Một tác phẩm ngắn nhưng sâu sắc, pha trộn một chút hài kịch đen trên nền phản địa đàng - Cửa hiệu tự sát mang lại những giá trị gì? Tác phẩm này đã chinh phục độc giả và để lại biết bao suy ngẫm như thế nào? Với tiêu đề Cửa hiệu tự sát, liệu đây có phải chỉ là một cuốn sách viết về cái chết? Dù gây tranh cãi và chỉ có một số ít độc giả đánh giá cao, đây vẫn là một tác phẩm phản địa đàng đáng đọc.
Đôi nét về tác giả và tác phẩm
Jean Teulé sinh ngày 26 tháng 2 năm 1953 và mới qua đời vào ngày 18 tháng 10 năm 2022 tại nhà riêng ở Paris. Ông là người Pháp và đã sống trọn sáu mươi chín năm cuộc đời tại đây. Jean Teulé là nhà văn và tác giả truyện tranh, đồng thời ông cũng tham gia vào ngành công nghiệp điện ảnh với vai trò đạo diễn và diễn viên.
Cửa hiệu tự sát được xuất bản năm 2007 và được chuyển thể thành phim hoạt hình cùng tên vào năm 2012.
Đây là một tác phẩm mang màu sắc u ám của thể loại phản địa đàng - một thế giới khắc nghiệt khi thiên nhiên bị tàn phá và trở nên độc hại, một xã hội nơi niềm vui bị thay thế bởi sự chán nản và sụp đổ, nơi con người tìm đến cái chết nhiều hơn sự sống. Đó chính là thế giới của Cửa hiệu tự sát.
Tác phẩm pha trộn hài kịch đen, nơi tiếng cười xuất phát từ những chủ đề cấm kỵ, và Cửa hiệu tự sát cũng không ngoại lệ khi sự hài hước được tạo nên từ chính cái chết. Đây là thể loại giao thoa giữa hài kịch và trào phúng, và chỉ có rất ít nhà văn dám bước vào, bởi nó chắc chắn sẽ gây ra nhiều tranh cãi.
Có lẽ chỉ những người từng đối mặt với sự thôi thúc của cái chết và trầm cảm như Jean Teulé mới có thể kết hợp hài kịch đen và phản địa đàng một cách mượt mà như vậy. Ông đã tạo ra tiếng cười giữa sự u uất của cái chết một cách thông minh và tinh tế, và tiêu đề của tác phẩm là minh chứng cho sự sắc sảo đó.
Cửa hiệu tự sátTóm tắt tác phẩm
Thật khó để nói về tác phẩm mà không để lộ những nút thắt bất ngờ ở cuối tiểu thuyết. Vì vậy, xin hãy thông cảm, đây sẽ là một bài review tiết lộ tất cả các chi tiết của Cửa hiệu tự sát, bao gồm cả yếu tố bất ngờ ở đoạn cuối đã tạo nên giá trị cho toàn bộ tác phẩm.
'Quý khách đã thất bại trong cuộc sống? Hãy đến với chúng tôi, quý khách sẽ thành công trong cái chết.'
Khẩu hiệu ấy được in trên mỗi túi của Cửa hiệu Tự Sát - một cửa hàng nhỏ chuyên bán các vật dụng để tự sát. Vì sao cửa hàng này tồn tại? Đơn giản vì có cầu ắt có cung: mọi người trong thế giới này đều mong muốn cái chết hơn là hạnh phúc của bản thân. Cửa hiệu Tự Sát tồn tại trong một thế giới nơi môi trường ô nhiễm trầm trọng, tội ác chiến tranh leo thang và tin tức toàn những điều tồi tệ. Đây là thế giới của Cửa hiệu Tự Sát - nơi cái chết là sự giải thoát nhẹ nhàng khỏi cuộc sống đầy chán chường và đau khổ. Con người nơi đây không còn quan tâm đến hạnh phúc, họ coi nụ cười và niềm vui như những điều kỳ lạ và dị thường.
