“Đời người ngắn ngủi, không đủ để hiểu hết một nền văn minh, càng không nói đến nhiều nền văn minh. Vì vậy, hãy tranh thủ thời gian để khám phá càng nhiều càng tốt.”
Ngàn năm một tiếng thở dài, nội dung hơn 400 trang được gói gọn trong sáu chữ này, bao gồm những bài tạp bút chứa đựng sự tò mò, tiếc nuối và vương vấn. Kim tự tháp bí ẩn, thành Babylon hoang tàn, thánh địa Jerusalem trầm mặc, sông Hằng linh thiêng,... tất cả đều hiện lên theo bước chân tác giả Dư Thu Vũ.
Dư Thu Vũ, sinh năm 1946 tại Chiết Giang, là nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn nổi tiếng với danh hiệu “bậc thầy tản văn cuối cùng của Trung Quốc thế kỷ 20”. Ông nhận nhiều giải thưởng cao quý từ các tổ chức Trung Quốc và quốc tế, bao gồm UNESCO. Với kinh nghiệm giảng dạy đại học và đam mê khảo sát các di chỉ văn hóa cổ xưa, Dư Thu Vũ mang đến cho độc giả cái nhìn tổng quan về lịch sử và văn hóa từ những nền văn minh đã ngủ yên trong Ngàn năm một tiếng thở dài.
“Đối mặt với những tàn tích hoang vu u ám kéo dài bên đường, tôi nói với những người bạn đồng hành: “Chúng ta không mang vũ khí, giống như những người không mang găng tay, mũ nón, dùng chính đôi tay mình để chạm vào những vết thương chồng chất trên cơ thể già nua này”.”
Trước sự kỳ vĩ hiếm có của những di chỉ văn minh sơ khai, tác giả cũng bị cuốn vào dòng chảy nguy hiểm của thời cuộc, nỗi sợ hãi dần thay thế sự điềm tĩnh. Việc viết nhật ký mỗi ngày cũng gặp khó khăn vì bên cạnh là họng súng, là cái chết cận kề, là những hy sinh thầm lặng khiến nhân loại rơi lệ. Tất cả đối với Dư Thu Vũ vừa là đe dọa vừa là động lực thúc đẩy ngòi bút của ông.
Khi cuốn sách ra đời vào năm 2000, các đô thị từng lừng lẫy của phương Đông và Địa Trung Hải đã suy tàn ra sao và còn lại gì để chúng ta chiêm nghiệm?
Hy Lạp và Ai Cập
Hy Lạp là điểm đến đầu tiên khiến cả người viết và người đọc xao xuyến khi nghe những âm vang từ quá khứ. Tác giả nhìn Hy Lạp với ánh mắt hoài niệm, mang trong mình nỗi buồn qua nhiều thế kỷ - buồn vì sự vô tri của nhân loại hiện đại, buồn cho số phận những vĩ nhân như Herodotus, Socrates, buồn vì Olympus không còn là đỉnh cao lý tưởng, và buồn vì Phục Hy chìm trong giấc ngủ vĩnh hằng.
“Văn minh Hy Lạp từ lâu đã cống hiến rộng rãi cho nhân loại, nếu nhìn nó bằng quan điểm quốc gia hẹp hòi, chính là hạ thấp giá trị của nó.”
Hơi thở của biển Aegean, đỉnh Olympus, Mycenae hay Delphi vẫn phảng phất mùi minh triết, nhưng đoàn người của Dư Thu Vũ chỉ thấy những thành lũy chiến hào đổ nát, thù hận và bạo lực len lỏi trong dòng chảy thời gian.
“Trên những phiến đá ngang dọc của cổng còn hằn sâu dấu vết trụ cửa, những phiến đá lát còn in hằn dấu chiến xa. Bước tới vòm cổng, cảnh tượng chiến hỏa mù mịt, xe đua và ngựa hí năm xưa như hiện ra trước mắt.”
Hy Lạp từng khoác lên mình chiếc áo lý tưởng hiếm nền văn minh nào sánh kịp: sự hài hòa giữa trí tuệ và thể chất. Hình tượng các triết gia, học giả Hy Lạp cổ đại thường có râu tóc rậm rạp, thân hình vạm vỡ, đi chân trần và ánh mắt suy tư, trầm mặc chính là minh chứng cho điều này.
Sự tàn phá, nếu không xuất phát từ dã tâm man rợ, thì cũng từ ý đồ của một nền văn minh muốn độc chiếm và kiểm soát suy nghĩ của một nền văn minh khác. Hậu quả là một trong hai phải nằm lại lịch sử. Dư Thu Vũ đứng ở nơi từng phồn thịnh 500 năm trước Công nguyên, xem lại những cổ vật và biểu tượng không còn nguyên vẹn mà lắng nghe:
“Những lời lẽ đầy chua xót chứa đựng sự tôn nghiêm cuối cùng của một nền văn minh cổ xưa.”
