Năng lực lãnh đạo xuất sắc phụ thuộc vào khả năng đưa ra đánh giá thông minh và công bằng về đội ngũ mà chúng ta đang lãnh đạo, xác định và truyền đạt rõ ràng mục tiêu mà chúng ta muốn họ đạt được cũng như quyết định cách chúng ta có thể hỗ trợ họ đạt được mục tiêu đó.
Để đạt được những mục tiêu này và tạo ra kết quả tích cực, nhà lãnh đạo cần xem xét tác động tích cực và tiêu cực mà năng lực lãnh đạo có thể gây ra đối với đội ngũ và tương tác với họ theo những cách tích cực để đạt được kết quả mong muốn.
Các nhà lãnh đạo xuất sắc thường có lòng trắc ẩn và sở hữu trí tuệ cảm xúc cao, điều này khiến họ luôn quan tâm đến nhu cầu của đội ngũ. Họ đánh giá thực trạng hiện tại của nhóm, xác định những điều mà các thành viên trong nhóm cần thực hiện tốt và truyền động lực cho họ để làm việc hiệu quả, cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho tổ chức mà không gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên.
Những nhà lãnh đạo này thực hành lãnh đạo tích cực và dẫn dắt đội ngũ của họ theo cách giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực.
Hiệu ứng tích cực và tiêu cực của năng lực lãnh đạo có thể được thấy rõ trong mọi khía cạnh của doanh nghiệp. Các nhà lãnh đạo tạo ra tinh thần đồng lòng cho tổ chức và mọi hành động cũng như hành vi của họ đều mang lại lợi ích hoặc gây hại cho tổ chức. Các nhà lãnh đạo tích cực ảnh hưởng đến các nhóm làm việc theo những cách tích cực, tạo ra trải nghiệm tích cực cho nhân viên, dẫn đến kết quả kinh doanh tích cực.
Bài viết này sẽ thảo luận về cách khả năng lãnh đạo ảnh hưởng đến tổ chức và cách nó có thể giúp tổ chức tránh những hậu quả tiêu cực tiềm ẩn của nó.
Các tác động do khả năng lãnh đạo tạo ra
Khả năng lãnh đạo kém đã được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ nghỉ việc cao trong thời kỳ khủng hoảng “Đại từ chức” (The Great Resignation) và tạo ra hiện tượng làm việc cầm chừng (quiet quitting). Điều này không có gì ngạc nhiên nếu bạn kết nối nó với thông tin rằng hành động, hành vi của các nhà quản lý ảnh hưởng 50-70% suy nghĩ của nhân viên về môi trường làm việc.
Mọi hoạt động của một nhà lãnh đạo đều có tác động đến trải nghiệm làm việc của nhân viên, điều này tạo nên quan điểm của họ về công việc trong suốt thời gian làm việc tại công ty. Trải nghiệm làm việc này ảnh hưởng đến cả sự nhiệt huyết và quyết định tiếp tục gắn bó với công ty của nhân viên.
Để hiểu rõ hơn về những hậu quả tiêu cực mà khả năng lãnh đạo có thể gây ra đối với nhân viên, chúng ta cần xem xét những ảnh hưởng tiêu cực của quyền lực quản lý có thể gây ra đối với chúng ta – những nhà lãnh đạo.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng quyền lực có thể làm giảm hoạt động tế bào thần kinh phản chiếu (mirror-neurological activity), một chức năng thần kinh liên quan đến khả năng thấu hiểu và tương tác với người khác của chúng ta.
Điều này dẫn đến một hiện tượng được gọi là hội chứng Hubris (hội chứng nghiện quyền lực), được định nghĩa là “một rối loạn sở hữu quyền lực, đặc biệt là quyền lực có được từ thành công vượt trội, duy trì trong nhiều năm”.
Trách nhiệm lớn hơn và áp lực từ việc đảm nhận những trách nhiệm đó có thể gây ra thay đổi trong bộ não của chúng ta và khiến chúng ta ngừng quan tâm đến người khác nhiều như trước đây. Chúng ta có thể cảm thấy khó đồng cảm hơn với người khác khi rơi vào tình trạng trên.
Điều này khiến các nhà lãnh đạo không có khả năng đưa ra những đánh giá sáng suốt, khách quan về nhân viên của mình, từ đó có thể tác động tiêu cực đến động lực và hiệu suất làm việc của nhân viên, dẫn đến kết quả kinh doanh kém.
Để tránh những hậu quả tiêu cực tiềm tàng của việc lãnh đạo, chúng ta có thể dựa vào các nguyên tắc lãnh đạo tích cực như kim chỉ nam.
Lãnh đạo tích cực
Theo Kim Cameron, tác giả cuốn sách Practicing Positive Leadership (tạm dịch: Thực hành khả năng lãnh đạo tích cực), lãnh đạo tích cực là “việc thực hiện nhiều phương pháp tích cực giúp các cá nhân và tổ chức khai phá tối đa tiềm năng, phát triển trong công việc, nâng cao hiệu suất và đạt được mức độ hiệu quả”.
Các nhà lãnh đạo tích cực hướng dẫn, làm gương cho nhân viên về các giá trị cốt lõi nhằm khuyến khích nhân viên thực hiện theo – những hành vi mà nhà tuyển dụng muốn thấy trong tổ chức và ngăn chặn môi trường làm việc trở nên độc hại.
Lãnh đạo tích cực bao gồm các điều sau:
Trải nghiệm, làm mẫu và nâng cao những cảm xúc tích cực trong môi trường làm việc một cách có mục đích
Phát triển năng lực của nhân viên đồng thời đảm bảo công việc hoàn thành
Thể hiện tinh thần tự nhận thức cao, lạc quan và chính trực.
