1. Cơm lam
Cơm lam hay còn gọi là Cơm nướng ống được coi là món ăn của núi rừng bởi nó chứa đựng sự ngọt ngào của suối và hương vị thơm ngon của loại gạo đặc biệt nơi đây.Để làm được Cơm nướng ống ngon đòi hỏi một sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Đầu tiên là khâu chọn cây nứa, tre. Loại tre, nứa này phải còn non chặt lấy gióng lưng chừng bỏ đầu mặt, lấy lá làm nút. Khâu chọn gạo cũng rất quan trọng, gạo phải là gạo dẻo, thơm, sau đó mang ngâm, vo sạch thêm một ít muối trộn đều sau cùng là cho gạo vào ống tre, nứa rồi mang đi nướng.
Để làm ra món Cơm lam, khâu nướng cũng không kém phần kì công, có nhiều cách nướng nhưng cách nướng xếp thành mái nhà xung quang đống lửa như thế cơm sẽ chín đều và dễ trở các mặt của ống tre, nứa. Khi cơm chín có mùi thơm của gạo hoà quyện với ống tre, nứa mùi vị ngậy ngậy. Cơm sau khi đã chín lấy tước xung quanh ống tre, nứa bẻ từng khúc ăn với gà nướng muối é hoặc đậu phộng rang nhạt và giã dập thì thật tuyệt. Món ăn sẽ làm cho du khách đi rồi vẫn nhớ mãi nơi đây.
2. Thịt bò khô
Thịt bò khô tại Gia Lai là loại bò khô được chọn từ những con bò tự nhiên, được chăn thả vùng đồi núi rừng ở Gia Lai. Để chế biến được món bò này, nhà sản xuất phải trực tiếp chọn những con bò có cơ bắp săn chắc nhất, đảm bảo không quá mập nhưng cũng không quá ốm, điều này thực sự khó khăn khi đàn bò là những con bò thả tự nhiên. Sau khi chọn xong, nhà sản xuất món bò khô này phải chọn những ngày thời tiết tốt để sau khi mổ thịt xong thì thịt bò được đem đi phơi nắng, đặc biệt hơn là thịt bò phải phơi dưới cái nắng giòn, khô của vùng này. Vì cách chế biến vô cùng khó khăn, đòi hỏi nhiều yếu tố, vì vậy mà món bò khô Gia Lai này rất hiếm và được nhiều thực khách săn đón.
Thịt bò khô vì là được phơi dưới nắng, sau đó đem đi chế biến với các loại gia vị nên sẽ giữ được hương vị ngọt nhất của từng thớ thịt. Khi đem ra ăn, bạn cần nướng lại miếng thịt trên than hồng, hương vị sẽ lan tỏa rộng hơn, kích thích thính giác vô cùng. Cùng với một chút tương ớt làm hài hòa món ăn, thưởng thức cùng một ly bia lạnh thì còn gì tuyệt vời hơn. Đã từ lâu, thịt bò khô tại Gia Lai đã là món ăn được nhiều du khách lựa chọn thưởng thức và làm quà biếu khi đến với cùng đất này. Với hương vị thơm ngon và cách thức chế biến đặc biệt, đây là một món ăn được mệnh danh là đặc sản Gia Lai.
3. Cà phê
Nhắc đến Gia Lai, chúng ta không thể không nhớ đến món đặc sản vô cùng thơm ngon và được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này đó chính là Cà phê. Cà phê nguyên chất, vị đắng không gắt, nhẹ, hơi ngọt, không đọng lại lâu vị đắng trong miệng, uống nước trà hay nước lọc tráng miệng là hết ngay. Hiện nay, sự phát triển không ngừng của xã hội, đòi hỏi nhiều nhu cầu về dịch vụ cũng như chất lượng cuộc sống tăng cao. Đặc biệt trong thị trường cà phê, nói riêng về cà phê nguyên chất, càng ngày được nhiều người tiêu dùng lựa chọn bởi hương vị mà nó mang lại là sự cảm nhận đầy tuyệt vời.
Tuy nhiên, vì lợi nhuận và không có kinh nghiệm, nhất là kiến thức về chế biến cà phê còn hạn chế nên trên thị trường cà phê Việt nam còn rất hỗn độn, quá nhiều cơ sở chế biến cà phê ra đời, người tiêu dùng rất phân vân khi lựa chọn cho mình một loại cà phê ngon, thực phẩm an toàn. Nhiều cơ sở kinh doanh mạnh, tiếp thị rầm rộ nhưng thực chất cà phê chưa đạt được chất lượng và nhất là thực phẩm an toàn (dùng hoá chất quá nhiều).
