Khám phá di sản ánh sáng qua các bảng hiệu đèn neon của Hồng Kông.
Hồng Kông, được mệnh danh là “thành phố không ngủ”, rực rỡ vào ban đêm nhờ những ánh đèn neon tạo nên những bức tranh khảm màu sắc: đỏ, tím, xanh, cam,... Đi dạo buổi tối, bạn sẽ nghe tiếng 'Bzzt, bzzt, bzzt…' từ các bảng hiệu đèn neon. Vào thập niên 70, đèn neon thắp sáng khắp Hồng Kông, nhưng hai thập kỷ gần đây, ánh sáng này đã mờ dần, nhường chỗ cho bóng tối trên các con phố.
Chúng tôi đã trò chuyện với hai khách mời liên quan đến di sản ánh sáng này. Jive Lau, nghệ nhân đèn neon tại Hồng Kông, sáng tạo nhiều tác phẩm nghệ thuật đa dạng. Cardin Chan, quản lý Tetra Neon Exchange, tổ chức phi lợi nhuận bảo tồn và phục hồi bảng hiệu đèn neon ở Hồng Kông. Nhờ họ, chúng tôi đã hiểu thêm về di sản lâu đời này của xứ Cảng Thơm.
Lịch sử
Năm 1920, khi Hồng Kông là thuộc địa của Anh, luật quảng cáo đã định nghĩa bảng hiệu đèn neon là ống thủy tinh chứa các khí như Neon, Argon, Helium hoặc khí trơ khác. Khi đó, mọi người không chúi mắt vào thiết bị di động mà ngắm nhìn đường phố. Bảng hiệu đèn neon là công cụ quảng cáo cho cửa tiệm, bảng hiệu càng nổi bật càng thu hút khách hàng.
Thời kỳ đỉnh cao của đèn neon kéo dài từ thập niên 50 đến 80, tạo nên một Hồng Kông lộng lẫy, in dấu vào lịch sử phát triển thế giới. Tòa cao ốc National Panasonic trên đường Nathan từng có bảng đèn neon dài qua nhiều tầng lầu, một trong những bảng lớn nhất thế giới thập niên 70. Những ánh sáng muôn màu lấp lánh khắp nơi biểu trưng cho thời hoàng kim của đèn neon và sự hưng thịnh của thành phố. Tuy nhiên, từ thập niên 90, đèn LED tiết kiệm năng lượng trở nên phổ biến, các chủ cửa hàng chuyển sang dùng LED để tiết kiệm chi phí, khiến đèn neon dần thoái trào.
Để bảo đảm an toàn công cộng, Chương trình Xác nhận Bảng hiệu trái phép của Hồng Kông có hiệu lực năm 2013, yêu cầu tháo dỡ tất cả bảng hiệu trái phép. Theo thống kê năm 2013, Hồng Kông có khoảng 120.000 bảng hiệu neon. Từ 2018 đến 2020, hơn 2.000 bảng bị tháo dỡ, riêng quận Du Tiêm Vượng có hơn 760 bảng. Hệ thống Kiểm soát Công trình thứ yếu ngăn các cửa hàng lắp đặt lại bảng neon mới bằng cách tăng chi phí và thủ tục hành chính phức tạp, khiến bảng neon biến mất nhanh hơn.
Trong bối cảnh đó, việc phát triển và chỉnh trang đô thị cũng đang loại bỏ các cửa hàng cũ kỹ. Theo truyền thống, tấm bảng hiệu là linh hồn của cửa tiệm và đôi khi là bảo vật gia truyền. Khi các cửa hàng cũ không thể thích nghi với thay đổi thời cuộc, di sản của họ sẽ dần mai một và mất đi, bao gồm cả bảng hiệu.
Tay nghề tinh xảo
Ánh sáng rực rỡ của đèn neon chiếu sáng đường phố Hồng Kông không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, mà còn thể hiện tay nghề tinh xảo của các nghệ nhân làm bảng hiệu.
Jive Lau học quy trình sản xuất đèn neon ở Đài Loan, mang kỹ thuật của mình phát triển tại Hồng Kông và thành lập studio “Kowloneon”. Theo anh, thủy tinh là chất liệu khó xử lý, đặc biệt khi các bảng hiệu đều làm thủ công. Mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao và tỉ mỉ trong từng chi tiết.
Để bắt đầu làm bảng hiệu, Lau sưởi nóng thủy tinh và tạo thành các ký tự, chữ cái hoặc hình dạng. Gia nhiệt chỉ được xử lý bởi các đầu đốt chuyên dụng, uốn thủy tinh đòi hỏi sự chính xác, thợ phải có kinh nghiệm từ nhiều năm rèn giũa tay nghề. Sau khi có hình dạng mong muốn, thủy tinh được hút chân không, bơm khí trơ và tích điện. Ánh sáng từ đèn neon tạo nên từ tương tác giữa các chất khí và điện năng trong thủy tinh.
