“ Chỉ là những cảm xúc được thu thập sau một-vài-lần yêu, những tản mạn-tùy bút được tôi viết như một cách lưu giữ những điều cũ của một thời tuổi trẻ. Tôi gom góp tất cả người xưa-chuyện cũ và đặt tên cho những trang viết này là “Ngày trôi về phía cũ””. Tác phẩm cuối cùng là những đoạn tình yêu với mọi hình thức, biểu hiện và tác giả đã khép lại trong sự tự nhiên, bình yên như bản chất của nó. Không đủ lớn để gọi là hồi ức tình yêu, cũng không lấy lời hoa mỹ để tạo thành một bức thư tình gửi cho em, “Ngày trôi về phía cũ” của Anh Khang chỉ có 38 chương cũng đủ nói lên tất cả cảm xúc của “anh” và “em”, nhưng vì đã “cũ” nên em bây giờ chỉ là một phần của quá khứ.
Mình sử dụng đại từ “em” thay vì người đọc, và “anh” thay vì tác giả Anh Khang.
1. Tác giả Anh Khang.
Người đàn ông sinh năm 87 được “em” gọi với biệt danh “nhà văn của nỗi buồn tuổi trẻ”. “Anh” mang chút buồn nhưng không tiêu cực, một chút kỷ niệm quá khứ nhưng vẫn hướng tới ánh sáng của tương lai, “anh” đặt trọn tâm hồn vào từng dòng văn. “Em” chia sẻ chút buồn, cảm nhận chút nhớ đó vì “em” chính là phần của quá khứ . Trong mỗi câu văn của “anh”, “em” thấy được hình ảnh của chính mình và anh trong những kí ức không rõ ràng. “Em” và “anh” cùng một tâm trạng, cùng một cảm xúc được “anh” thể hiện qua từng chữ viết. “Anh” là chủ nhân của những bản tình ca đầy buồn “ Đi Đâu Cũng Nhớ Sài Gòn Và… Em, Thả Thính Chân Kinh,...” trong khi “em” chỉ là người qua đường lắng nghe những lời anh “viết”.
2. Tác phẩm “Ngày trôi về cũ” .
Vào một ngày năm 2012, “Ngày trôi về cũ” của “anh” viết, “em” đã đọc được. “Anh” gọi đó là những kỷ niệm xưa cũ của một thời thanh xuân. Nhưng “em” lại càng trân quý những khoảnh khắc của thời non trẻ ấy. Đã yêu, đã bên nhau, và cũng đã chia xa, “em” cảm nhận cái “cũ” rõ ràng trong lời văn “anh” viết. Một lời “bạn cũ” thân mật bỗng chốc lại thành xa lạ, nhưng “anh” lại tự hỏi sao lại gọi là “người yêu cũ”, là còn yêu nhưng lại là “cũ”. “Anh” muốn nói với “em” rằng “anh” và người con gái ấy là người yêu cũ, “anh” thừa nhận rằng “anh” còn yêu cô ấy nhưng giờ chỉ còn là hư không. Những dòng văn uyển chuyển, truyền cảm lách vào trái tim mỗi “em”, “em” phải thừa nhận rằng bạn thân em cũng đã là “anh” của ngày trôi về cũ cùng một cảm xúc, cùng một suy nghĩ.
Ba mươi tám chương tương ứng với ba mươi sáu lời “anh” giữ kín trong lòng cũng là những kỷ niệm xưa cũ ấy, dù muốn quên, nhưng càng quên lại càng hằn sâu vào tâm trí của một người đã từng yêu như “anh”. Tự hỏi, “anh” muốn cô ấy đọc được những tiếng lòng hay giấu kín bao lâu nay không? Nhưng là một người qua đường trong hành trình gieo nỗi buồn của “anh”, “em” phần nào hiểu được. “Ngày trôi về cũ” là những kỷ niệm, những khoảnh khắc như thước phim tua chậm chứa đầy hình bóng người con gái mà “anh” từng yêu, “em” nhìn thấy “anh” im lặng nhìn cô ấy rời đi, cũng thấy “anh” quay về nơi cũ mà “anh” và cô ấy từng đi qua. Nhưng giờ đây cô ấy là hư không, “anh” đang chạy theo và đổi lại chỉ là một khoảng trời vô định, “anh” tìm kiếm nơi anh thuộc về nhưng nơi đó cũng không còn cô ấy.
