Việc ra quyết định dựa trên tương lai không hề dễ dàng, phải xem xét mọi quyết định dựa trên một hướng đi mới. Đó chưa bao giờ là một quyết định rõ ràng và quyết đoán ngay tức thì.
Trong quá khứ, chúng ta đã đầu tư vào điều gì đó càng nhiều, giờ đây phải bỏ dở điều đó lại càng khó. Chúng ta thường không nhận ra rằng những gì đã bỏ ra thì không thể lấy lại được nữa, vậy nên, ta không thể thay đổi tư duy từ “cái giá của việc bỏ cuộc” thành “cái giá của việc không bỏ cuộc”.
Nghiên cứu chi phí chìm khiến chúng ta bỏ qua những hứa hẹn về một tương lai tốt hơn bằng cách cố gắng phủ nhận tất cả những gì ta đã bỏ ra trong quá khứ. Nói cách khác, quyết định trong hiện tại phụ thuộc quá nhiều vào những khoản ta đã đầu tư.
“Nghiên cứu chi phí chìm khiến con người trở nên bối rối và khổ sở. Một khi đã dành thời gian và tiền bạc vào thứ gì đó, chúng ta chưa sẵn sàng rời bỏ nó bởi điều đó có nghĩa là ta đã lãng phí thời gian và tiền bạc của mình, mặc cho những thứ đó không tài nào lấy lại được nữa.” - David Epstein đã viết trong cuốn Range (Hiểu Sâu Biết Rộng - Kiểu Gì Cũng Thắng)
Một sáng tạo công nghệ mới có thể làm cho rất nhiều sản phẩm hiện nay trở thành hoàn toàn vô dụng, nhưng liệu có bao nhiêu doanh nghiệp sẵn lòng từ bỏ các khoản đầu tư lớn đến mức ảnh hưởng đến sản phẩm của họ để suy nghĩ về nhu cầu trong tương lai?
Làm sao mà một người có thể dễ dàng từ bỏ một công việc mà họ đã dành ra nhiều năm để rèn luyện các kỹ năng hữu ích trong lĩnh vực của mình, dù công việc đó đã khiến họ vất vả không ít?
Liệu đó có phải là một quyết định dễ dàng khi phải kết thúc một dự án sau khi đã bỏ ra hàng tháng, một khoản tiền lớn cùng với công sức không hề nhỏ nhưng dự án đó không hề mang lại kết quả như mong đợi?
Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu phải sa thải một nhân viên “độc hại” sau khi đã đầu tư biết bao nhiêu nguồn lực để tuyển dụng và còn nhiều thời gian công sức hơn nữa để đào tạo người đó?
Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ta sẽ có cảm giác những quyết định này hoàn toàn hợp lý. Nhưng con người cũng chỉ là một giống loài như bao giống loài khác, không phải chỉ bị chi phối bởi lý trí.
Warren Buffett đã nói rằng: “Điều quan trọng nhất khi bị rơi vào một cái hố là đừng đào sâu hơn nữa”. Nhưng để thực hiện lời khuyên này không phải là dễ dàng. Những khoản đã bỏ ra không chỉ là đầu tư về tài chính, mà còn là những đầu tư về mặt cảm xúc, và vì thế quyết định dừng lại vào lúc này sẽ đau đớn biết chừng nào.
Mâu thuẫn tư duy nảy sinh từ việc đầu tư nhưng không nhận lại được kết quả như mong muốn đã dẫn đến một cái bẫy tâm lý. Chi phí chìm, thời gian, tiền bạc và công sức đã bỏ ra không thể lấy lại được và không còn liên quan gì đến quyết định hiện tại có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ của chúng ta.
Chúng ta quên không tự hỏi bản thân rằng:
Bản thân đang hướng về phía trước hay đang níu giữ quá khứ?
Nếu mình vẫn tiếp tục thì chi phí cơ hội là gì?
Những khoản đầu tư bổ sung sẽ giúp cứu vãn tình thế hay chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn?
TẠI SAO CHÚNG TA THƯỜNG ƯU TIÊN CHI PHÍ CHÌM ĐẾN VẬY?
