Đôi khi trong cuộc sống bận rộn, chúng ta không nhận ra rằng đã lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức,... vào những điều vô ích. Cũng có những lúc ta vội vàng chạy theo thời gian mà quên đi cảm nhận những thay đổi, những điều thú vị, hạnh phúc xung quanh mình. Ở một thời điểm nào đó lại vì sự nghiệp mà không chăm sóc cho bản thân, gia đình, bạn bè.
Tuy nhiên, giữa nhịp sống hối hả, Nếu biết trăm năm là hữu hạn của Phạm Lữ Ân giống như một nốt “dừng lại”, một khoảnh khắc “tạm nghỉ” giữa cuộc sống để ta suy ngẫm hơn về đời, để ta cảm nhận mọi thứ sâu sắc hơn, sống trọn vẹn hơn và thấy cuộc sống này thật ý nghĩa.
Với tác phẩm này, cặp vợ chồng Phạm Lữ Ân đã giúp bạn đọc trả lời câu hỏi: ”Nên sống như thế nào trong cuộc đời ngắn ngủi?” – một chủ đề không mới nhưng luôn hấp dẫn – đặc biệt là với những người trẻ đang bận rộn chuẩn bị bước vào cuộc sống.
Giới Thiệu Về Tác Giả
Phạm Lữ Ân không chỉ là một tác giả mà còn là bút danh của cặp vợ chồng Phạm Công Luận – Đặng Nguyên Đông Vy. Đây đều là hai người viết tạo dựng danh tiếng trong lòng độc giả cả nước. Chắc chắn bạn đã cảm nhận được sự mộc mạc, chân thành, giản dị nhưng sâu sắc ở cây bút này nếu đã từng đọc tác phẩm của Phạm Lữ Ân. Những vấn đề mà tác giả này mang vào trong những câu chuyện của mình thường gần gũi, thân quen nhưng được nhìn nhận từ nhiều phía, chiếu sáng từ nhiều góc độ nên vẫn đem lại cái mới mẻ sâu sắc và hấp dẫn. Tất cả các bài viết của Phạm Lữ Ân thường được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội, trên Youtube và trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều sáng tác ca khúc và kịch bản phim.
Giới Thiệu Về Tác Phẩm
Nếu biết trăm năm là hữu hạnBài Học
1. Sự Hữu Hạn Của Cảm Xúc
Cảm xúc là gì? Người ta nói cảm xúc là thứ có khả năng chi phối con người, con người không thể sống thiếu cảm xúc. Vậy bạn có biết không – Cảm xúc của chúng ta là hữu hạn?
“Bạn đã nhận ra chưa. Cảm xúc của chúng ta là thứ hữu hạn. Và khi đạt đến tận cùng của một cảm xúc, nó phải chuyển sang một trạng thái khác. Hỷ nộ ái ố đều như vậy.”
Bất cứ trạng thái cảm xúc nào của chúng ta chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định rồi sẽ chuyển sang trạng thái khác. Ta không thể mãi buồn, mãi vui hay mãi chán nản,... Như Phạm Lữ Ân đã đề cập trong sách: các cảm xúc xoay vòng với bất cứ ai: từ ghét đến yêu, từ giận đến thương, từ vui đến buồn hay từ thất vọng đến hy vọng,... Và nếu sống thành thật, chúng ta sẽ như một con tắc kè hoa, thay đổi màu da theo cảm xúc của mình.
Thích một bài hát, một bộ phim hay một món ăn,... đôi khi chỉ là sự yêu thích ngắn ngủi, nó có thể thay đổi. Sau này, khi môi trường ngày càng phát triển – bạn – biết đâu lại tìm ra những điều hay ho hơn và dần quên đi chúng. Tình cảm cũng vậy, tình bạn hay tình yêu rồi cũng sẽ nhạt phai nếu bạn không tìm cách “hâm nóng” lại cho cảm xúc mặn nồng như những ngày đầu. Hay nhiệt huyết trong công việc cuộc sống rồi cũng sẽ dần mất đi nếu bạn cứ mãi duy trì theo lối cũ. Ví dụ, một người quyết định rời bỏ công việc hiện tại, vị trí đã mang lại lương cùng những phúc lợi khiến không ít người mơ ước vì: “Cảm xúc đã cạn. Và cần phải thay đổi!”.
