Trong cuốn sách Hiểu Về Trái Tim, thầy Minh Niệm mở ra một hành trình khám phá sâu sắc vào thế giới nội tâm của con người. Đây không chỉ là một cuốn sách mà đó là một cuộc đối thoại giữa tâm hồn độc giả với những trang viết, nơi chứa đựng những bài học về cách thức để yêu thương và hiểu hơn về chính mình. Tôi tìm đến quyển sách này trong thời điểm mà tôi đang thực sự mất phương hướng trên những mối quan hệ cũng như con đường mình đang chọn, để hiểu hơn về tâm hồn và giá trị cốt lõi của bản thân. Thầy Minh Niệm đã sử dụng một cách tiếp cận độc đáo và thấm đượm triết lý trong việc khám phá các cung bậc khác nhau của cảm xúc và tâm lý con người.
“Để hiểu được người khác, trước hết bạn phải hiểu chính mình.”
Về tác giả
Minh Niệm, tên khai sinh là Lê Quốc Triều, sinh năm 1975 tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Thầy là một tác giả, diễn giả, và là người dạy thiền tại Việt Nam và được biết đến nhiều nhất với các tác phẩm và bài giảng về thiền, tự lực, phát triển bản thân và tâm lý học ứng dụng.
Thầy đã bắt đầu hành trình của mình với thiền định và các khóa học tâm linh từ khá sớm. Ngoài ra, thầy đã dành nhiều năm để nghiên cứu và thực hành các phương pháp thiền khác nhau và tích hợp chúng vào trong cuộc sống hàng ngày. Thầy còn tổ chức nhiều khóa học và chương trình huấn luyện cá nhân giúp mọi người khám phá và phát triển tiềm năng nội tại của mình.
Hiểu về trái tim là cuốn sách đầu tiên của thầy, được xuất bản vào năm 2010. Năm 2016, thầy còn ra mắt cuốn sách thứ hai có tựa đề “Làm như chơi”. Minh Niệm cũng là tác giả của nhiều cuốn sách khác về chủ đề tâm lý và tâm linh, thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả trong và ngoài nước. Phong cách viết của thầy thường rất gần gũi và sâu sắc, thường khuyến khích người đọc suy ngẫm và áp dụng các bài học vào cuộc sống.
Thông qua các tác phẩm và hoạt động giảng dạy, thầy Minh Niệm đã góp phần quan trọng vào việc lan tỏa thiền và văn hóa tâm linh hiện đại tại Việt Nam, giúp nhiều người cải thiện chất lượng cuộc sống và tinh thần.
Về tác phẩm
“Mỗi lần đọc, chắc chắn sẽ có một nhận thức mới.”
Nhận thức mới này một phần là do ta đã mở lòng ra và tạm buông những nhận thức cũ để xây dựng hiểu biết mới. Một phần là do mỗi lần đọc ta mang một tâm trạng khác nhau, tâm càng bình yên thì sự thấu hiểu và độ thấm sâu hơn. Một phần là do trong tác phẩm có những từ ngữ hay ý tưởng khiến ta suy ngẫm nhiều mới lãnh hội hết. Và một điều quan trọng nữa là nhiều vấn đề ta nghĩ mình đã hiểu rồi nhưng khi đọc lại vẫn thấy mới mẻ, như chưa từng biết về chúng.
Giống như các bạn cả thôi, ai đã đọc sách sẽ hiểu. Quyển sách tưởng chừng chỉ có một lượng kiến thức nhất định, nhưng ở những thời điểm khác nhau, nó lại chứa đựng những kiến thức khác nhau. Độc giả trong hoàn cảnh nào thì cuốn sách sẽ cho ta nhìn nhận từ góc độ đó. Vì thế, tôi thường không tiếc tiền để mua một quyển sách, và không bán đi khi đã đọc xong.