Từ những việc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày cho đến những quyết định lớn, chúng ta thường dựa vào chi phí chìm. Nó ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của chúng ta đến mức chúng ta thậm chí không nhận ra điều đó.
Để giảm bớt tác động của việc ưu tiên chi phí chìm trong quyết định của chúng ta, trước tiên cần hiểu tại sao chi phí chìm lại ảnh hưởng đến quyết định hợp lý của chúng ta.
1. Chúng ta bỏ lỡ cơ hội kiếm lời để tránh mất mát.
Daniel Kahneman, một nhà tâm lý học và nhà kinh tế nổi tiếng với nghiên cứu về tâm lý đánh giá và quyết định, đã giải thích trong cuốn sách Tư Duy, Nhanh và Chậm về cách tâm lý sợ mất mát chi phối quyết định của chúng ta.
“Rất nhiều lựa chọn trong cuộc sống là sự kết hợp của cả rủi ro mất mát và cơ hội sinh lời, và chúng ta phải quyết định liệu có chấp nhận hay từ chối. Đối với hầu hết mọi người, nỗi sợ mất $100 thường áp đảo hy vọng kiếm được $150. Chúng ta ghét thất bại và tâm lý mất mát thường làm mờ đi lợi ích có thể đạt được.”
Ông cũng nhấn mạnh:
“Chúng ta thường nghĩ rằng thay đổi mang lại nhiều bất tiện hơn là lợi ích, kể cả khi thiên kiến cá nhân ưu tiên tình hình hiện tại. Sợ hãi mất mát không có nghĩa là chúng ta không bao giờ muốn thay đổi, vì có thể có cơ hội mang lại lợi ích lớn hơn so với thiệt hại nặng nề. Tâm lý sợ hãi mất mát chỉ đơn giản là chúng ta thường chọn dựa trên cảm nhận cá nhân của mình về tình huống, và thường thiên về những điều chỉnh nhỏ hơn là những thay đổi lớn.”
Chúng ta thường nhạy cảm với những thiệt hại hơn là những gì thu được, vì vậy cảm giác khó chịu khi phải từ bỏ thứ gì đã đầu tư sẽ lớn hơn nhiều so với cảm giác thỏa mãn khi nhận lại một lượng giá trị tương tự.
Chúng ta bị lừa bởi tâm lý này và chấp nhận gánh chịu chi phí ngày càng tăng chỉ để tiếp tục, thay vì quyết định khó khăn là từ bỏ luôn khoản đầu tư đó.
Điều này khiến chúng ta vô tình bỏ lỡ mọi cơ hội hấp dẫn ngay trước mắt vì không thể quên những gì đã đầu tư cho một quyết định trong quá khứ.
2. Chúng ta tin rằng chỉ có người thất bại mới từ bỏ cuộc
Sự kiên trì sau những thất bại thường được coi là một đặc điểm của lãnh đạo, trong khi việc bỏ cuộc thì ngược lại. Người ta thường đồng nhất lãnh đạo với việc kiên trì, mặc dù điều này không hợp lý chút nào.
Vince Lombardi, một HLV bóng bầu dục nổi tiếng của Mỹ, đã nói: “Người chiến thắng không bao giờ từ bỏ và người từ bỏ không bao giờ chiến thắng.” Những lời khuyên như “Chỉ người thất bại mới từ bỏ cuộc” hay “Hãy kiên trì dù gặp thất bại” có thể gây ảnh hưởng tiêu cực nếu không phân biệt được khi nào nên từ bỏ, khi nào sợ thất bại, và khi nào chỉ là lý do để giữ quyết định hiện tại của mình.
