Tâm hồn con cái chúng ta thường nhạy cảm trước những tổn thương và khó khăn mà chúng luôn muốn giấu kín. Chúng ta thầm hy vọng rằng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng cũng có thể vượt qua với ý chí kiên cường. Mặc dù mong rằng chúng sẽ đạt được kỹ năng cần thiết để vượt qua chông gai trong cuộc sống, nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được cần phải làm nhiều điều hơn nữa để cung cấp cho con cái những 'công cụ hỗ trợ trên bước đường đời'.
Khi niềm hy vọng mất đi và người trẻ cảm thấy như họ bị tách biệt trong một thế giới đầy hỗn loạn, thì tình yêu thương và sự tha thứ trở thành công cụ cần thiết nhất. Những kỹ năng bên trong này không chỉ là chủ đề cho những bài báo hay những cuốn sách truyền cảm hứng, mà còn là phẩm chất thuộc phạm trù tinh thần của con người, có thể lan tỏa từ người này sang mọi người xung quanh, mang đến cho tuổi trẻ niềm hy vọng và động lực khi tất cả dường như bế tắc.
Làm sao để biết được điều đó? Làm thế nào chúng ta có thể lay chuyển những đứa trẻ không muốn mở lòng hoặc lạc lối trong đau khổ của chính mình đến mức chúng muốn tìm đến những giải pháp tiêu cực như tự làm tổn thương bản thân, làm tổn thương người khác hoặc tự sát? Trong suốt hai mươi năm qua, tại các lớp học và trung tâm thanh thiếu niên dọc khắp đất nước, tôi đã nhiều lần chứng kiến sức mạnh tinh thần của con người. Tôi đã thấy các bạn trẻ tìm lại con người thật bên trong của họ và xung quanh họ tỏa ra sức mạnh hữu hình của tình yêu thương và sự tha thứ, và chính điều đó đã đưa họ trở lại cuộc sống đời thường và hướng tới tương lai tươi sáng hơn.
Tại một căn phòng đa chức năng cũ của một trường trung học dành cho người trẻ gặp khó khăn trong học tập ở thành phố Michigan, một nhóm gồm 60 học sinh đang tụ tập vui vẻ quanh “lửa trại trong nhà” – một hoạt động được tổ chức nhằm chia sẻ về những gánh nặng mà họ gặp trong cuộc sống. Đây là buổi thứ hai của hội thảo tăng cường sức mạnh cho thanh niên kéo dài ba ngày mang tên ACE (Achievement and Commitment to Excellence - Thành tích và Cam kết Xuất sắc). Từ những hoạt động làm việc chung ở buổi đầu tiên, mức độ tin cậy và an toàn trong nhóm đã tăng cao. Giờ đây, khi những câu chuyện của từng cá nhân được chia sẻ, tất cả đều giữ im lặng và đồng cảm, thậm chí nhiều người rơi nước mắt. Một chàng trai trẻ, vẫn còn e dè trong buổi đầu tiên của hội thảo, chia sẻ khi còn nhỏ anh đã chứng kiến cảnh tượng cha sát hại mẹ mình như thế nào. Một cô gái trẻ khác chia sẻ đầy nước mắt về việc cô từng bị cưỡng hiếp và nó để lại trong cô những vết sẹo và ám ảnh tâm lý. Một thanh niên khác mô tả rằng anh ta chưa bao giờ gặp mẹ cũng như cha mình và từ khi sinh ra, anh đã bị đưa đi khắp nhà nuôi dưỡng này đến nhà nuôi dưỡng khác. Đây thực sự là cơ hội tuyệt vời để họ trút bỏ nỗi đau trong bầu không khí tôn trọng và yêu thương. Trước và sau quá trình chia sẻ, tất cả các học viên đều được hướng dẫn để tiếp tục quá trình buông bỏ nỗi đau thông qua việc thực hành tha thứ.
Việc dạy về sự tha thứ như một kỹ năng sống cần phải được đặt trong bối cảnh mà tình yêu và sự tha thứ tồn tại song song với nhau và được thực hành đồng thời. Người trẻ biết khi nào những người lớn xung quanh thực sự quan tâm đến họ. Họ có thể dễ dàng biết liệu những người lớn ở đó có thực sự sống theo những gì họ dạy người khác hay không. Nếu việc thực hành tình yêu thương, lòng tốt và sự quan tâm đến mọi người trong trường học hoặc các tổ chức thanh niên không được coi trọng và không được chủ động phát triển, thì việc dẫn dắt các bạn trẻ vào khả năng tự làm chủ và chữa lành vết thương là một chặng đường dài. Quá nhiều trường học và tổ chức thanh thiếu niên nói về việc phát triển cho thế hệ trẻ không thực sự đúng với thực tế.
