Nghe có vẻ buồn cười khi hầu hết chúng ta không nhận ra rằng đã đến lúc từ bỏ một mối quan hệ cho đến khi nó trở nên rõ ràng. Một số người trong chúng ta biết rằng chúng ta nên từ bỏ - nhưng vẫn cố níu giữ.
Ví dụ như tôi, dù đã nghĩ năm 2005 tôi phải chia tay với G, nhưng tôi vẫn quay lại với G vào năm 2006 và một lần nữa vào năm 2008, bởi vì mỗi lần tôi đều có cảm giác mối quan hệ của chúng tôi sẽ khác. Cho đến lần thứ ba khi không chịu đựng được nữa, tôi mới nhận ra rằng đã đến lúc từ bỏ mối quan hệ này mãi mãi.
Khi tôi nhớ lại quá khứ và nhìn quanh những người bạn đã hoặc đang ở trong hoàn cảnh tương tự, tôi nhận ra rằng có những lý do phổ biến khiến chúng ta không muốn tiếp tục một mối quan hệ:
- Người kia đang đưa ra những tín hiệu mơ hồ, dẫn đến hiểu nhầm. Đây là trường hợp của tôi và G. Hành động của họ có phần lãng mạn hơn là bạn bè. Hành động của họ vượt qua ngoài phạm vi của tình bạn. Điều này khiến tôi nghĩ rằng có điều gì đó hơn thế. Dựa trên những bình luận của bạn, có vẻ như nhiều người trong số bạn cũng đang rơi vào tình huống tương tự.
Bất kể lý do là gì thì trốn tránh không đưa chúng ta đến đâu cả. Tốt hơn là xác định mối quan hệ không tiến triển để chúng ta có thể giải quyết nó một cách đúng đắn, thay vì giữ lấy nó với hy vọng mù quáng rằng mọi thứ sẽ thay đổi. Nếu chúng ta cố giữ mối quan hệ không như ý muốn, chúng ta sẽ không bao giờ thu hút được những điều mới mẻ vào cuộc sống của mình. Chúng ta sẽ mãi sống trong quá khứ thay vì hướng tới tương lai.
Sau khi trải qua một mối quan hệ không tiến triển, tôi đã học được một số dấu hiệu cho thấy đã đến lúc từ bỏ. Dưới đây là top 12 dấu hiệu để biết khi nào nên từ bỏ một mối quan hệ - đặc biệt là những mối quan hệ lãng mạn. Chúng sẽ có liên quan cho dù đó là mối quan hệ lãng mạn mới chớm nở, một mối quan hệ mới / hiện tại hay mối quan hệ trong quá khứ.
Trong số 12 dấu hiệu này, bạn có thể tìm thấy 5 dấu hiệu trong hướng dẫn của tôi về thời điểm nào nên rời bỏ. Đó là bởi vì một mối quan hệ lãng mạn được xây dựng trên các cột mốc giống như một mối quan hệ bạn bè. Sự khác biệt giữa chúng là mức độ. Một mối quan hệ lãng mạn mãnh liệt hơn vì các bên thường gắn bó chặt chẽ hơn.
Top 12 dấu hiệu cho thấy đã đến lúc từ bỏ một mối quan hệ
#1. Khi bạn sống trong ký ức quá khứ hơn là hiện tại
Bạn có hay nghĩ đến những khoảnh khắc hạnh phúc trong mối quan hệ của mình để làm chính bạn cảm thấy tốt hơn về nó? Bạn có lấy chúng làm lý do để tiếp tục với người ấy không? Nếu vậy, đó là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ hiện tại của bạn không như bạn mong muốn. Càng sống trong ký ức quá khứ hay tương lai do chính mình tạo ra, chúng ta càng sống trong một thực tại do chính mình tạo ra. Điều này rất nguy hiểm vì nó không phản ánh tình trạng thực tế của mối quan hệ.
Bạn phải nhớ rằng mối quan hệ với người đó tồn tại trong hiện tại. Không phải trong quá khứ. Những ký ức quá khứ nên mãi là kỷ niệm chứ không phải là lý do để ở bên nhau. Quyết định của bạn về việc ở lại với người đó nên dựa trên cảm xúc hiện tại của bạn, trạng thái thực tế của mối quan hệ và tương lai mà bạn thấy với anh ấy/cô ấy.