Muốn theo dấu vết cổ đại, mọi học giả đều phải “cát bụi dặm trường”, và Dư Thu Vũ cũng không ngoại lệ. Hành trình tiếp tục, ông đến Cairo lúc nửa đêm, nơi chứng kiến nhiều sự kiện lớn trong lịch sử, vào thời La Mã, vượt qua đây phải mất nhiều tháng đi thuyền.
Nếu vừa thất vọng với cuộc sống hiện tại ở Athens, thì nỗi thất vọng càng lớn hơn khi nhìn thấy Cairo. Khác xa với nền văn minh sông Nile rực rỡ, Ai Cập nay lạc hậu, đường phố bẩn thỉu và các hàng quán thiếu vệ sinh. Nhưng đó là chuyện của hậu thế mấy ngàn năm sau, còn kim tự tháp vẫn sừng sững và đầy bí ẩn. Nhiều kiến trúc sư nổi tiếng kết luận, ngay cả với máy móc hiện đại nhất ngày nay cũng chưa chắc xây được kim tự tháp tương tự. Câu hỏi vì sao người Ai Cập thời đó làm được điều kỳ diệu này vẫn chưa có lời giải.
“Lịch sử văn minh nhân loại còn lâu mới giải mã được hết, trong đó, nền văn minh Ai Cập chứa đựng nhiều nghi vấn nhất.”
Đoàn của tác giả đã mạo hiểm đến Luxor bằng xe Jeep. Điều gì không an toàn? Trước đó, du khách đã từng bị tấn công bởi các nhóm khủng bố, khiến ngành du lịch Ai Cập bị ảnh hưởng nặng nề. Mọi động thái của đoàn từ Trung Hoa đều được binh lính và cảnh sát hộ tống nghiêm ngặt với những họng súng luôn sẵn sàng. Tác giả cũng trăn trở khi chứng kiến sự nghèo khổ không thể che giấu suốt dọc đường.
Hiển nhiên không có sự liên kết nào giữa văn minh Ai Cập cổ đại và Trung Hoa, có lẽ do khoảng cách địa lý xa xôi. Nhưng việc được tiếp xúc trực quan, dù chỉ là những tàn tích, cũng khiến tác giả lưu luyến. Trong phần Ai Cập, cuốn sách còn đề cập đến Hồng Hải, kênh đào Suez, giếng Moses và tu viện thánh Catarina.
Khu vực Trung Đông
Quốc gia Trung Đông đầu tiên xuất hiện là Israel. Ngoài chặng đường gian nan, tác giả và những người đồng hành phải mất nhiều giờ để hoàn tất thủ tục nhập cảnh. Qua miêu tả, không khó để nhận ra sự đối lập giữa Eilat và bán đảo Sinai.
Mục tiêu của Dư Thu Vũ là Jerusalem. Ông nhận xét rằng người Do Thái là một dân tộc gian truân, điều đáng ngưỡng mộ nhất là họ sẵn sàng di cư liên tục vì tự do của cộng đồng mình.
Người Do Thái khẳng định Jerusalem là thủ đô của vương quốc họ thời cổ đại; Cơ Đốc giáo xem đây là thánh địa vì Chúa Jesus đã truyền đạo, bị hành quyết và phục sinh ở đây; Hồi giáo cho rằng đây là nơi Mohammed lên trời gặp thánh Allah và nhận được phúc lành, luật lệnh. Jerusalem là điểm khởi đầu chung của ba tôn giáo lớn trên thế giới, nơi này mệt mỏi vì gánh nặng tinh thần từ khắp nơi đổ về. Mọi thứ ở đây đậm dấu ấn của thời trung cổ.
“Cổng thành thâm u rợn ngợp, mở ra vô số ngõ hẻm chật chội, quầy hàng san sát.”
Cách Jerusalem không xa, tác giả đã đến Jericho, Palestine, nơi thường xuyên xảy ra xung đột. Tiếp theo là “bờ Tây sông Jordan” với lực lượng quân sự và các chốt gác, khiến cuộc sống ở đây không có dấu vết của sự bình thường.
Nhưng tất cả điều đó vẫn chưa thấm vào đâu so với tình trạng khẩn cấp luôn hiện diện ở dải Gaza, “khu vực nhạy cảm nhất trên thế giới” - tác giả đã ghi chép như vậy.
Trung Đông vẫn còn nguy hiểm, Dư Thu Vũ tiếp tục đưa người đọc đến Iraq thăm dòng sông Tigris (Tích Giang) màu xám bạc; Babylon kiêu hãnh giờ được bao bọc bởi nhiều vòng lưới thép; đi tìm xứ sở cổ tích ở Baghdad đầy bi kịch; gồng mình ở khu vực nguy hiểm nhất thế giới sát bên Afghanistan.
