Hãy khám phá cùng chúng tôi di sản ánh sáng đặc biệt của Hồng Kông - Biển Hiệu Đèn Neon.
Hồng Kông thường được gọi là “thành phố không ngủ” bởi buổi đêm ở đây thường được chiếu sáng bởi ánh đèn neon, tạo ra những bức tranh tuyệt đẹp với muôn vàn màu sắc: đỏ, tím, xanh dương, cam, ... Khi đi dạo vào buổi tối, bạn thường nghe tiếng 'Bzzt, bzzt, bzzt…' phát ra từ các biển hiệu đèn suốt đêm. Trong những năm 70, đèn neon luôn sáng rực trên đất Hồng Kông, nhưng trong hai thập kỷ qua, ánh sáng lộng lẫy ấy đã mờ dần, và dần chỉ còn lại bóng tối bao phủ lên những góc phố u ám.
Chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện với hai chuyên gia làm việc trong lĩnh vực này. Jive Lau là một nghệ nhân tạo ra biển hiệu đèn neon tại Hồng Kông, các tác phẩm nghệ thuật của anh rất đa dạng về hình thức. Và Cardin Chan là quản lý của Tetra Neon Exchange, một tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu, bảo tồn và khôi phục biển hiệu đèn neon ở Hồng Kông. Nhờ những chia sẻ của họ mà chúng tôi hiểu thêm về một di sản lâu đời của thành phố này.
Lịch Sử
Năm 1920, Hồng Kông - lúc đó là thuộc địa của Anh - đã định nghĩa về biển hiệu đèn neon trong luật quảng cáo, là những ống thủy tinh có khí như Neon, Argon, Helium hoặc khí trơ khác. Ngày xưa, khi đi đường, mọi người không nhìn vào điện thoại mà lại thưởng ngoạn phố phường bên lề. Biển hiệu đèn neon chính là phương tiện quảng cáo cho cửa hàng, vì vậy biển hiệu càng lôi cuốn thì khách hàng càng dễ bị thu hút.
Thời kỳ hoàng kim của đèn neon kéo dài từ những năm 50 đến những năm 80, tạo ra một Hồng Kông lấp lánh, phồn thịnh, ghi dấu vào lịch sử phát triển của thế giới. Tòa nhà cao tầng của tập đoàn Quốc Gia Panasonic nằm trên đường Nathan trước đây từng sở hữu một biển đèn neon có chiều dài tương đương với nhiều tầng, và đây cũng là một trong những biển đèn neon lớn nhất thế giới vào những năm 70. Những vệt sáng đa dạng và rực rỡ ở khắp mọi nơi đại diện cho thời kỳ hoàng kim sáng lạn của bảng đèn neon, cũng như cho sự phồn thịnh của thành phố. Tuy nhiên, tình hình bắt đầu thay đổi khi bước qua những năm 90: đèn LED trở nên phổ biến hơn vì tiết kiệm năng lượng. Các chủ cửa hàng bắt đầu sử dụng nó thay thế cho đèn neon để giảm chi phí, và hoạt động kinh doanh đèn neon dần bị suy giảm.
Để đảm bảo an toàn công cộng, Chương trình Xác nhận Biển Hiệu Bất Hợp Pháp của Hồng Kông đã có hiệu lực từ năm 2013, trong đó yêu cầu loại bỏ tất cả các biển hiệu bất hợp pháp. Theo thống kê năm 2013, ước tính có khoảng 120.000 biển đèn neon ở Hồng Kông. Từ năm 2018 đến năm 2020, hơn 2.000 biển hiệu đã bị tháo dỡ và biến mất khỏi phố cổ Hồng Kông, riêng khu Tsim Sha Tsui đã có hơn 760 biển hiệu. Không chỉ dừng lại ở đó, Hệ Thống Kiểm Soát Công Trình Thứ Yếu còn ngăn chặn các cửa hàng lắp đặt biển đèn neon mới bằng cách tăng chi phí và thêm nhiều thủ tục hành chính phức tạp. Do đó, sự biến mất của các biển đèn neon khỏi phố cổ Hồng Kông diễn ra càng ngày càng nhanh chóng.
