I. Giới thiệu tác giả Mark Minervini
Mark Minervini là tác giả của cuốn sách bán chạy Trade Like a Stock Market Wizard: Cách Đạt Hiệu Suất Siêu Việt Trên Thị Trường Chứng Khoán (Phong Cách Giao Dịch Của Một Phù Thuỷ Chứng Khoán).
Bắt đầu với số vốn ít ỏi, Mark đã biến tài khoản của mình thành hàng triệu đô la, với tỷ suất sinh lợi trung bình hàng năm lên đến 220% và chỉ thua lỗ duy nhất một quý.
Phương pháp giao dịch SEPA của Mark Minervini đã đem lại cho ông thành công lớn trong cuộc thi US Investing Champion năm 1997, với tỷ suất sinh lợi cực cao lên đến 155%/năm.
Mark huấn luyện các nhà đầu tư với phương pháp SEPA tại Minervini Private Access, một nền tảng trực tuyến cho phép thành viên trải nghiệm giao dịch thực tế cùng Mark. Ông cũng là người hướng dẫn tại chương trình Master Trader Program, nơi ông chia sẻ hệ thống giao dịch của mình trong các hội thảo cuối tuần.
Các nhà đầu tư có thể tìm hiểu thêm về Mark tại trang web www.minervini.com
II. Nội dung chính của cuốn sách
Cuốn sách Think & Trade Like a Champion giúp các nhà đầu tư nắm bắt hoạt động giao dịch bằng cách tuân theo những nguyên tắc giao dịch mang tính bền vững và sử dụng các kỹ thuật đã được chứng minh là hiệu quả nhất trong đầu tư. Cuốn sách giải đáp những thắc mắc phổ biến và dễ gây nhầm lẫn nhất của nhà đầu tư.
Chẳng hạn như lợi nhuận ngắn hạn có thể dẫn đến lợi nhuận lớn trong dài hạn, cách cắt lỗ trước khi đạt đến mức lỗ, thiết lập kích thước vị thế tối ưu, quyết định thời điểm mua và bán, cũng như phân tích kỹ thuật hậu giao dịch để cải thiện năng lực và xây dựng nền tảng vững chắc cho sự thành công.
III. Các phương pháp chính và cách áp dụng của tác giả
Không bao giờ chấp nhận rủi ro lớn hơn lợi nhuận dự kiến
Để định vị mức stop-loss phù hợp, nhà đầu tư cần biết về mức lợi nhuận trung bình trong quá khứ, không chỉ là lợi nhuận kỳ vọng cho mỗi giao dịch trong tương lai mà còn là mức lợi nhuận trung bình hợp lý theo thời gian.
Để xác định mức độ rủi ro phù hợp, nhà đầu tư cần nhận thức rằng lỗ luôn là phần của lợi nhuận, vì vậy họ không bao giờ nên chấp nhận rủi ro lớn hơn mức lợi nhuận có được.
Công thức tính như sau:
Tỷ lệ chiến thắng: 50%
Lợi nhuận trung bình: 10%
Lỗ trung bình: 5%
(50*10)/( 50*5) = 2:1
Theo cách tính này, tác giả muốn nhấn mạnh rằng lỗ không bao giờ được vượt quá số lợi nhuận dự kiến. Ví dụ: Nếu nhà đầu tư kỳ vọng lãi 10% từ cổ phiếu A, thì mức độ lỗ không được vượt quá 10% kỳ vọng, và tỷ lệ lỗ cho phép là 5%. Nếu lỗ đạt 5%, người đầu tư cần cắt lỗ ngay lập tức.
Chấp nhận “Thất bại“ nhiều hơn: “Tôi cố gắng giữ mức lỗ thấp hơn so với mức lợi nhuận để có thể chấp nhận tỷ lệ thất bại cao hơn nhưng vẫn có thể kiếm được tiền”. Kết quả thực tế sẽ phản ánh không chỉ chiến lược giao dịch của nhà đầu tư mà còn điểm yếu và tâm lý, cảm xúc của người giao dịch. Đây là những yếu tố thường làm mờ đi những kế hoạch giao dịch tốt nhất.
Sử dụng lệnh dừng theo nhóm để quản lý tỷ lệ lỗ của cổ phiếu mà nhà đầu tư đang nắm giữ, không cần phải đóng toàn bộ vị thế ở một mức giá duy nhất. Nhà đầu tư có thể chia lệnh dừng lỗ thành nhóm hoặc theo từng phần, điều này có thể giúp giảm thiểu tỷ lệ lỗ theo mong muốn của nhà đầu tư.
Nếu mức lỗ chấp nhận được của nhà đầu tư là 5%, khi đạt mức này, lệnh dừng lỗ sẽ được kích hoạt và đóng toàn bộ vị thế của cổ phiếu. Nếu muốn an toàn hơn, có thể thiết lập mức dừng lỗ ở 3%, 5%, hoặc 7%. Tổng tỷ lệ lỗ vẫn là 5%, nhưng sẽ cho phép nhà đầu tư giữ lại 2/3 vị thế khi cổ phiếu chưa giảm đến mức 5%.
