“Thành công chỉ đến khi ta tự làm thầy của chính mình.”
Là một giảng viên âm nhạc và hiệu trưởng của một trường nhạc tư, tôi đã trò chuyện và chia sẻ với rất nhiều phụ huynh tìm đến trường với mong muốn con em mình biết chơi một nhạc cụ nào đó, có sở thích và đam mê với âm nhạc, qua đó có được một đời sống tinh thần phong phú và thú vị trong tương lai. Khi có thời gian, cuộc trò chuyện thường dần chuyển từ việc học sang mục đích thực sự và giá trị nhân văn mà âm nhạc mang lại.
“Ai là thầy của con?” Câu hỏi này luôn được tôi đặt ra cho các em ngay từ buổi đầu tiên và được lặp lại như một khẩu hiệu trong quá trình học. Thành công chỉ đến khi ta tự làm thầy của chính mình. Trong cuộc sống, không ai tránh khỏi sai lầm. Tuy nhiên, nếu có nền tảng giáo dục và nhận thức đúng đắn, mỗi người sẽ tự rút ra kinh nghiệm và có được những trải nghiệm thiết thực. Đối với tôi, âm nhạc và nghệ thuật giúp chúng ta khám phá sâu thẳm trong tâm hồn, tìm thấy vẻ đẹp an nhiên giữa bộn bề cuộc sống.
Tôi rất may mắn khi đọc tác phẩm “Cây đàn vĩ cầm đầy nhiệt huyết” từ giai đoạn bản thảo, vì tìm thấy sự đồng điệu trong triết lý về âm nhạc, về giáo dục và cuộc sống... Nổi bật nhất trong ký ức của tác giả về thầy K là sự nghiêm khắc, lạnh lùng đến mức mâu thuẫn với cách ta nghĩ về việc học âm nhạc. Nhưng giá trị lớn nhất từ sự nghiêm khắc đó là bài học về cuộc sống. Với tình yêu thương, các bậc phụ huynh thường che chở con cái, làm yếu đi những kỹ năng cần thiết. Những câu chuyện cổ tích dần được thay thế bằng những bài học cam go, cạnh tranh để bước vào một trường đại học danh giá. Khi rời trường, bài hát “I have got the whole world in my hand” trở thành ký ức xa.
Xuyên suốt tác phẩm, ta thấy sâu sau sự khắc nghiệt trong phương pháp dạy của thầy K là tình yêu thương và tận tụy với học trò. Thầy luôn yêu cầu nỗ lực từ học trò để xây dựng nên lòng tin và kỷ luật. Không chỉ thế, thầy K khiêm nhường, luôn tìm kiếm những người thầy giỏi hơn để đưa học trò bước sang một chân trời mới. Mọi khó khăn, mất mát mà thầy K trải qua làm sâu sắc niềm tin về sự cứu rỗi và cứu cánh mà âm nhạc mang lại.
Đối với bản thân, tôi luôn ước ao viết một cuốn sách về giáo dục âm nhạc, chia sẻ những kinh nghiệm và bài học của mình. Nhưng ngay trước khi hoàn thành cuốn sách, tôi đã cảm thấy hài lòng với những gì mình đã đạt được. Cảm giác trọn vẹn mà cuốn sách mang lại cho tôi không thể diễn tả bằng lời. Đây không chỉ là một cuốn sách mà mọi người nên đọc, mà còn là một tuyên ngôn về đạo đức giáo dục mà các giảng viên âm nhạc cần suy ngẫm.
Sài Gòn, 7/2016
Nguyễn Hồng Minh
Hiệu trưởng trường nhạc Erato