Roy T.Bennett đã từng nói rằng “Đừng để vai trò trong cuộc sống định rằng bạn là ai”.
Bạn có nhận ra rằng mỗi khi chúng ta gặp gỡ những người mới họ luôn hỏi “Công việc hiện tại của bạn là gì?”
Tôi thích trò chuyện về công việc của mình bởi vì tôi yêu công việc, nhưng đó không phải là tất cả về tôi. Công việc chỉ là một phần nhỏ của cuộc sống của tôi, còn rất nhiều điều khác nữa.
Khi còn nhỏ, chúng ta thường bị hỏi về “định hướng nghề nghiệp”. Bạn có biết, mấy câu hỏi như “Lớn lên con muốn làm gì?” Vấn đề là bao nhiêu bạn trẻ thực sự biết mình muốn gì trong tương lai. Tôi nghĩ rằng nhiều bạn vẫn chưa thể hiểu rõ bản thân mình.
Hồi đó, tôi là đứa “con nhà người ta”, học giỏi, thể thao giỏi, cùng với vô số thành tích. Từ khi còn nhỏ, tôi đã nhận ra rằng việc luôn cố gắng xuất sắc như vậy khiến tôi tự hào về bản thân. Những thành tựu của tôi thu hút sự ngưỡng mộ và tôi cảm thấy hạnh phúc với điều đó.
Sự Thừa Nhận.
Vào năm lớp 12, tôi quyết định chọn thi vào ngành hàng không vũ trụ. Không chỉ vì tôi yêu thích mảng này, mà quan trọng hơn là khi tôi hỏi ý kiến mọi người thì tất cả đều ủng hộ. Giỏi thế này thì phải chọn nghề “cao quý” để theo đuổi, đúng không?
Sự Thừa Nhận và Sự Ủng Hộ đã giúp tôi “vươn cao”.
Sau khi tốt nghiệp với bằng thạc sĩ hàng không vũ trụ từ Đại học Minnesota, tôi được nhận vào làm việc cho Boeing ở Seattle, Washington. Đó cũng là lúc tôi nhận ra rằng mình không thích công việc này. Một phần là do nhớ nhà, phần là do thời tiết buồn của Seattle, nhưng phần lớn là vì phong cách làm việc văn phòng truyền thống không hợp với tôi.
Tôi đã nghĩ rằng có gì đó không đúng với mình. Tôi đã cố gắng rất nhiều để đạt được điều này. Nên khi đã “cán đích” rồi thì tôi phải cảm thấy hạnh phúc chứ?
Tôi đã vật lộn với những suy nghĩ này rất lâu. Bởi vì mặc dù tôi đã chán chường với công việc hiện tại, nhưng khi kể cho mọi người nghe về nghề nghiệp của mình, họ vẫn rất quan tâm và lắng nghe. Ngay cả ba tôi cũng tỏ ra hãnh diện với việc con gái họ làm việc cho một trong những hãng hàng không lớn nhất thế giới. Nhưng kể từ khi tôi chuyển sang một đam mê ít “địa vị” hơn, thì họ lại không quan tâm đến những nỗ lực của tôi.
Công việc của tôi dường như rất ấn tượng, tuyệt vời và hấp dẫn nhưng thực ra nó đang làm tôi chết lặng từ bên trong.
Cuối cùng, vợ chồng tôi quyết định chuyển đến thành phố Savannah, bang Georgia để tôi có thể làm việc cho Gulfstream - một công ty hàng không khác. Thậm chí khi tôi được chuyển lên làm việc với nhóm kỹ sư bán hàng, tôi cũng chẳng cảm thấy khác biệt nhiều.
Trong lĩnh vực này, tôi phải thảo luận với bộ phận bán hàng và tiếp thị để tạo ra dữ liệu kỹ thuật để giới thiệu sản phẩm của Gulfstream cho khách hàng tiềm năng. Tôi thích những thách thức nhưng càng thích khi làm việc với con người thực sự hơn là máy tính. Tôi nhận ra rằng tôi thực sự thích kết nối với con người.
Khi con đầu lòng của chúng tôi sinh ra, tôi rời ngành hàng không vũ trụ. Chúng tôi chuyển đến Los Angeles, và lần này vì kinh tế gia đình ổn định và không còn áp lực công việc nên tôi sẽ làm mẹ toàn thời gian. Sự nhiệt huyết với kỹ thuật cũng không còn nữa, đây có thể coi là lối thoát cho tôi.
Việc từ bỏ công việc không hợp với bản thân thật thoải mái, nhưng thiếu sự công nhận khiến tôi cảm thấy tự ti và thiếu tự tin mỗi khi bị hỏi “Công việc hiện tại của bạn là gì?” Tôi cảm thấy mình như một kẻ thất bại không kiểm soát được cuộc sống của mình.
Bên ngoài, công việc của tôi có vẻ rất hào nhoáng nhưng bên trong, tâm hồn tôi trống rỗng.
Chồng cũ của tôi là luật sư và chúng tôi thường phải tham gia các sự kiện với nhiều luật sư và người có học vấn cao. Mỗi khi nghe những câu hỏi như “Và bạn, Kortney hiện đang làm gì?” tôi luôn cảm thấy lo sợ.
Câu trả lời của tôi thường nghe có vẻ biện hộ và ngượng nghịu.
“Tôi ở nhà chăm sóc con cái”
Và thường nhận được những cái gật đầu nhẹ nhàng kèm theo sự hứng thú “nhẹ nhàng” hoặc thậm chí là sự im lặng, như thể họ không biết phải nói gì thêm về công việc làm mẹ ở nhà này.
