''Thành công là có những gì bạn muốn, nhưng hạnh phúc là muốn những gì bạn có.''
Nếu bạn chỉ đang theo đuổi hạnh phúc, có lẽ bạn chưa thực sự trải qua nó. Hạnh phúc không phải là một mục tiêu cuối cùng, mà là một thái độ sống bạn chọn mỗi ngày.Bạn có thể tìm thấy hạnh phúc trong những thành công nhỏ nhặt, nhưng sự thay đổi và sự phát triển là điều khiến bạn cảm thấy thực sự hạnh phúc. Thành công không đảm bảo hạnh phúc, và đôi khi, nó có thể làm bạn cảm thấy trống trải hơn.
Khi đạt được một mục tiêu, bạn có thể cảm thấy hài lòng nhưng sẽ nhanh chóng muốn nhiều hơn nữa. Hạnh phúc không phụ thuộc vào những thành tựu và vật chất, mà là sự biết ơn và tận hưởng hiện tại.
Trên thực tế, để hạnh phúc, bạn không cần phải đạt được điều gì đó cụ thể. Chỉ cần biết ơn và tận hưởng những gì bạn đã có, và sống trong hiện tại là đủ.
Nhiều người thường hiểu lầm rằng thành công sẽ đảm bảo hạnh phúc, nhưng điều này không phải luôn đúng. Cuốn sách “Hãy nói về hạnh phúc, đừng nói về thành công” của tác giả Kishimi Ichiro sẽ phân tích khái niệm về hạnh phúc một cách sâu sắc.
GIỚI THIỆU TÁC GIẢ
Kishimi Ichiro là một triết gia, giáo viên và nghiên cứu về tâm lý học Adlerian. Ông cũng là một chuyên gia tư vấn tâm lý được chứng nhận và nổi tiếng với nghiên cứu về triết học Hy Lạp cổ.
Triết gia Kishimi Ichiro chủ yếu tập trung vào tâm lý học Adlerian và đã dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của Alfred Adler ra tiếng Nhật. Ngoài ra, ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách về tâm lý học và giáo dục.
Hiện nay, Kishimi Ichiro là giáo viên tại Trường Đông y Meiji ở Osaka và có một phòng khám tâm lý tại Kyoto.
GIỚI THIỆU VỀ TÁC PHẨM
Cuốn sách được phân thành 5 chương:
Chương 1: Thành công và niềm vui
Chương 2: Vấn đề cá nhân và tâm lý của người khác
Chương 3: Thất bại trong cuộc tranh luận, không đáp ứng được mong đợi của mọi người
Chương 4: Sống với tâm trạng hiện tại, không lo lắng về quá khứ hoặc tương lai
Chương 5: Ở đây và ngay tại thời điểm hiện tại, đúng lúc và đúng chỗ
Có những ai không biết câu trả lời cho câu hỏi ''Hạnh phúc là gì?'', có lẽ đang bế tắc không biết phải bắt đầu từ đâu. Câu trả lời cho loại câu hỏi này không dễ dàng như khi bạn bỏ một đồng xu vào máy bán hàng tự động, chai nước ép hoa quả lập tức rơi ra. Trên thế giới này có biết bao câu hỏi không có lời giải, giống như việc bỏ đồng xu vào mà không có gì xuất hiện. Nếu câu trả lời không hiện ra, không có nghĩa là câu hỏi đó vô nghĩa. Có những câu hỏi không thể giải đáp. Câu hỏi ''Chết là gì?'' là một ví dụ. Miki Kiyoshi đã từng nói: ''Chết là một khái niệm.'' Khi còn sống, bạn có thể trải nghiệm cái chết của người khác, nhưng bạn không thể trải nghiệm cái chết của chính mình. Vì thế, dù có suy nghĩ chết là gì, bạn cũng không thể đưa ra một định nghĩa cho nó. Nhưng việc suy ngẫm về những câu hỏi không có câu trả lời không phải là vô ích, dưới đây tôi sẽ trình bày lý do tại sao.