“Người chiến thắng thường từ bỏ nhanh chóng, từ bỏ thường xuyên và từ bỏ mà không hề cảm thấy tội lỗi,” Seth Godin đã viết trong cuốn sách The Dip. Tương tự, trong cuốn Range của David Epstein, “Một người khôn ngoan sẽ không bao giờ cho rằng đam mê và sự kiên trì không quan trọng, hoặc một ngày tồi tệ là lý do để từ bỏ. Nhưng ý tưởng rằng thay đổi mong muốn hoặc điều chỉnh lại sự tập trung là thiếu sót và bất lợi trong cạnh tranh sẽ dẫn đến việc theo đuổi mô hình đơn giản và rập khuôn như tay golf Tiger Woods: chọn một thứ và theo đuổi nó suốt đời, càng sớm càng tốt.”
Niềm tin rằng chỉ có người thất bại mới từ bỏ cuộc có thể làm cho chúng ta gắn bó với quyết định trong quá khứ và ngăn chúng ta nhìn xa hơn, vượt qua những chi phí chìm mà chúng ta đã gánh chịu.
Nếu quyết định từ bỏ được thực hiện đúng thời điểm, đó chính là cách tốt nhất để tiếp tục tiến lên, định hình hướng đi của mình, vượt qua nỗi sợ thất bại và lựa chọn đúng đắn mà không cảm thấy sợ hãi.
3. Chúng ta tin rằng thừa nhận sai lầm không làm tổn hại đến danh dự
Để giải phóng mình khỏi quyết định trong quá khứ và nhìn về tương lai, chúng ta cần thừa nhận sai lầm - với bản thân và với người khác.
Thừa nhận sai lầm chưa bao giờ dễ dàng. Để chấp nhận rằng mình đã đưa ra quyết định tồi, chúng ta phải vượt qua cảm giác xấu hổ và lo lắng về việc giữ gìn hình ảnh cá nhân, để từ đó chuyển sang đầu tư vào những quyết định đúng đắn.
Stephen R. Covey đã giải thích trong 7 Thói Quen Để Thành Đạt:
Bạn cảm thấy rất áy náy khi phạm lỗi, vì sâu trong lòng bạn nhớ rõ cảm xúc mỗi khi bạn trở nên yếu đuối, nhạy cảm và phụ thuộc. Bạn nhớ rõ sự trừng phạt cho cảm xúc của mình, sự từ chối, sự so sánh với người khác khi bạn không thể thể hiện tốt như mong đợi.
Chúng ta bị thúc đẩy để tiếp tục theo đuổi quyết định trong quá khứ của mình bởi áp lực xã hội và nỗi sợ bị coi là không đủ năng lực. Điều này khiến chúng ta cố chứng minh những quyết định đó là đúng bằng cách đầu tư càng nhiều hơn vào chi phí chìm thêm thay vì chấp nhận thất bại.
Chúng ta bị đánh lừa để tiếp tục đầu tư bởi những thành công trong quá khứ.
Những thành công đạt được quá sớm sẽ mù quáng khiến chúng ta không nhìn thấy những thất bại trong tương lai. Sự kiên trì và nỗ lực có thể đem lại kết quả ban đầu, nhưng mỗi tình huống đều khác biệt và cần được đánh giá theo cách khác nhau.
Những thành công ban đầu có thể củng cố niềm tin của chúng ta vào ý tưởng đang thực hiện và làm cho chúng ta không nhận ra từ bao giờ những thành quả ấy biến mất và ý tưởng của chúng ta bắt đầu có dấu hiệu của một cõi hố sâu.
Thay vì xem xét lại tầm nhìn ban đầu của chúng ta - rằng mọi thứ trở nên khó khăn và không có gì chắc chắn, chúng ta chọn giữ nguyên ý định của mình. Chúng ta tin rằng “Nếu ban đầu nó đã thành công thì lần này cũng sẽ như vậy”.
Kết quả là, những thành tựu trong quá khứ có thể làm chúng ta lạc lối và đầu tư ngày càng nhiều vào những khoản chi phí chìm mà quên không quan tâm đến chi phí cơ hội.
Chúng ta chịu ảnh hưởng của thiên kiến xác nhận.
Khi mọi thứ không diễn ra như dự định, chúng ta thường tìm kiếm thông tin xác nhận ý tưởng của mình là đúng và bỏ qua tất cả những gì không ủng hộ quan điểm của mình.