Trong bối cảnh đó, việc phát triển và cải thiện đô thị cũng đã và đang được thực hiện để loại bỏ các cửa hàng cũ kỹ, xuống cấp. Theo truyền thống, biển hiệu chính là linh hồn của một cửa hàng, và đôi khi nó còn là di sản quý giá được truyền lại qua nhiều thế hệ. Khi các cửa hàng cũ không thể thích nghi với sự thay đổi của thời đại, di sản của họ sẽ dần mất đi. Biển hiệu cửa hàng của họ cũng không phải ngoại lệ.
Nghề Thủ Công Tinh Xảo
Ánh sáng rực rỡ của đèn neon chiếu sáng cảnh quan đường phố ở Hồng Kông mang nhiều ý nghĩa, nhưng đối với những người làm biển hiệu, vẻ đẹp đó là biểu tượng cho nghề thủ công tinh xảo của họ.
Jive Lau học về quy trình sản xuất biển hiệu đèn neon ở Đài Loan, sau đó anh áp dụng kiến thức và kỹ năng của mình vào việc phát triển ở Hồng Kông, và cuối cùng thành lập studio “Kowloneon”. Theo anh, thủy tinh là một chất liệu khó xử lý, đặc biệt khi tất cả biển hiệu đều được làm thủ công. Vì thế, mỗi sản phẩm đều là một tác phẩm nghệ thuật, từng chi tiết cong và xoắn đều đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao và rất tỉ mỉ.
Để khởi đầu việc tạo ra một biển hiệu, Lau làm nóng thủy tinh và tạo hình nó thành các ký tự, chữ cái hoặc hình dạng nào đó. Quá trình này đòi hỏi sự chính xác cao, nên người thợ phải có kinh nghiệm lâu năm. Khi đạt được hình dạng mong muốn, thủy tinh sẽ được hút chân không, bơm đầy khí trơ và tích điện. Ánh sáng từ đèn neon được tạo ra bởi sự tương tác giữa các chất khí với điện năng trong ống thủy tinh.
“Luyện mãi mới thành tài, miệt mài mới tạo nên thành công,” Lau đã trở thành bậc thầy trong việc kết hợp nghệ thuật và khoa học. Anh giải thích: “Quá trình hút chân không trong ống thủy tinh đòi hỏi người thợ phải hiểu biết về vật lý và hóa học. Trong quá trình lắp đặt, chúng tôi cần phải nắm vững về điện và kỹ thuật cơ bản để xử lý các vật liệu khác nhau.”
Di Sản Văn Hóa
Giá trị của biển hiệu đèn neon không chỉ là sự minh chứng cho tay nghề điêu luyện của người thợ, mà còn nhiều hơn thế. Trước khi in ấn trở thành kỹ thuật phổ biến trong sản xuất biển hiệu, thiết kế chủ yếu được viết tay bằng chữ thư pháp. Các loại chữ phổ biến như chữ Khải theo lối Bắc Ngụy và Lệ thư là dấu tích sống động của văn hóa biển hiệu Hồng Kông xưa, hiếm khi gặp ở các quốc gia khác trên thế giới.
Là người sáng lập Tetra Neon Exchange, một tổ chức phi chính phủ chuyên lưu giữ và nghiên cứu về biển hiệu đèn neon, Cardin Chan lưu ý rằng biển hiệu đèn neon của một tiệm cầm đồ thường có hình ảnh như một con dơi đang ôm một đồng xu. Đây là một thiết kế đặc trưng của Hồng Kông và có thể đã tồn tại từ nhiều thập kỷ hoặc thậm chí nhiều thế kỷ trước. Chan nói: “Dựa trên nghiên cứu của chúng tôi, các biển hiệu cầm đồ theo phong cách này vẫn phổ biến ở Hồng Kông.” Cô thêm: “Các kiểu biển hiệu tiệm cầm đồ ở Đài Loan thường theo phong cách Nhật Bản hơn.”