Phía Nam châu Á
Pakistan hiện ra trước mắt đoàn của Dư Thu Vũ với hình ảnh trụ sở xuất nhập cảnh thấp lè tè, cũ nát. Việc di chuyển cũng không dễ dàng, đường phố đầy bùn lầy, lồi lõm làm xe chạy khập khiễng. Hai bên đường phủ một màu xám u ám, cây cối như được đúc từ bùn, rác chất thành đống cao như núi, và trên những đống rác đó là bọn trẻ đi chân trần. Tác giả nhận ra rằng phần lớn đồng bằng Ấn - Hằng rộng lớn đang oằn mình gánh chịu sự bần cùng đáng kinh ngạc.
Nơi đây, trước kia, văn minh và tôn giáo luôn song hành, cùng phát triển và là nền tảng cho nhau.
“Nền văn minh tách rời tôn giáo là nền văn minh không hoàn chỉnh; tương tự, một tôn giáo tách khỏi văn minh sẽ vô cùng tai họa.”
Các chương trình quảng cáo du lịch Ấn Độ thường giới thiệu về buổi lễ đóng cổng ở biên giới Ấn Độ - Pakistan. Dù không khí buổi lễ náo nhiệt như văn nghệ, tình hình chiến sự giữa hai quốc gia vẫn căng thẳng. Biên giới này do thực dân Anh chia cắt trước khi rời Ấn Độ năm 1947, phân vùng Punjab thành Amritsar thuộc Ấn và Lahore thuộc Pakistan. Một phần do mâu thuẫn tôn giáo, tín đồ Hồi giáo di cư sang Pakistan, còn tín đồ Ấn giáo về lại đất tổ.
Rời Pakistan, Dư Thu Vũ đến thủ đô của Ấn Độ, nơi có một phần “mới” và một phần “cũ”.
“New Delhi mới đến mức không có lịch sử gì đáng kể, Old Delhi cũ đến mức không kể hết nổi lịch sử.”
Với niềm hứng thú dành cho vương triều Hồi giáo Mogul, tác giả tham quan pháo đài Đỏ và cung điện Taj Mahal. Trước khi rời Delhi tiến về Varanasi, ông cũng ghé thăm India Gate và mộ của Mahatma Gandhi.
Varanasi, với sự pha trộn của màu sắc cổ kính và đức tin, là nơi linh thiêng cho cả Ấn Độ giáo và Phật giáo. Đây là nơi mà người già đến để chết, và người có tang sự đến để tiến hành các nghi thức, khiến sông Hằng trở nên thiêng liêng gấp bội.
Trong việc thể hiện sự mạnh mẽ trước Pakistan, Ấn Độ luôn thể hiện sự mềm mỏng trước Nepal. Xuất nhập cảnh cũng trở nên dễ dàng hơn. Phải đến điểm cuối cùng của hành trình mới thấy được những mảng xanh lục nơi đây.
“Địa thế ở đây vô cùng đa dạng, với những cảnh quan tươi đẹp độc đáo. Trong thung lũng, dòng nước từ núi tràn ra giống như những tia nắng chiếu sáng trên cát trắng.”
Chỉ khi trải qua, người ta mới hiểu được sự phức tạp của Nepal. Mặc dù không phải là quốc gia giàu có, nhưng Nepal lại rất trong lành và sạch sẽ. Mọi người ở đây chăm chỉ làm việc, trẻ em được đưa đến trường và mọi người ăn mặc chỉn chu. Và từ khi bắt đầu hành trình đến nay, Dư Thu Vũ chưa từng trải qua một cuộc sống đời thường như vậy.
“Kathmandu là một thành phố ngăn nắp và trật tự, với những con phố chợ hiện đại không kém các thành phố du lịch nổi tiếng khác trên thế giới.”
Ngoài việc tham quan những điểm du lịch thông thường, Dư Thu Vũ đã đến Lumbini - nơi Đức Phật ra đời.
Trước khi chào đón thế kỷ XXI, tác giả dành vài ngày nghỉ tại một khách sạn ở chân núi Hy Mã Lạp Sơn để tổng hợp những trải nghiệm sau hành trình dài.
Cảm nhận sau khi đọc, tác giả nghe thấy tiếng vang của nền văn minh lụi tàn.
Chuyến đi của tác giả và đồng hành là sự kết hợp hoàn hảo giữa khảo sát và du lịch. Mỗi nỗi niềm trong lòng tác giả đều là hình ảnh của một Hy Lạp huy hoàng xưa kia.
Trước kim tự tháp, con người đương thời không chỉ biết về sự suy tàn của đất nước mà còn thắc mắc về cách nó xuất hiện. Triết gia Hy Lạp bỗng trở thành đứa trẻ khi đối diện với các Pharaoh của Ai Cập cổ đại.