“Luyện tập thành tài, miệt mài tất giỏi,” Lau trở thành bậc thầy kết hợp nghệ thuật và khoa học. Anh giải thích: “Quy trình hút chân không trong thủy tinh đòi hỏi thợ có kiến thức vật lý và hóa học. Trong lắp đặt, chúng tôi cần hiểu về điện và kỹ thuật để xử lý vật liệu khác nhau”.
Di sản truyền thống
Bảng hiệu đèn neon không chỉ là minh chứng cho tay nghề điêu luyện của thợ, mà còn hơn thế. Trước khi chữ in máy trở thành tiêu chuẩn, bản thiết kế chủ yếu được viết tay bằng chữ thư pháp. Chữ viết tay này là dấu tích sống động của văn hóa bảng hiệu Hồng Kông xưa và rất hiếm khi thấy ở các quốc gia khác.
Cardin Chan, sáng lập Tetra Neon Exchange, tổ chức phi chính phủ lưu trữ và nghiên cứu bảng hiệu đèn neon, lưu ý rằng bảng hiệu của một tiệm cầm đồ thường trông giống như con dơi ôm đồng xu. Đây là một thiết kế rất “Hồng Kông” và có thể đã tồn tại từ nhiều thế kỷ trước. Chan nói: “Dựa trên nghiên cứu của chúng tôi, các bảng hiệu cầm đồ theo phong cách này vẫn tập trung ở Hồng Kông”.
Trong mắt các nhà làm phim, đèn neon là biểu tượng hoàn hảo cho Hồng Kông thời kỳ đó. Christopher Doyle, nổi tiếng với việc sử dụng đèn neon trong tác phẩm của mình, mang chúng vào các bộ phim. Trong phim “Đọa Lạc Thiên Sứ,” nhân vật thường xuất hiện dưới ánh đèn neon, tượng trưng cho quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa. Trong phim “Trùng Khánh Sâm Lâm,” nữ sát thủ lang thang dưới ánh đèn rực rỡ giữa thành phố sầm uất, tạo nên bức tranh hòa quyện giữa Đông - Tây, xu thế của thời đại.
Nhưng cuối cùng, lý do đèn neon trở nên phổ biến như vậy chính là vì nó là biểu tượng của thời hoàng kim của Hồng Kông. Ánh sáng lộng lẫy và huyền ảo này xuất hiện ở khắp mọi nơi - nhà hàng, quán bar, tiệm mát-xa, hộp đêm,... Sự hấp dẫn và dịu dàng của nó, vừa gây ấn tượng vừa mê hoặc, ánh đèn neon không chỉ làm cho Hồng Kông trở nên sống động mà còn tạo nên những kỷ niệm sáng rực nhưng bí ẩn về những tấm bảng hiệu đèn sáng rực suốt đêm.
Sự bảo tồn
Thời gian dường như đã làm mờ bảng hiệu đèn neon cũng như những thợ thủ công tạo ra chúng. Tetra Neon Exchange đã làm việc với nhiều thợ địa phương. Tuy nhiên, theo ước tính của họ, hiện chỉ còn 8 thợ uốn thủy tinh và 2 thợ làm khung bảng hiệu kim loại ở Hồng Kông, do nhiều thợ cũ đã nghỉ hưu hoặc qua đời. Ngay cả khi có những người trẻ muốn học nghề, có nhiều thách thức mà thợ thủ công cần xem xét, như lý do muốn học nghề, khéo léo tự nhiên và sẵn lòng học hỏi.
Bất chấp những thách thức, nhận thức về việc bảo tồn bảng hiệu đèn neon như một phần của văn hóa Hồng Kông vẫn đang tăng cao. Vào năm 2014, M+ đã tổ chức triển lãm và lưu trữ câu chuyện đằng sau mỗi tấm bảng hiệu. Mặc dù thời hoàng kim đã qua, nhưng trong lòng người dân Hồng Kông, ánh đèn của những tấm bảng hiệu neon vẫn không bao giờ phai mờ.
Khi các tấm bảng hiệu được trưng bày ở triển lãm công cộng, Cardin Chan cam kết sẽ khôi phục lại Hồng Kông rực sáng từ các bảng hiệu neon. Cô nói: “Chúng không chỉ là các tác phẩm nghệ thuật mà còn là lịch sử và tương lai.” Jive Lau cũng thường tổ chức hội thảo để quảng bá nghệ thuật làm đèn neon. Anh ấy nói: “Nghề thủ công làm đèn neon không chỉ là nghệ thuật mà còn là khoa học, và tôi yêu thích điều đó. Thật vui!”
Tương tự như Cảng Victoria, bảng hiệu đèn neon cũng là biểu tượng rực rỡ và sống động của Hồng Kông, phản ánh bản sắc đặc trưng của thành phố này. Mặc dù thời kỳ của đèn neon đã qua đi, nhưng vẫn để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử và trong lòng mỗi người dân về một Hồng Kông lung linh và huyền bí.