Đại dương, một vùng biển bao la với vẻ đẹp tự nhiên đặc trưng, ai cũng muốn ngồi trên thuyền để thư giãn và tận hưởng không gian biển rộng lớn. Tuy nhiên, khi biển cả nổi giận, khi bão táp kéo đến, sóng biển cao ngất, các sinh vật biển lớn lên từ đáy sâu, thì biển cả mới thể hiện sức mạnh thực sự.
Biển cả có thể đẹp đẽ, tinh khôi, nhưng cũng có thể dữ tợn và đầy nguy hiểm. Ngư dân, những người dành cả cuộc đời trên biển, đối mặt với nguy hiểm mỗi ngày, và việc bắt cá trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ.
Ernest Miller Hemingway, một tiểu thuyết gia, nhà văn và nhà báo nổi tiếng của Mỹ, từng tham gia Thế Chiến I. Ông nổi tiếng với phong cách viết ngắn gọn và sức mạnh của từ ngữ.
Về Tác Giả
Ernest Miller Hemingway là một nhà văn nổi tiếng người Mỹ, ông được biết đến với phong cách viết ngắn gọn, mạnh mẽ. Ông cũng là một quân nhân trong Thế Chiến I, và đã có những trải nghiệm đầu tiên với việc viết báo và tác giả cho một trường trung học.
Với tài năng và đam mê viết lách, tác giả đã để lại một gia tài văn học đồ sộ với hơn ba mươi tác phẩm bao gồm tiểu thuyết, kịch và truyện ngắn. Dù chỉ có ba giải thưởng trong sự nghiệp, nhưng hai trong số đó là giải Pulitzer cho tác phẩm “Ông già và biển cả” và giải Nobel Văn học. Những tác phẩm của ông không chỉ là di sản của nước Mỹ mà còn có ảnh hưởng trên toàn thế giới. Một tiểu hành tinh được đặt theo tên ông bởi một nhà thiên văn học Nga và nước Mỹ đã từng in con tem để vinh danh ông. Việc ông và nhiều thành viên trong gia đình tự sát là một mất mát lớn và đáng tiếc cho thế giới.
Giới thiệu tác phẩm
“Ông già và biển cả” được viết vào năm 1951 và xuất bản một năm sau đó, là truyện ngắn cuối cùng được Ernest hoàn thành trọn vẹn. Sau khi ra mắt, tác phẩm này trở nên nổi tiếng và là một trong những thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp của ông, không chỉ giúp ông đoạt giải Pulitzer mà còn đưa ông đến giải Nobel Văn học.
Câu chuyện kể về một ông lão ngư dân chiến đấu đơn độc trong ba ngày đêm với con cá kiếm khổng lồ giữa biển cả, cùng cuộc chiến chống lại cái đói, cái khát và những cơn đau. Khi tưởng như đã về đến đất liền một cách dễ dàng, ông lại phải đối mặt với bầy cá lớn khác để bảo vệ chiến lợi phẩm. Ông đã dùng hết mọi thứ có thể, từ mũi lao, cây chày đến bánh lái thuyền để chiến đấu. Dù cố gắng, sức người vẫn không thắng nổi thiên nhiên. Khi về đến đất liền, ông mệt mỏi nằm trên giường bọc giấy báo, tiếp tục những giấc mơ thường thấy. Con cá kiếm dài sáu mét giờ chỉ còn bộ xương trên bãi cát, người xung quanh ban đầu ngạc nhiên nhưng rồi coi nó như đồ bỏ đi.
Dù có cốt truyện đơn giản, điều làm nên thành công của truyện ngắn này là sự chân thực trong câu văn, như thể tác giả đã trải nghiệm trực tiếp. Những ý nghĩa lớn lao về lòng dũng cảm, sự chênh lệch giữa con người và thiên nhiên, cùng nghị lực vượt qua mọi khó khăn để chinh phục ước mơ đã đưa tác phẩm này đến với độc giả toàn cầu. Để sánh ngang với thiên nhiên vĩ đại, con người phải trải qua những hành trình gian khổ.