Trong mắt các nhà làm phim, đặc biệt là trong những năm 80 và 90, các con đường dưới ánh sáng đèn neon trở thành biểu tượng hoàn hảo cho Hồng Kông hiện đại. Christopher Doyle, một trong số những nhà làm phim nổi tiếng, thường sử dụng các biển hiệu đèn neon trong các tác phẩm điện ảnh của mình. Trong phim “Chungking Express,” các nhân vật thường xuất hiện dưới ánh sáng đèn neon, tượng trưng cho sự đô thị hóa, hiện đại hóa không ngừng. Trong phim “Fallen Angels,” các cảnh quay đêm thường đi kèm với ánh sáng đèn neon, tạo ra một bầu không khí huyền bí và cuốn hút.
Cuối cùng, lý do mà đèn neon trở nên phổ biến như vậy chính là vì nó là biểu tượng của thời kỳ phồn thịnh của Hồng Kông. Ánh sáng rực rỡ và huyền bí của đèn neon lan tỏa khắp mọi nơi - từ nhà hàng, quán bar, tiệm masage đến các quán bar,... Sự phong phú và dịu dàng của ánh sáng này, với việc nhấp nháy nhẹ nhàng hoặc theo nhịp điệu, làm cho người ta không thể quên những ký ức về Hồng Kông với những tấm biển hiệu neon sáng lấp lánh suốt đêm.
Bảo tồn
Thời gian dường như đã xoá sạch dấu vết của các biển hiệu neon cũng như của những người thợ làm chúng. Tetra Neon Exchange đã làm việc với nhiều thợ thủ công địa phương. Tuy nhiên, theo ước tính của họ, chỉ còn 8 thợ uốn thủy tinh và 2 thợ làm khung biển hiệu kim loại ở Hồng Kông, vì nhiều thợ kỳ cựu đã nghỉ hưu hoặc đã qua đời. Ngay cả khi có những người trẻ muốn học nghề này, có nhiều vấn đề mà các thợ thủ công cần cân nhắc, như lý do họ muốn học, kỹ năng tự nhiên và sự sẵn sàng học hỏi.
Mặc cho những thách thức, nhận thức về việc bảo tồn các biển hiệu neon như một “mảnh ghép văn hóa” của Hồng Kông vẫn đang được nâng cao. Vào năm 2014, M+ đã tổ chức triển lãm và lưu trữ câu chuyện đằng sau mỗi tấm biển hiệu. Dù ánh sáng của thời hoàng kim đã trôi qua, trong lòng nhiều người dân Hồng Kông, những tấm biển hiệu neon vẫn là biểu tượng không thể quên.
Khi các biển hiệu được trưng bày trong các triển lãm công cộng, Cardin Chan cảm thấy quyết tâm hơn với cam kết khôi phục lại sự rực sáng của Hồng Kông từ các biển hiệu neon. Cô nói: “Chúng không chỉ là các tác phẩm nghệ thuật mà còn là hiện thân của lịch sử và tương lai.” Để duy trì nghề làm đèn neon thủ công, Jive Lau thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo để quảng bá nghệ thuật làm đèn neon. Anh nói: “Nghề thủ công làm đèn neon không chỉ là nghệ thuật mà còn là khoa học, và tôi yêu thích điều này. Thật sự là thú vị!”
Như Cảng Victoria vậy, bảng hiệu đèn neon cũng là một phần không thể tách rời và là biểu tượng của Hồng Kông, tỏa sáng với vẻ đẹp lộng lẫy và sống động. Thời kỳ của đèn neon có thể đã kết thúc, nhưng trong lịch sử và trong trái tim của mỗi người dân, ấn tượng về một Hồng Kông rực rỡ vẫn mãi vẹn nguyên.