Cuộc tình không trọn vẹn của “anh” và cô ấy bắt đầu nơi đất Sài Thành nhộn nhịp, rồi cũng kết thúc tại đó. Tuổi trẻ nông nổi và bồng bột, “em” nào phân định được đúng sai trong tình yêu của hai người trẻ tuổi. “Anh” đã từng yêu, từng thương, từng hy vọng, từng oán trách, từng thờ ơ và từng hối hận. “Em” cũng vậy, không ai sai trong cuộc tình trẻ tuổi ấy chỉ là “anh” và cô ấy gặp nhau quá sớm, hữu duyên nhưng vô phận. “Ngày trôi về cũ” tập trung vào những hồi ức, nhưng “em” lại không thấy sự “hi vọng” sẽ tái hiện, chính là “anh” không nhắc đến sẽ lặp lại mối tình này khi gặp lại cô ấy lần nữa. Hiện tại nhớ lại những điều xưa “cũ” sẽ thấy bản thân nông nổi thế nào, nhưng sự oán trách không còn mà thay vào đó là sự tiếc nuối. Tháng Bảy đó có thể là nỗi ám ảnh trong lòng “anh” nhưng tháng “Bảy” cũng có thể đang giải thoát “anh” và cô ấy khỏi một mối tình chán chường.
Người trên thế giới này quá nhiều và “em” cũng nằm trong số đó, người đã yêu, chưa yêu và đang yêu đều soi mình từ những hoài niệm mà “anh” viết lên trang giấy để rồi nghiền ngẫm và suy nghĩ về hai chữ “tình yêu”. Đã là con người thì ai chẳng mắc sai lầm, nhất là khi tuổi trẻ còn nông nổi nhưng chỉ là chậm một giây, dây đỏ Nguyệt lão đã xe, tự “anh” hay cô ấy đã cắt mất. “Ngày trôi về chỗ cũ” là sự nuối tiếc dai dẳng của cả “anh” và hàng vạn người trên thế giới này bao gồm cả “em”.
“Anh” mải mê tìm hơi ấm trong mùa đông lạnh giá này mà đâu biết mùa đông trốn nắng, những cảm xúc xưa cũ giờ chỉ là hư không. “Anh” nhìn lại từng đoạn hồi ức khi vẫn thấp thoáng hình bóng người con gái kia và “anh” tự thổ lộ rằng “Anh yêu em”. Không phải lời tỏ tình trong một bộ ngôn tình đầy mật ngọt, mà đây là sự hối hận, sự lưu luyến về quá khứ xưa cũ ấy. Tự hỏi sao ngày ấy cô ấy đi “anh” không níu kéo, bởi vì “anh” biết giữa họ chỉ còn một tình yêu theo thói quen chứ không còn những rung động như ngày đầu tiên nữa.
“Anh” tự mình nói rằng mình nông cạn, khi mất đi người con gái ấy mới biết bản thân đã quen với sự hiện diện của một người mà “anh” cho rằng đã hết yêu. Và giờ “anh” tự gặm nhấm nỗi cô đơn trống trải trong một mùa mưa Sài Thành không ngớt hay chính là tim “anh” đang nhỏ giọt. Tự bản thân “anh” biết quá muộn nhưng vẫn không đành lòng quên đi những ngày xưa cũ ấy. Một mùa đông trốn nắng cũng như “anh” sẽ không còn tìm thấy hơi ấm mà người con gái ấy dành cho “anh” ở ngày cũ để rồi một mình cô đơn trên đoạn đường của ký ức, tưởng tượng người con gái ấy nắm tay người khác không phải là “anh”.