“Và khi là con người, chúng ta phải trải qua những biến cố mà sau đó, ta cần có thời gian để suy ngẫm, đối diện với chính mình, nạp lại năng lượng, thay đổi cảm xúc, trau dồi trải nghiệm của bản thân.
Vậy nên, nếu bạn muốn giữ cảm xúc thì phải nuôi dưỡng và cần phải thay đổi khi chúng đã tới hạn. Có rất nhiều cách để làm mới như là cắt kiểu tóc mới, đọc một cuốn sách truyền cảm hứng, sống trong môi trường khác hay thử sức với một công việc mới,... Quan trọng nhất là ta luôn chủ động thay đổi khi cảm xúc đã tới hạn và không để chúng chi phối mình theo hướng tiêu cực quá lâu!
2. Đời Người Này Là Hữu Hạn!
Thời gian là vô giá, là thứ mà không ai trong chúng ta có thể mua được hay giữ lấy cho riêng mình nhưng cuộc đời của con người lại là hữu hạn. Con người đều phải tuân theo quy luật của cuộc sống, bất cứ ai cũng được sinh ra rồi lớn lên, trải qua tuổi trẻ, sau đó bắt đầu già đi và cuối cùng kết thúc cuộc hành trình của mình.
Cảm nhận cuộc sống như một chuỗi ngày hữu hạn, vì vậy trong cuốn sách này Phạm Lữ Ân khuyên chúng ta hãy trân trọng từng khoảnh khắc, sống trọn với tuổi trẻ và cuộc sống. Lời nhắn này được thể hiện qua những câu chuyện nhỏ về tình yêu, con người và tuổi trẻ.
“Cuộc đời này giống như hơi thở vậy. Ta không thể hít một hơi dài, vượt quá khả năng của mình. Nhưng ta có thể hít sâu hết khả năng của mình trong từng hơi thở...
Nếu đã biết rằng trăm năm là hữu hạn, vì sao chúng ta không sống thật sâu.”
Vậy bạn đã sống thật sâu, sống hết mình chưa? Đó là việc tìm ra ước mơ, đam mê cháy bỏng nhất của mình và theo đuổi nó. Hãy bắt đầu vẽ giấc mơ của bạn ngay hôm nay, giống như anh thợ xây dù “nghèo rớt” nhưng vẫn nuôi giấc mơ vào Nhạc viện. Bởi “người nghèo nhất không phải là người không có một xu dính túi, mà là người không có lấy một ước mơ”. Nếu e dè, lo sợ, chúng ta sẽ không bao giờ đạt được điều đó.
Hoặc bạn đã thực sự biết cách tận hưởng cuộc sống để luôn cảm thấy mình đã sống thật sâu chưa?
“Bạn đã nhận ra rằng, phần lớn thời gian chúng ta chỉ trải qua, mà không thực sự tận hưởng. Một buổi chiều, một giấc ngủ, một bữa ăn, một món đồ, một kỳ nghỉ, một mối quan hệ bạn bè, một mối tình… Và cuối cùng, cả một cuộc đời.”
Theo Như Phạm Lữ Ân kể, mọi người đến hội hoa xuân ở Tao Đàn để ngắm hoa nhưng họ lại đến vào buổi chiều tối, và tác giả nhận ra rằng không thể tận hưởng vẻ đẹp của hoa vào thời điểm đó. Nắng đã tắt, đèn vừa lên. Đó là thời điểm rất tệ để thực sự ngắm hoa. Nhưng chúng ta vẫn đi loanh quanh, chúng ta ngó nghiêng đây đó, chúng ta trầm trồ bình phẩm, chúng ta chen nhau chụp ảnh. Rồi chúng ta ra về và tưởng mình đã được ngắm hoa. Đó chính là trải qua mà không thực sự tận hưởng.
3. Ta làm chi giữa cuộc đời hữu hạn
Ta vẫn thường nghe người này khuyên sống tích cực, người kia nói phải lạc quan. Điều đó phần lớn trong chúng ta đều nhận thức nhưng không phải ai cũng ý thức được. Điều thú vị là Nếu biết trăm năm là hữu hạn lại khiến cho người đọc cảm nhận được rõ triết lý sống này.
“Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về những điều mà bạn muốn vẽ, nếu bạn dự tính càng nhiều màu sắc bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu bạn muốn sử dụng, thì bức tranh trong thực tế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không, sẽ là những màu mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, không phải bạn.”
Vì cuộc sống này là chuỗi ngày hữu hạn và cảm xúc của ta cũng có giới hạn nên ta phải xác định bản thân sẽ sống như thế nào: Ta muốn làm gì? Ta muốn sống ra sao? Ta muốn trở thành ai trong cuộc đời này? Ta muốn làm chi đời ta?
Đó là tối ưu hóa thời gian của bản thân. Chúng ta, dù bất cứ địa vị nào cũng đều giống như nhau có trọn vẹn 24h trong một ngày. Nhưng ai biết gìn giữ, đón nhận và trân trọng nó, thì sẽ làm được nhiều điều có ý nghĩa hơn. Còn những người dành quá nhiều thời gian vào việc vô bổ sẽ để thời gian trôi đi một cách vô nghĩa.
Nơi đó cũng trở thành điểm tựa cho bản thân. Bởi lúc nào cũng có những khoảnh khắc chỉ tin tưởng vào chính mình. Không ai làm dịu lòng ta và không ai đưa ta lên ngoài trừ chính ta. Và ở lúc đó, ta cũng có thể là nơi dựa cho những người thân, gia đình và những người yêu thương,...
Vậy nên, hãy sống trọn vẹn, luôn là chính mình, thực hiện những điều ta tin, sáng tạo những điều mà ta mơ ước và yêu thương những người mà ta yêu.
Cảm nhận
Các chủ đề chính trong cuốn sách được rút từ cuộc sống nên rất quen thuộc nhưng mang đậm tính triết lý. Mặc dù vậy, những câu chuyện không bao giờ trở nên khô khan, mang sự động viên và dường như ta có thể cảm nhận được sự tươi mới, sâu sắc của cảm xúc, nó thấm sâu vào lòng ta. Điều đó là nhờ vào sự cảm nhận tinh tế của tác giả qua một góc nhìn hoàn toàn mới. Cuốn sách sẽ giúp độc giả hiểu được rằng cuộc sống này ngắn ngủi lắm, hãy bước đi chậm rãi trong từng khoảnh khắc có hạn của cuộc sống này.
Chương đầu tiên của cuốn sách có tựa đề “Ai vượt qua là chốn xa”, chương này nói về gia đình, về khái niệm “nhà” là gì mà ai ai cũng muốn quay về sau những vấp ngã, những khó khăn và bộn bề lo toan của cuộc sống. Qua đó tác giả muốn nhắn nhủ đến bạn đọc, hãy luôn yêu thương gia đình của mình, đừng chờ đợi đến khi “qua bao chốn xa” mới nhận ra yêu thương nhà, yêu thương gia đình, lúc đó có thể chúng ta đã không còn cơ hội để quay về.
Nếu biết rằng trăm năm là hữu hạn cùng những câu chuyện về tình yêu tuổi trẻ, những cảm xúc rung động, những tổn thương của tình yêu đầu đời thơ ngây vụng dại. Thường thì tình yêu của tuổi trẻ sẽ gắn liền với quan niệm chờ đợi là hạnh phúc. Nhưng với Phạm Lữ Ân thì khác, qua những câu chuyện đầy cảm xúc tác giả khuyên những người đang yêu đừng nên dành cả tuổi thanh xuân chỉ để chờ đợi một người. Vì đây là thời gian đẹp nhất của cuộc đời mình, bạn không nên bỏ lỡ nhiều cơ hội quan trọng khác trong cuộc sống này chỉ vì một người không yêu thương mình.