#2. Khi mối quan hệ gây ra nhiều đau khổ hơn niềm vui
Đôi khi, chúng ta có thể bị mù quáng bởi những khoảnh khắc hạnh phúc trong quá khứ của mối quan hệ. Đến mức chúng ta quên hết những nỗi đau mà nó mang lại cho chúng ta. Nếu mối quan hệ thường xuyên khiến bạn thất vọng, khó chịu, không hạnh phúc hơn là thường xuyên mang lại niềm vui; nếu mối quan hệ thường xuyên khiến bạn khóc, có lẽ đây không phải là người phù hợp với bạn. Mối quan hệ mà bạn có nên mang lại cho bạn niềm hạnh phúc ngay bây giờ. Tương tự như dấu hiệu đầu tiên, nếu nguồn hạnh phúc chính của mối quan hệ của bạn đến từ ký ức quá khứ, có lẽ có điều gì đó không ổn.
#3. Khi anh ta/cô ta mong đợi bạn thay đổi
Hình thức tình yêu chân thực nhất là tình yêu không điều kiện. Bạn đời của bạn không nên mong bạn thay đổi, trừ khi điều đó tốt cho sức khỏe của bạn (như bỏ hút thuốc hoặc chuyển sang chế độ ăn uống lành mạnh hơn). Một số bạn của tôi có người bạn trai cũ muốn họ thay đổi, như phải trang điểm nhiều hơn để trông xinh đẹp hơn hoặc giảm cân khi bạn đó đã có cân nặng khỏe mạnh. Thậm chí còn có một người bạn trai đã đề nghị bạn của tôi cạo lông tay và chân vì anh ta cho rằng đó là điều bất thành văn đối với con gái!
Vấn đề không phải là về bạn. Vấn đề cũng không phải về bản thân sự thay đổi. Vấn đề là về việc mong đợi bạn phải thay đổi. Trong khi một số yêu cầu có vẻ bắt đầu bình thường/vô hại, chúng sẽ nhanh chóng tích lũy theo thời gian. Ngay cả khi bạn đồng ý với những yêu cầu đó, thêm nữa sẽ đến. Đó là bước đầu tiên của anh ấy/cô ấy cố gắng định hình bạn theo kỳ vọng của anh ấy/cô ấy, thay vì bạn trưởng thành theo con đường của riêng mình.
#4. Khi bạn tiếp tục mối quan hệ với hy vọng anh ấy hoặc cô ấy sẽ thay đổi
Những điều trên cũng áp dụng cho đối tác của bạn cũng như áp dụng cho bạn. Nếu bạn tiếp tục hoặc bắt đầu mối quan hệ mà mong đợi đối tác thay đổi, thì bạn đang ở trong tình trạng này vì lý do sai lầm. Bạn đang cố gắng thay đổi người đó để phù hợp với kỳ vọng của bạn, hơn là chấp nhận con người thật của họ.
Ngay cả khi người đó thay đổi, sớm thôi bạn sẽ có điều khác mà bạn muốn anh ấy/cô ấy thay đổi. Bạn sẽ không bao giờ hài lòng hoàn toàn với con người của anh ấy/cô ấy. Điều tồi tệ nhất là nếu người kia không có ý thức, anh ấy/cô ấy sẽ tiếp tục thay đổi chỉ để phù hợp với kỳ vọng của bạn. Cuối cùng, anh ấy/cô ấy chỉ trở thành bóng của bạn.
Điều này đã xảy ra giữa tôi và người bạn thân cũ của tôi, K. Dù chúng tôi không ở trong một mối quan hệ lãng mạn, nhưng một số vấn đề chúng tôi gặp phải trong tình bạn của mình có lẽ cũng tương tự như những gì mà người khác gặp phải trong mối quan hệ lãng mạn của họ. Qua tình bạn của chúng tôi, tôi bắt đầu coi anh ấy là một phần của tôi, hơn là một cá nhân riêng biệt. Lúc đó K không có cái tôi quá mạnh mẽ, nên thật không may anh ấy liên tục thay đổi để phù hợp với những gì tôi muốn. Cuối cùng, anh ấy trở thành bóng của tôi.
#5. Khi bạn tiếp tục tự biện minh cho hành động của anh ấy/cô ấy
Mỗi khi chúng ta trải qua một tình huống mà chúng ta không thoải mái, chúng ta trải qua sự mâu thuẫn nhận thức. Nó đề cập đến sự khó chịu khi đối diện với điều gì đó mâu thuẫn với niềm tin của chúng ta. Khi điều này xảy ra, chúng ta cố gắng đưa ra giải thích, biện hộ để chúng ta có thể cảm thấy tốt về nó.