Trong video này, Jon Gordon, tác giả nổi tiếng của cuốn sách Lãnh đạo tích cực – Kiến tạo và chia sẻ tầm nhìn, thảo luận về việc suy nghĩ và thực hành tích cực giúp các nhà lãnh đạo vừa làm gương cho những hành vi mà họ muốn nhân viên họ làm, vừa tạo ra văn hóa làm việc hiệu suất cao giúp nhân viên luôn có động lực để làm tốt nhất công việc của họ.
Tác động tích cực tới trải nghiệm làm việc của nhân viên
Gallup định nghĩa trải nghiệm làm việc của nhân viên là “hành trình nhân viên làm việc với tổ chức của bạn”. Hành trình này bao gồm mọi tương tác xảy ra trong thời gian làm việc của nhân viên, cũng như những trải nghiệm liên quan đến vai trò, môi trường làm việc, người giám sát và sức khỏe của nhân viên.
Trải nghiệm của nhân viên có tác động lớn tới động lực làm việc, mức độ nhiệt huyết và khả năng gắn bó với công ty của một nhân viên, nhưng đó không phải là tất cả.
Khi một tổ chức cung cấp trải nghiệm tích cực cho nhân viên, họ thấy sự cải thiện về mức độ hài lòng của khách hàng, sự đổi mới lớn hơn và tạo ra lợi nhuận cao hơn 25% so với các tổ chức không cung cấp trải nghiệm tích cực cho nhân viên.
Công việc có ý nghĩa, công việc rõ ràng, cơ hội phát triển nghề nghiệp, quyền tự chủ, môi trường làm việc toàn diện, công nhận những đóng góp thường xuyên, đánh giá lành mạnh giữa lãnh đạo và nhân viên, sự cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống và các mối quan hệ làm việc dựa trên sự tin cậy giúp nhân viên có trải nghiệm tích cực đối với tất cả các đồng nghiệp trong nhóm.
Để tránh những tác động tiêu cực tiềm ẩn của việc lãnh đạo, các nhà lãnh đạo cần tập trung phát triển hai phẩm chất quan trọng: trí tuệ cảm xúc và lòng trắc ẩn
Trí tuệ cảm xúc
Trí tuệ cảm xúc, hay còn gọi là EQ, được coi là một trong những kỹ năng mềm quan trọng nhất một nhà lãnh đạo có thể có và là một trong những yếu tố dự báo rõ nhất về hiệu suất, với khoảng 90% nhà lãnh đạo có thành tích xuất sắc nhất là người có trí tuệ cảm xúc cao.
Trí tuệ cảm xúc đề cập đến khả năng nhận biết, hiểu và điều chỉnh cảm xúc của một cá nhân cũng như cách họ phản ứng với những cảm xúc đó để cải thiện giao tiếp, đồng cảm và vượt qua thử thách tích cực hơn.
Một nghiên cứu của CareerBuilder.com tiết lộ rằng 71% nhà tuyển dụng được khảo sát đánh giá cao EQ hơn IQ vì nhân viên có EQ cao thường tỏ ra bình tĩnh hơn trước áp lực, giải quyết xung đột hiệu quả và có khả năng giao tiếp tốt hơn với đồng nghiệp qua sự đồng cảm.
Tự nhận thức, một đặc điểm quan trọng của EQ, thúc đẩy khả năng giao tiếp hiệu quả, xây dựng niềm tin và tăng tính trách nhiệm. Nó cũng giúp các nhà lãnh đạo giải quyết những cảm xúc của họ theo cách tích cực hơn, từ đó giúp họ vượt qua các thách thức một cách hiệu quả hơn.
Một nhà lãnh đạo thông minh không chỉ hiểu về bản thân mà còn nhạy cảm với nhu cầu cảm xúc của người khác và hành động dựa trên kiến thức thu được thông qua sự tự nhận thức và nhận thức xã hội sẽ thấy mình đang dẫn dắt những nhân viên gắn kết cao, cảm thấy có mục tiêu trong công việc và tự hào khi thực hiện nhiệm vụ đó.
Lòng trắc ẩn
Những người có khả năng thấu hiểu và động viên tích cực cho người khác. Trong lãnh đạo, lòng trắc ẩn tạo ra các kết nối mạnh mẽ hơn giữa các nhà lãnh đạo và nhân viên bằng cách tạo điều kiện cho sự hợp tác, xây dựng và duy trì các mối quan hệ vững chắc, tin cậy, và tăng cường lòng trung thành của nhân viên.
Những nhà lãnh đạo có lòng trắc ẩn được xem là mạnh mẽ hơn và có khả năng vượt lên. Đây là một kỹ năng đặc biệt quan trọng mà các nhà lãnh đạo cần phải có vì quyền lực có thể gây ra những tác động tiêu cực tiềm ẩn lên họ.
Nuôi dưỡng lòng trắc ẩn có thể giúp chúng ta tránh được cám dỗ và duy trì mối quan hệ chân thành với nhân viên. Tóm lại, nó giúp chúng ta trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc hơn, quan tâm hơn. Nó cũng có thể giúp chúng ta thu hút và giữ chân những nhân viên tài năng bởi vì tạo ra một môi trường tích cực nơi họ cảm thấy được trân trọng.
Trong khi đồng cảm chỉ là chia sẻ cảm xúc của người khác, lòng trắc ẩn là sự tiến xa hơn. Lòng trắc ẩn giúp ta trở nên chủ động hơn bằng cách đóng góp tích cực vào hạnh phúc và sức khỏe của người khác, làm tăng hiệu suất của một nhà lãnh đạo trong việc tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với cuộc sống và thành công lâu dài của tổ chức.