Nếu bạn là một mọt sách, hẳn bạn đã nghe qua tên cuốn sách “Hành trình về phương Đông”. Mình cũng vậy, từng tò mò và khao khát đọc cuốn sách được mệnh danh là best-seller mọi thời đại này. Trải nghiệm đọc cuốn sách này thực sự khó diễn tả bằng lời. Tuy nhiên, mình muốn chia sẻ những cảm nhận cá nhân về những điều mình học được, suy ngẫm từ nội dung sách. “Hành trình về phương Đông” không phải là cuốn sách dễ đọc cho những phút giây thư giãn, mà là một cuốn sách đầy triết lý, tôn giáo, rèn luyện thể chất và tinh thần, gần như là một cuốn self-help hướng dẫn cách sống vui, sống khỏe.
“Hành trình về phương Đông” giống như tên gọi của nó, là một chuyến đi. Nhưng khi đọc cuốn sách này, độc giả như đang bước vào một hành trình ... có thể gọi là Tây Du Ký với 81 kiếp nạn. Không phải ai cũng có thể kiên nhẫn đi hết con đường ấy, và nếu không có ngộ tính, trải nghiệm thì khó có thể ngộ “chân kinh”. Chính mình cũng cảm thấy còn rất nhiều điều trong cuốn sách mà mình chưa thể cảm ngộ hay đồng tình được. Vậy “Hành trình về phương Đông” có gì?
Về tác giả Baird Thomas Spalding
Ông là một nhà văn tâm linh người Mỹ sống vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, với nhiều thông tin về quê quán còn gây tranh cãi. Ông nổi tiếng với tác phẩm “Life and Teaching of the Masters of the Far East” (Cuộc đời các chân sư phương Đông).
Phần lớn cuộc đời ông làm nghề khai thác mỏ ở miền Tây nước Mỹ. Năm 1894, chuyến viễn đông nghiên cứu của ông cùng mười người khác đánh dấu sự khởi đầu của bộ sách “tai tiếng” nói trên.
Về cuốn sách Hành trình về phương Đông
Cuốn sách này đã khơi dậy nhiều mâu thuẫn và tranh cãi gay gắt. Lần đầu tiên xuất bản ở Ấn Độ năm 1924, từ đó cuốn sách đã gây ra những tranh luận, nghi ngờ ở Anh, Mỹ và phương Tây. Không khó hiểu khi cuốn sách sau đó bị chính phủ Anh cấm phát hành.
Hành trình về phương Đông có thể coi là một cuốn hồi ký ghi lại hành trình của đoàn thám hiểm từ Anh sang Ấn Độ với mục tiêu ban đầu là tìm ra lời giải cho những bí ẩn của phương Đông qua con mắt của những người Tây Phương. Nhưng sau những chặng đường và những lần gặp gỡ với những con người phi thường, cái nhìn về phương Đông của đoàn khoa học đã thay đổi.
Này các nhà thông thái, các ông đã khám phá ra mục đích cuộc đời chưa? Nếu các ông chưa tự hỏi mục đích cuộc đời mình là gì thì ghi nhận, nghiên cứu có ích lợi gì? Khi chưa tìm được giải đáp cho chính mình thì các phúc trình, thống kê cũng vô ích thôi, có phải không?
Họ nhận ra những triết lý sâu xa về cuộc sống, hạnh phúc, con người và giải thoát. Từ đó, họ ngày càng bị cuốn vào hành trình khám phá, không còn chỉ là mục đích phá giải những sự huyền bí ban đầu.
Tuy nhiên, hành trình này cuối cùng đã phải chấm dứt bởi quyết định của chính quyền Anh quốc. Họ bị ra lệnh: hoặc phải trở về và không được phép tiết lộ bất cứ điều gì về những gì đã trải qua ở Ấn Độ, hoặc bỏ lại mọi thứ để tiếp tục hành trình. Cuối cùng, chỉ có 3 nhà khoa học lựa chọn tiếp tục hành trình, tìm kiếm những chân lý của cuộc sống và tu hành tại dãy Hy Mã Lạp Sơn. Trong đó có giáo sư Spalding. Cuốn sách gồm 10 chương, mỗi chương đoàn thám hiểm sẽ gặp những đạo sư khác nhau, được hướng dẫn thay đổi suy nghĩ về triết lý và tâm linh, có thể chia làm hai phần: những minh triết về cuộc sống, con người và những phương pháp rèn luyện linh hồn và thể xác.
