Trên thế giới còn biết bao góc khuất mà bạn còn chưa biết tới, nơi những câu chuyện đầy đau khổ, bất hạnh, nơi bóng tối ngập tràn trong cuộc đời của những đứa trẻ. Rất nhiều người cho rằng, “Mẹ nào mà chẳng thương con”, đây là một câu nói đã ăn vào tiềm thức của nhiều người. Thế nhưng liệu sự thật có phải như vậy không? Một góc tối trong cuộc sống của những đứa trẻ bị bạo hành gia đình sẽ được hé mở qua câu chuyện của một đứa trẻ đáng thương trong cuốn sách Không Nơi Nương Tựa của Dave Pelzer.
Cuốn sách là câu chuyện của chính tác giả kể về tuổi thơ lớn lên trong bạo hành của mình. Cậu bé Dave đáng thương phải lớn lên trong sự hắt hủi và vùi dập từ chính người mẹ ruột nghiện ngập và có trạng thái tâm lý bất ổn. Đây cũng là một trong những trường hợp bạo hành trẻ em nghiêm trọng nhất lịch sử bang California, Hoa Kỳ, báo động cho những trường hợp khác đang xảy ra ở khắp nơi trên đất nước này và toàn thế giới.
Khi đọc những dòng chữ trong cuốn sách, chắc chắn bạn sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc cùng cậu bé Dave. Khi đọc những trang sách này, tôi thấy như bản thân mình đang trải qua nỗi đau đó, và nỗi đau, sự bất mãn sẽ thôi thúc chúng ta làm một điều gì để thay đổi thực trạng này trong tương lai.
Giới thiệu về tác giả Dave Pelzer và cuốn sách Không Nơi Nương Tựa
Tác giả của Không nơi nương tựa là Dave Pelzer, một nhà văn người Mỹ sinh ra tại Bang California trong một gia đình có 5 anh chị em. Ông được xem là một người viết bút ký nổi tiếng và là top 3 trong danh sách Người viết bút ký nổi tiếng. Các tác phẩm của ông kể về thời thơ ấu bị hành hạ, lạm dụng Pelzer của, nằm trong danh sách New York Times Bestseller trong nhiều năm.
Dave Pelzer không chỉ là một nhà văn tài năng mà còn là một trong những phát ngôn viên quốc gia được công nhận là làm việc hiệu quả và đáng tin cậy nhất trong lĩnh vực nhân quyền. Với sự hoạt động tích cực trong các nhóm hội và tổ chức chuyên nghiệp về dịch vụ nhân quyền, Dave Pelzer đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao nhận thức và bảo vệ quyền lợi của con người.
Thành tích nổi bật của Dave Pelzer không chỉ được thể hiện qua các giải thưởng và lời khen tặng từ các nhân vật lãnh đạo hàng đầu như cựu Tổng thống Ronald Reagan và George Bush, mà còn thông qua sự công nhận rộng rãi từ cộng đồng quốc tế. Năm 1993, Dave Pelzer được vinh danh là một trong mười Đại diện tiêu biểu nhất của Thanh niên Hoa Kỳ, thể hiện sự ấn tượng của cả nước đối với đóng góp của anh trong xã hội. Năm 1994, Dave Pelzer trở thành công dân duy nhất của Hoa Kỳ nhận được giải thưởng Thanh niên tiêu biểu nhất thế giới, một minh chứng rõ ràng cho sự ảnh hưởng to lớn của anh trong việc thúc đẩy nhân quyền và tình nguyện công ích trên toàn cầu.
Không chỉ dừng lại ở việc nhận giải thưởng, Dave Pelzer còn được chọn làm người rước đuốc trong Thế Vận Hội năm 1996, một vinh dự cao quý thể hiện sự tôn trọng và công nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của anh. Với sự cam kết và cống hiến không ngừng, Dave Pelzer đã dành cả cuộc đời mình để giúp đỡ và hỗ trợ hàng ngàn người khác thoát khỏi cảnh áp bức và nghèo đói, tạo nên một dấu ấn sâu sắc trong lòng mọi người.
Ngoài cuốn Không nơi nương tựa (A boy called It), Dave còn là tác giả quyển The Lost Boy – phần hai và A Man Named Dave phần cuối trong bộ ba tác phẩm.