Khi đánh giá một người nghệ sĩ, tác giả không chú trọng vào ngoại hình hoàn hảo, mà tập trung vào đạo đức hoàn hảo. Thầy luôn tập trung vào tâm hồn của nghệ sĩ hơn là tài năng của họ, vì “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du). Có trái tim để yêu thương, nhưng đôi khi cũng vì trái tim mà đau khổ, và nỗi đau về tâm hồn không thể chữa trị bằng những phương pháp của Y học.
“Yêu thương là cho đi mà không nhận lại.”
Cuốn sách sẽ giúp người đọc hiểu được cảm xúc của tâm hồn, trái tim của chính mình và của người khác – và cuối cùng – là để giảm bớt nỗi đau, tổn thương và tìm được hạnh phúc trong cuộc sống.
“Nếu không có đau khổ
Làm sao biết đâu là hạnh phúc
Nhờ giấc mơ mơ mị
Chúng ta trở về tỉnh thức.
Chỉ là không như ý
Dù có tài năng hay không, dù chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nào, những điều không như ý vẫn xảy ra theo tự nhiên. Ở trong sự nghèo, chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc thực sự trong sự giản dị và bình yên. Đó là một cuộc hành trình tâm linh sâu sắc, đòi hỏi sự tự nhận thức và chấp nhận bản thân một cách toàn diện.
Để thoát khỏi vòng xoắn của nghèo khó, mỗi người cần có một cách nhìn mới về cuộc sống, nơi mà giá trị con người không phụ thuộc vào tài sản họ sở hữu. Bằng cách thay đổi cách nhìn về hạnh phúc, tái định nghĩa thành công, chúng ta có thể dần dần tìm thấy niềm an vui trong những điều đơn giản. Không phải luôn có nhiều tiền là hạnh phúc, đôi khi cần dừng lại và nhìn xem cuộc sống đã ban tặng chúng ta điều gì. Hạnh phúc không phải là kết quả của sự sở hữu, mà là kết quả của sự hài lòng và biết ơn với những gì mình có.
“Sự cực nhọc của bản thân chưa chắc đã là nỗi khổ. Chỉ vì chúng ta phản kháng lại nó, muốn không phải làm việc mà vẫn được đầy đủ tiện nghi như người khác nên ta mới cảm thấy khổ. Chúng ta chỉ biết so sánh, đòi hỏi, mà không tìm hiểu nguyên nhân sâu xa tại sao chúng ta gặp khó khăn.”
Khổ đau
Tình yêu
Người ta thường nói đùa với nhau: “Yêu thì khổ, không yêu thì lỗ. Thà chịu khổ còn hơn chịu lỗ'. Nói đùa mà thật. Dù được cảnh báo yêu là khổ như một nguyên tắc bất di bất dịch, nhưng hầu hết ai cũng chấp nhận khổ để có được cảm giác yêu. Thi sĩ Xuân Diệu đã từng lên tiếng dùm ta: “Làm sao sống được mà không yêu. Không nhớ không thương một kẻ nào”. Sống mà không yêu thương thì sự sống đâu còn ý nghĩa gì nữa. Hãy cứ yêu đi. Càng yêu ta sẽ thấy cuộc đời này càng thêm mầu nhiệm. Nếu sợ khổ mà không dám yêu thì ta có chắc là mình sẽ sống hạnh phúc hơn không? Đời sống còn nhiều thứ khác khiến ta khổ chứ đâu chỉ có mỗi tình yêu. Xung quanh ta có biết bao người dám “chịu khổ” để yêu thì tại sao ta phải sợ ? Tình yêu có thật đáng sợ như ta nghĩ không?
Đoạn trích trên là một phần trong chủ đề về tình yêu. Đoạn văn cũng đề cập tới tâm lý chung của con người trong việc sợ hãi trước những khổ đau có thể xảy ra khi yêu. Tuy nhiên, thông điệp được truyền tải là sự dũng cảm để yêu, chấp nhận khổ đau như một phần không thể tách rời của cuộc sống, giúp ta thấu hiểu và trân trọng cuộc sống hơn.Tình yêu là sự trải nghiệm phong phú, đa dạng của cảm xúc, từ hạnh phúc tới đau khổ. Nó có thể mang lại cho con người đầy rẫy những thử thách khác có thể gây khổ đau nhưng cũng mang lại sự trưởng thành và phát triển cá nhân.
