“Hãy nhớ rằng, kiếm tiền là một chuyện, nhưng chỉ những người thực sự tài năng mới biết cách sử dụng chúng” – Candace Bushnell
Ai cũng mong muốn tự do, thoát khỏi những ràng buộc. Tự do tài chính cũng không ngoại lệ, đó là khi ta kiểm soát được thu nhập, đầu tư và chi tiêu. Tuy nói nhiều về quản lý tài chính để thoải mái chi tiêu, nhưng có mấy ai thấy hiệu quả lâu dài từ những cách thức trên mạng. Mỗi người có quan điểm khác nhau về tự do tài chính: có người coi đó là chi tiêu thoải mái, người khác cho đó là ảo mộng. Nhưng để đạt được tự do tài chính, cần có sự chuẩn bị về tài nguyên và chiến lược. Cuốn sách “Đường Đến Tự Do” sẽ mang đến những bài học, triết lý, và công cụ về tài chính và tự do tài chính.
Trong cuốn sách “Đường Đến Tự Do”, hai tác giả Peter Mallouk và Anthony Robbins phân tích chi tiết về tự do tài chính, đơn giản hóa khái niệm này thành các bước nhỏ dễ hiểu để người đọc có thể nắm bắt và đạt được mục tiêu. Dù bạn đang ở giai đoạn nào của cuộc đời hay tình trạng tài chính ra sao, cuốn sách này sẽ giúp bạn chinh phục mục tiêu tự do tài chính thông qua các công cụ, phương pháp và chiến lược phù hợp.
Cuốn sách được xây dựng như một hành trình leo núi, nhằm đạt đến đỉnh cao - mục tiêu tự do tài chính, bao gồm 5 phần chính.
Phần 1: Mở đầu hành trình tự do tài chính
Phần 2: Những bước đi đầu tiên
Phần 3: Chiến lược và công cụ cần thiết
Phần 4: Áp dụng và điều chỉnh
Phần 5: Chinh phục đỉnh cao
Hai tác giả là những chuyên gia tài chính có uy tín và kinh nghiệm lâu năm. Với họ, việc chia sẻ những câu chuyện, bài học về sử dụng tiền bạc trở nên dễ dàng. Chúng ta sẽ thấy nhiều câu chuyện và bài học ý nghĩa qua từng phần của cuốn sách. Dưới đây là cảm nhận của tôi về những điểm nổi bật trong mỗi phần:
Phần 1: Hành trình phía trước
Ngạn ngữ có câu: “Tâm trí cũng có tâm trí riêng”. Mọi hành trình đều bắt đầu với mục tiêu, kỳ vọng và những nỗi sợ vô hình. Con đường đến tự do tài chính cũng vậy. Để đạt được mục tiêu tài chính, ta phải vượt qua nỗi sợ này, tin tưởng vào bản thân với những mục tiêu thực tế. Tác giả nói: “Thế giới tốt đẹp hơn chúng ta nghĩ”. Chúng ta cần tin tưởng vào tương lai và chuẩn bị tư duy phù hợp. Sau đó, cần chuẩn bị chuyên môn, hiểu rõ lý do và mục đích của các chiến lược tài chính dựa trên tình hình thực tế. Sự biến động tài chính luôn làm ta lo lắng, nên đầu tư và chi tiêu cần hợp lý. Trong tháp “6 nhu cầu cơ bản của con người” của Maslow, các nhu cầu ấy cũng là cám dỗ hàng ngày. Tiền bạc thỏa mãn nhiều nhu cầu, nhưng vượt qua cám dỗ là quá trình gian nan trên hành trình tự do tài chính. Tác giả đưa ra lời khuyên hữu ích về tài chính và kiểm soát nhu cầu bản thân. Ví dụ khi nói về nhu cầu phát triển, tác giả khuyên: “Những người thành công nhất về tài chính mà tôi từng gặp có tất cả, nhưng niềm tin rằng họ đã ‘về đích’ kìm hãm họ, khiến họ không thể tránh cảm giác đắc ý.”