Cuốn sách gói gọn trong hơn 100 trang dài 7 chương nhưng đủ để nêu bật lên vấn đề nhức nhối trong xã hội lúc bấy giờ tại Mỹ. Các chương không theo trình tự thời gian mà bắt đầu từ việc đứa bé được giải thoát khỏi người mẹ, đến những kỷ niệm khi gia đình còn hạnh phúc và yên bình. Sau đó mới kể đến những nỗi ám ảnh trong tuổi thơ của đứa trẻ:
Lời Giới Thiệu - Khát Vọng Sống Và Ý Chí Tuyệt Vời Của Một Em Bé Trong
Tận Cùng Của Sự Hắt Hủi Và Vùi Dập
Chương 1: Giải Thoát
Chương 2: Thời Tươi Đẹp
Chương 3: Đứa Trẻ Hư Hỏng
Chương 4: Cuộc Chiến Vì Miếng Ăn
Chương 5: Tai Nạn
Chương 6: Khi Cha Vắng Nhà
Chương 7: Lời Nguyện Cầu Của Chúa
Lời Kết
Tiếng Nói Người Trong Cuộc - Dave Pelzer - Người Sống Sót
Câu chuyện và nỗi đau của cậu bé Dave Pelzer
Với những đứa trẻ khác, nhà là nơi che nắng che mưa, là chỗ dựa về tinh thần và là nơi sưởi ấm về thể xác. Thế nhưng có ai biết được rằng, trong một căn nhà tại nước Mỹ, gia đình lại chính là địa ngục với một đứa trẻ, là nơi mà đứa trẻ trở nên đơn độc hơn bao giờ hết. Như vậy, liệu rằng đứa bé này biết đi về đâu và sẽ trưởng thành thành ai trong một cuộc đời không nơi nương tựa như vậy?
Cậu bé Dave đã phải chịu đựng những đau khổ, đơn độc gặm nhấm những trò bệnh hoạn do người mẹ gây ra. Cậu phải chịu nỗi đau về cả tinh thần lẫn thể xác khiến cho một đứa trẻ từ vô tư, hồn nhiên đến sợ hãi, rụt rè và dành cả cuộc đời để chữa lành vết thương thời thơ ấu.
Chắc chắn khi đọc cuốn sách, bạn sẽ phải rợn người trước những hình phạt mà người mẹ này dành cho con mình.
“Mối quan hệ giữa mẹ và tôi dần trở nên xấu đi. Từ việc áp dụng những hình thức kỷ luật mang tính răn đe, mẹ bắt đầu đối xử với tôi ngày càng cay nghiệt hơn. Thậm chí, nhiều lần mẹ đánh đập tôi thẳng tay đến nỗi tôi không còn sức lết đi chỗ khác để tránh đòn.
…
Rồi đến một ngày nọ, khi cảm thấy hình phạt “đứng ở góc phòng” không còn hiệu quả nữa, thế là mẹ chuyển sang áp dụng “hình phạt gương soi”. Lúc đầu, tôi không nghĩ mẹ dùng cách ấy để trừng phạt tôi. Mẹ thường túm lấy tôi, dí sát mặt tôi vào gương, di di khuôn mặt nhòe nhoẹt nước mắt của tôi trên bề mặt bóng loáng của tấm gương treo trên tường, rồi bà ép tôi lặp đi lặp lại câu: “Tôi là một đứa hư hỏng. Tôi là một đứa hư hỏng. Tôi là một đứa hư hỏng”.
Rồi tôi bị bắt phải đứng yên đó, mắt dán vào gương. Tôi cứ đứng như vậy, hai tay ép sát vào thân người, thỉnh thoảng tôi lén mẹ đung đưa qua lại cho đỡ mỏi. Những lúc ấy, tôi rất lo sợ khi nghĩ đến lúc bắt đầu chương trình quảng cáo yêu thích của mẹ trên tivi. Bởi ngay lúc ấy mẹ sẽ chạy xuống để xem tôi có còn nhìn vào gương hay không và mắng vào mặt tôi rằng tôi là một đứa bệnh hoạn Mỗi khi Ron hay Stan vào phòng trong lúc tôi đang chịu phạt, họ chỉ biết nhìn tôi trân trân, nhún vai hờ hững rôi lại tiếp tục chơi đùa, cứ như chẳng hề có mặt tôi ở đó vậy. Lúc đầu, tôi còn ganh tị và cảm thấy hơi giận họ, nhưng rồi tôi cũng nghiệm ra rằng họ có thái độ như vậy cũng chỉ vì muốn tự bảo vệ mình khỏi những trận đòn xé da xé thịt của mẹ mà thôi.”
