Mở bài 1
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng viết: 'Tiếng nói Việt Nam trong Truyện Kiều như làm bằng ánh sáng vậy, nó trong suốt như dòng suối, dòng suối long lanh đáy nước in trời'.., Dòng suối ấy hòa tan và làm trong trẻo cả những điển tích, những từ Hán Việt xa lạ để biến nó thành thơ, thành nhạc trong tiếng nói Việt Nam. Đặc biệt ở những đoạn diễn tả trực tiếp tâm trạng, những tình cảm sâu sắc, chân thực của con người mà tiêu biểu nhất qua đoạn trích 'Kiều tại lầu Ngưng Bích'.
Mở bài 2
Đề tài về người phụ nữ luôn là nỗi trăn trở của các nhà thơ lớn. Không chỉ khắc họa những nét đẹp trong tâm hồn, tính cách mà các nhà thơ còn cảm nhận rõ được nỗi bất hạnh của người phụ nữ. Và Nguyễn Du đã rất thành công khi chọn người phụ nữ làm đề tài trong tác phẩm của mình với kiệt tác dựa theo cốt truyện của Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm ở Trung Quốc đó là Truyện Kiều. Đoạn trích Kiều tại lầu Ngưng Bích được trích trong tác phẩm đó là một đoạn trích hay và giàu cảm xúc. Bằng ngòi bút tả cảnh ngụ tình nhà thơ đã diễn tả tâm trạng của Thúy Kiều trong hoàn cảnh bị giam cầm, nỗi nhớ Kim Trọng, nhớ gia đình và đặc biệt là tâm trạng của Kiều trước cảnh vật ở lầu Ngưng Bích.
Mở bài 3
Nguyễn Du là một danh nhân văn hóa, một đại thi hào của dân tộc ta. Ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam ta một kiệt tác của nền văn học trung đại - tác phẩm Truyện Kiều. Ngoài hai giá trị lớn và giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo, truyện Kiều còn rất thành công về mặt nghệ thuật. Chỉ xét riêng về nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật và bút pháp tả cảnh ngụ tình, Nguyễn Du đã đạt đến đỉnh cao chói lọi nhất trong lịch sử bằng trích đoạn Kiều tại lầu Ngưng Bích miêu tả thành công cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo của Kiều.
Mở bài 4
Trong phần khởi đầu của Truyện Kiều, Nguyễn Du đã dự cảm về số phận của nàng Kiều không chỉ ở vẻ đẹp vượt trội, mà còn ở câu thơ: “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”, và thực tế câu thơ đó đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nàng. Gia đình gặp nạn, cha và em bị bắt, nàng phải bán thân để chuộc cha. Không chỉ thế, còn bị Mã Giám Sinh lừa vào lầu xanh. Cuộc sống của nàng bắt đầu chìm vào bóng tối khi bị giam giữ ở lầu Ngưng Bích. Tất cả những điều đó được minh họa rõ ràng trong đoạn trích “Kiều tại lầu Ngưng Bích”.
Mở bài 5
Không chỉ là một bậc thầy trong việc miêu tả con người, Nguyễn Du còn có tài năng đặc biệt trong việc mô tả cảnh vật. Khung cảnh mà ông mô tả đã đạt đến mức cao cả, tinh xảo, thể hiện tâm trạng, cảm xúc của nhân vật. Tình và cảnh trở thành hai yếu tố bổ sung, làm nên bản sắc riêng cho tác phẩm của Nguyễn Du. Và mối quan hệ ấy đã được ông phối hợp một cách hài hòa để thể hiện tâm trạng của Kiều khi ở lầu Ngưng Bích.
Nguồn: Tổng hợp