Công việc bán hàng đầu tiên của tôi là đi từng ngõ, mỗi sáng thứ bảy, bán bánh Donut. Mỗi lần, tôi đến nhà người khác, giới thiệu với họ và bán hàng. Trong vài phút, họ hoặc mua bánh hoặc đóng cửa lại trước mặt tôi.
Mỗi lần là một thử thách, cho đến khi tôi học được về quy trình Marketing 4 bước. Một sáng thứ bảy, tôi quyết định thử áp dụng. Tôi mua hơn 20 chiếc bánh Donut và phát miễn phí cho từng nhà trên con phố.
Với mỗi chiếc bánh trao cho khách hàng, tôi tự giới thiệu với họ: “Cháu gửi cô/chú bánh ạ!” và kết thúc bằng: “Tuần sau cháu sẽ ghé lại ạ!”.
Thứ bảy tiếp theo, tôi đã đạt được doanh số bán hàng kỷ lục trên con phố đó, bởi thay vì cố gắng chào hàng với người lạ, tôi đã áp dụng một chiến lược Marketing bài bản gồm 4 bước:
“Biết đến, Yêu thích, Tin tưởng và Mua hàng”
Mỗi bước trong chu trình đó là quá trình mật thiết liên kết với nhau, giúp bạn xây dựng mối quan hệ với ai đó và cuối cùng bán hàng cho họ. Bỏ qua bước nào cũng có thể làm hỏng mối quan hệ và làm khách hàng mất hứng thú với bạn và sản phẩm của bạn.
Khi tôi mới bắt đầu bán bánh, tôi đã mắc sai lầm này khi không quan tâm nhiều đến cảm nhận của khách hàng về mình. Đối với tôi, họ chỉ là người lạ và bị từ chối cũng không thành vấn đề, chỉ cần tiếp tục thôi.
Dần dần, tôi nhận ra rằng một mối quan hệ ngắn ngủi cũng có thể giúp tăng doanh số, không cần phải gõ cửa từng nhà một, mà thông qua mạng lưới quan hệ của mình.
Tương tự như việc tạo lòng tin với một con thú hoang, bạn phải kiên nhẫn và tinh tế. Đừng đẩy thức ăn vào mặt chúng, hãy chậm rãi và khéo léo.
Bán hàng cũng thế, sự khéo léo và kiên nhẫn sẽ tạo ra mối quan hệ vững chắc với khách hàng.
Đừng chỉ muốn bán hàng mà không quan tâm đến khách hàng.
Có những người, khi bạn bước vào tiệm, ví dụ như cửa hàng bán xe cũ, họ sẽ rất nhiệt tình về những chiếc SUV giá rẻ của họ, ngay cả khi bạn muốn mua một chiếc sedan cũ. Họ sẽ cố gắng bán cho bạn những gì họ muốn, thay vì tư vấn bạn mua những gì bạn thực sự muốn.
Nếu bạn không biết ai đang cố gắng bán hàng cho bạn, bạn sẽ không tin tưởng họ và không có ý định mua thứ gì từ họ.
Chỉ cần bỏ một bước trong quá trình bán hàng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Nếu bán được hàng, đó cũng sẽ là một hành trình gian khổ, mệt mỏi như đang leo dốc đứng.
Thực ra, không ai thích bị chào hàng.
Như Jeffrey Gitomer đã nói:
“Mọi người không thích bị chào hàng, nhưng lại thích mua hàng.”
Có lẽ ai cũng đã trải qua cảm giác này, khi thấy một sản phẩm ưng ý đến mức chỉ muốn đem về nhà ngay, không muốn chần chừ. Đó là điều mà bất kỳ doanh nhân nào cũng muốn thấy ở khách hàng của mình, nhưng không dễ dàng có được, mà phải trải qua quá trình 4 bước như sau
Bước 1: Nhận biết thương hiệu
Bạn cần làm gì? Và tại sao cần quan tâm tới điều này?
Khi giao tiếp với một khách hàng hoặc ai đó, hãy thể hiện kiến thức và hiểu biết chuyên môn của mình – những điều mà bạn cảm thấy tự tin. Làm như vậy sẽ giúp người khác nhận ra và phân loại bạn vào những “danh sách” riêng của họ. Và khi họ gặp vấn đề liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của bạn, họ sẽ nhớ ngay đến bạn – người có thể giải quyết tốt các vấn đề họ đang gặp phải. Hãy nhắm tới những nơi tập trung nhiều đối tượng khách hàng của bạn để có thể 'một mũi tên trúng nhiều đích'. Và khi đã có cơ hội thể hiện bản thân, hãy làm điều đó với tất cả sự nhiệt tình, tận tâm và tự tin về những gì bạn có.