Con người ta khi yêu những ngày đầu ai cũng muốn dâng tặng cuộc đời mình cho đối phương, thể hiện những đặc điểm nổi bật nhất của bản thân. Không những vậy ta còn mạnh dạn tuyên bố: “Anh/em sẽ yêu em/anh hết mình!!”. Thật ra, không ai đem hết con người của mình ra để yêu thương kẻ khác mà không mong muốn nhận lại điều gì cả. Lời tuyên bố ấy chẳng qua vì không kiềm chế nổi cơn cảm xúc muốn được thỏa mãn, hay vì muốn thấy giá trị của mình qua sự nâng niu của kẻ khác mà thôi. Bởi khi màu hồng ấy trong mắt ta nhạt phai thì trái tim ta không còn rung cảm nữa.
'Tình thương yêu rộng lớn
Luôn mang lại niềm vui
Cùng chia sẻ nỗi khổ
Đồng hành với nhau đến những thời gian bình yên.
Chịu đựng
“Nhẫn nhục không phải là biểu hiện của sự thất bại, mà đó là quá trình mở rộng trái tim để chứa đựng được những khó khăn lớn.”
Khi nghe bác sĩ tuyên bố rằng mình mắc bệnh ung thư, thường ta sẽ hoảng hốt và khóc than: “Không, không thể là thật. Tôi đã làm gì sai mà bị ung thư. Tại sao lại là tôi?”. Ban đầu ta có thể cảm thấy như không thể sống nổi khi nhận được tin tức đau lòng đó. Nhưng sau vài tuần hoặc thậm chí vài tháng, ta dần học được cách chấp nhận sự thật rằng mình đang mắc bệnh ung thư. Mặc dù phải chịu đựng những liệu pháp điều trị khó khăn nhưng tế bào ung thư đã bắt đầu ngừng phát triển, vì ta đã hòa hợp với chúng mà không còn sự chống đối hay căm ghét nữa. Theo quan điểm y học, quá trình điều trị đã bắt đầu. Chấp nhận bệnh tình là sự dũng cảm nhìn nhận vấn đề sức khỏe của mình trong thực tế để kịp thời nhận sự trợ giúp, không phải là từ bỏ.
Đối với bất kỳ ai, khi nhận được tin tức xấu về sức khỏe của mình, cảm xúc ban đầu thường là sự bất an và sốc. Trong cảm xúc hỗn loạn đó, lo sợ và lo lắng về tương lai có thể chiếm lĩnh suy nghĩ của họ mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu họ dần học cách chấp nhận thực tế này, họ sẽ tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. Việc chấp nhận không chỉ giúp giảm bớt áp lực tinh thần mà còn giúp họ tập trung vào việc điều trị và tận hưởng những khoảnh khắc quý giá còn lại. Điều này có thể mở ra một cuộc hành trình mới về việc trân trọng cuộc sống và quan hệ, mang lại ý nghĩa sâu sắc hơn cho mỗi ngày họ trải qua.
Tôi chính là người đã phải sống với một căn bệnh nan y từ khi mới 19 tuổi, cái năm mà những khó khăn đã đến với tôi. Tôi đã tiêu rất nhiều tiền để điều trị cho căn bệnh này. Nhớ lại những ngày khỏe mạnh, tôi sống trong quá khứ. Giờ tôi đã 23 tuổi, đã 4 năm trôi qua, tôi dần quen với cuộc sống này. Tôi chấp nhận nó và xem nó là một phần của bản thân tôi. Hiện tại, tôi vẫn ổn. Mọi người có thể dùng trường hợp của tôi làm ví dụ để hiểu rõ hơn về đoạn trích của Hiểu Về Trái Tim.