David McRaney viết trong cuốn Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu (You Are Not So Smart):
Khi cần chứng minh điều gì đó là đúng, bạn sẽ tìm kiếm những đặc điểm, bạn cố gắng kết nối chúng lại với nhau như cách người ta vẽ ra một chòm sao từ những ngôi sao. Tư duy của bạn loại bỏ mọi sai lầm. Bạn tưởng tượng ra một khuôn mặt từ những đám mây, hoặc quỷ dữ ở trong ngọn lửa. Những kẻ tuyên bố bản thân có khả năng bói toán đã tận dụng thiên hướng tự nhiên này của con người. Họ hiểu rõ rằng họ có thể tận dụng để bạn tự xác nhận chủ quan ngay lúc đó, và tâm lý thiên hướng xác nhận sau này
Thiên hướng xác nhận không cho phép chúng ta nhìn thẳng vào tình hình thực tế và đẩy chúng ta vào con đường mà có lẽ đã nên bị bỏ qua từ lâu. Nó khiến chúng ta chi tiêu nhiều hơn cho các khoản chi phí chìm thay vì nhìn về tương lai một cách khách quan.
Chúng ta để cho cảm xúc chiếm lĩnh lý trí
Quá trình ra quyết định của chúng ta xoay quanh hai cảm xúc mạnh mẽ của con người - cảm giác hối hận và tâm lý đổ lỗi. Hối hận vì bản thân đã không cố gắng đủ và đổ lỗi cho bản thân vì đã bỏ cuộc quá sớm, hoặc hối hận vì đã trượt dài trong những thất bại của quá khứ và đổ lỗi cho bản thân vì đã không nhận ra điều đó sớm hơn.
Theo lời của Maria Konnikova trong cuốn Chiêu Trò Tự Tin, “Vấn đề ở đây không phải là từ bỏ những gì chúng ta đã có, mà là bỏ lỡ cơ hội chiến thắng và phải sống trong cảm giác hối hận”
Khi chúng ta dựa vào trải nghiệm trong quá khứ để cố biện minh cho tình hình hiện tại, cảm xúc có thể hoàn toàn áp đảo lý trí trong chúng ta. Điều này có thể khiến chúng ta bỏ cuộc quá sớm hoặc vẫn tiếp tục mặc dù không thấy dấu hiệu cải thiện nào.
Chúng ta bị kìm hãm bởi những cam kết đã lập từ trước và thiếu góc nhìn mới, kết quả là quyết định của chúng ta hoàn toàn dựa trên cảm xúc thay vì lý trí.
Những hy vọng của chúng ta có thể là sai lầm
Hẳn có sự phân biệt rõ ràng giữa những cam kết bình thường và sự gắn bó một cách thái quá với một ý tưởng nào đó. Và chúng ta thường vượt qua ranh giới đó mà không nhận ra.
Chỉ một tia hy vọng nhỏ nhoi về khả năng lật ngược tình thế có thể đẩy chúng ta vượt xa giới hạn của một đầu tư không khôn ngoan vào quyết định của mình.
CẦN PHẢI LÀM GÌ ĐỂ TRÁNH BỊ MẮC BẪY CHI PHÍ CHÌM VÀ ĐỊNH HƯỚNG LẠI SỰ NỖ LỰC CỦA BẢN THÂN
Peter Drucker chia sẻ quan điểm của ông trong cuốn Năm Câu Hỏi Quan Trọng Nhất Đối Với Mọi Tổ Chức
“Phải từ bỏ điều gì đó là một cảm giác đắng cay mà chẳng ai mong muốn. Con người làm việc cho mọi tổ chức thường bị bó buộc bởi những thứ đã lỗi thời - những thứ đã từng hoạt động với năng suất cao nhưng giờ không còn. Vì vậy, việc từ bỏ bất kỳ thứ gì đều khó khăn, nhưng có lẽ chỉ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Những đổi mới chỉ có thể bắt đầu khi thứ lạc hậu đã bị loại bỏ. Và chỉ sau khoảng nửa năm, mọi người sẽ tự hỏi “Tại sao chúng ta lại mất nhiều thời gian đến vậy?”