Bước 2: Gây sự tò mò
Bạn có quan tâm đến tôi không? Có thể giúp ích gì cho cuộc sống của tôi không?
Mỗi doanh nghiệp đều có một trang web riêng và một danh sách email khách hàng. Nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng chúng hiệu quả. Gửi tin nhắn tự động hoặc hàng loạt qua bot không giúp bạn xây dựng mối quan hệ với khách hàng vì đó chỉ là giao tiếp một chiều, không có tương tác. Bạn cần biết khi nào nên tự động hóa và khi nào nên tương tác trực tiếp với khách hàng, vì bạn chỉ có thể xây dựng mối quan hệ bền vững với từng người một, không thể chung chung.
Bước 3: Xây dựng lòng tin
Bạn thực hiện được những gì bạn nói không? Tôi có thể tin tưởng bạn không?
Theo khảo sát của LinkedIn, hơn 50% nhân viên bán hàng cho rằng lòng tin là chìa khóa quan trọng để chốt đơn. Để bán được nhiều sản phẩm hơn, hãy xây dựng lòng tin với khách hàng tiềm năng bằng cách biến những người lạ thành khách hàng của mình.
Theo Hubspot, 96% khách hàng cho rằng một cuộc họp hoặc sự kiện không lãng phí thời gian nếu những nhu cầu của họ được đáp ứng và được quan tâm. Khi tương tác với khách hàng, hãy thể hiện sự quan tâm của mình bằng cách đặt những câu hỏi về cuộc sống hoặc tình hình hiện tại của họ.
Áp dụng ba bước sau trước khi chốt đơn:
Chia sẻ những kiến thức của bạn, đừng giữ kín điều gì
Tương tác một cách cá nhân
Đặt những câu hỏi mở và đưa ra phản hồi xây dựng với khách hàng.
Tóm lại, mục tiêu của bạn khi tự quảng cáo cũng là để ai đó tự nói với bạn rằng: “Tôi biết anh ấy, tôi rất tôn trọng anh ấy, tôi tin tưởng anh ấy và muốn mua những gì anh ấy đang bán”
Hướng dẫn ai đó qua 4 bước trong chu trình sẽ giúp bạn thu hút họ hơn, và nếu họ có thể tiến xa cùng bạn, bạn không chỉ là một doanh nhân bán hàng, mà còn là một người tư vấn đáng tin cậy với họ.
Vì vậy, hãy là một người tư vấn thay vì một người bán hàng. Chỉ có 3% khách hàng B2B nói rằng họ hoàn toàn tin tưởng một nhân viên bán hàng hoặc một đại diện bán hàng. Vì mọi người đều biết rằng, nhân viên bán hàng chỉ quan tâm đến việc bán hàng và đạt doanh số. Ngược lại, có tới 79% khách hàng nói rằng họ sẽ mua hàng từ một người tư vấn họ có thể tin tưởng. Sự khác biệt rõ ràng ở đây: Nhân viên bán hàng muốn bạn mua hàng, trong khi người tư vấn muốn tìm hiểu về bạn và thiết lập mối quan hệ.
Để xây dựng một mối quan hệ dựa trên lòng tin, bạn cần phải đầu tư thời gian, công sức và trí tuệ, không chỉ là qua một giao dịch đơn giản.
Khi tự quảng cáo, đừng chỉ là một nhân viên bán hàng quan tâm đến doanh số, hãy là một người trung thực và đáng tin cậy, một người mang lại giá trị và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Bước 4: Trở thành một Cố vấn đáng tin cậy
Sau khi thực hiện ba bước trước đó một cách đều đặn và lặp đi lặp lại, người ta chắc chắn sẽ muốn hợp tác với bạn. Khi đó, bạn sẽ không cần phải chốt đơn hoặc chào hàng gì cả, mà họ sẽ tự nguyện mua sản phẩm của bạn.
Nếu doanh số của bạn không cao, hãy tự hỏi liệu mình đã bỏ qua bước nào không, và hãy thử làm lại trong tuần tới với những câu hỏi như:
- Làm thế nào để thể hiện sự chuyên môn trong tuần tới?
- Làm thế nào để tương tác cá nhân với khách hàng?
- Những câu hỏi dẫn dắt cần thiết để chốt đơn là gì?