1. Khoa Luật
Khoa Luật là một trong 11 khoa chuyên môn của Trường Đại học Mở Hà Nội, được thành lập theo Quyết định số 1050/GD-ĐT ngày 28/03/1995 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khoa đã đào tạo hơn 32.000 cử nhân luật với các loại hình đào tạo chính qui, văn bằng hai, đào tạo từ xa. Khoa hiện đào tạo 3 ngành: Luật, Luật kinh tế, Luật Quốc tế.
Sau nhiều năm phát triển, Khoa Luật có đội ngũ cán bộ, giảng viên đa dạng, chủ yếu là Giáo sư, Phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sĩ, với kinh nghiệm thực tiễn nghề luật như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư… Sinh viên tốt nghiệp có nhiều cơ hội làm việc trong các lĩnh vực như doanh nghiệp, luật sư, công ty, quản lý nhân sự... Học tại Khoa Luật trường Đại học Mở Hà Nội, sinh viên học được tư duy pháp lý linh hoạt và hiệu quả.


2. Khoa Kinh tế
Khoa Kinh tế - Trường ĐH Mở Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 2653/QĐ-TCCB ngày 01/12/1993 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chức năng, nhiệm vụ của Khoa được cập nhật tại Quyết định số 5891/QĐ-ĐHM ngày 23/12/2021 của Trường Đại học Mở Hà Nội.
Khoa Kinh tế có nhiệm vụ chính là thực hiện các chương trình đào tạo cấp văn bằng; nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức về lĩnh vực kinh tế. Khoa được giao quyền tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chịu trách nhiệm chính về kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Khoa Kinh tế đào tạo 03 ngành: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Thương mại điện tử theo định hướng ứng dụng. Sinh viên tốt nghiệp có khả năng làm việc trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, dễ dàng thích nghi với sự biến động của thị trường lao động. Với môi trường giáo dục chuyên nghiệp, đội ngũ cán bộ giảng viên tâm huyết có trình độ, đồng thời thu hút được đông đảo các giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành tại các Viện nghiên cứu, Học viện, Trường đại học trong nước, thương hiệu Khoa Kinh tế đã được hàng chục nghìn sinh viên lựa chọn học tập trong gần 30 năm qua.
Hiện nay, Khoa Kinh tế đang đào tạo trình độ Đại học các chuyên ngành: Kế toán, Quản trị Kinh doanh, Thương mại điện tử. Đây đều là những ngành lấy điểm chuẩn đầu vào thuộc hàng cao nhất của Trường ĐH Mở Hà Nội. Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp bậc đại học, cử nhân các ngành đào tạo tại Khoa Kinh tế có cơ hội học lên bậc cao học, trở thành thạc sĩ ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh ngay tại Khoa.
Phòng học của khoa Kinh tế đạt tiêu chuẩn theo kiểm định cơ sở đào tạo đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2017. Phòng học hiện đại được trang bị hệ thống máy chiếu, âm thanh, wifi miễn phí để hỗ trợ cho việc học tập đạt hiệu quả tốt. Thư viện với đầy đủ các loại sách giáo trình, học liệu điện tử phục vụ việc học tập và nghiên cứu khoa học. Diện tích phòng học phù hợp với từng môn học, không gian học tập thoải mái và đảm bảo cho các hoạt động dạy và học trong lớp học chuyên nghiệp và đạt chất lượng cao. Đặc biệt, với phương châm “Sinh viên là trung tâm”, phương pháp đào tạo hiện đại, tích cực, tương tác Giảng viên - Sinh viên, giảng dạy lý thuyết gắn với thực tập, thực tế tại doanh nghiệp, đào tạo kỹ năng phát triển nghề nghiệp, sinh viên khoa Kinh tế có thể làm được việc ngay từ những năm thứ 3, 4 khi chưa tốt nghiệp.

