“Ai Cập ngày nay chỉ còn được biết đến như một quốc gia chậm phát triển với những Kim Tự Tháp hùng vĩ và các cổ mộ xác ướp. Ít ai biết về quá khứ huy hoàng của nền văn minh đã bị chôn vùi dưới lớp cát sa mạc này.”
Sinuhe là một nhân vật bí ẩn, đóng vai trò quan trọng trong việc lan truyền văn minh Ai Cập đến Hy Lạp. Nhiều giả thuyết được các sử gia đưa ra xoay quanh cái tên Sinuhe này. Có ý kiến cho rằng ông chỉ là thương nhân đến Hy Lạp lập nghiệp, nhưng điều này không giải thích được vì sao một lái buôn lại mở trường học và để lại nhiều tài liệu quý giá. Một số ý kiến khác cho rằng Sinuhe thuộc giai cấp giáo sĩ, nhưng việc người Ai Cập đến Hy Lạp mở trường học cũng khó thuyết phục. Còn ý kiến cho rằng ông là dòng dõi hoàng tộc? Điều này cũng không hợp lý, vì không có quý tộc nào bị lưu đày biệt xứ, kể cả khi phạm trọng tội (vì các Pharaoh rất đề phòng việc có người cấu kết với bên ngoài tạo phản).
Trong lịch sử Ai Cập, Sinuhe được nhắc đến như một huyền thoại, một bí ẩn mà các sử gia hiện nay vẫn chưa thể làm sáng tỏ. Dù thân thế có mơ hồ, nhưng những nhân vật kế thừa tinh hoa mà Sinuhe mang đến Hy Lạp đã xây dựng nên một nền văn minh vĩ đại, như Plato, Asystole, Socrates,... Dấu chân trên cát, với bối cảnh Ai Cập cổ đại, được nhận xét là một tiểu thuyết dã sử hấp dẫn.
“Có bao giờ ngươi tự hỏi chúng ta từ đâu đến? Chúng ta đến đây để làm gì? Rồi chúng ta sẽ đi về đâu? Phải chăng cuộc đời này là một sự ngẫu nhiên, hay có ý nghĩa cao hơn cả các truyền thống và quan niệm thông thường?”
Đôi điều về tác giả
Dấu chân trên cát được nhà văn Nguyên Phong phóng tác từ tác phẩm The Egyptian của Mika Waltari. Mika Waltari (1908 - 1979) là một nhà soạn kịch nổi tiếng với nhiều tác phẩm gắn liền với sân khấu kịch nghệ Broadway. Trong một chuyến đi Hy Lạp, ông đã nghe kể về câu chuyện của Sinuhe. Sau khi tìm hiểu và gặp gỡ các bô lão, ông đã thu thập thông tin và ghi chép về nhân vật bí ẩn này. The Egyptian được xuất bản năm 1945, dù ban đầu Mika Waltari dự định chuyển thể câu chuyện thành một vở kịch hoành tráng. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời của ông.
Nguyên Phong, tên thật là Vũ Văn Du, là cái tên quen thuộc với nhiều độc giả trong và ngoài nước. Ông sang Mỹ du học năm 1968 và tốt nghiệp cao học ngành Sinh học và Điện toán. Ông được biết đến là nhà khoa học uy tín về công nghệ thông tin - Giáo sư John Vũ, và có kinh nghiệm giảng dạy tại nhiều trường đại học trên thế giới. Nguyên Phong là bút danh của ông trong bộ sách văn hóa tâm linh, được dịch và phóng tác từ quá trình nghiên cứu, trải nghiệm và khám phá giá trị tinh thần Đông phương. Ngoài Dấu chân trên cát, tủ sách Nguyên Phong còn có các tác phẩm như 'Hành trình về phương Đông', 'Đường mây qua xứ tuyết', 'Bên rặng tuyết sơn', 'Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng',...
Tuổi thơ và con đường trở thành bác sĩ
Sinuhe sinh ra và lớn lên tại thành Thebes, trong một gia đình y sĩ. Từ nhỏ, Sinuhe đã được tiếp xúc với các kỹ thuật y khoa từ cha mình, một y sĩ tài năng. Sen Moot, cha của Sinuhe, được biết đến với khả năng y khoa xuất chúng, không chỉ điều trị các bệnh thông thường mà còn có khả năng phẫu thuật, đặc biệt là kỹ thuật mổ sọ.