Và chính cái sự kỳ lạ ấy đã mở đầu cho câu chuyện - nụ cười của Alan Tuvache.
“Không thể nào, trong dòng họ Tuvache, không ai biết cười cả!”
Lucrèce Tuvache - mẹ của Alan, đã khẳng định chắc chắn như vậy. Gia đình Tuvache là chủ nhân của Cửa hiệu Tự Sát, và như bà đã nói, để điều hành một cửa hàng như thế này, không biết cười là một điều kiện tiên quyết, và nó đã trở thành tự nhiên trong cả dòng họ. Thế nhưng, đứa con út của gia đình, Alan Tuvache, lại đang cười!
Alan, với mái tóc vàng rực rỡ và tính cách tươi sáng, khác biệt hoàn toàn với gia đình Tuvache, nơi toàn những mảng màu u ám và không ai biết cười. Càng lớn, cậu càng làm bố mẹ đau đầu vì tính cách vui vẻ yêu đời đến chói mắt ấy.
“Con nghĩ khách đến đây để chiêm ngưỡng nụ cười của con à? Thật không thể chịu nổi nữa.”
Alan nhanh chóng trở thành kẻ lạc loài trong gia đình vì sự lạc quan của mình, nhưng qua thái độ và lời nói của mẹ, độc giả có thể thấy rằng những đứa trẻ nhà Tuvache không hề tiêu cực từ lúc sinh ra.
Với Vincent, con trai lớn của gia đình, dù luôn được mẹ coi là mẫu mực và là nghệ sĩ của nhà, cậu lại liên tục chịu những cơn đau đầu khủng khiếp:
“Thằng bé còm nhom này thật đáng thương, nó đang chịu đựng những cơn đau đầu như búa bổ nếu như không được băng lại... Dù sao nó cũng là nghệ sĩ duy nhất trong gia đình, là Van Gogh của chúng ta.”
Còn cô chị gái Marilyn, ta thấy cô luôn tự ti với ngoại hình của mình, và luôn bị gia đình chê bai vì điều đó:
“Sao con lại vẽ chị con năng động và xinh đẹp như thế này? Con biết rõ chị ấy luôn cảm thấy mình vô dụng và xấu xí.”
Tấm màn đầu tiên được kéo lên, độc giả nhận ra rằng đây không phải là một thế giới với phép thuật kỳ lạ khiến con người buồn khổ từ khi sinh ra. Sự đau buồn của con người luôn chịu tác động từ thế giới bên ngoài.
Những ngày tại Cửa hiệu tự sát cứ thế trôi qua, người đọc thấy nhiều khách đến tiệm, mỗi người với lý do và cách thức tự sát khác nhau: một thầy giáo thể dục không chịu nổi học trò nghịch ngợm chọn seppuku - cách tự mổ bụng của samurai Nhật; một quý bà (có con trai từng đến tiệm) muốn ra đi nữ tính nhưng phân vân giữa uống, thoa hay hít, và đã mua loại thuốc độc tổng hợp cả ba; v.v..
Ở đây, ta thấy gia đình tự hào về Vincent, khi anh nhận được nhiều lời khen từ bố mẹ. Nhưng đối với Marilyn lại khác, nàng liên tục bị hạ thấp, vì bố mẹ cho rằng điều đó bình thường, nhưng với nàng, nó gây ra nhiều đau khổ. Bị ảnh hưởng bởi lời mẹ, nàng luôn tự ti về ngoại hình và tin rằng không ai có thể yêu nàng.
Sinh nhật thứ mười tám của Marilyn, bố mẹ tặng nàng loại thuốc khiến nụ hôn trở thành độc, và nàng sẽ phụ giúp ở quầy hàng sống. Nhận quà, nàng rơi nước mắt.