3. Khoa Công nghệ Thông tin
Khoa Tin học của Đại học Mở Hà Nội (FITHOU) được Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập theo quyết định số 2653/QĐ-TCCB ngày 01/12/1993. Từ năm 2011, Khoa chính thức được đổi tên thành Khoa Công nghệ Thông tin theo quyết định số 71/QĐ-ĐHM-TC ngày 29/03/2011 của Viện trưởng Đại học Mở Hà Nội.
Hiện nay, khu giảng đường của Khoa Công nghệ Thông tin nằm tại địa chỉ số 96 phố Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội với 10 phòng học và hội trường, 3 phòng máy tính thực hành chuyên biệt, phòng đọc thư viện và tự học cho sinh viên với hơn 1000 đầu sách chuyên ngành, tài liệu tham khảo, tạp chí phục vụ sinh viên học tập và giảng viên nghiên cứu. Đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa có hơn 80 cán bộ cơ hữu (biên chế, hợp đồng dài hạn) và cộng tác viên, giáo viên thỉnh giảng với trình độ chuyên môn sâu, kiến thức và kỹ năng vững vàng, luôn tâm huyết với nghề và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy theo nhu cầu thực tế.
Khoa đã biên soạn và xuất bản hơn 100 tập sách chuyên khảo, sách giáo trình và tài liệu hướng dẫn học tập phục vụ toàn bộ sinh viên trong việc học tập và nghiên cứu. Cán bộ giảng viên trong Khoa thực hiện nhiều nghiên cứu, công bố các công trình trong các diễn đàn hội nghị, tạp chí chuyên ngành. Khoa cũng đã thiết kế, xây dựng và triển khai nhiều hệ thống phần mềm hỗ trợ công tác giảng dạy và quản lý trong nhà trường cũng như các phần mềm cho các tổ chức và đơn vị khác. Sau nhiều năm hoạt động và giảng dạy, Khoa đã đào tạo và cung cấp cho xã hội hơn 7000 kỹ sư CNTT với trình độ chuyên môn vững vàng, kỹ năng tốt, đáp ứng nhu cầu công việc trong lĩnh vực CNTT của thị trường lao động. Hầu hết các cựu sinh viên hiện đang làm việc thành công trong các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước, có nhiều cựu sinh viên đang đảm nhận các vị trí quan trọng.


4. Bộ môn Tiếng Trung Quốc
Bộ môn Tiếng Trung Quốc được lập theo quyết định số 350/QĐ-ĐHM-TC ngày 28/07/2011 của Viện Đại Học Mở Hà Nội (nay là Trường Đại học Mở Hà Nội), là một bộ môn trẻ, nhưng thầy trò Bộ môn Tiếng Trung Quốc luôn có những bước tiến rõ nét trong quá trình hình thành và xây dựng sự nghiệp “trồng người” của trường Đại học Mở Hà Nội nói chung và của Bộ môn nói riêng.
Trong nhiều năm qua, Bộ môn không ngừng hoàn thiện đội ngũ giảng viên, chất lượng giảng dạy, quy mô đào tạo, phát triển hợp tác học thuật và giao lưu sinh viên với các trường đại học Trung Quốc. 100% đội ngũ giảng viên được đào tạo đạt chuẩn thạc sỹ tại các trường Đại học uy tín hàng đầu Trung Quốc và Việt Nam, có bề dày kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu; tận tâm với nghề, tận tuy với công việc.
Hàng năm, 10% sinh viên của Bộ môn giành được học bổng chính phủ Trung Quốc có giá trị từ 30 triệu đồng đến 300 triệu đồng để du học thạc sỹ, cử nhân hoặc thực tập khảo sát tại các trường Đại học Trung Quốc. Bộ môn Tiếng Trung Quốc luôn tâm huyết phát triển chương trình đào tạo ứng dụng cao, tạo cơ hội cho sinh viên phát huy tối đa khả năng cá nhân. Bộ môn liên kết với một số trường đại học lớn uy tín tại Trung Quốc như Đại học Quảng Tây, Đại học Hoa Nam Quảng Châu, Đại học Công Nghệ Trùng Khánh, Đại học KHKT Điện tử Quế Lâm để hàng năm tổ chức chương trình giao lưu Hán ngữ, nâng cao kỹ năng tiếng và kỹ năng giao tiếp thực tế cho sinh viên.

5. Bộ môn Tiếng Anh
Bộ môn Tiếng Anh được lập theo quyết định số 2653/QĐ-TCCB ngày 01/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mục tiêu đào tạo của bộ môn Tiếng Anh là đào tạo Cử nhân ngành tiếng Anh có đủ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, phẩm chất chính trị, tác phong nghề nghiệp và sức khỏe để có thể làm việc một cách hiệu quả trong các lĩnh vực chuyên môn có sử dụng tiếng Anh, đáp ứng được yêu cầu xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế.
Bộ môn Tiếng Anh luôn tích cực tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học như đăng ký, thực hiện các đề tài khoa học các cấp, cộng tác với một số tờ báo, tạp chí chuyên ngành, tổ chức các hội thảo chuyên ngành với sự tham gia của nhiều báo cáo viên đến từ các trường đại học, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, hàng năm cán bộ giảng viên trong Bộ môn Tiếng Anh đều tham gia biên soạn và nâng cấp giáo trình cho phù hợp với yêu cầu mới. Bộ môn tiếng Anh có đội ngũ giảng viên đều có trình độ thạc sỹ trở lên, có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu.
Khi Sinh viên theo học tại Bộ môn Tiếng Anh luôn được tạo điều kiện tốt nhất để phát huy khả năng của cá nhân. Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học như tham gia Hội nghị khoa học, sinh viên còn được tham gia nhiều hoạt động Văn - Thể - Mỹ.