Đặt lệnh dừng theo nhóm:
1/3 = 3%
1/3 tương đương với 5%
1/3 tương đương với 7%
Tổng số lỗ: 5%
Khi nào nên thực hiện lệnh dừng lỗ: “Khi cổ phiếu đem lại lợi nhuận nhiều lần so với lệnh dừng lỗ ban đầu và vượt quá lợi nhuận trung bình, tôi sẽ không bao giờ chấp nhận giao dịch này trở thành lỗ”.. Bạn có thể cảm thấy hối tiếc khi đưa một giao dịch từng có lợi nhuận về bằng không, nhưng bạn sẽ cảm thấy tồi tệ hơn nếu một khoản lợi nhuận tương đối lớn biến thành một khoản lỗ.
Cách mở rộng vị thế mà không tăng nguy cơ: Mark áp dụng kỹ thuật quản lý giao dịch được gọi là “Tăng và Giảm”.
Cổ phiếu HPG (Nguồn Fireant)
Luôn luôn chơi theo nguyên tắc bóng phần trăm: “Các cầu thủ chuyên nghiệp tuân theo nguyên tắc này, và đó là lý do tại sao họ có phong độ ổn định hơn trong dài hạn so với những cầu thủ nghiệp dư. Đây là sự khác biệt chính giữa một nhà giao dịch nghiệp dư và một nhà giao dịch chuyên nghiệp về khả năng duy trì phong độ”.
Mark khuyên nên đặt cược nhỏ khi gặp khó khăn trong giao dịch. Kinh nghiệm cho thấy nhóm thường giảm tỷ trọng đầu tư khi tỷ lệ thắng giảm xuống dưới 50%.
Lãi kép số tiền, đừng lãi kép sai lầm
Một sai lầm chết người mà nhà đầu tư mới thường mắc phải, kể cả Mark, là khi cổ phiếu giảm giá thì thay vì cắt lỗ, họ lại mua thêm để trung bình giá xuống. Đây là sai lầm đốt cháy tài khoản của nhiều nhà đầu tư vì họ lãi kép sai lầm thay vì lãi kép số tiền.
“Quy tắc 50/80”: Khi cổ phiếu dẫn dắt thị trường đạt đỉnh lớn, có 50% khả năng nó sẽ giảm giá 80% và 80% khả năng nó sẽ tụt giảm 50%.
Cổ phiếu BID (Nguồn Fireant)
Những ai tăng gấp đôi vị thế khi cổ phiếu đang sụt giảm giống như người chơi poker đặt cược tất cả vào đôi hai. Người chơi chuyên nghiệp luôn tính toán xác suất, họ nhất quán và tránh sai lầm, thường không đặt cược vào những cơ hội có xác suất thắng thấp.
“Bẫy giá rẻ”: Khi nhà đầu tư mua cổ phiếu vì thấy giá rẻ, đó không phải là món hời mà là một cái bẫy nếu họ mua chỉ vì cho rằng nó rẻ.
Cổ phiếu FLC (Nguồn Fireant)
Khi nhà đầu tư mua cổ phiếu vì nghĩ nó rẻ, rất khó bán đi nếu giá cổ phiếu giảm hơn nữa vì họ sẽ nghĩ rằng nó còn rẻ hơn. Giá càng giảm, càng hấp dẫn đối với những người tin rằng “nó đang rẻ”.
Đừng bao giờ để khoản lãi lớn trở thành khoản lỗ
- Trước hết, hãy bảo vệ bản thân khỏi khoản lỗ lớn bằng lệnh dừng lỗ
- Bảo vệ nguồn vốn đầu tư khi giá cổ phiếu tăng
- Bảo vệ lợi nhuận khi có được khoản lãi lớn
“Để đạt lợi nhuận bền vững, nhà đầu tư phải bảo vệ lãi và nguồn vốn. Tôi không thấy sự khác biệt giữa hai việc này. Khi có lãi, tiền thuộc về tôi. Lợi nhuận hôm qua sẽ trở thành vốn hôm nay”.
Khi nào nên bán và chốt lợi nhuận
Nhà đầu tư cần có góc nhìn toàn cảnh, bắt đầu từ bức tranh lớn. Từ góc nhìn không ảnh, họ phải hiểu rõ bối cảnh của hành động giá hiện tại. Thiếu góc nhìn toàn cảnh, nhà đầu tư sẽ bị chi phối bởi nỗi sợ hãi và cảm xúc cá nhân.
Điểm nền giá: Nếu cổ phiếu mới chỉ ở giai đoạn đầu của xu hướng tăng, nhà đầu tư có thể cho thêm thời gian để cổ phiếu tăng mạnh hơn. Cổ phiếu ở cuối giai đoạn tăng cần cách xử lý khác so với cổ phiếu ở đầu giai đoạn.