“Không có cuốn sách nào được viết mà không mang những biểu tượng và ý nghĩa sâu sắc. Tôi đã cố gắng tạo ra một ông già thật, một cậu bé thật, một biển thật, một con cá thật và cá mập thật. Nếu tôi làm cho họ đủ sống động và đúng, họ sẽ mang nhiều ý nghĩa” - Hemingway nói về tác phẩm của mình.
Hành trình chinh phục thiên nhiên
“Khi hai người đến lều ông lão, thằng bé mang theo xô đựng cuộn dây, cái lao và cây sào móc; trong khi ông lão vác cột buồm với lá buồm đã cuộn lại”.
Ông lão đánh cá một mình ra khơi với những vật dụng, vũ khí đơn giản cùng chiếc thuyền cũ kỹ, trông nhỏ bé trước đại dương mênh mông. Nhưng với kinh nghiệm lâu năm, ông biết cách tận dụng tối đa chúng để đối phó với mọi nguy hiểm. Những thao tác từ nhỏ nhặt như buộc mồi đến chiến đấu với sinh vật biển khổng lồ đều được tác giả miêu tả chi tiết, tái hiện hình ảnh người ngư dân thực thụ. Đây là minh chứng cho đam mê hoạt động ngoài trời của tác giả và nỗ lực tái hiện chúng.
“Trước khi trời sáng rõ, ông lão buông mồi và thả thuyền trôi theo dòng chảy. Một con mồi ở độ sâu bốn mươi sải, mồi thứ hai ở bảy mươi lăm sải, và mồi thứ ba, thứ tư chìm sâu đến một trăm và một trăm hai mươi lăm sải. Mỗi con mồi được móc ngược đầu xuống, lưỡi câu giấu trong thân cá mồi, buộc chặt và khâu kỹ. Những phần lưỡi câu thò ra được che bằng cá mòi tươi, móc xuyên qua hai mắt tạo thành nửa vòng hoa trên cuốn thép…”.
Những mối nguy trong tác phẩm không đến từ bão lớn hay sóng dữ mà từ các sinh vật biển khổng lồ. Con cá kiếm là sinh vật to lớn nhất mà ông lão từng gặp, kéo thuyền đi suốt ba ngày mà không ăn gì. Ông lão phải biết khi nào buông dây, khi nào giữ chặt, khi nào ăn uống để giữ sức. Cuối cùng, kiên trì và can đảm giúp ông chiến thắng con cá kiếm, nhưng tự nhiên luôn đưa ra nhiều thử thách mới.
Những giọt máu từ vết thương của con cá kiếm hòa vào nước, thu hút các loài cá khác đến tấn công. Từng con, từng đàn lao vào rỉa mồi, ông lão không ngơi tay dùng mọi thứ có thể làm vũ khí để đánh đuổi chúng. Cuối cùng, dù đuổi được hết, con cá kiếm chỉ còn lại bộ xương. Ông lão đầy vết thương nhưng đã đánh bại lũ cá hung dữ, trên một phương diện nào đó, ông đã chinh phục được một phần biển cả.
Hành trình vượt qua chính mình
Dù là ngư dân tài ba, ông lão ấy cũng đã đến tuổi xế chiều, những vấn đề của tuổi già là một chướng ngại lớn với ông, nhất là nỗi cô đơn ngày càng hành hạ. Vợ ông mất sớm, tấm ảnh của bà đã được cất đi để tránh gợi nhớ nỗi buồn. Ông có cậu bé Manolin, người học trò và người bạn thân thiết, thường mang bia và thức ăn cho ông. Nhưng khi đêm xuống, cậu phải về nhà, để ông lão một mình trong căn nhà cô đơn. Gần đây, bố mẹ cậu cũng ngăn cậu đi biển với ông vì suốt tám mươi ngày ông không bắt được con cá nào.
“Ông lão gầy gò, xương xẩu, gáy hằn nhiều nếp nhăn. Những vệt nám do ánh mặt trời nhiệt đới để lại trên da ông. Những vết sẹo sâu trên tay ông từ việc kéo cá lớn, nhưng tất cả đều đã cũ kỹ như những vết xói mòn trên sa mạc không cá”.