Phần đầu “Hành trình phía trước” tuy ngắn nhưng cung cấp kiến thức nền tảng về tự do tài chính mà chúng ta không thể bỏ qua.
Phần 2: Lập bản đồ hành trình cá nhân của bạn
Sau khi xác định tư tưởng, tư duy về hành trình đạt tự do tài chính, chúng ta cần thiết lập bản đồ đến tự do tài chính; tức là tìm ra lộ trình và phương pháp phù hợp. Dưới đây là những phương thức mà các tác giả đề xuất.
Đầu tiên là chọn người hướng dẫn cho hành trình. Trong thế giới nhiều chiêu trò, ta cần người đáng tin, chuyên môn giỏi, giúp tránh thiệt hại từ bẫy tài chính. Phân biệt “chuyên gia tài chính” và “người môi giới”, xem họ có làm việc độc lập và có mâu thuẫn tư duy tài chính không. Ngay cả khi có người đồng hành, ta cần nâng cao năng lực tài chính của bản thân. Nếu năng lực cao, ta sẽ bớt lo lắng khi phải ủy thác trách nhiệm, tài sản cho chuyên gia tài chính. Tác giả lưu ý: Không phải cứ hiểu biết về tài chính là thành chuyên gia. Sự khác biệt giữa chuyên gia và môi giới là sự uy tín của họ.
Ngoài việc chọn cho mình một chuyên gia tài chính đáng tin cậy, chúng ta cần nhớ 4 quy tắc đầu tư sau đây:
Quy tắc 1: Lên kế hoạch chi tiết và cụ thể
Quy tắc 2: Xây dựng danh mục đầu tư phù hợp với tài chính cá nhân
Quy tắc 3: Thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh kế hoạch
Quy tắc 4 và cũng là quy tắc cuối cùng: Giữ bình tĩnh
Các quy tắc này được minh họa qua từng bước cụ thể và các câu chuyện, case study đi kèm. Chúng ta có thể đã đọc qua nhiều quy tắc, nguyên tắc đầu tư, nhưng không phải chuyên gia nào cũng nhắc đến việc giữ bình tĩnh khi đầu tư. Quy tắc “Giữ bình tĩnh” vừa hóm hỉnh, vừa gần gũi, thường bị bỏ qua nhưng lại rất quan trọng, không chỉ với những ai đang theo đuổi tự do tài chính, mà cả những người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Dù có nhiều kiến thức về quản lý rủi ro và tài chính, chúng ta vẫn có thể bị bấn loạn. Danh mục đầu tư hay quản lý rủi ro không phải lúc nào cũng chắc chắn, nên việc giữ bình tĩnh là rất cần thiết và cần được nhấn mạnh khi nói về các nguyên tắc đầu tư.
Phần 3: Nơi bắt đầu hành trình
Khi đã có kế hoạch tài chính phù hợp, chúng ta sẽ tiến tới tìm hiểu về thị trường tài chính và chứng khoán.
Trong thời đại chuyển đổi số và hội nhập, xung quanh ta không thiếu thông tin, tài liệu, sách vở về tài chính. Tuy nhiên, biến động thị trường diễn ra hàng ngày với tốc độ nhanh, khó dự đoán trước, nên việc cập nhật tin tức từ nguồn uy tín là rất quan trọng. Ngay cả các chuyên gia tài chính và các bản tin hàng ngày cũng không thể dự đoán chính xác biến động thị trường. Chúng ta cần quen với các sự kiện bất thường và nâng cao kiến thức tài chính để tự tin đưa ra các quyết định chi tiêu, đầu tư. Thị trường trái phiếu giống như tàu lượn siêu tốc với nhiều biến động, càng nhiều biến động chúng ta càng phải nâng cao kiến thức để bảo vệ bản thân và tìm kiếm cơ hội sinh lời.