Để có được loại Cà phê chất lượng, việc lựa chọn những trái cà phê chín đỏ đẹp mắt cùng dây chuyền sản xuất hiện đại đã cho ra đời thức uống được nhiều người ưa chuộng. Hương vị thơm ngon hòa quyện giữa tinh hoa đất - trời càng khiến cho người thưởng thức khó có thể quên được chỉ sau một lần thử. Hãy tìm hiểu về cà phê nguyên chất tại Gia Lai, để chính bạn sẽ chọn được cho mình sản phầm cà phê chất lượng tốt nhất. Đặc biệt, lựa chọn mua cà phê về làm quà cho người thân hay bạn bè cũng là quyết định thông minh của bạn khi có dịp đến với vùng đất này.
4. Mật ong
Gia lai có diện tích đồi núi lớn với những cánh rừng xanh bạt ngàn, trải dài. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế mà còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Diện tích rừng lớn cũng tạo điều kiện cho các loài ong sinh trưởng, phát triển và làm mật, từ đó tạo nên loại đặc sản mật ong rừng Gia Lai trứ danh. Để có được những lít Mật ong rừng thơm ngon, chất lượng, những người thợ phải lặn lội vào tận trong rừng sâu để theo dõi, quan sát tập quán sinh học của loài ong, từ đó biết được ong thường làm tổ những nơi nào, mùa nào thì cho mật nhiều và ngọt nhất. Sau khi lấy về, mật ong được vắt riêng ra và bảo quản trong những chai thủy tinh để giữ được chất lượng tốt nhất.
Mật ong hầu như có ở khắp nơi trên cả nước nhưng dường như không ở đâu sánh được với mật ong rừng Gia Lai. Bởi nơi đây là vùng đất đỏ 3 gian trù phú màu mỡ của Tây Nguyên, khí hậu 2 mùa mưa nắng rõ rệt, các loại hoa rừng phong phú và đa dạng giúp ong dễ dàng tìm được hoa để làm mật, mang lại những giọt mật ngon ngọt, chất lượng nhất. Mật ong rừng Gia Lai có mùi thơm tự nhiên, màu vàng óng ánh, trong suốt, độ đặc quánh cao. Khi để càng lâu độ kết dính càng cao, để trong tủ lạnh sẽ không bị đóng đường dưới đáy và không bị đông lại, khi lắc nhẹ sẽ có khí ga nổi lên và lấy đũa quấy vẫn giữ nguyên độ trong của mật ong trong khi mật nuôi hay mật pha tạp sẽ bị chuyển sang màu đục. Khi ăn có vị ngọt thanh khiết, không bị cảm giác ngọt khé cổ như mật ong nuôi bằng đường.
5. Măng rừng
Măng rừng là một đặc sản Gia Lai được khai thác từ măng le tự nhiên làm hoàn toàn bằng thủ công, sạch được chọn lựa từ nhũng mầm măng tre rừng non, được chính anh chị em trên bản khai thác măng tươi, rồi trực tiếp luộc và phơi khô tự nhiên bằng nắng và không sử dụng bất cứ hóa chất nào để bảo quản. Nếu có cơ hội đến đây và được cùng người dân nơi đây khám phá rừng sâu, bạn đừng băn khoăn và hãy thử một lần nhé! Tìm kiếm măng chua rừng phục vụ bữa ăn hàng ngày là công việc của người dân bản xứ, đặc biệt việc chế biến tuy đơn giản nhưng lại đem đến cảm giác rất ngon miệng khi ăn.
Măng rừng Gia Lai được khai thác chủ yếu từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch, măng từ rừng được mang về và chế biến phơi khô tự nhiên. Măng khô có nhiều loại như măng le, lồ ô, măng trúc, măng nứa …. nhưng trong những sản phẩm được làm ra từ măng le là ngon nhất được lấy hoàn toàn trong tự nhiên không qua con người chăm sóc. Những bó măng tuy nhỏ nhưng giai và giòn, rất phù hợp cho các món ăn ngày tết cũng như hàng ngày. Đây là một món ăn không thể thiếu trong bữa ăn của nhiều người dân đi rừng tại Gia Lai, với hương vị đặc trưng và dễ chế biến, món ăn này đã được mệnh danh là đặc sản của vùng đất Gia Lai.