“Những tài sản tình cảm, tài sản tinh thần, tài sản tâm linh mới là những tài sản vô giá, bền lâu và thanh cao.”
Đó là những gì mà Sinuhe được cha mẹ dạy dỗ từ nhỏ. Tuổi thơ của chàng còn có sự xuất hiện của Horemheb, con trai một nhà bán bánh nghèo nhưng có sức mạnh phi thường và sẵn sàng thề trước các vị thần rằng sẽ luôn bảo vệ Sinuhe như một người anh trai.
Khi 16 tuổi, Sinue được gia đình gửi đến trường y khoa Abydos, còn gọi là trường dạy về sự sống và cũng là một tu viện, nơi mà các giảng viên đều là tu sĩ.
“Theo truyền thống, học sinh năm nhất phải phục vụ và hầu hạ học sinh lớp trên một cách tuyệt đối để học những kiến thức cơ bản cần thiết. Đây cũng là dịp để học sinh lớp trên quan sát, xem xét khả năng của học sinh mới và chọn lọc những người xứng đáng. Chỉ khi vượt qua kỳ khảo hạch nghiêm ngặt của các đàn anh, học sinh mới được học trực tiếp với các tu sĩ về y học.”
Do nguyên tắc này, Sinuhe gặp nhiều rắc rối trong thời gian đầu ở trường vì người đàn anh tên Kareb, kẻ chỉ thích có người phục tùng và nhận đút lót mà không thật lòng muốn giúp đỡ hay truyền đạt kiến thức. Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của Horemheb, Sinuhe mới vượt qua kỳ khảo hạch khó khăn và dạy cho Kareb một bài học nhớ đời vì bắt nạt kẻ yếu.
“Này các học sinh của trường Khoa Học Về Sự Sống, các con cần biết rằng phương pháp chữa trị là một nghệ thuật thiêng liêng. Vì là nghệ thuật thiêng liêng nên chữa trị phải bao gồm cả thể xác lẫn linh hồn. Không ai có thể gọi là khỏe mạnh nếu tâm hồn của họ què quặt, yếu đau.”
Đó là lời dặn dò của vị đạo trưởng tóc bạc phơ gửi đến các học trò, trong đó có Sinuhe, trong nghi thức nhập môn ngày đầu tiên. Tại tu viện, họ sẽ được truyền dạy những kiến thức và kỹ năng đặc biệt để trở thành y sĩ, những kiến thức được giữ kín và bảo tồn từ xưa đến nay. Những nền tảng kiến thức sâu rộng này là kinh nghiệm tích lũy từ các thầy trước, bí truyền cho những kẻ xứng đáng.
“Nếu con nhìn đời sống này như một phần nhỏ của một hành trình kéo dài qua nhiều cõi giới và kiếp sống khác nhau, con sẽ thấy rằng việc sống trái với các định luật tự nhiên có thể gây ra những hậu quả không chỉ trong kiếp này mà còn ảnh hưởng đến các kiếp sống khác nữa.”
Đây là một mối quan hệ phức tạp, không thể giải thích ngắn gọn rõ ràng. Vấn đề chính mà Sinuhe phải dành đa số thời gian để học là chẩn bệnh và tìm hiểu nguyên nhân, kể cả khi nguyên nhân này nằm ngoài đối tượng nghiên cứu. Đáng chú ý nhất là phương pháp chữa bệnh bằng năng lượng, một phương pháp không được dạy cho các y sĩ mà chỉ dành riêng cho một số giáo sĩ. Trong các bài giảng tại ngôi trường đặc biệt này, cũng chỉ ra rằng kiến thức như con dao hai lưỡi, tuy quý báu nhưng nếu không biết cách sử dụng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng khó lường.
Trong một lần Horemheb đến thăm Sinuhe tại trường, cả hai đã có chuyến khám phá và chứng kiến một nghi lễ kỳ lạ diễn ra trong bí mật. Kể từ đó, Sinuhe luôn mang trong mình những thắc mắc và cảm giác kỳ lạ về cái tư thi cả hai cùng nhìn thấy mà không thể diễn tả rõ ràng.