Sau khi đọc xong phần 3, tôi nhận ra rằng thông điệp “hãy chắc chắn rằng bạn có thể sống với những gì mình có” thật sự quý giá. Khi đứng trước nhiều lựa chọn và tiềm năng vô hạn, chúng ta có thể đạt được nhiều mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta cần dừng lại để đánh giá lại khả năng của mình so với những gì chúng ta mong muốn. Từ phần 2, tác giả so sánh lựa chọn và hành động của chuyên gia với người khác, nhưng không phải để khuyên chúng ta trở thành chuyên gia, mà là phiên bản “chuyên gia” của chính mình. Những gì chuyên gia làm chưa chắc đã phù hợp với chúng ta. Chúng ta cần chọn lọc lời khuyên khi đọc sách. Khi có kế hoạch hoàn chỉnh và bắt đầu đi, chúng ta không chỉ cần đi đúng hướng mà còn cần vững vàng để đối mặt với những biến cố bất ngờ.
Phần 4: Chinh phục ngọn núi
Trong hành trình đạt đến tự do tài chính, giai đoạn “leo núi” có lẽ là thử thách gian nan nhất.
Sau khi chuẩn bị hệ tư tưởng rõ ràng, lập kế hoạch cụ thể và tìm hiểu kỹ về thị trường, chúng ta tiến sâu hơn vào quản lý các khoản đầu tư và chi tiêu. Việc đầu tiên là xây dựng và quản lý danh mục đầu tư. Kế hoạch ban đầu có thể không đưa chúng ta đến mục tiêu như mong muốn. Đôi khi, chúng ta cần tạm dừng và thay đổi chiến lược. Không thể mua quá nhiều cổ phiếu nếu chúng không còn lợi nhuận, hoặc tiếp tục đầu tư vào một công ty sắp phá sản.
Giữa nội dung về phân bổ tài chính, tác giả bất ngờ khuyên không nên quá yêu thích những khoản đầu tư của mình. Thật vậy, mỗi khoản đầu tư là số tiền bỏ ra với niềm tin vào lợi nhuận tương lai. Chúng ta đầu tư càng nhiều, càng trải qua nhiều cảm xúc. Kết quả có thể không phải là số tiền mong đợi, nhưng chắc chắn là kinh nghiệm. Chúng ta cần học cách quý trọng tiền mình kiếm được, để thận trọng hơn trong việc quản lý và phân bổ tài chính. Qua các chương, bản chất của chi tiêu, đầu tư và những lời khuyên giá trị dần hiện rõ.
Phần 5: Đỉnh cao vinh quang
Trong phần này, tác giả không tập trung nhiều vào các phương pháp tài chính mà chú trọng đến những khía cạnh triết lý của thành công. Tôi ấn tượng sâu sắc với quan điểm của tác giả về thành công, đặc biệt là câu “Thành công mà không viên mãn là thất bại tận cùng”. Thành công mang lại sự viên mãn, nhưng nếu không có viên mãn thì chưa phải là thành công thực sự. Phải chăng khi chúng ta đạt đến một điểm gọi là “thành công”, chúng ta lại nghĩ đến một đích xa hơn, khó khăn hơn? Có lẽ đó mới là thành công đích thực.
Dù ở bất kỳ điểm thành công nào, chúng ta cũng cần học cách tận hưởng niềm vui và thể hiện lòng biết ơn với những người đã đồng hành, cũng như chính bản thân mình. Đây là động lực lớn nhất để chúng ta tiếp tục chinh phục nhiều thành công khác.
Kết luận
Cuốn sách “Đường Đến Tự Do”: Tăng Tốc Hiệu Quả Tự Do Tài Chính Của Bạn không chỉ là những bài học tài chính mà còn chứa đựng những triết lý sâu sắc về đầu tư và cuộc sống. Đạt đến sự tự do tài chính cũng chính là đạt đến sự tự do tâm hồn.
Tóm tắt bởi: Quỳnh Trang - MyBook
Ảnh: Minh Khanh