Mỗi người đều nghĩ mình là kẻ vô tình, nhưng chúng ta đều có trái tim biết cảm xúc, biết đau đớn và tổn thương. Nói rằng vô tình chỉ là tạm gác lại cảm xúc đó, nhưng rồi lại phải thừa nhận rằng không thể buông bỏ được. Dẫu biết cuộc đời dài không phải tình yêu nào cũng viên mãn, nhưng vẫn không thể kìm lòng để nói một tiếng “yêu”. Không nỗi cô đơn nào sánh bằng khi yêu một mối tình cũ, tự hỏi bản thân “tại sao chưa quên” “tại sao còn nhớ”. Người ấy như cái gai cắm sâu trong tim cả “anh” và “em”, không rút ra được chỉ có thể chịu đựng qua ngày. Miệng nói không nhớ thì lòng càng hướng về nơi có bóng hình người ấy. Chỉ vì một câu “không kìm lòng được... mà nhung nhớ”.
Nhưng nếu tự hỏi bản thân “sẽ quay lại chứ”, thì bao nhiêu người sẽ nói “có”. Trách bản thân không đủ can đảm đối diện với quá khứ, tình yêu của tuổi trẻ, trách bản thân quá nhát gan, chỉ dám đứng nhìn từ xa vào khoảng không vô định nơi có tình yêu đôi ta còn mặn nồng, hay trách bản thân quá hoang đường khi nghĩ đến cụm từ “quay lại”.
Và rồi phải tự nhủ rằng “nhớ nhung không phải để níu kéo hay làm lòng chùng lại, chỉ là để nhắc nhở hiện tại rằng hãy sống xứng đáng với quãng thời gian đã qua. Biết đâu một lúc nào đó quay về, người ta sẽ thấy nhẹ lòng khi nhận ra rằng những khoảnh khắc đã qua dù vui hay buồn, dù còn lại hay trôi xa, vẫn là những cảm xúc đã nuôi lớn 'Tôi' của bây giờ.”
3. Cảm nhận cá nhân
“Ngày trôi về chỗ cũ” là tấm gương phản chiếu tâm trạng và trạng thái của một người khi yêu. Khi đọc tác phẩm, ai cũng sẽ thấy mình trong quá khứ. Tác phẩm không dài nhưng đủ để lưu lại những cảm xúc khó quên mà một nhà văn được mệnh danh “nỗi buồn của tuổi trẻ” mang đến. Cuốn hồi ức về tình yêu có hối hận, nuối tiếc, và sự bốc đồng của tuổi trẻ ngây dại, tất cả gói gọn trong từ 'cũ'. Em cảm nhận được trong từ 'cũ' đó là sự day dứt, bồi hồi khi nhìn lại quá khứ, tình yêu vội đến rồi vội đi, thời gian không trở lại như em sẽ không về bên anh, chỉ có thể gọi nhau là người yêu cũ.
Em đã khóc khi đọc những dòng văn này vì em thấy mình giống như anh, nhớ thương một người nhưng giờ chỉ còn là hư vô. Mùa đông trốn nắng, em tìm kiếm bóng hình người thương nhưng chỉ cảm nhận thấy một mùa đông lạnh lẽo. Những kỷ niệm đã qua sẽ chẳng quay lại, chúng ta và tác giả cùng nhìn lại “ngày cũ” với tất cả sự trân trọng bằng trái tim từng đập mạnh mẽ trong những ngày tháng tình yêu còn sót lại.
Cuộc đời người thật ngắn ngủi, nhưng vì có kỷ niệm mà dường như kéo dài vô tận. Con người ta dễ bị cuốn hút, mê đắm vào kỷ niệm, rồi thấy hiện tại cũng phảng phất hình bóng của quá khứ. Nhận ra rằng có những điều muốn quên cũng chẳng thể nào xóa đi được. Chỉ cần bất chợt bắt gặp một nụ cười, một giọng nói quen thuộc, là trái tim lại đập mạnh và tâm trí trở về những tháng ngày xa xưa. Nhưng quay lại chỉ thấy ký ức phai màu, kỷ niệm đã nhạt nhòa và hình ảnh “ai đó” đã phủ rêu phong từ lâu. Ngày xưa “vườn không nhà trống” là vậy, mà hiện tại vẫn nhắc nhớ như chưa từng buông tay…
Tóm tắt bởi: Mai Anh - MyBook
Hình ảnh: Hoàng Phương