, phản ánh được nét đẹp và cái bình dị của cuộc sống miền quê, nơi cô sinh ra và lớn lên.
Nguyễn Ngọc Tư là người con của một vùng đất mà mỗi chi tiết cuộc sống, mỗi cung bậc cảm xúc đều được truyền tải một cách chân thành và sâu sắc. Phong cách sáng tác của cô không hề xa lạ với đời sống hàng ngày của nhân dân Nam Bộ. Cô biết cách tận dụng những từ ngữ đơn giản nhưng đầy ý nghĩa, những hình ảnh bình dị nhưng sâu lắng để mô tả lại những câu chuyện của con người miền quê. Mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư đều là một phần của cuộc sống thực tại, một góc nhìn sâu sắc vào những cung bậc cảm xúc và suy nghĩ của con người. Việc sử dụng ngôn từ phong phú, đa dạng nhưng vẫn giữ được vẻ dễ hiểu, gần gũi, chính là một điểm mạnh của phong cách sáng tạo của cô.
Bằng cách kể chuyện một cách chân thành và tế nhị, Nguyễn Ngọc Tư đã vẽ nên một bức tranh về sự phức tạp và đa chiều của con người, đồng thời đánh thức những suy tư về ý nghĩa của cuộc sống và vẻ đẹp tiềm ẩn sau sự phản ánh của nó. Tác phẩm Trôi không chỉ là một tập truyện ngắn mà còn là một tác phẩm nghệ thuật sâu sắc, ấn tượng và ý nghĩa. Mỗi trang sách là một cuộc phiêu lưu vào thế giới tinh tế của từng nhân vật, từng câu chuyện. Điều này đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng độc giả và những suy tư sâu sắc về cuộc sống, ý nghĩa của sự tồn tại và vẻ đẹp của sự phản ánh nghệ thuật.
Tóm tắt bởi: Phương Anh - MyBook
Hình ảnh: Phương Anh