Giải thích về con người và cuộc sống
Dân phương Tây phát triển nhiều về lý trí và khoa học nhưng thiếu đi lòng sùng kính và lòng từ bi. Họ thích suy luận hơn là cảm xúc, do đó thường có vẻ lạnh lùng và ít dung hòa. Trong khi đó, người Á Đông tập trung nhiều vào lòng từ bi và sùng kính, nhưng ít suy luận, nên thường nhượng bộ và dễ dãi. Cả hai văn hóa không hoàn hảo tuyệt đối, và trong tương lai, có thể sẽ có những biến động mạnh mẽ để hai dân tộc học hỏi và hoà nhập với nhau.
Nói về hạnh phúc, bình an và sự giải thoát. Các vị đạo sư Ấn Độ có cách giải thích sâu sắc về việc con người tìm kiếm sự bình an đơn giản. Mọi người đều mong muốn hạnh phúc và bình an, nhưng tâm trí con người luôn khao khát thêm nhiều, giống như Alexander đại đế khi ông nói với Aristotle rằng sau khi chiến thắng nhiều đất nước, ông sẽ có thể ngủ một giấc bình yên. Nhưng Aristotle lại hỏi: 'Tại sao không ngủ bình yên ngay từ đêm nay?'. Bình an không phụ thuộc vào sự giàu có hay vật chất bên ngoài, mà là sự bình an trong tâm hồn mỗi người.
Khi suy ngẫm sâu, ta nhận ra rằng khoái cảm chỉ là phản ứng của trái tim trước những sự vật bên ngoài. Những sự vật này có thể mang lại niềm vui hoặc đau khổ tùy thuộc vào hoàn cảnh và tâm trạng của chúng ta. Hạnh phúc không nằm ở ngoài kia mà phụ thuộc vào tâm trạng và suy nghĩ của chính mỗi người. Người giàu có không nhất thiết hạnh phúc hơn người nghèo, bởi vì hạnh phúc không thể đo lường bằng vật chất.
Tuy nhiên, việc chấp nhận điều này chưa đủ để mang lại hạnh phúc, vì chúng ta vẫn phải đối mặt với hai nỗi đe doạ: ham muốn và sợ hãi. Khi chúng ta càng ham muốn, chúng ta càng sợ hãi, và ngược lại. Thay vì chiến đấu với những cảm xúc này, chúng ta thường nhượng bộ cho chúng. Khi ham muốn thúc đẩy chúng ta, chúng ta tin rằng sẽ hạnh phúc hơn khi đạt được điều đó, nhưng thực tế là sau khi đạt được, chúng ta lại ham muốn thứ khác.
Hành trình về phương Đông có thể là một cách để khám phá bí mật của thế giới? Vậy thì chúa là ai? Chúa có thể là Đức Giêsu, Phật Thích Ca Mâu Ni? Không phải, mặc dù Ấn Độ nổi tiếng với tâm linh và tôn giáo, nhưng họ cũng có sự minh mẫn và lý trí. Theo hành trình của đoàn thám hiểm, chúng ta thấy rằng chúa có thể là bất kỳ ai trong thế giới này, là người sáng tạo ra mọi thứ, nhưng không kiểm soát số phận của con người. Thay vào đó, chúa là tập hợp các giá trị tốt đẹp tạo nên sự trật tự trong thế giới này, và có thể hiện thân trong bất kỳ hình hài nào mà chúng ta mong muốn.
Các vị thường nghĩ rằng thượng đế như một ông già ngồi trên cao quyền lực tối cao, quyết định số phận con người - một quan điểm rất hạn hẹp. Thượng đế vĩ đại hơn nhiều, ngài sáng tạo và bao bọc mọi thứ trong vũ trụ trong một luật lệ tự nhiên. Không có việc ngài quyết định số phận cá nhân như họ tưởng. Mọi sự diễn ra theo quy luật vũ trụ, mỗi hành động đều có phản ứng tương ứng, một lực nào đó luôn đi kèm với một phản lực, giống như trong lĩnh vực vật lý.