Đề cập đến vấn đề hạnh phúc là gì, chúng ta cần phải suy nghĩ kỹ lưỡng. Tuy nhiên, dù có cố gắng đặt ra câu hỏi ''Hạnh phúc là gì?'', cuối cùng có lẽ chúng ta vẫn không thể hiểu được ý nghĩa của hạnh phúc. Đối với những câu hỏi như vậy, cho dù đã thử, tôi cũng không chắc chắn liệu có câu trả lời hay không. Nhưng ít nhất khi đặt ra câu hỏi ''Hạnh phúc là gì?'', tôi tin rằng con đường hoặc phương hướng dẫn tới câu trả lời sẽ dần dần trở nên rõ ràng hơn.
Khi nói về hạnh phúc, chúng ta đang đứng giữa sự tồn tại và không tồn tại.
Chúng ta không chắc liệu có thể đưa ra một định nghĩa cụ thể hay không, nhưng hiện tại không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn không biết gì về hạnh phúc. Bởi con người không bao giờ mưu cầu những thứ mà họ hoàn toàn không hiểu. Dù không hiểu rõ hạnh phúc là gì, chúng ta vẫn có chút hiểu biết. Chúng ta không mưu cầu những thứ mà chúng ta không có ý niệm. Người nói rằng họ hoàn toàn không hiểu gì không phải là vì họ không biết, mà vì họ hiểu rõ trạng thái không tồn tại.
Do đó, có thể nói chúng ta đang ở giữa sự tồn tại và không tồn tại. Đối với vấn đề hạnh phúc, những người luôn cố gắng hiểu biết nó là những triết gia, những người muốn tìm hiểu, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không biết gì nên phải nghiên cứu. Dù không hiểu rõ, chúng ta vẫn biết hạnh phúc tồn tại xung quanh. Nếu lúc này bạn cảm thấy không hạnh phúc chút nào, điều đó chứng tỏ bạn biết hạnh phúc là gì, biết hạnh phúc có hình dạng gì nên mới nhận ra bản thân không hạnh phúc. Hoặc có thể bạn đã trải qua hạnh phúc mà không nhận ra.
Thành công và hạnh phúc
Theo quan điểm của Miki Kiyoshi, cảm giác hạnh phúc và hạnh phúc hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, bạn có thể cảm thấy tinh thần tốt hơn khi sử dụng ma túy hoặc say rượu, nhưng đó chỉ là cảm giác hạnh phúc, không phải hạnh phúc. Khi thảo luận về vấn đề này, có những người chỉ trích các khẩu hiệu nghe có vẻ hấp dẫn, khiến mọi người phấn khích ủng hộ, nhưng liệu cảm nhận đó có phải là hạnh phúc hay không thì cần phải xem xét kỹ lưỡng.
Thực sự, vào thời điểm đó, chúng ta có thể cảm thấy thoải mái, hứng khởi, nhưng sau này có thể phải đối diện với nghi ngờ liệu cảm giác đó có thực sự là thật sự không. Trong lúc chúng ta đắm chìm trong cảm giác phấn khích, chúng ta thường không có thời gian để suy nghĩ về thế giới xung quanh. Do đó, chúng ta cần phải nhận ra rằng hạnh phúc và cảm giác hạnh phúc là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
''Khi thành công trở thành ưu tiên hàng đầu của con người, hạnh phúc không còn được quan tâm nhiều nữa.''
Miki đã thảo luận rằng ''Khi mà thành công được coi là điều định lượng của hạnh phúc, và thất bại được xem là mối quan hệ với bất hạnh, thì làm sao chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa thực sự của hạnh phúc?''
Chính xác, nhiều người hiểu lầm và chấp nhận điều đó mà không tự hỏi lại bản thân. Có người nghĩ rằng việc học tốt, có việc làm ổn định hoặc giàu có là hạnh phúc, nhưng Miki cho rằng đó chỉ là thành công, không phải hạnh phúc.