Để tình yêu có thể nảy nở trong mỗi bạn trẻ, cần có những yếu tố cơ bản sau:
• Sự tận tâm và chu đáo của người lớn
• Người lớn sẵn sàng suy ngẫm về hành vi của mình và đồng hành cùng con cái trong quá trình học tập và phát triển cá nhân
• Môi trường học tập thực sự được tôn trọng, tôn vinh, lắng nghe và yêu thương
• Tạo môi trường tích cực để thanh thiếu niên cảm thấy an toàn và có cảm giác thuộc về
• Giáo viên/người hướng dẫn có trình độ chuyên môn cao, có ý thức hướng dẫn học sinh đi theo điều tốt đẹp
• Các buổi thực hành cần được tổ chức và duy trì để mọi người học cách tôn trọng bản thân và tôn trọng lẫn nhau.
Khi tình yêu, cảm giác an toàn, thuộc về và sự tin cậy được nuôi dưỡng, tuổi trẻ có thể học nghệ thuật tha thứ hiệu quả hơn (cho bản thân và cho người khác). Việc dạy về sự tha thứ sẽ hướng dẫn thanh thiếu niên từ sự khoan dung đến sự thấu hiểu và lòng trắc ẩn.
Việc dạy về sự tha thứ dựa trên mô hình “điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả chúng ta đều làm điều tốt nhất có thể dựa trên khả năng của mình tại thời điểm đó trong cuộc sống”. Đánh giá người khác (hoặc chính chúng ta) có nghĩa là cho rằng chúng ta biết họ (hoặc chúng ta) “nên” làm gì. Sự phán xét tồn tại trong thế giới giữa “đúng và sai” và “nên và không nên”.
Sự tha thứ mở ra cánh cửa dẫn đến một khía cạnh khác... đó là sự chấp nhận và tự do lớn hơn. Khi chúng ta tha thứ cho bản thân về sự phán xét của mình, chúng ta có thể học hỏi từ kinh nghiệm sống và bước tiếp với sự khôn ngoan và tự do hơn. Quan điểm này đòi hỏi một sự chuyển đổi từ cách nhìn và trải nghiệm cuộc sống truyền thống sang một cách nhìn qua ô cửa sổ hoặc lăng kính hoàn toàn khác.
Qua cửa sổ đầu tiên, người ta nhìn cuộc sống và những người khác qua bộ lọc phán xét. “Mọi thứ đều chỉ tồn tại đúng hoặc sai: Cái này đúng, cái kia sai, điều này tốt, điều kia tệ”. Sau đó, chúng ta bảo vệ nó với tất cả các lý do mà chúng ta có vì đó là hệ thống niềm tin của bản thân. Khi nhìn cuộc sống qua cửa sổ này, chúng ta cảm thấy đúng đắn và hợp lý. Tuy nhiên, cuộc sống sẽ bị hạn chế và khả năng trải nghiệm tình yêu thương và lòng trắc ẩn cũng vậy.
Ô cửa sổ thứ hai nhìn cuộc sống qua việc đánh giá hơn là phán xét. Đánh giá mang lại tính trung lập và khách quan – cách tiếp cận này có hiệu quả với bản thân hay không. Nếu không, thay vì phản ứng và trở nên đầy cảm tính, hãy để bản thân tìm cách giải quyết. Chúng ta có thể coi trải nghiệm là cơ hội để phát triển. Điều gì sẽ xảy ra nếu ta làm tốt nhất có thể vào bất kỳ thời điểm nào? Nếu có thể làm tốt hơn, ta sẽ làm vậy. Nhưng xét đến ý thức của mình vào thời điểm đó, nếu đó là điều tốt nhất ta có thể làm… và nếu điều tương tự cũng đúng với những người khác thì sao? Quan điểm này giúp mở rộng trái tim và dẫn đến sự tha thứ và lòng trắc ẩn.
“Giữ mối hận giống như bạn tự uống thuốc độc và mong người khác chết”
Đây là một lối sống mới đáng để trải nghiệm. Người trẻ thường được dạy để phán xét người khác. Theo cách tiếp cận này, chúng ta không đánh giá gì cả. Ta có thể học hỏi từ mọi thứ và làm tốt nhất có thể cho từng khoảnh khắc sống.
Khi kỹ năng nhận thức của họ phát triển, giáo viên sẽ hướng dẫn thanh thiếu niên học cách tiếp cận năm bước để thực hành sự tha thứ cho bản thân:
Bước 1: Nhận diện cảm xúc khó chịu bên trong
Bước 2: Xác định tình huống hoặc hành động gây ra sự khó chịu
Bước 3: Làm rõ sự phán xét (của bản thân hoặc người khác) mà bạn đã áp đặt lên chính mình