Thú vị khi các nhà thiền, các đạo sư Ấn Độ, các chân sư có kiến thức sâu rộng không chỉ lý giải các yếu tố tâm linh mà còn sử dụng toán học, vật lý, sinh học để giải thích cả chúa. Có gì đủ thuyết phục hơn thế?
Tu luyện cả thể chất lẫn tinh thần
Chuyến hành trình về phương ĐôngCác vị đạo sư dùng cách giải thích khoa học để lý giải sức mạnh của yoga từ thời xưa đến nay cũng như sự bí ẩn xung quanh nó.
Không chỉ tập trung vào việc rèn luyện qua Yoga, các đạo sư và đoàn thám hiểm trên hành trình luôn nhấn mạnh rằng con đường tu luyện là vô hạn, có vô số cách tiếp cận khác nhau. Không có con đường nào là duy nhất. Việc rèn luyện bản thân không chỉ để sống mà còn để chuẩn bị cho cái chết. Chúng ta đã từng sợ hãi, tò mò về cái chết, vậy hành trình về phương Đông là cơ hội lý giải về sự chết của thân thể.
“Cái chết là gì? Thân này có thể chết nhưng tôi thì sao?'
Nếu thân này chết, liệu tôi vẫn là thân này không? Nếu tôi không phải là thân này, liệu tôi có chết không? Làm sao để hiểu điều này? Chỉ có thể thông qua trải nghiệm cái chết.” Sau đó, người đó quyết tâm thiền định, suy ngẫm về vấn đề này. Người đó tưởng tượng thân thể của mình đã chết, không còn hơi thở, không còn cảm xúc. Với một ý chí mạnh mẽ, người đó rút hết sức mạnh ra khỏi thân thể và một ngày nọ, thành công. Thân thể của người đó cứng đơ, không cử động như một người đã chết, nhưng ngay lúc đó, một sức mạnh vô hình phát ra từ bên trong và tràn ngập tâm trí của người đó.
Dưới góc nhìn của tác giả, những nhà sư gặp trên đường ngày càng nhiều và những điều kỳ diệu gặp càng nhiều, khiến bản thân tác giả phải tự nghi ngờ về bản thân và thế giới xung quanh, đôi khi là khó tin như: cách mà các vị sư chữa bệnh cho những người tín đồ xung quanh hoặc cách mà một bác sĩ nhớ lại cách mà vị Đức Mẹ cứu rỗi bệnh nhân của mình. Không khó để hiểu tại sao cuốn sách này gây ra những tranh cãi gay gắt như vậy.
Kết luận
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng Hành trình về phương Đông là một cuốn sách đáng đọc, đáng suy ngẫm về số phận và mục đích của bản thân, đặc biệt trong một thời đại đầy rối ren như hiện nay. Không phải ai cũng sẵn lòng mở lòng để chấp nhận những ý tưởng mới, những suy nghĩ vượt ra khỏi nhu cầu cá nhân, ngược lại với mong muốn và nhu cầu cũng như các quan điểm đó đã thâm nhập sâu vào xã hội ngày nay.
Chỉ khi khiêm tốn mới giúp chúng ta học hỏi thêm. Hãy nhìn ly nước trên tay tôi, nếu tôi tiếp tục rót thêm thì nước sẽ tràn ra ngoài. Trừ khi tôi đổ bớt nước trong ly, tôi mới có thể rót thêm nước vào được. Kiến thức cũng vậy, chỉ khi ta khiêm tốn và gạt bỏ những quan điểm cũ, ta mới có thể tiếp nhận những điều mới lạ. Nếu muốn nghiên cứu về triết học của Ấn Độ nhưng vẫn giữ lập trường của người phương Tây, khinh thường mọi điều, thì cũng như ly nước tràn đầy, làm sao có thể rót thêm nước nữa?
Tóm lược và Đánh giá bởi: Sơn Dương - MyBook
Hình ảnh do Cẩm Anh thực hiện