Tự quyết định về giá trị bản thân
Giá trị của bạn do chính bạn quyết định. Adler từng nói: ''Bạn chỉ có thể dũng cảm khi bạn nghĩ mình có giá trị.'' Tôi chia sẻ câu chuyện này vì biết rằng nhiều người không coi trọng bản thân. Họ thường phủ định bản thân, nghĩ mình vô giá trị và không quan trọng. Đa phần những người đến tư vấn tâm lý đều có cảm giác như vậy. Nếu bạn coi trọng bản thân, bạn sẽ yêu thương chính mình. Những người tự tin luôn yêu bản thân. Khi tư vấn tâm lý, khi tôi hỏi 'Bạn có thấy mình có giá trị không?'' ''Bạn có yêu bản thân không?'', phần lớn đều trả lời: ''Không thể yêu'', thậm chí là ''Rất ghét''. Chỉ những quý bà ở Osaka giơ tay lên và nói to: ''Yêu chứ.'' Những người thật sự yêu bản thân rất ít.
Lý do bạn phải coi trọng bản thân là dù có ghét bỏ đến đâu, bạn cũng không thể thay thế chính mình như một món đồ, chẳng hạn máy tính hay điện thoại. Dù bản thân đầy khuyết điểm, bạn cũng không thể cắt đứt mối liên kết với nó. Tôi không thể mua mới hay thay thế chính mình như một công cụ. Nếu không thấy mình có giá trị, không yêu bản thân, bạn sẽ không thể hạnh phúc. Tôi không thể hạnh phúc trừ khi tôi thấy mình đáng giá.
Còn sống là còn giá trị.
Chúng ta cố gắng cống hiến bằng mọi cách có thể cho người khác, đó có phải để gây ấn tượng với họ không? Hôm nay tôi ở đây, nói điều này đặc biệt với các bạn trẻ, rằng không phải như vậy. Đến giờ tôi vẫn nói về việc coi bản thân có giá trị, phải cống hiến vì người khác để mình đáng giá. Nếu bạn học giỏi và có tài năng, hãy dùng khả năng đó giúp mọi người. Nhưng tôi muốn bạn biết rằng giá trị và đóng góp của con người không chỉ được đo bằng tài năng và sức lực. Dù trong hoàn cảnh nào, nhiều người vẫn mong muốn đóng góp cho đời. Bạn biết đấy, trên thế giới này có mấy tỉ người, không phải ai cũng ích kỷ. Rất nhiều người luôn hy vọng có thể dùng khả năng để giúp đỡ mọi người, nhưng tôi mong bạn hiểu rằng có những người không thể cống hiến bằng cách làm một điều gì đó.
Khi suy ngẫm về điều này, có lẽ đầu tiên con người ta sẽ nhớ tới những chuyện trong quá khứ. Đã có rất nhiều chuyện xảy ra nhưng chúng ta không thể nghĩ về quá khứ để sống cho hiện tại. Đời người vốn rất dài nên tôi luôn nghĩ mọi thời điểm sẽ giúp chúng ta có những bài học ý nghĩa. Nếu không thể quay lại quá khứ, đừng coi những việc đã qua là vấn đề. Tương lai chưa đến nên lo lắng về những việc sắp xảy ra là vô nghĩa. Nghĩ tới ngày mai chắc chắn sẽ đầy lo lắng, phiền muộn đúng không? Nhưng đợi ngày mai đến rồi hãy suy nghĩ về nó. Con người sẽ hạnh phúc nếu chỉ sử dụng ngay hôm nay cho ngày hôm nay. Nhưng họ lại hối tiếc quá khứ và bất an tương lai. Quan trọng là vứt bỏ hai điều đó và sống ngay lúc này. Sẽ có người phản đối, nhưng thực sự lý do phải vứt bỏ quá khứ và tương lai là vì chúng ta không thể thiết kế được đời mình.
Rất nhiều người trẻ tuổi nghĩ rằng họ có thể thiết kế được đời mình. Tôi từng trò chuyện với một học sinh trung học cơ sở. Trước sự ngạc nhiên của tôi, cậu ấy say sưa nói về kế hoạch tương lai. Thành tích học tập của cậu ấy không tệ, việc học lên trung học phổ thông cũng không thành vấn đề. Cuộc sống sẽ chẳng bao giờ theo đúng kỳ vọng của chúng ta. Đối với những người trẻ tuổi, có lẽ đó là điều không nên nói ra, nhưng sự thật là cuộc sống không bao giờ như mong muốn. Bởi vậy chúng ta phải suy nghĩ về cách sống của chính mình. Nhưng tôi nghĩ những người cho rằng mình có thể thiết kế cuộc sống đang mắc sai lầm lớn. Tôi hiếm khi thuyết trình trên sân khấu với ánh đèn chiếu vào mình, bởi lúc đó tôi không thể nhìn được gương mặt những người ngồi hàng ghế đầu. Nói trong tình trạng đó khiến tôi bất an, tôi không biết người ta đón nhận những điều mình nói như thế nào.