Hãy cùng nhau học cách loại trừ mọi liên hệ cảm xúc đối với chi phí chìm, chấp nhận sai lầm của bản thân trong việc đưa ra quyết định khó khăn ấy.
Phân biệt rõ ràng giữa chất lượng của quyết định và chất lượng của kết quả
Annie Duke, một tay chơi poker chuyên nghiệp, đã chỉ ra cách tách biệt quyết định và kết quả trong cuốn Tư Duy Đặt Cược “Thế giới này được thiết lập theo cách mà ở trong đó, chúng ta rất dễ cảm thấy tồi tệ mỗi khi mắc sai lầm vì chúng ta cố gắng đánh giá bản thân bằng kết quả. Đừng để bị lừa bởi tư duy đó! Định hình lại những sai lầm sẽ giúp chúng ta quên đi mọi nỗi sầu khổ khi phải nhận một kết cục không hay. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là chúng ta phải định nghĩa lại thế nào là “đúng”. Nếu chúng ta không sai chỉ vì mọi thứ không có hiệu quả, vậy thì chúng ta cũng chẳng đúng chỉ vì những kết quả tốt đẹp mà ta nhận được”
Chúng ta cứ tưởng rằng quyết định định hình bản thân. Chính cảm xúc này có thể khiến chúng ta đầu tư nhiều hơn vào chiến lược hiện tại, cố gắng hơn nữa và đẩy mọi thứ sâu hơn vào thất bại, mặc dù tất cả đều cho thấy bạn nên làm điều ngược lại.
Nếu chúng ta học cách tách biệt bản thân khỏi kết quả của quyết định và phân tích chúng một cách khách quan, chúng ta sẽ vượt qua được chi phí chìm và đưa ra quyết định phù hợp nhất với mục tiêu trong tương lai thay vì tiếp tục đầu tư vào những quyết định không thể lấy lại được.
Học cách tự hỏi mình những câu hỏi đúng
Những gì ta tự hỏi bản thân sẽ quyết định con đường mà ta lựa chọn. Chúng ta cần thay đổi lối tư duy, từ tư duy “những thiệt hại nếu không bỏ cuộc” sang tư duy “những lợi ích nếu bỏ cuộc”
Khi tập trung vào những mất mát, chúng ta tự động nhớ đến những chi phí chìm trong quá khứ. Tuy nhiên, bằng cách tập trung vào những gì có thể nhận được, chúng ta nhìn thẳng vào những gì tương lai đang đòi hỏi ở mình. Đây là một sự chuyển dịch tinh tế, nhưng chắc chắn là rất hữu ích trong việc thay đổi chiều hướng suy nghĩ từ tiêu cực sang tích cực.
Trong những thời khắc quan trọng như vậy, việc tự hỏi bản thân những câu hỏi mở có thể dẫn dắt chúng ta bỏ qua những khoản đầu tư chìm và đưa ra một quyết định thật sự hợp lý, chẳng hạn như:
- Mình đã cân nhắc đến những yếu tố nào khi đưa ra quyết định? Những mặc định đó có còn đúng trong hoàn cảnh hiện tại hay không? Chúng sẽ còn hợp lý trong tương lai chứ? Tính từ thời điểm bắt đầu, điều gì đã thay đổi và phương hướng hiện tại của mình có phù hợp với điều mình muốn đạt được trong tương lai hay không? Mình đã làm gì để giữ cho bản thân luôn thực tế? Làm sao để biết mình đang áp dụng giải pháp đúng đắn cho vấn đề? Mình đang cố gây dựng mọi thứ theo những gì bản thân đã hình dung ra từ đầu, hay nó thật sự là thứ mà mọi người đang cần? Cơ sở nào về mặt tâm lý đã đưa mình đến với quyết định ấy - sợ hãi sự thất bại và tìm cách né tránh nỗi đau hay thật sự ý thức về thực tế xung quanh lúc đó? Nếu trong quá khứ mình chưa từng bỏ ra điều gì cho quyết định này, liệu đến lúc này mình có sẵn sàng đầu tư cho nó không? Những hậu quả nối tiếp từ quyết định của mình có thể là gì?