May mắn là tôi cũng có kỹ năng chụp hình nên tôi nhanh chóng nối tiếp: “và tôi còn là một nhiếp ảnh gia.”
Điều này có vẻ làm họ hứng thú lại một chút.
Với sự nỗ lực cuối cùng để nhận được sự công nhận mà tôi luôn tìm kiếm, tôi thêm vào “Nhưng tôi từng là kỹ sư hàng không vũ trụ đấy,”
Thành công. “Bước vào ổ” rồi. Đám đông lại trở nên ồn ào. Mọi người tiếp tục chia sẻ những câu chuyện thú vị khác.
Người bạn thân cũ của tôi ở đây rồi, chào đón sự công nhận trở lại.
Tôi đã mất nhiều thời gian để tìm kiếm con người thật của mình sau khi loại bỏ mọi “thứ” bên ngoài. Chỉ khi ly hôn và phải tự lo cho bản thân sau khi không còn tiền chu cấp từ chồng nữa, tôi mới dần hiểu ra “Thực sự tôi là ai?”
Tôi là ai khi không có nghề nghiệp, không có thành tựu và không được công nhận bởi mọi người?
Tôi đứng giữa sự tự nhận thức và lời công nhận từ bên ngoài.
Dù tôi biết mình ao ước điều trước, nhưng lòng mong mỏi điều sau vẫn không nguôi.
Trên cuộc hành trình khám phá bản thân, học cách ôm trọn tình yêu cho chính mình và chấp nhận bản thân mình mà không mong đợi sự công nhận từ bên ngoài, tôi nhận ra rằng suốt thời gian qua, tôi đã luôn đặt cho mình những câu hỏi không đúng.
Xã hội này vẫn luôn đặt ra những câu hỏi ngớ ngẩn như vậy.
Thay vì hỏi trẻ con 'Sau này bạn muốn trở thành cái gì?', tôi nghĩ chúng ta nên hỏi rằng 'Sau này bạn muốn trở thành ai?'
Tôi đã đặt câu hỏi đó cho con gái 11 tuổi của mình và bé nhìn tôi với vẻ mặt tự hỏi rằng mẹ sao lại hỏi điều kì cục thế, và bé trả lời rằng 'Bé chỉ muốn trở thành chính bé thôi mà'
Chính xác như vậy!
Có phải mọi người đều muốn trở thành chính mình không nhỉ?
Thay vì chạy theo những mục tiêu nổi bật chỉ để thu hút sự chú ý và khen ngợi, sao lại không theo đuổi những mục tiêu thực sự quan trọng và đáng giá hơn, những mục tiêu phản ánh niềm đam mê của chính mình?
Sẽ thế nào nếu chúng ta thay đổi và hỏi trẻ em về những điều làm cho họ phấn khích? Hỏi họ về cảm xúc mà họ yêu thích? Và những hoạt động nào mà họ thích có thể mang lại cho họ niềm vui ấy?
Ngay cả khi trưởng thành, chúng ta cũng có thể tự đặt cho mình những câu hỏi đó.
Nếu bạn cảm thấy mất hứng thú trong công việc hiện tại, hãy lắng nghe bản thân và hỏi 'Mình muốn cảm thấy như thế nào?'
Ước muốn sơ khởi của bạn là gì? Bạn muốn góp mặt trên thế giới này như thế nào? Hãy suy nghĩ xem công việc hoặc nghề nghiệp nào sẽ giúp bạn thực hiện điều đó?
Và đây là điều tôi đang làm sau khi ly hôn. Công việc hiện tại của tôi hoàn toàn khác trước đây, tin tôi đi, cũng như việc đấu tranh chống lại ý định quay lại ngành hàng không, tôi đã suy nghĩ rất nhiều để chấp nhận rằng bản thân không cần phải cố gắng làm kỹ sư để có một nghề 'danh giá' như mọi người thường nghĩ. Sự công nhận mà tôi mong đợi từ lâu như một loại chất kích thích vậy.
Nhờ công việc hiện tại, tôi học được cách kiểm soát cảm xúc của mình và điều đó đã định hình mọi thứ.
Tôi nhận ra rằng tôi mong muốn được cảm thấy tự do, tự tại, hạnh phúc và ý nghĩa trong cuộc sống của mình.
Đi làm mỗi ngày không mang lại cho tôi những cảm giác đó. Tôi muốn được là chính mình trong thế giới này - muốn là một con người bình thường được phép mắc phải lỗi lầm và có thể thoải mái chia sẻ bản thân với mọi người. Cuộc sống ở công ty trước đây không cho phép tôi là chính mình, không cho phép tôi là một con người hạnh phúc như hiện tại.
Có thể nhiều người đọc bài này và đang làm việc ở văn phòng mà họ rất hài lòng. Ở đó, họ có thể trải nghiệm mọi cảm xúc mà họ mong muốn, có thể thể hiện chính xác con người thật của mình. Và điều đó thật tuyệt vời!
Mục tiêu là để bạn có thể trải nghiệm theo cách bạn muốn. Và điểm cuối cùng chính là bạn có thể hiện thân trên thế giới này theo cách đúng với bản thân bạn nhất.
Vì điều quan trọng là khi bạn được làm việc mà bạn thực sự muốn, giống như cách mà bạn mong muốn thể hiện bản thân trên thế giới này.