Trong một công việc, vị trí mà bạn muốn không quan trọng, vì người thành công trong công việc của họ đều có những phẩm chất nổi bật.
Dù bạn đang ở giai đoạn nào của sự nghiệp hay ở cấp độ nào trong lĩnh vực bạn làm, để giành được công việc, bạn cần phải thể hiện những phẩm chất nổi bật.
Liz Ruan, người phụ trách chuyên mục của Forbes, viết rằng “nếu bạn đọc một mẩu quảng cáo việc làm, bạn sẽ nghĩ rằng nhà tuyển dụng rất khắt khe trong việc chọn người có kinh nghiệm cụ thể.” Nhưng “một khi bạn tham gia phỏng vấn, cục diện sẽ thay đổi. Nhà tuyển dụng sẽ tìm ứng viên với phẩm chất mà họ không yêu cầu trong quảng cáo việc làm.”
Vậy những phẩm chất nổi bật này là gì? Và làm thế nào để bạn thể hiện chúng qua ngôn ngữ và câu chuyện của bạn? Dưới đây là điều bạn cần biết:
1. Trung Thực
Đức tính đầu tiên và cũng là đức tính quan trọng nhất đối với một người tìm việc là trung thực. Chỉ cần bạn trung thực thì những đức tính khác không phải là vấn đề. Và trung thực đồng nghĩa với việc bạn tin vào bản thân và bộc lộ những đức tính thực sự có thể phục vụ tốt cho bạn trong vị trí mong muốn.
Chuyên viên tuyển dụng Amanda Luthra cho hay, “Tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn về cá nhân ứng viên, và trong quá trình này tôi thường gặp phải một bức tường, bức tường đó ngăn cản tôi trong việc nhìn thấu ứng viên thực sự là ai,” và “Điều này cũng đúng với những cuộc giao tiếp trực tuyến và phỏng vấn trực tiếp. Mọi người thường nghĩ nhiều hơn về việc bản thân họ là ai và né tránh những câu trả lời đã được chuẩn bị sẵn.”
2. Tích cực
Công ty Harqen là một công ty chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp trong các hoạt động như tuyển dụng, phân tích ứng viên thông qua các chỉ số tích cực từ +5 đến -5. Nếu bạn sử dụng các từ như “hoàn toàn”, “đáng kinh ngạc”, và “yêu thích” thì bạn sẽ nhận được điểm tích cực cao. Ngược lại, những từ như “tồi tệ” sẽ làm giảm điểm của bạn trên thang điểm tích cực.
Vì vậy, hãy nghiên cứu và cho người phỏng vấn biết điều gì khiến bạn yêu thích công ty mà bạn ứng tuyển, điều gì đã truyền cảm hứng cho bạn về văn hóa của công ty và điều gì khiến bạn hứng thú ứng tuyển cho công việc đó. Thậm chí việc hỏi nhà tuyển dụng hoặc trưởng phòng nhân sự về những gì mà người ấy thích cũng sẽ tạo ra những cảm giác tích cực. Thêm vào đó, hãy chắc chắn bạn có thể tỏa sáng trong vầng hào quang tích cực khi thực hiện các công việc ở công ty hiện tại và với công việc hiện tại. Bởi vì không ai muốn tuyển một người hay phàn nàn cả.
3. Tự tin
Tự tin chính là chìa khóa cho chất lượng đối với những ứng viên. Thông thường chúng ta sẽ nghĩ tự tin xuất phát từ “sự thông minh”, nhưng thực ra, đối với một ứng viên thì tự tin đến từ sự tập trung và sự chuẩn bị.
Nếu bạn tập trung vào việc tìm kiếm việc làm, bạn sẽ tìm thấy sự tự tin, bởi vì khi đó bạn nhận ra rằng có những vị trí mà bạn có thể đáp ứng và phù hợp được với nó. Do đó bạn chỉ nên nộp đơn ứng tuyển cho những vị trí mà bạn cảm thấy bản thân phù hợp. Trong trường hợp bạn không chắc chắn đó có phải là một công việc hợp với mình hay không, bạn sẽ phải đối mặt với sự bất định.
Sự tự tin cũng sẽ đến từ việc chuẩn bị kĩ càng trước những buổi phỏng vấn. Hãy nghiên cứu về vị trí công việc cũng như công ty rồi quyết định tại sao bạn là một ứng cử viên sáng giá cho công việc đó. Và đây là một bí quyết cho bạn - hãy viết xuống những luận điểm của bạn, trau chuốt nó, luyện nói trước và đào sâu chúng. Bằng cách này bạn sẽ không bị ấp úng trong lúc phỏng vấn và bạn sẽ biết chính xác câu chuyện mà bạn muốn truyền tải.