Nếu không thể nhìn xa, bạn sẽ không thấy gì cả. Sao Bắc Đẩu là một ẩn dụ. Dù trong những ngày mưa không thể thấy được sao Bắc Đẩu, nhưng thực tế nó vẫn luôn tỏa sáng ở một vị trí cố định trên bầu trời. Tôi muốn các bạn không chỉ nhìn xuống chân mình, mà còn luôn hướng tới lý tưởng, giống như nhìn các vì sao đó. Lý tưởng ở đây là sự cống hiến cho mọi người mà tôi đã đề cập. Tôi mong các bạn luôn tự nhìn lại bản thân, xem mình đã đóng góp gì cho xã hội, làm hết khả năng mỗi ngày và sống một cuộc đời trọn vẹn như thế.
''Có thể hối tiếc khi nhìn lại quá khứ nhưng không lo lắng khi nghĩ về tương lai, tôi mong các bạn sống như vậy.''
Hạnh phúc thực sự chỉ tồn tại trong mâu thuẫn và xung đột.
Miki từng nói: ''Hạnh phúc nội tại thuần túy không phải là hạnh phúc thực sự.'' Khi nói về hạnh phúc, nhiều người thường hình dung đó là những điều sâu kín trong tâm trí, nhưng Miki cho rằng hạnh phúc không chỉ là nội tâm mà còn là biểu cảm. Biểu cảm tồn tại trong mối quan hệ giữa các cá nhân. Mối quan hệ này thường phức tạp và phiền toái. Khi bước vào đó, chắc chắn chúng ta sẽ trải nghiệm sự ghét bỏ, phản bội và tổn thương. Vì vậy, không có gì lạ khi một số người muốn sống tách biệt để tránh bị tổn thương. Không có gì lạ khi những người trẻ tuổi trốn học hoặc tự cô lập với thế giới bên ngoài. Có ai trong chúng ta chưa từng nghĩ rằng mình không muốn đi làm hôm nay?
Adler từng nói: ''Tất cả phiền muộn đều xuất phát từ mối quan hệ giữa các cá nhân.'' Nếu ai đó nói rằng có những phiền muộn nằm ngoài mối quan hệ này, thì không đúng. Ví dụ, vấn đề cái chết thuộc về mối quan hệ cá nhân. Không ai biết cái chết là gì nhưng chắc chắn cái chết đồng nghĩa với việc vĩnh biệt. Bất kể thân thiết hay không, suốt ngày cãi vã hay không, khi một người mất đi, người ở lại sẽ cảm thấy mất mát, như thể có điều gì đó ý nghĩa với mình đã không còn nữa. Đó chính là mối quan hệ cá nhân. Vì vậy, có thể coi cái chết là vấn đề thuộc mối quan hệ cá nhân.
LỜI KẾT
Sau khi đọc xong cuốn Hãy nói về hạnh phúc, đừng nói về thành công này, mình cảm thấy lòng nhẹ nhàng hơn nhiều. Mình đã bớt đi áp lực khi cứ muốn thành công thật nhanh, không còn nói chuyện với mọi người về cách kiếm nhiều tiền nhất nữa...
Thay vào đó, mình trân trọng mỗi ngày đang sống, quý những điều nhỏ bé mang lại niềm vui như bó hoa bất ngờ từ anh đồng nghiệp dễ mến, hay đơn giản là bắt kịp chuyến xe buýt chiều qua để không lỡ hẹn...
Mình nhận ra rằng, hạnh phúc mỗi ngày của bản thân quan trọng hơn việc gồng mình để đạt thành công. Cuộc đời có lẽ không quá dài, nên mỗi ngày hạnh phúc là điều tuyệt vời nhất.
Tóm tắt bởi: Thu Thúy - MyBook
Hình ảnh: Nguyễn Trang