Biến cố và thăng trầm.
“Lần này ta và mẹ con sẽ đi thăm một số đạo viện. Từ nhiều năm nay, chúng ta vẫn mong chờ cơ hội theo đuổi những công việc tinh thần nhưng vì trách nhiệm chăm sóc bệnh nhân nghèo nên chưa thể hoàn thành ý định.”
Sau khi kết thúc việc học và trở về thành Thebes, gia đình Sinuhe đã cùng nhau ăn mừng bằng một bữa cơm thịnh soạn. Cũng trong thời khắc này, Sinuhe được kể về thân thế thật sự của mình, thời điểm chàng trai vừa trở thành y sĩ này phải đối mặt với vô vàn biến cố và thăng trầm trong đời.
Sinuhe đã trở thành người bạn, người bề tôi thân tín bên cạnh Pharaoh. Trong những ngày tháng này, không chỉ được học thêm về các ngành khoa học khác ngoài y học, Sinuhe còn hiểu biết nhiều hơn về tình hình chính trị giữa Ai Cập và các khu vực lân cận. Qua mỗi cuộc trò chuyện, Pharaoh đều chia sẻ những kiến thức mà không trường học hay tu viện nào giảng dạy, những điều mà không phải ai cũng nghĩ đến hoặc muốn tìm hiểu, như nguồn gốc của sự sống, chiêm tinh học, vũ trụ học,...
“Theo ta, ai hiểu được vũ trụ sẽ hiểu được chính mình và kẻ nào hiểu được mình sẽ biết được vũ trụ”.
Quả thực đây không phải là kiến thức mà ai cũng có thể lĩnh hội, có lẽ vì thế Pharaoh chỉ chia sẻ với một y sĩ sáng suốt như Sinuhe. Thế giới không chỉ là những thứ con người nhìn thấy, chạm vào hàng ngày. Ngược lại, bên trong bản thể con người nhỏ bé, tầm thường lại ẩn chứa một vũ trụ to lớn và bí hiểm. Do đó, khám phá thế giới bao la bên ngoài hay vũ trụ bên trong đều quan trọng như nhau, đòi hỏi sự hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn.
Đối với Sinuhe, những gì Pharaoh truyền đạt có vài điểm tương đồng với công việc y sĩ mà cậu đang làm. Chẳng hạn như mọi sự phát sinh đều do chúng rung động bởi các luồng từ lực khác nhau.
“Một cây nho không bao giờ mọc gần cây cải vì tính chất xung khắc, nhưng cây nho lại thích leo bám vào cây olive vì chúng hợp nhau. Cây cỏ đã như thế thì loài người chắc chắn có những rung động mạnh hơn. Phần lớn cảm xúc của con người cũng chịu ảnh hưởng bởi những biến đổi của trạng thái từ điện trong tự nhiên.”
Cả vũ trụ này dường như cũng vận hành theo cách tương tự: Vạn vật đều thấm nhuần một luồng khí lực từ điện và có tâm thức thiêng liêng. Bất kỳ hành động nào cũng sẽ nhận lại hậu quả tương đương với nguyên nhân ban đầu. Hành động của con người còn phụ thuộc vào ý chí tự do của mỗi cá nhân, nên không phải lúc nào cũng đưa ra quyết định đúng đắn.
“Các tôn giáo thờ thần linh đã gây chia rẽ khắp nơi, giáo sĩ nào cũng cho rằng giáo lý của mình đúng nhất và chê bai những giáo lý khác. Tín đồ các tôn giáo cũng cho là thần linh của mình mạnh nhất và quyền lực nhất.”
Đó cũng là lý do khiến Pharaoh đương thời muốn Ai Cập không đi theo vết chân của những thời đại trước. Ông cho rằng đã đến lúc Ai Cập cần thay đổi, đất nước mà ông trị vì cần có một sự thay đổi từ gốc rễ. Với con dân Ai Cập lúc bấy giờ, một Pharaoh khác thường trong tư tưởng và cách điều hành đã tạo ra nhiều điều thú vị, đồng thời mở đầu cho phong trào cải cách chưa từng có trong lịch sử.