6. Muối kiến vàng
Đây là một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng đất Gia Lai. Muối kiến vàng là muối được làm từ con kiến vàng. Kiến, một con vật bé xíu nhưng lại có thành phần dinh dưỡng cao: đạm từ 42-67%, có 28 loại acid amin và rất nhiều khoáng chất. Kiến vàng là loài côn trùng chuyên săn mồi trên tán lá cây cao. Đặc biệt, vườn cây ăn quả mà có kiến vàng sẽ cho quả ngọt, mọng nước và ít sâu bọ hơn. Kiến vàng đốt rất đau. Chính vì thế, công đoạn khó khăn nhất để làm muối kiến vàng chính là bắt kiến. Tùy theo thổ nhưỡng từng vùng, đặc thù của rừng cây mà loài kiến vàng thường làm tổ trên những ngọn cây ở độ cao thấp khác nhau. Những người bắt kiến nhiều kinh nghiệm sẽ nhận biết được khi nào tổ kiến có nhiều trứng, đó là khi bên ngoài tổ có một màng trắng bạc. Họ sẽ dùng cây sào để khều tổ kiến từ trên cây xuống, cho nguyên tổ kiến vào thau nhôm. Sau khi rũ bỏ hết rác lá, sẽ còn lại kiến và trứng kiến.
Để làm ra Muối kiến vàng, tiếp theo sẽ là công đoạn rang sơ kiến và cả trứng kiến vàng trên chảo nóng cho đến khi kiến khô, chín thơm, sau đó sẽ cho kiến vào cối, thêm ớt, muối, bột ngọt và giã nhỏ. Tùy khẩu vị của từng vùng miền mà muối kiến vàng được chế biến theo các cách khách nhau, mùa kiến ngon nhất là lúc kiến đẻ trứng. Lúc này, vị chua thanh của kiến cộng hưởng với vị ngọt bùi của trứng, vị ớt cay xè và mằn mặn của muối biển sẽ tạo nên một món chấm rất lạ miệng và hấp dẫn. Muối kiến vàng thường có mặt trong những bữa ăn của người dân Gia Lai, muối kiến vàng có thể ăn không hoặc ăn kèm với cơm nóng, thịt luộc, thịt nướng nhưng đậm đà nhất là ăn với thịt bò, nai một nắng. Muối kiến vàng cũng rất tuyệt khi kết hợp với cóc, xoài hay ổi. Đến Gia Lai, các bạn hãy thưởng thức ngay muối kiến vàng, bạn sẽ hiểu tại sao đây lại được xem như một đặc sản của vùng đất cao nguyên.
7. Rượu cần
Ấn tượng khó quên của khách phương xa khi đến Tây Nguyên là những ống cơm lam thơm ngát và ché rượu cần say nồng. Hai thức dùng đã trở thành đặc sản linh thiên trong lòng người dân bản địa.. Đi Tây Nguyên mà không uống rượu cần thì coi như chưa đến được với Tây Nguyên... Rượu cần là cách gọi của người Việt đối với loại rượu đặc sản được một số dân tộc thiểu số Việt Nam ủ men trong hủ, ché hoặc bình không qua chưng cất, khi đem ra uống phải dùng cần làm bằng lồ ô hay trúc đục thông lỗ để uống rượu. Rượu cần quý vì nhiều lẽ, người dân Tây Nguyên cho rằng rượu của họ là do Giàng (trời) bày cho cách làm, mỗi khi cúng giàng hay tế thần linh phải có rượu cần thì lời cầu nguyện mới linh nghiệm. Hơn nữa rượu cần còn được làm khá công phu từ lương thực hàng ngày của đời sống con người - quý cũng vì lẽ đó.
Hiện nay Rượu cần không chỉ là thức uống dành riêng cho đồng bào mà đã được thương mại hóa đem xuống miền xuôi bán cho du khách gần xa. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch Tây Nguyên đã đưa rượu cần vào kinh doanh, bày bán ở các khu du lịch, điểm tham quan, nhà hàng…như một cách giới thiệu sản phẩm du lịch văn hóa ẩm thực đặc sắc của người dân bản địa. Xa hơn rượu cần còn là cầu nối giao lưu văn hóa, tình cảm giữa các cộng đồng dân tộc khác nhau. Ngoài giá trị vật chất đơn thuần rượu cần con mang giá trị tinh thần sâu sắc, là một phần hồn, là nét văn hóa đặc sắc của đất và người Tây Nguyên.