Trên biển, ông lão không thua kém bất kỳ chàng trai trẻ nào. Ông có thể đấu với những con cá lớn hơn mình gấp nhiều lần, biết cách xử lý dây thừng và dụng cụ, tìm tư thế để giảm thiểu thương tích. Ông từng vật tay suốt một ngày đêm với một người da đen khỏe mạnh, nên những cú đánh của ông vào lũ thủy quái không hề nhẹ nhàng. Trong cơn giận dữ và tuyệt vọng, ông đã một mình chống lại ba con cá lớn cùng lúc, không màng đến việc một mẫu nội tạng đã văng ra khỏi miệng. Ông lão đã dâng hiến mọi thứ, kể cả linh hồn, cho biển cả. Cái tên Santiago khiến ta liên tưởng đến chàng chăn cừu trong chuyến phiêu lưu kỳ thú ở sa mạc Ai Cập, cùng những khát khao vĩ đại và hành trình vượt qua giới hạn bản thân để tìm thấy phần thưởng xứng đáng.
Hành trình truyền lại cho thế hệ sau
Hai nhân vật chính, một ông lão ngoài bảy mươi và một cậu bé, cách nhau hai thế hệ nhưng cùng chung khát khao chinh phục biển cả. Họ thường nói về những trận bóng chày và đội tuyển yêu thích. Manolin là người duy nhất bầu bạn với ông lão ở những năm cuối đời, ông coi cậu như cháu ruột và muốn truyền lại mọi điều tốt đẹp nhất. Ông dạy cậu cách móc mồi, buộc dây, bảo vệ trước những nguy hiểm. Ông không coi cậu là một đứa trẻ mà là một người đàn ông thực thụ, thể hiện qua việc để cậu mời bia, hành động giữa những người đồng nghiệp thân thiết. Manolin cũng thích điều đó và chăm sóc ông lão chu đáo như một người bạn.
Trong những giấc mơ của ông lão, luôn hiện lên hình ảnh Châu Phi thời thơ ấu, với những bãi biển và cát trắng lóa, những ngọn đồi xám. Lão còn mơ về những chuyến đánh cá, nghe tiếng sóng vỗ, tiếng thủy thủ đoàn; ngửi thấy mùi gỗ, nhựa đường trên boong tàu, cảm nhận được cả Châu Phi và những con sư tử. Đó là những thứ lão không thể thấy lại ở đời thực. Lão không mơ về bão, người vợ quá cố hay Manolin, có lẽ vì lão muốn giữ chúng mãi. Sau trận chiến ngoài khơi, lão trở về mệt mỏi, nằm trên giường, quay mặt vào trong, rồi ngủ và mơ về những con sư tử. Không rõ đó có phải giấc mơ cuối cùng không, nhưng bên cạnh lão luôn có cậu bé, như để tiếp nối ước vọng chinh phục của lão.
Kết
Đây là lần đọc thứ hai của tôi trước khi viết bài này, và mỗi lần đọc đều mang lại trải nghiệm khác nhau, đặc biệt là về trận chiến đầu tiên giữa ông lão và con cá kiếm. Lần đầu đọc vào buổi tối sau một ngày mệt mỏi, tôi chỉ thấy thương tổn và tội nghiệp cho ông lão đơn độc trước thiên nhiên. Lần này, tôi đọc trọn vẹn cuốn sách vào buổi sáng, chú ý hơn đến các chi tiết. Ông lão Santiago không còn khắc khổ trong trận giằng co, mà như một chiến binh thực thụ, mạnh mẽ, lão luyện, phân tích và ứng biến khéo léo.
Nhưng dù ở lần đọc nào, những giấc mơ và chuyến trở về của ông lão sau lần ra khơi đều mang một ý nghĩa lớn lao với tôi: khát vọng và cống hiến, như thể linh hồn con người đã thuộc về biển cả.
Tóm tắt bởi: Long Trần - MyBook
Ảnh: Đình Thành, Long Trần