Chấp nhận sai lầm là một phần của cuộc sống
David McRaney viết trong cuốn Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu:
“Bạn thường lên kế hoạch và đưa ra quyết định với tâm lý mặc định rằng những sự ngẫu nhiên hay hỗn loạn chỉ dành cho kẻ ngờ nghệch. Ảo tưởng về sự kiểm soát là một tâm lý kỳ lạ, bởi nó thường dẫn đến kết quả là tính tự ái cao và khiến bạn tin rằng rằng mình có thể quyết định đến vận mệnh của bản thân nhiều hơn so với khả năng thật của bạn. Cái nhìn lạc quan quá mức này có thể biến thành hành động thực tế, giúp ta bình tĩnh đương đầu với mọi thứ và tiếp tục tiến về phía trước. Thông thường, thái độ này có thể là chìa khóa dẫn đến thành công. Tuy vậy, cuối cùng thì hầu hết mọi người đều bị cuộc sống chơi cho một vố đau”.
Ông cũng thêm rằng:
“Hãy nhớ rằng phần lớn tương lai là không thể thấy trước được. Hãy học cách chung sống với sự hỗn loạn. Hãy cân nhắc đến chúng trong kế hoạch của mình. Hãy chấp nhận rằng sẽ luôn tồn tại khả năng mình sẽ thất bại, kể cả khi bạn thuộc kiểu người tin rằng thất bại không bao giờ là một phương án và không thèm lên kế hoạch cho điều đó. Một số thứ có thể được dự đoán và kiểm soát, nhưng càng xa về tương lai thì bạn càng bất lực trong việc kiểm soát được mọi chuyện. Càng có nhiều người tham gia vào một công việc thì bạn nắm giữ càng ít thẩm quyền. Giống như một tỷ trong số một nghìn tỷ lần gieo xúc xắc, mọi yếu tố đều quá phức tạp và ngẫu nhiên để có thể hoàn toàn kiểm soát được. Bạn không thể đoán trước phần đời còn lại của mình như khi bạn dự đoán hình dạng của một đám mây. Vì vậy hãy tìm cách điều khiển những điều nhỏ bé nhưng quan trọng, và để chúng dần tích tụ lại thành một hạnh phúc lớn lao. Nhìn chung thì, quyền kiểm soát cũng chỉ là một tâm lý ảo tưởng mà thôi”.
Hãy chấp nhận rằng thất bại cũng là một phần của cuộc sống và những sai lầm không phải luôn đồng nghĩa với sự yếu kém. Điều này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn vượt qua được nỗi đau của mình để chấp nhận sự thật về tình cảnh hiện tại của bản thân.
Hãy tự hỏi bản thân mình:
Sai lầm này đã dạy cho mình điều gì về chính bản thân
Làm sao để nuôi dưỡng lối tư duy phát triển thay vì tư duy cố định
Mình có thể áp dụng bài học nào từ chuyện này cho những lựa chọn trong tương lai
Làm sao để tính toán đến cả nguy cơ thất bại và những điểm không chắc chắn trong kế hoạch tương lai của mình?
Làm sao để mình có thể tận dụng năng lượng tinh thần của bản thân để cải thiện những gì trong tầm tay thay vì lãng phí thời gian vào những điều mình không kiểm soát được
Chấp nhận những sai lầm là cách để thay đổi từ mong muốn được kiểm soát bằng cách bù đắp lại chi phí chìm sang những khoản đầu tư để dựng xây một tương lai tốt đẹp hơn.
4, Cân nhắc đến chi phí cơ hội
Hàng ngày, hãy nhắc bản thân nhớ rằng thời gian là hữu hạn - 24 tiếng một ngày, và những gì ta gặt hái được trong cuộc đời này chính là thước đo cho cách mà chúng ta sử dụng thời gian của mình, chúng ta có trách nhiệm trong việc quản lý quỹ thời gian của bản thân một cách hiệu quả.