Nhìn từ những gì tác giả kể, mẹ của cậu bé đã áp đặt những hình phạt nặng nề, tàn nhẫn, không thương tiếc. Bà không ngừng nghĩ ra những hình phạt để trừng phạt đứa trẻ, điều đáng buồn là trong đó có hình phạt đặt cậu bé lên bếp lửa, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cậu.
“Khi về nhà, mẹ bắt tôi cởi hết quần áo và đứng gần bếp lò trong nhà. Tôi run rẩy vì sợ hãi và xấu hổ. Mẹ nói tôi đã vi phạm quy định khi chơi trò nghịch ngợm trên bãi cỏ của trường. Tôi phủ nhận, nhưng mẹ không tin và đánh tôi. Sau đó, mẹ mở lò và nói về việc trừng phạt đặt trẻ em lên bếp lửa trong một bài báo. Tôi sợ hãi và ước gì mẹ tha cho tôi.
Khi mẹ giữ chặt cánh tay tôi, bà nói: “Mày đã biến cuộc đời tao thành địa ngục trần gian! Bây giờ tao sẽ cho mày thấy địa ngục là gì!
Mẹ nắm chặt cánh tay tôi, đưa lên ngọn lửa. Tôi cảm nhận được sự nóng bức, mùi cháy và cố vùng vẫy nhưng không thoát khỏi bàn tay mẹ. Cuối cùng, mẹ buông tay và tôi ngã lăn ra sàn, cố thổi vào cánh tay bỏng.
Mẹ nói: “Thật tệ hại khi cha mày không ở đây để cứu mạng mày nhỉ?”
Mẹ bắt tôi trèo lên bếp lò đang cháy để thấy cậu bé bị đốt cháy. Tôi khiếp sợ và van xin mẹ tha cho tôi, nhưng mẹ không chịu.
Sau khi đọc xong cuốn sách, điều khiến tôi suy ngẫm nhất không phải là nỗi đau về thể xác mà đứa trẻ phải chịu đựng. Mà hơn hết là nỗi đau về tinh thần ám ảnh cuộc đời của đứa trẻ mãi về sau này. Có thể khẳng định rằng, trong cuộc đời của một đứa trẻ, có lẽ nỗi đau lớn nhất không phải là nỗi đau thể xác mà là sự đơn độc - một cảm giác cô đơn đến thấu xương và đáng thương.
Trong câu chuyện, Dave bị biến thành một 'đứa trẻ hư hỏng' thông qua những lời nói dối và lời lẽ gian dối từ người mẹ. Nỗi đau này là sự đau đớn khi bị lãng quên bởi tình yêu thương từ người cha, và niềm tin dần bị nghi ngờ khi không ai tin tưởng đứa trẻ. Thậm chí, khi lặp lại điều này đến một lúc nào đó, đứa trẻ có thể sẽ tự mình hoài nghi chính mình, rằng liệu bản thân có thật sự vô dung hay hư hỏng như lời mẹ nói hay không. Hình phạt nhìn vào gương và liên tục khẳng định rằng bản thân hư hỏng có thể ảnh hưởng đến tương lai của đứa trẻ khi liên tục hoài nghi chính mình, cho rằng mình hư hỏng, tệ hại và không thể làm điều gì tốt đẹp. Trong trường hợp này, nỗi đau tinh thần vượt trội hơn nỗi đau thể xác, bởi nó là sự cô lập, bóng tối bao phủ không biết nguôi.
Tuy vậy, vẫn có đứa trẻ ngự trị trong biển đau khổ nhưng vẫn giữ vững những kí ức về những ngày thơ ấu hạnh phúc bên mẹ. Những kí ức đó rõ ràng và sâu sắc trong tâm trí của đứa trẻ đáng thương này. Trong những kí ức đó, mẹ là người vui vẻ, quan tâm từng chi tiết trong cuộc sống, âu yếm và ôm ấp...
Những kỳ nghỉ của gia đình bắt đầu từ dịp lễ Halloween. Một đêm tháng Mười, khi trăng tròn vành vạnh, mẹ dẫn ba anh em ra sân ngắm “quả bí đỏ khổng lồ” trên trời. Khi trở về phòng ngủ, mẹ bảo chúng tôi nhìn xem phía dưới gối có gì. Đó là những chiếc xe đua đồ chơi hiệu Matchbox. Ba anh em vui mừng, mặt mẹ rạng ngời hạnh phúc.