Tuổi thanh xuân là thời kỳ để yêu, khi con tim biết rung động trước một người nào đó. Không ai cấm được tuổi trẻ yêu nhưng cách yêu thế nào vẫn là một bí ẩn. Không phải ai yêu ai cũng sẽ đến hồi kết, nhưng nhớ về ai đó có thể phai nhạt theo thời gian nhưng nỗi tiếc nuối sẽ vẫn ở lại mãi mãi. Những nỗi tiếc nuối về tình yêu khi còn trẻ, khi chúng ta dễ bị tổn thương nhất, liệu bạn có thể dễ dàng quên được không? Giống như vết thương để lại sẹo, bạn chỉ đau khi mới bị thương và vết thương sẽ đau đớn trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng vết sẹo lại sâu sắc hơn trên cơ thể bạn.
Cuốn sách này thực sự có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nó chạm vào trái tim của độc giả bởi mọi câu chuyện, mọi sự kiện, đều cảm thấy như đã từng diễn ra trong cuộc sống của mỗi độc giả. Mỗi chương là một bài học về nhận thức cho mọi người từng cầm cuốn sách lên và thưởng thức nó. Tình bạn, tình yêu hay những suy luận về định nghĩa của 'nhà' tất cả len lỏi vào trái tim độc giả một cách tự nhiên, qua lối viết nhẹ nhàng, dễ hiểu mà sâu sắc. Đến với cuốn sách, bạn sẽ gặp lại những câu hỏi của chính mình, luôn đặt ra câu hỏi 'tại sao'. Thực ra, câu hỏi này cũng là một khẳng định rằng trước hay sau thì ai rồi cũng sẽ nhớ nhà.
Đây là một cuốn sách tuyệt vời cho mọi lứa tuổi. Dành cho những cô gái, chàng trai tuổi thiếu niên chưa nhiều kinh nghiệm, dành cho những người đã trưởng thành và cả cho những người đã trở thành cha mẹ của những đứa con. Mỗi câu chuyện, mỗi dòng văn của tác giả như tái hiện lại trước mắt ta một triết lý, một quan niệm về cuộc sống mặc dù ai cũng biết nhưng đôi khi lại quên mất hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh. Đọc lại cuốn sách và suy ngẫm, sau một thời gian lấy ra đọc một mẩu chuyện khác, và cứ thế mà đọc hết cuốn sách nhưng những ấn tượng mà cuốn sách để lại vẫn còn mãi.
Nếu biết trăm năm là hữu hạn, cuốn sách này đưa bạn đọc điều đó nhẹ nhàng và sâu lắng, giúp mỗi người có những suy nghĩ tích cực hơn về cuộc sống để phấn đấu hết mình vì những điều trước mắt. Vượt qua khó khăn để có thể dũng cảm đối diện và đón nhận muôn màu cuộc sống. Cuốn sách này đưa bạn đến rất nhiều cảm xúc và khiến bạn quay về những nơi đã lâu rồi không được trở về. Có một chút hoài niệm, một chút sâu sắc, nhưng lại rất giản dị và chân thành.
Đọc tác phẩm của Phạm Lữ Ân không thể nhanh chóng mà phải trầm tư suy nghĩ từng bài, từng chương, thậm chí từng câu, từng chữ, từng sự việc. Chính vì vậy, bạn mới có thể tiếp thu được phần tinh túy, cảm nhận được tư tưởng, tình cảm của tác giả gửi gắm qua cuốn sách. Để cảm nhận được điều đó, trước hết người viết phải viết bằng cả tâm huyết, bằng cả trái tim. Phạm Lữ Ân chính là tác giả tiêu biểu cho điều này.
Lời kết
Bạn đã thực sự trân trọng thời gian của mình chưa? Chúng ta, những bạn trẻ, là những sinh viên tràn đầy năng lượng và có một khoảng thời gian dài phía trước. Nếu bạn không nhận ra đúng giá trị của thời gian thì cuộc sống ý nghĩa nhất này sẽ trôi qua nhanh chóng mà không để lại dấu ấn. Hãy sử dụng thời gian để khám phá và học hỏi những kỹ năng, lĩnh vực mới. Hoặc đơn giản là học hành chăm chỉ hơn thay vì chờ đợi. Hãy luôn cố gắng, tự tin là chính mình, không ngừng hoàn thiện bản thân và sống vì cuộc sống và tương lai của bạn nhé!
Tóm tắt bởi: Thảo Nguyên - MyBook
Hình ảnh: Diệu Hoa