Ta thường hiểu sai về ý nghĩa của chữ nhẫn nhục, nghĩ rằng nó chỉ đơn thuần là đè nén hoặc chấp nhận mà không biết chịu đựng. Nhưng ý nghĩa thực sự của nó là chịu đựng. Chịu đựng có nghĩa là sẵn lòng chấp nhận, còn đựng chứa là khả năng dung nạp. Chỉ khi chấp nhận và có khả năng dung nạp, ta mới thực sự hiểu được ý nghĩa của nhẫn nhục. Như câu thơ của Nguyễn Du: “Dung kẻ dưới mới là lượng trên”. Người có khả năng dung nạp, dù đối diện với ai đi nữa, họ không bao giờ từ chối hay loại trừ, đó mới thực sự là người lớn, người bề trên. Vì vậy, nhẫn nhục không phải là biểu hiện của sự hèn nhát, mà là sự mở rộng trái tim để chứa đựng những khó khăn lớn.
“Nắm muối không hề mặn
Với lượng cả dòng sông
Lỗi lầm kia bé nhỏ
Với cõi lòng mênh mông.”
Ghen tuông
“Khi thương yêu biến thành sự chiếm hữu, cuộc sống sẽ trở nên giống như một chuyến lưu đày tù tội.”
Bản chất của tình yêu là phải có tính đồng nhất. Niềm vui của một người cũng là niềm vui của người kia; nỗi buồn của người kia cũng là nỗi buồn của mình. Trong tình yêu đích thực, không có điều gì riêng tư hoàn toàn. Khi hai người đã kết nối tâm hồn, hai cuộc đời sẽ trở thành một. Mỗi gì xảy ra với một người cũng sẽ xảy ra với người kia; số phận của một người phụ thuộc vào số phận của người kia. Khi ta nói “mình với ta”, đó không chỉ là cách gọi của mình đối với người khác mà còn là cách gọi người bạn đời với sự quan tâm và tình cảm. Ngay từ tiếng gọi đó, ta có thể cảm nhận được sự hòa quyện giữa hai bên, cái sự đồng nhất giữa hai cá thể khác biệt.
Ghen tuông là biểu hiện của sự yếu đuối và không tự tin trong mối quan hệ. Nó khiến cho tình yêu mất đi sự trong trẻo và nhanh chóng phai màu. Nhưng người ta thường nói rằng “Chỉ khi yêu mới ghen”, điều này không hề sai. Bởi nếu không yêu thương, ta không cần phải ghen. Nhưng nếu ta thực sự yêu thương, tại sao lại khiến người kia phải đau khổ vì sự ghen tuông của mình? Thực ra, khi đó ta chỉ đang yêu chính bản thân mình. Ta đang thương cho cảm xúc tổn thương vì cảm giác bị bỏ rơi, mất đi giá trị trong mắt người kia.
Sự ghen tuông trong tình yêu thường bắt nguồn từ nỗi sợ mất đi người mình yêu thương vào tay người khác, kèm theo cảm giác bất an và thiếu tự tin về bản thân. Khi tình yêu trở thành sự chiếm hữu, nó không còn là ngọn lửa ấm áp mà trở thành gánh nặng đè nặng lên trái tim. Người yêu chiếm hữu thường muốn kiểm soát mọi hành động, suy nghĩ và cảm xúc của đối phương, điều này không chỉ làm mất đi không gian cá nhân mà còn có thể dẫn đến sự đổ vỡ trong mối quan hệ. Tình yêu đích thực nên được xây dựng trên nền tảng của sự tin tưởng và tôn trọng, nơi mỗi người đều có quyền được tự do và hạnh phúc.
“Người vẫn ở trong tôi
Như tôi luôn hiện diện trong tâm trí
Chút ghen hờn yếu đuối
Làm tan phai đi nghĩa tình
Lắng nghe
'Khi mất đi khả năng lắng nghe chân thành, chúng ta cũng mất đi cơ hội để hiểu biết chân thành. Mọi người đều cần được lắng nghe.'