“Người ta bắt đầu nói đến tình yêu nam nữ trong văn chương và âm nhạc; người ta nhắc đến thời trang và phụ nữ qua hình ảnh hoàng hậu Nefertiti. Khi mối đe dọa chiến tranh không còn nữa, nhờ các hòa ước ký kết với nước láng giềng, thì người dân Ai Cập bắt đầu lo kiến thiết.”
Không chỉ riêng Sinuhe, ngay cả người bạn thân Horemheb cũng trở thành nhân vật quan trọng, điều hành sức mạnh quân đội hoàng gia. Với mối nhân duyên sâu nặng, những cuộc đồng hành của hai người này, trong công việc lẫn đời sống, đều chịu ảnh hưởng nhất định từ đối phương.
Người cô độc lang thang (cảm nhận sau khi đọc)
Tên Sinuhe được lý giải với ý nghĩa là người sống cô độc và lang thang. Sinuhe đã nói về ý nghĩa tên mình, cha ông đã đặt như thế vì trong một cuốn cổ thư đã nói về những lợi ích của việc biết sống một mình đối với sự phát triển bản thân.
Ngoài khoa học về sự sống, Sinuhe còn nhắc đến ngành khoa học về sự chết mà chỉ có số ít người đủ trí tuệ để tiếp cận và học tập. Chính con đường kỳ lạ này mới có thể lý giải nguồn gốc thật sự của bệnh tật. Đó là những kiến thức vượt ngoài tầm kiểm soát của khoa học về sự sống, nguyên nhân gây bệnh còn đến từ một thế giới khác, thế giới của tiền kiếp và cũng là đối tượng nghiên cứu chính của ngành khoa học về sự chết.
Cuộc đời đầy biến cố và thăng trầm của y sĩ trẻ tài năng Sinuhe gắn liền với những kiến thức được đào tạo bài bản tại trường lớp và những điều mơ hồ học được từ những người xung quanh, bất kể là Pharaoh, thái hậu, công chúa hay thường dân như Horemheb, và những cô gái xuất hiện trong cuộc đời anh với vai trò và ý nghĩa khác nhau.
Qua nhiều năm tháng trải nghiệm cuộc đời đầy bất ngờ và biến động, Sinuhe có lúc là y sĩ cứu người được ngưỡng mộ, có lúc là thương nhân giàu có, có lúc là kẻ phạm tội bị truy nã. Cuối cùng, anh chọn con đường bị lưu đày khỏi Ai Cập, với mục tiêu chân chính là tìm tòi và học hỏi những giá trị lớn hơn.
Giống như tên gọi Dấu chân trên cát, dù dấu chân chỉ lưu lại trên cát trong thời gian ngắn ngủi nhưng chứa đựng ý nghĩa lớn lao, đó là nền minh triết mà Hy Lạp kế thừa và phát huy. Tuy nhiên, những gì rực rỡ nhất cũng phải đến lúc tàn phai. Ngày nay, câu chuyện về Sinuhe chỉ là một giả thuyết chưa được xác thực, mọi điều bí ẩn cũng giống như dấu chân bị vùi dưới cát sa mạc. Và dù câu chuyện này xuất hiện như một tiểu thuyết hư cấu trong đời sống hiện đại, nhờ vào sự xây dựng trên các truyền thuyết dân gian, Dấu chân trên cát vẫn có giá trị trên địa hạt sử liệu và khảo cổ.
Giống với các tác phẩm trước đó, Dấu chân trên cát dù chứa nhiều nội dung triết lý và trừu tượng nhưng được Nguyên Phong mô tả bằng giọng văn dễ tiếp cận. Con người xuất hiện và gắn kết mật thiết với vũ trụ như một sợi dây vô hình, thôi thúc chúng ta không ngừng tìm kiếm và nâng cao hiểu biết.
Khép lại hơn bốn trăm trang sách cũng là khép lại hành trình lịch sử vẻ vang của Ai Cập, của những gì mà nền văn minh này trao truyền cho nhiều thế hệ kế thừa. Vận mệnh của một nền văn minh dù vĩ đại và ảnh hưởng mạnh đến đâu cũng không thoát khỏi quá trình sinh - diệt.