4. Đam mê
Những ứng viên thành công thường thể hiện đam mê của mình. Chúng ta thường mê đắm những người truyền năng lượng cho chúng ta - nói cách khác là những người lạc quan và nhiệt tình. Để bộc lộ sự nhiệt tình của bạn, bạn hãy nói về đam mê tạo dựng sự nghiệp của bản thân, đam mê trong việc cống hiến cho thế giới, trong việc nâng cao công việc bạn đang ứng tuyển cũng như các cơ hội mà nó tạo ra. Hãy cho họ thấy sự nhiệt tình của bạn đối với công ty mà bạn đang tham gia phỏng vấn.
Khi giao tiếp bằng văn bản, hãy sử dụng những từ ngữ chứa đựng niềm đam mê và sự quan tâm sâu sắc tới công việc. Hãy sử dụng những cách diễn đạt như “Tôi thích đóng góp”, “Tôi luôn có niềm đam mê đối với….”,”Nhóm phỏng vấn tôi sẽ rất vui nếu được làm việc với”, “Tôi muốn tạo ra giá trị và thúc đẩy sự gắn kết”, và “Tôi nóng lòng cho những bước tiếp theo”.
Bên cạnh đó, ngôn ngữ hình thể cũng rất quan trọng trong việc bộc lộ niềm đam mê. Hãy bộc lộ những cảm xúc như cảm xúc ấm áp trên gương mặt, nở một nụ cười chân thành, nhìn với ánh mắt rõ ràng cùng cử chỉ hoạt bát, cởi mở. Điều chỉnh cơ thể bạn hướng tới người phỏng vấn. Đừng quay mặt đi hay ngồi sụp xuống ghế. Hãy giữ lưng thẳng và ngay ngắn.
5. Tầm ảnh hưởng
Việc bày ra những thành tựu của bản thân cũng là một điều quan trọng nếu bạn muốn gây được ấn tượng với những nhà tuyển dụng tiềm năng. Đừng chỉ chăm chăm nói về những nhiệm vụ mà bạn đã đảm nhiệm mà hãy diễn giải về những điều bạn đã làm để tác động đến những nhiệm vụ đó. Hãy giải thích cách bạn biến những tình huống đầy thách thức trở thành một thắng lợi lớn, giải thích cách bạn dẫn dắt nhóm trong việc đạt một thành tựu nào đó, và giải thích cách mà công ty mới có thể nhận ra rằng bạn là một nhà lãnh đạo hiệu quả mà họ đang tìm kiếm.
Khi bạn chuẩn bị cho những buổi phỏng vấn, hãy nghĩ ra hai đến ba câu chuyện có thể truyền tải được những sự ảnh hưởng của bạn tới công việc. Thực hành kể lại chúng một cách trôi chảy và thuyết phục. Và tăng tính thuyết phục của câu chuyện thông qua những con số khả quan - những kết quả có thể định lượng được, thể hiện được tầm ảnh hưởng của bạn - bao gồm số liệu bán hàng, quy mô nhóm và kết quả tài chính.
Đừng rụt rè trong việc khoe ra những thành tựu của bạn; bạn chỉ cần cẩn thận nhấn mạnh rằng những thành tựu đạt được là nhờ sự nỗ lực của cả nhóm. Tránh sử dụng quá nhiều những từ như “tôi là”, “của tôi” và “thuộc về tôi”.
6. Lòng biết ơn
Phẩm chất cuối cùng mà một ứng viên cần phải có là lòng biết ơn. Tôi đã giúp đỡ rất nhiều ứng viên đạt được công việc mơ ước của họ và tôi sẽ nỗ lực hết mình để đền đáp những người đã cảm ơn tôi. Tuy nhiên, không phải ai cũng là như vậy.
Do đó, nếu có ai đó đã giúp bạn trong quá trình tìm việc, hãy viết cho họ một lời cảm ơn. Một lời nhắn viết tay là tốt nhất, nhưng một email thể hiện sự ấm áp và đánh giá cao của bạn đối với họ cũng là một điều tốt. Hãy viết cho những người bạn đã xây dựng mối quan hệ cùng, những người bạn phỏng vấn cùng hoặc bất kỳ ai đã hướng dẫn bạn. Thậm chí, những công ty từ chối bạn cũng xứng đáng nhận được một phản hồi. Có thể sau đó, họ sẽ suy nghĩ lại quyết định của mình hoặc tiếp cận bạn vào lần sau.
Tác giả: Judith Humphrey
Link bài gốc:6 phẩm chất sẽ giúp bạn được thuê bất kể công việc nàoDịch giả: Trịnh Vân Anh