Sau lễ Tạ ơn, mẹ xuống tầng hầm lấy mấy chiếc hộp đầy bụi, bên trong là vô số vật dụng trang trí cho lễ Giáng sinh. Mẹ đứng trên thang và đính dây kim tuyến đủ sắc màu lên trần và tường nhà. Sau khi mẹ hoàn tất, khắp các gian phòng như được khoác chiếc áo mới. Mẹ còn cắm những cây nến đỏ đủ kích cỡ lên những chiếc kệ nhỏ xinh làm bằng gỗ sồi trong phòng ăn. Các hình vẽ bông tuyết được mẹ điểm xuyết trên khắp các cửa sổ trong nhà.
Các dãy đèn thì nhấp nháy chạy quanh cửa sổ phòng ngủ của anh em chúng tôi. Mỗi tối, khi ngắm nhìn ánh sáng dịu nhẹ, huyền ảo hắt ra từ phía cửa sổ, tôi lại thích thú mỉm cười rồi rút người vào chăn, nhắm nghiền mắt để tận hưởng niềm hạnh phúc mơn man khắp da thịt.
Cây thông trong nhà chúng tôi không bao giờ thấp dưới hai mét rưỡi. Mỗi dịp Giáng sinh, cả nhà lại quây quần bên nhau hàng giờ liền để trang trí cho nó. Mỗi năm, ba anh em thay phiên nhau được cha công kênh lên cao bằng đôi tay rắn chắc để treo hình thiên thần lên đỉnh của cây thông. Sau khi trang trí cây thông và dùng xong bữa tối, cả nhà lại xúm xít leo lên xe ngựa để ghé thăm hàng xóm và chiêm ngưỡng cách trang trí của họ. Mỗi mùa Giáng sinh, mẹ có thêm nhiều ý tưởng mới và độc đáo hơn, và anh em tôi biết ngôi nhà của mình luôn là ngôi nhà được trang trí đẹp nhất. Khi trở về nhà, mẹ bảo chúng tôi ngồi xuống cạnh bếp lửa trong phòng khách để cùng uống rượu trúng. Rồi mẹ kể chuyện cho chúng tôi nghe, trong lúc đó đài phát thanh phát bài “Giáng sinh trắng” do ca sĩ Bing Crosby trình bày. Suốt những ngày nghỉ đó, tôi hào hứng đến nỗi chẳng thể nào ngủ được. Có khi mẹ phải bế và đu đưa tôi trong tay khi tôi mãi lắng nghe tiếng tí tách của bếp lửa hồng mà mắt nhắm mắt mở.
Đứa trẻ vẫn nhớ rất rõ những kỷ niệm hạnh phúc về gia đình của mình. Trong chương 2 của cuốn sách, chỉ toàn những điều vui vẻ, hạnh phúc mà có lẽ Dave đã nhiều lần nhớ lại trong cuộc đời của mình trong những lúc đau khổ nhất. Những kí ức này giữ cho đứa trẻ không rơi vào sự tuyệt vọng.
Không Nơi Nương Tựa và giá trị nhân văn của cuốn sách
Khi gấp lại cuốn sách này, những dòng chữ về câu chuyện của cậu bé Dave vẫn lặp đi lặp lại trong đầu tôi, khiến tôi phải suy ngẫm không ngừng.
Tôi tự hỏi liệu đứa trẻ có còn căm hận mẹ không sau những bi kịch và đau khổ đó?
Tác giả viết cuốn sách này với mục đích gì? Để giảm bớt nỗi đau, để quên đi quá khứ, hay khao khát tự do? Hay còn có những mục đích to lớn hơn?
Đến cuối cùng, đứa trẻ có thể quên đi nỗi đau trong quá khứ và tìm được tự do trong một cuộc đời mới.
Hiện tại tôi đã tìm ra câu trả lời cho mình. Nếu bạn cũng đang có những câu hỏi sau khi đọc bài review này, hãy đọc cuốn Không Nơi Nương Tựa để tìm ra câu trả lời của mình.
Cuốn sách nêu lên vấn nạn bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.
Anne Cohn Donnelly từ Ủy ban Phòng chống Bạo hành Trẻ em Quốc Gia cho biết: “Để biết thế nào là sự giày vò về tinh thần lẫn thể xác của bạo hành trẻ em cũng như để biết đứa trẻ ấy quyết chí thế nào để sống sót sau tất cả, hãy đọc quyển sách hết sức cảm động và rất thuyết phục này. Hy vọng rằng quyển sách sẽ giúp chúng ta tập trung vào việc ngăn chặng nạn bạo hành trước khi quá muộn.”
Nếu bạn quan tâm về vấn đề này hãy dành vài phút để đọc và nghiền ngẫm cuốn sách này nhé!
Tóm tắt bởi: Minh Thúy - MyBook
Minh Thúy - Hình ảnh