Người xưa thường nói: “Trăm nghe không bằng một thấy”, để nhắc nhở rằng đừng chỉ tin vào những gì nghe mà không tìm hiểu sâu hơn, không chờ đợi thấy bằng mắt mình. Nhưng họ cũng nhắc rằng: “Thấy vậy chứ không phải vậy”, bởi vì có những điều mà ta thấy rõ ràng nhưng vẫn sai lầm như thường. Khi bị người khác chỉ trích và phê phán, chúng ta thường nghĩ rằng họ đang căm ghét hoặc muốn tấn công chúng ta. Nhưng cẩn thận đấy. Có thể họ đang gặp khó khăn hoặc đang trải qua nỗi đau lớn, khiến cho họ mất kiểm soát. Hoặc có thể họ đang mắc phải một sự hiểu lầm nào đó về chúng ta.
Trong hoàn cảnh tồi tệ hơn, ngày nay đầy rẫy những cạm bẫy và mánh khóe, sự tin tưởng có thể trở thành một con dao hai lưỡi. Đặt niềm tin mù quáng vào người khác không chỉ là sự ngây thơ mà còn là cửa mở cho sự phản bội và tổn thương. Nhiều người, dưới danh nghĩa của các mối quan hệ không thân thiết, thường lợi dụng lòng tin để thực hiện những hành vi lừa đảo. Ví dụ, các vụ lừa đảo qua điện thoại hoặc email ngày càng phổ biến, nơi kẻ gian giả mạo ngân hàng hoặc các tổ chức tin cậy để chiếm đoạt tài sản. Trong những trường hợp này, niềm tin không chỉ dựa vào bản chất thật sự của con người mà còn dựa vào bằng chứng và sự thận trọng. Sự biến đổi không ngừng của hiện tượng và hoàn cảnh xung quanh yêu cầu một sự cảnh giác cao độ, và đôi khi, một chút nghi ngờ có cơ sở là điều cần thiết để bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương không đáng có.
Bên cạnh đó, niềm tin trong tình yêu là một yếu tố quan trọng, nó giống như keo dính gắn kết mối quan hệ, cho phép cả hai đối tác cảm thấy an toàn và yêu thương. Khi có niềm tin, mỗi người có thể tự do phát triển cá nhân mà không sợ bị đánh giá hoặc kiểm soát, tạo ra một môi trường yêu thương đầy hỗ trợ và tích cực. Tuy nhiên, mặt trái của niềm tin trong tình yêu là khi nó bị phản bội, nỗi đau thường sâu và kéo dài, làm tổn thương lòng tự trọng và khả năng tin tưởng vào người khác trong tương lai. Sự phụ thuộc quá mức vào niềm tin cũng có thể dẫn đến việc bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo về một mối quan hệ không lành mạnh hoặc độc hại. Vì vậy, niềm tin trong tình yêu cần được nuôi dưỡng cẩn thận và liên tục, đảm bảo rằng nó dựa trên sự thật và minh bạch giữa hai người.
Kết luận
Khi kết thúc cuốn sách 'Hiểu về Trái Tim', tôi nhận ra rằng, để thực sự hiểu rõ trái tim của mình và của người khác, chúng ta cần nhiều hơn là lý trí - chúng ta cần sự kết nối, lòng trắc ẩn, cần hiểu về sự chấp nhận không điều kiện, niềm tin... Minh Niệm không chỉ dạy chúng ta cách lắng nghe trái tim mình mà còn cách mở rộng trái tim đó với thế giới xung quanh. Cuốn sách là một hành trình tuyệt vời của sự tự khám phá và đồng cảm, là ngọn hải đăng soi sáng con đường tìm kiếm hạnh phúc thực sự trong cuộc sống hiện đại. Đây không chỉ là một cuốn sách; đó là một trải nghiệm tinh thần không thể bỏ qua cho bất kỳ ai đang tìm kiếm ý nghĩa sâu sắc hơn trong cuộc sống của mình.
Tóm tắt bởi: Minh Toàn - MyBook
Hình ảnh: Minh Toàn