8. Nấm Linh Chi
Từ lâu nay, Nấm linh chi được người dân Gia Lai phát hiện ra với những tác dụng rất tốt cho sức khỏe con người, đồng thời giảm mệt mỏi và tăng sức dẻo dai cho cơ thể. Nấm linh chi có hiệu quả tốt đối với bệnh về gan mật như: Viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ,... Nấm linh chi còn có tác dụng phòng chữa bệnh tiểu đường, làm giảm đường huyết trong máu người mắc bệnh tiểu đường, giúp cơ thể bài tiết các độc tố trong cơ thể, có tác dụng loại bỏ các sắc tố lạ trên da làm cho da dẻ đẹp, hồng hào, chống các bệnh ngoài da như dị ứng, trứng cá,... làm giảm mệt mỏi, trấn tĩnh, hỗ trợ thần kinh, trị chứng đau đầu, mất ngủ, thần kinh suy nhược, stress gây lo âu căng thẳng. Tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch và kháng siêu vi, giúp cơ thể luôn tươi trẻ và tăng tuổi thọ,... cùng nhiều tác dụng khác và được mọi người yêu thích.
Nấm linh chi được thu hoạch từ những cánh rừng nguyên sinh, mọc cộng sinh trên thân của các loại cây cổ thụ, vốn không chứa các độc tố gây hại, do đó dù mức giá thành có cao thì nhiều người vẫn đến Gia Lai và hỏi mua. Nấm linh chi là loại nấm không còn xa lạ với nhiều người bởi những tác dụng tuyệt vời mà nó mang lại. Hầu hết những du khách khi đến với Gia Lai đều tìm kiếm để mua loại nấm này về làm quà biếu hoặc sử dụng. Nấm linh chi đã trở thành đặc sản của núi rừng Gia Lai và được nghiên cứu, nuôi trồng để cho ra những loại nấm tốt nhất.
9. Phở khô
Phở khô là món đặc sản quá đỗi thân thuộc đối với người dân Gia Lai, đã ăn sâu trong nét văn hóa ẩm thực tại đây, đến giờ món ăn này luôn nhận được sự đón nhận của du khách thập phương khi có dịp ghé đến vùng đất này. Món ăn này được bày trí gồm có 1 tô đựng phở được rắc điểm thêm một chút hành phi khô, chút thịt băm nhuyễn cùng tiêu dậy mùi, tô thứ 2 dùng để đựng nước lèo, người ăn có thể lựa chọn cách thức ăn phù hợp với mình, hoặc ăn khô cùng rau thơm, giá sống hoặc dưới nước lèo vào cùng tô phở để món ăn không quá khô. Vị thơm từ thịt, hành phi, cùng nước mắm chấm tạo nên sự ngon miệng cho người ăn, chút rau sống, vài lát chanh sẽ khiến vị giác thêm kích thích.
Phở khô là món ăn đã không còn xa lạ với người dân và du khách tại Gia Lai. Không khó để bắt gặp những quán phở khô khi bạn đến với vùng đất này. Chỉ với những nguyên liệu đơn giản nhưng với công thức chế biến đặc biệt, món ăn này khi được thưởng thức tại Gia Lai lại dậy lên một hương vị rất đặc trưng mà không nơi nào lẫn vào được. Phở khô đã là món ăn quen thuộc và trở thành đặc sản của vùng đất này. Nếu bạn có dịp đến Gia Lai, đây là món ăn bạn nên nằm trong danh sách nhất định phải thử nhé.
10. Bún mắm nêm
Bún mắm nêm là món ăn dân dã của người dân phố núi Pleiku, Gia Lai. Thành phần món ăn đơn giản với bún và mắm cùng một ít rau sống, đơn giản là thế, nhưng với những người đã một lần thưởng thức món ăn này sẽ không thể quên được hương vị thơm ngon, đậm đà mà nó mang lại. Sự pha trộn hương vị làm nên một món ăn đậm đà và ngon miệng, nắm nêm là thành phần chính quyết định sự ngon miệng của món ăn. Mắm nêm được làm từ cá cơm rửa sạch, ướp với muối theo một tỷ lệ nhất định, cho vào hũ đậy kín lại, tùy theo thời tiết và nhiệt độ mà mắm có thể chín sau khoảng từ 7 đến 9 ngày. Khi đó mắm hơi sền sệt và có mùi thơm ngào ngạt mà mùi lạ đặc trưng.
Khi ăn với bún, mắm được thêm vào nhiều gia vị như chanh, tỏi, ớt, đường và dứa bằm nhỏ để làm dịu vị mặn và dậy mùi thơm rất ngon. Một bát Bún mắm nêm đầy đủ với rau sống xếp dưới cùng, bên trên là bún tươi, rồi đến thịt luộc, chả, nem, ít dưa leo cùng chén mắm nêm và mang ra cho thực khách. Chan mắm nêm vào tô bún và trộn đều, trộn đến đâu, mùi mắm nêm thơm nức bốc lên, kích thích vị giác của bạn, tạo cảm giác muốn ăn ngay. Bún mắm nêm đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân và du khách tại Gia Lai, trở thành món ăn phổ biến mang đậm hương vị đặc trưng.