Trên mảnh đất Trung Đông, tình cảm của tác giả dành cho Do Thái được thể hiện rõ. Sự hoà nhập giữa ngôn ngữ địa phương Hà Nam (Trung Quốc) và tiếng Hebrew cũng như khẩu âm Thượng Hải là điều đáng chú ý.
Những ai sinh ra ở quốc gia không phải trải qua chiến tranh, lớn lên ở thành phố an ninh, sẽ khó lòng hiểu được cảm giác của những người sống ở Trung Đông. Lũ trẻ phải đối mặt không chỉ với thiên tai mà còn là những biến động chính trị mà họ không thể hiểu. Niềm thương cảm dành cho Trung Đông hiện đang rất lớn trong lòng người ngoại quốc.
Đất nước Nam Á không khá hơn chút nào, thật khó để tưởng tượng Pakistan trước đây từng là nơi của đạo Phật hiền hòa. Pháp Hiển và Huyền Trang, hai nhân vật lịch sử nổi tiếng từng dừng chân ở đây trong hành trình truyền bá của họ. Đau lòng thay, đất nước này đã từng ngợi khen những lời kinh từ bi. Xót xa hơn nữa, vùng đất giao thoa văn hoá giữa Ấn Độ và Hy Lạp giờ đây cư dân sống dưới mức nghèo khổ.
Ấn Độ vô cùng rộng lớn, với những ngày tác giả dành ở đây ngắn ngủi. Đất nước này phân hoá giàu nghèo rõ rệt, hiện đại và lạc hậu. Hình ảnh Ấn Độ tương đồng với những gì mà Nguyễn Tường Bách đã ghi lại trong cuốn Mùi hương trầm - người Ấn như mang trong mình nỗi đau của một quý tộc khánh kiệt.
Varanasi hiện ra với hai mặt trái ngược khi đối diện với người ngoại quốc. Một mặt huyền bí với yếu tố tôn giáo tâm linh, một mặt gây ám ảnh với những người khác. Tác giả không chọn lựa mà chỉ mô tả, dựa trên quan sát lịch sử chứ không phải làm khách du lịch. Ông tập trung vào cảnh đẹp, con người và thói quen sinh hoạt của họ, không nhiều bình luận ngoại trừ việc tìm hiểu các di tích Phật giáo và trụ đá của vua Asoka.
Các nền văn minh cổ điển mà tác giả đã đi qua đều đã suy tàn, không một ngoại lệ. Đọc xong, người ta nhận ra những khu vực phát triển trên thế giới ngày nay còn quá non trẻ. Trên những nền văn minh đó, tất cả đều nghĩ rằng họ kiểm soát số phận của hành tinh. Nhưng nếu biết rằng thế giới sau này chỉ có thể nhìn lại những vùng đất đã từng vẻ vang, họ sẽ đối mặt thế nào? Một nỗi lo bắt đầu trỗi dậy, liệu thế giới tương lai có trở nên vô âm tín như Atlantis và còn gì để chứng minh chúng ta từng tồn tại nữa.
Văn minh hiện đại khiến mọi thứ trở nên tiện lợi, nhưng sự tiện lợi lại mâu thuẫn với khái niệm vĩ đại. Dư Thư Vũ nhận ra rằng, di sản cổ xưa luôn hấp dẫn hơn những thứ mới mẻ. Nếu những di tích này bị phá hủy vì chiến tranh, con người sẽ học được gì để thoát khỏi nông cạn? Thương cảm không thể thay đổi quy luật bất biến của thời gian. Ngay cả Đức Phật cũng đã nói rằng một ngày nào đó, giáo pháp của Ngài sẽ tan biến như vạn vật trên đời. Sinh mệnh đến và đi, sự sống đầy động đại càng lão hoá sâu sắc hơn.
Tác giả, là người con của nền văn minh Trung Hoa vẫn tồn tại, đôi khi nhìn nhận giống như một người đứng từ trên cao, nhìn xuống những đồng bào của mình bị quá khứ hấp dẫn. Chuyến đi chỉ tập trung vào vài điểm đến đặc trưng, không thể áp dụng cho toàn bộ xã hội của một quốc gia. Doanh nhân Hàn Quốc Chung Ju Yung từng nói: “Tiềm năng của con người là vô hạn, và điều đó hứa hẹn khả năng vô hạn với bất cứ ai.” Không nên mặc nhiên rằng sau sự phồn thịnh là sụp đổ, nhưng chắc chắn, hậu duệ của những dân tộc đã từng vĩ đại không thể phục hồi sự vĩ đại một lần nữa.
Tiếng thở dài của Dư Thu Vũ sau khi theo dấu vết của quá khứ, dù có phần buồn bã và đầy nước mắt, vẫn là một nguồn tài liệu quý giá. Hành trình là một bài học vĩ đại.