Nhà đầu tư sẽ không nhận ra sự khác biệt này hoặc không biết cổ phiếu đang ở chu kỳ nào, trừ khi họ nghiên cứu đồ thị và biết cần quan sát điều gì.
Sự mở rộng của chỉ số P/E: P/E của cổ phiếu có thể giúp nhà đầu tư xác định cổ phiếu đang ở chu kỳ nào, đặc biệt có thể cho biết đợt tăng giá này có phải là cuối cùng và đà tăng trưởng sắp kết thúc hay chưa.
Thay vì sợ hãi vì chỉ số P/E cao, Mark xem đây là đặc điểm của công ty tăng trưởng nhanh. Một cổ phiếu có P/E thấp bất thường là tín hiệu cho thấy công ty đang gặp vấn đề nghiêm trọng mà nhà đầu tư không nhận biết được.
Bán cổ phiếu khi giá đang tăng mạnh và các chi tiết cần theo dõi. Theo dõi khi có 70% số ngày tăng giá hoặc số ngày tăng nhiều hơn số ngày giảm trong khoảng 7-15 ngày (ví dụ, có 7 ngày tăng giá trong 10 ngày giao dịch).
Cổ phiếu HPG (Nguồn Fireant)
Đây là hướng dẫn tổng quát, khi cổ phiếu tăng giá liên tục, hãy tìm 6 ngày tăng giá nhanh trong 10 ngày giao dịch, tức chỉ có 2-3 ngày giảm giá. Lúc này, cổ phiếu chắc chắn đã cao hơn đáng kể so với nền giá.
Tóm lại, hãy chú ý các tín hiệu cảnh báo sau:
- Đỉnh cao mới được thiết lập sau nền giá thứ 4 hoặc thứ 5.
- P/E tăng gấp đôi hoặc nhiều hơn ở nền giá cuối cùng.
- Giá tăng nhanh theo hiện tượng ‘thổi bùng lên’ (tăng 25%, 50% hoặc nhiều hơn chỉ trong 1-3 tuần) để đạt đỉnh cao trào.
- Đối với các cổ phiếu tăng giá kéo dài, có 70% số ngày tăng giá hoặc số ngày tăng nhiều hơn số ngày giảm trong 7-15 ngày giao dịch.
- Cổ phiếu tăng giá kéo dài sẽ có 6-10 ngày tăng giá nhanh trong khi chỉ có 2 hoặc 3 ngày giảm giá.
Cổ phiếu L14 (Nguồn Fireant)
Ngoài ra: theo dõi ngày có mức tăng giá mạnh nhất trong giai đoạn tăng giá nhanh từ khi bắt đầu xu hướng tăng, chênh lệch giữa đỉnh và đáy trong ngày cao nhất, và các khoảng trống kiệt sức.
Biết khi nào nên bán và lý do để bán
Khi mới tham gia giao dịch chứng khoán, các nhà đầu tư thường chú trọng vào việc chọn mua cổ phiếu, mà ít quan tâm đến việc bán ở đâu, khi nào và tại sao nên bán.
Cổ phiếu HPG (Nguồn Fireant)
Giống như việc thiết lập mua, hành động bán cũng cần tuân theo một số nguyên tắc. Chúng ta nên bán khi cổ phiếu đang tăng mạnh hoặc khi cổ phiếu suy yếu. Để đạt được thành tích giao dịch xuất sắc, nhà giao dịch cần dựa trên các nguyên tắc đúng đắn về tín hiệu bán, thay vì dựa vào cảm xúc như sợ hãi và hối tiếc.
Tổng kết
Sau khi đọc xong quyển sách “Cách Tư Duy Và Giao Dịch Như Một Nhà Vô Địch Trong Đầu Tư Chứng Khoán – Mark Minervini”, tôi xin chia sẻ một số suy nghĩ và cảm nhận cá nhân về quyển sách này.
Quyển sách này đúc kết từ những kinh nghiệm thực tế của Mark sau nhiều năm tham gia thị trường chứng khoán, cung cấp nhiều kiến thức chuyên môn cho nhà đầu tư mới như khi nào nên mua và bán, lý do tại sao cần bán một cổ phiếu...
Quyển sách hướng dẫn cách áp dụng và xử lý từng trường hợp xảy ra, các nguyên tắc giao dịch và cách kỷ luật bản thân nghiêm khắc trong quá trình giao dịch. Đây là quyển sách hay mà nhà đầu tư cần có trong tủ sách, nên nghiền ngẫm nhiều hơn để phát triển phong cách giao dịch của bản thân và kiếm lợi nhuận từ thị trường như Mark Minervini.
Xin cảm ơn các Quý nhà đầu tư đã dành thời gian để đọc bài viết và chia sẻ suy nghĩ của mình về quyển sách. Chúc các Quý nhà đầu tư luôn gặp may mắn và thành công trên con đường trở thành một nhà đầu tư chuyên nghiệp.