Nếu chúng ta cảm thấy cần phải biện minh cho một hành động, điều đó có nghĩa là chúng ta không thoải mái với hành động đó và chúng ta muốn thoát khỏi sự khó chịu đó. Nguy hiểm đằng sau điều này là những lời giải thích được tạo ra bởi chính chúng ta và có thể đúng hoặc không đúng. Nếu bạn tiếp tục biện minh cho hành động của anh ấy/cô ấy, mối quan hệ được xây dựng trên những lý do của bạn, thay vì trên sự thực tế. Khả năng là bạn đang sống trong thế giới của những lời đảm bảo sai lầm thay vì sự thật.
Vào năm 2005 khi mối quan hệ giữa tôi và G đang trong tình trạng mập mờ, tôi đã nghĩ đến nhiều lý do khác nhau để biện minh tại sao không có gì xảy ra. Có lẽ anh ấy không biết phải làm gì. Có thể anh ấy nhút nhát. Có thể anh ta không chắc chắn về điều gì nên làm với mối quan hệ này. Có thể việc học tập là ưu tiên của anh ta. Có thể tôi nên bước đầu tiên.
Tuy nhiên, thực tế là anh ta đã không hành động. Mọi thứ khác chỉ là những thứ tôi tự tạo ra trong tâm trí để lấp đầy khoảng trống giữa thực tế này và mong mong đợi của tôi. Bằng cách tạo ra tất cả những biện minh này, tôi đã vô tình tạo ra một trò chơi ghép hình trong tâm trí mà tôi phải từ từ gỡ bỏ trong những năm sau đó.
Để nhìn thấy sự thật như nó là, nhìn vào hành động như chúng là và để chúng tự nói lên. Hành động cuối cùng càng nói lên nhiều hơn cả lời nói.
#6. Khi anh ấy/cô ấy gây ra cho bạn đau khổ cảm xúc/thể xác/lời nói
Lạm dụng thể xác và lời nói những việc không được chấp nhận. Nếu bên kia lạm dụng/đánh đập/chửi bới bạn, bất kể sau đó họ cố gắng bù đắp thì chắc chắn có điều gì đó không đúng. Dù có phải là hành động bất ngờ, sự thật là anh ta/cô ta đã để lộ điều gì đó sâu bên trong anh ta/cô ta cần phải giải quyết.
Tổn thương tình cảm phức tạp hơn. Rất nhiều người xem nhẹ tổn thương tình cảm vì không thấy được. Bỏ qua nó, thì nó không tồn tại. Nhưng tổn thương cảm xúc vẫn là tổn thương, nếu không muốn nói là nó tệ hơn. Những vết thương khó chữa là những vết thương cảm xúc, không phải là những thương tích vật lý.
Tôi đã bị G gây tổn thương khi anh ta ngang nhiên dẫn dắt tôi bằng lời nói và hành vi của mình, ngay cả sau khi tôi đã nói với anh ta không nên làm vậy. Điều này ảnh hưởng đến tôi trong nhiều năm sau khi tôi rời bỏ anh ta, phải mất rất nhiều thời gian để chữa lành. Dù anh ta có hay không nhận ra những lời nói của mình đã gây ra cho tôi như thế nào, nhưng sự thật là anh ta không đủ nhận thức về cảm xúc của tôi để nhận ra những đau đớn mà anh ta đang gây ra cho tôi.
Mục đích của ví dụ này không phải để truy tố bất kỳ ai, mà là để minh họa rằng bên kia nên là người tôn trọng bạn và đủ nhận thức về cảm xúc/sức khỏe của bạn để không làm tổn thương bạn. Nếu họ đã gây ra cho bạn đau khổ, bạn cần giúp họ nhận thức được điều đó và giải quyết nó cùng nhau. Giữ im lặng về nó giống như đưa một phiếu miễn phí để hành vi gây tổn thương tiếp tục diễn ra. Nếu điều tương tự xảy ra ngay cả sau khi bạn đã cố gắng giải quyết, bạn cần đánh giá lại mối quan hệ. Nếu anh ta/cô ta không thể quan tâm bạn đúng cách, anh ta/cô ta có thể không phải là người phù hợp với bạn.
Còn tiếp....
Tác giả: Celes
Link bài gốc: Top 12 Signs It’s Time To Move On From A Relationship
Dịch giả: Vũ Phương Diễm - ToMo - Learn Something New