Alan như tia sáng trong cuộc sống u ám của nàng. Nó luôn khen chị đẹp, và sinh nhật thứ mười tám của Marilyn, nó tặng nàng dải lụa. Dải lụa giúp nàng nhận ra vẻ đẹp của mình, những điểm tự ti lại rất lộng lẫy. Nàng không còn tự ti, giờ đây nàng mĩ lệ và chết chóc.
“Cô là thiếu nữ đẹp nhất khu phố! Không ai trong khu phố Những Tôn Giáo Bị Lãng Quên sánh được với cô (vì cô vô cùng xinh đẹp). Món quà của em trai, còn hơn cả một giấc mơ…”
Tuy nhiên, hành động của Alan làm bố giận dữ. Ông không chấp nhận việc kinh doanh và uy tín cửa hiệu bị con trai ảnh hưởng, quyết định gửi nó đến Monaco tham gia khóa huấn luyện đặc công tự sát. Bà Lucrèce van xin chồng, nhưng ông đã quyết, Alan sẽ bị gửi đến nơi toàn “những thằng điên, những đứa thù hận và tàn bạo.”
Dù Alan tạm thời không còn, sự tác động của nó đã làm thay đổi mọi người. Cửa hiệu bắt đầu bán những chiếc mặt nạ khiến người ta cười phá lên. Bà Lucrèce bắt chước con trai, bỏ đi những viên kẹo có độc, giờ chỉ dỗ dành trẻ con đến tiệm và khuyên chúng về nhà. Ngay cả ông bố cứng rắn cũng nhớ Alan, trốn dưới hầm và khóc khi đọc thư nó. Nỗi nhớ bao trùm lấy gia đình, và họ nhận ra không thể sống thiếu Alan.
“Lucrèce, Marilyn, Mishima, Vincent... Tất cả đều cảm thấy thiếu vắng Alan như cuộc đời thiếu vắng mục đích sống.”
Alan trở về từ Monaco, mang màu sắc trở lại cho gia đình Tuvache. Nó tiếp tục giúp đỡ khách hàng, thuyết phục họ yêu thương bản thân và quay về nhà, và nó đã thành công.
“Hãy nhìn con người này đứng trước mặt cô. Đừng xấu hổ! Nếu cô gặp người này trên đường, cô có muốn giết không? Người này đã làm gì để bị căm ghét? Tại sao lại không yêu thương người này? Trước tiên, hãy kết bạn với cô gái ấy và những người khác sẽ làm theo.”
Lần này, không chỉ Alan giúp đỡ khách hàng, cả gia đình cùng chung tay. Cửa hiệu tự sát dần biến thành nơi tràn ngập tiếng nhạc và bận rộn của quán ăn gia đình. Tuy nhiên, vẫn có một người không chấp nhận sự thay đổi này - người bố. Ông sụp đổ, không chịu nổi và muốn ở một mình trên giường cả ngày. Ông mắc trầm cảm.
Mọi chuyện càng tồi tệ khi chính phủ muốn phát trực tiếp cảnh họ tự sát để tạ lỗi với dân và đặt hàng thuốc độc từ cửa hiệu, nhưng Alan, do nhầm lẫn, lại cho khí cười vào thuốc độc!
Do sự cố, chính phủ quyết định dẹp cửa tiệm vào sáng hôm sau. Bố của Alan nổi khùng, đuổi theo Alan lên sân thượng với ý định tự kết liễu đời mình. Cả gia đình chạy theo, đe dọa sẽ tự sát cùng nếu ông làm thế. Alan hoảng sợ trước cảnh tượng đó và ngã từ sân thượng xuống.
May mắn thay, Alan bám được vào máng xối. Với sự giúp đỡ từ dải băng của Vincent, mọi người từ từ kéo Alan lên. Dưới cú sốc, cả gia đình nhận ra ý nghĩa của sự sống và cười rạng rỡ khi nghĩ đến một tương lai tươi sáng, hạnh phúc.