Quyết định bỏ cuộc và dành công sức của bản thân cho việc khác sẽ không còn quá đáng sợ một khi chúng ta học cách cân nhắc đến chi phí cơ hội của việc tiếp tục dấn thân trên con đường cũ.
Để rèn luyện kỹ năng này, chúng ta cần:
Thường xuyên so sánh mục tiêu ban đầu với khả năng tương lai
Đánh giá chi phí tiếp tục theo đuổi đường đi hiện tại - nếu bỏ cuộc, mình có thể đạt được điều gì?
Có kỳ vọng về việc thu hồi đầu tư hiện tại, thay vì phải gánh thêm chi phí vì trì hoãn một dự án mới
5, Tìm lời khuyên từ những người không liên quan đến quyết định của bạn
Hầu hết khi chúng ta tự bao bọc bản thân trong một không gian riêng bằng những “bong bóng” - những câu chuyện mình kể cho chính mình. Chúng ta không nhìn thấy được hướng đi của mình trong khi người khác có thể nhìn thấy điều đó một cách rõ ràng.
Chúng ta không thể nhìn ra bên ngoài bong bóng này nếu không thừa nhận rằng mình đang sống trong một cái. Khi rèn luyện được khả năng nhận thức về những thiên kiến tiềm ẩn, chúng ta có thể dần dần mở rộng tầm nhìn hơn.
Một chiến lược hiệu quả để vượt qua niềm tin và mặc định cá nhân là tìm lời khuyên từ những người không liên quan đến quyết định, và họ cần được tin tưởng nói sự thật thay vì đồng ý với tất cả mọi thứ.
Tham gia vào một nhóm nơi mọi người chia sẻ và hỗ trợ nhau với quy định được đặt ra từ trước có thể rất hữu ích để nhìn xa hơn góc nhìn của bản thân đối với thực tế.
Một số ví dụ về ngụy biện chi phí chìm
Hãy xem xét những ví dụ sau để ngăn chặn khi chúng diễn ra trong cuộc sống của bạn - trong công việc và các mối quan hệ nữa.
Xem hết một series phim trên Netflix cho đến tập cuối dù bạn đã hoàn toàn mất hứng thú từ Mùa 2
Đầu tư cho công cuộc tái kiến thiết, kể cả khi bạn không còn tin rằng điều đó sẽ thật sự mang lại giá trị gì
Giới thiệu với thị trường một tính năng mới của sản phẩm, mặc dù những thay đổi về điều kiện xung quanh đã khiến cho tính năng đó trở thành vô dụng
Cố gắng tiếp tục với công việc bản thân đã lựa chọn từ trước mặc dù nó khiến bạn cực kỳ khổ sở
Không kết thúc một mối quan hệ mà bạn đã dành nhiều năm để duy trì mặc dù chẳng có điều gì đã trở nên tốt đẹp hơn
Ăn nốt đến thìa kem cuối cùng mặc dù nửa chỗ kem đó đã đủ khiến bạn thấy no
Cố gắng lật ngược tình thế trong một dự án chỉ để chứng minh bản thân mình đúng, mặc dù bạn thừa biết nó đã thất bại từ lâu rồi
Không chấp nhận một sai lầm và tìm cách đổi chủ đề vì tin rằng điều đó sẽ khiến bạn trở nên yếu kém.
Tâm lý thiên về chi phí chìm là một phần của con người chúng ta, tin rằng bản thân lý trí mặc dù sự thật ngược lại, không muốn thừa nhận rằng phần lớn quyết định của chúng ta dựa trên khuynh hướng cá nhân, và những gì chúng ta cho là thực tế thật ra chỉ là một tập hợp những ý tưởng để quan sát thế giới.
Nắm bắt khi nào tiếp tục là khôn ngoan và khi nào nên từ bỏ chắc chắn là một lựa chọn khó khăn. Đòi hỏi sự cân bằng giữa quyết định trong quá khứ, cơ hội hiện tại và khả năng trong tương lai.
Để đạt được sự hài hòa giữa quá khứ, hiện tại và tương lai là điều bất khả thi, nhưng chúng ta có thể học cách cải thiện nó.