“Đứa trẻ, một tay nắm giữ, đang được kéo lên. Nó chỉ còn cách họ ba mét. Trên áo thun sáng màu và quần tây phản chiếu chữ viết Trung Hoa. Alan, nắm chặt dải băng, không kêu cứu, không hận thù, không sợ hãi với những gì đã xảy ra, nhìn họ kéo lên từng nhịp. Niềm hạnh phúc và tin tưởng vào tương lai hiện rõ trên khuôn mặt họ, đó là thành quả của nó. Cách hai mét, chị gái hớn hở. Bà Tuvache nhìn nó tiến lại gần như thấy mẹ mình bước đến dưới sân trường. Nhiệm vụ của Alan hoàn thành. Nó buông tay!”
Đôi lời về tác phẩm
Đoạn kết của Cửa hiệu tự sát gây chấn động và khó tin. Tại sao Alan lại buông tay? Đây có phải là cái kết xứng đáng?
Chỉ với câu cuối ngắn gọn, tác phẩm đã tạo nên giá trị đặc biệt. Hành động của Alan có vẻ bất chợt và khó hiểu, vì nó luôn giữ nụ cười trên môi, và quyết định buông tay không hợp lý chút nào. Nhưng từ lúc Alan ở Monaco, đã có những chi tiết mơ hồ ám chỉ việc này.
“Trên chiếc áo dưới đáy lọ cá có dòng chữ: Goodbye. Trên miệng lọ, một con cá vàng nhỏ nước mắt và bay lên, đính vào dây bong bóng. Một con cá khác ở lại trong lọ, thả bong bóng và hét: No, Brian! Don’t do it!”
Chi tiết này cho thấy vẻ ngoài rạng rỡ của Alan có lẽ chỉ là vỏ bọc cho tâm hồn vụn vỡ bên trong. Nghĩ mà xem, Alan bị mắng chửi cả đời, bị đối xử như người ngoài cuộc, một nỗi thất vọng, và khi bị gửi đến Monaco sống cùng những kẻ điên rồ và tàn ác, nó còn tận mắt chứng kiến chỉ huy của mình nổ tung.
Xuyên suốt tác phẩm, tác giả đã chỉ ra rằng sự bi quan và tiêu cực của mọi người không phải tự nhiên mà có. Vincent bị hành hạ bởi cơn đau đầu, Marilyn tự ti vì bị chê bai, và bà Lucrèce cũng bị ám ảnh bởi bóng ma từ thời thơ ấu:
“Bà giữ từ thời thơ ấu khả năng quên hết mọi thứ xung quanh, cái cách nhìn xa xăm trước mặt. Một lỗ hổng lớn trong đầu như khi bà đợi mẹ trên băng ghế ở sân trường. Bà hóa đá tại đó, không còn cảm nhận được gì, chắc chắn bà cũng không còn thở nữa. Khi mẹ tới, đứa con gái không còn sống nữa.”
Có lẽ Alan giỏi xoa dịu người khác như vậy, cũng bởi vì tâm hồn nó chịu những tổn thương tương tự.
“Cuộc đời là vậy. Nó có giá trị của nó. Nó làm những gì có thể, cũng có sai lầm. Không nên đòi hỏi quá nhiều ở cuộc đời. Đến mức phải tự sát. Nên nhìn vào mặt tích cực thì tốt hơn.”
Mặc dù Cửa hiệu tự sát khá ngắn nhưng không hề hời hợt. Tác giả đã khéo léo và tinh tế lồng ghép những chi tiết tỉ mỉ và thông minh. Với ngòi bút sắc bén và hóm hỉnh, Cửa hiệu tự sát khiến ta nhận ra giá trị của cuộc sống bằng cách đưa ta đến gần cái chết hơn. Đây là một tác phẩm rất đáng đọc, khơi gợi nhiều suy ngẫm về sự sống và cái chết.
Tóm tắt bởi: Ngọc Hân - MyBook
Hình ảnh: Ngọc Hân