6. Bộ môn Tài chính - Ngân hàng
Bộ môn Tài chính – Ngân hàng được thành lập ngày 28/02/2008 và hiện đang đào tạo hơn 5000 sinh viên các hệ đại học, cao đẳng chính quy với hàng trăm giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng hàng đầu từ các trường Đại học trên cả nước. Bộ môn được thành lập với mục tiêu tổ chức và thực hiện các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn và hợp tác quốc tế về lĩnh vực tài chính – ngân hàng trong khuôn khổ các hoạt động của Trường Đại Học Mở Hà Nội.
Nhiệm vụ của Bộ môn Tài chính - Ngân hàng:
- Đào tạo chính quy, văn bằng 2, vừa học vừa làm và từ xa (trên cơ sở phối hợp với Bộ môn Đào tạo từ xa) trình độ đại học thuộc lĩnh vực Tài chính và Ngân hàng
- Đào tạo và bồi dưỡng ngắn hạn các chuyên đề về lĩnh vực tài chính và ngân hàng.
- Nghiên cứu và tư vấn về các lĩnh vực đào tạo, pháp lý, nghiên cứu thị trường, hoạch định chiến lược trong lĩnh vực Tài chính ngân hàng.
- Hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực tài chính và ngân hàng trong khuôn khổ.
Sinh viên của Bộ môn Tài chính - Ngân hàng được cung cấp kiến thức về lĩnh vực phân tích tài chính và đầu tư trên thị trường vốn, thị trường tiền tệ trong quá trình toàn cầu hóa; Nắm bắt kiến thức vững chắc về thực hành các nghiệp vụ trong ngân hàng thương mại hiện đại; có chuyên môn sâu về phân tích, dự báo liên quan đến tài chính, tiền tệ nhằm đưa ra quyết định trong quản trị tài chính. Bên cạnh đó, người học còn được rèn luyện về bản lĩnh và khả năng tự nghiên cứu khi gặp vấn đề mới, đối đầu và ứng biến nhạy bén khi có rủi ro phát sinh liên quan đến tài chính, tiền tệ. Theo học ngành Tài chính ngân hàng, sinh viên được trang bị các môn học cụ thể như: Kinh tế vi mô, Lý thuyết tài chính tiền tệ, Tài chính doanh nghiệp, Tài chính quốc tế, Ngân hàng thương mại, Thị trường chứng khoán, Kế toán doanh nghiệp, …Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị các kỹ năng mềm cần thiết để đáp ứng nhu cầu của công việc như kỹ năng giao tiếp với khách hàng, giới thiệu sản phẩm, thuyết phục khách hàng, kỹ năng quản lý thời gian, tư duy phản biện, kỹ năng phân tích, làm việc theo nhóm…


7. Bộ môn Điện - Điện tử
Chuyên ngành Điện - Điện tử tại Viện Đại học Mở Hà Nội đã ra đời vào ngày 12/12/1998 theo quyết định số 4992/QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo. Với Ban lãnh đạo và đội ngũ thầy cô có trình độ, kinh nghiệm và uy tín, cùng với giáo viên thỉnh giảng đến từ các trường đại học danh tiếng như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Bưu chính Viễn thông và các nhà nghiên cứu, các Trung tâm Khoa học – Công nghệ, các Tổng công ty, đài phát thanh – truyền hình… với chương trình đào tạo lý thuyết – thực hành cơ bản, tiên tiến và luôn cập nhật.
Chuyên ngành Điện - Điện tử tại Trường ĐH Mở Hà Nội ngày càng phát triển mạnh mẽ, mang đến các hệ đào tạo từ Cao đẳng lên tới Đại học, phù hợp với mọi đối tượng trình độ và có thời gian linh hoạt.


8. Khoa Du lịch
Khoa Du lịch tại Trường Đại học Mở Hà Nội là một trong những đơn vị Du lịch tiên phong của cả nước, được thành lập theo Quyết định số 2653/TCCB-GD&ĐT ngày 01/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Bằng sự cố gắng phi thường của đội ngũ Khoa Du lịch, những khó khăn đã nhanh chóng vượt qua. Khoa Du lịch không ngừng phát triển, trở thành trung tâm đào tạo hàng đầu cho ngành Du lịch. Khoa luôn điều chỉnh chương trình và giáo trình để phản ánh tốt tình hình phát triển đất nước và ngành Du lịch, tổ chức các hoạt động ngoại khóa như hội thi nghiệp vụ khách sạn, hướng dẫn viên du lịch, thi tiếng Anh…; tích cực thực hiện nghiên cứu khoa học và tham gia dự án. Hiện nay, Khoa có cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập được đầu tư nâng cấp. Quản lý giảng dạy, học tập và thi cử được thực hiện chặt chẽ theo quy chế của Bộ Giáo dục & Đào tạo và của trường Đại học Mở Hà Nội. Chất lượng sinh viên ra trường được xã hội công nhận, Khoa Du lịch ngày càng khẳng định thương hiệu của mình.
Chính những nỗ lực và thành tựu mà Khoa Du lịch của Trường Đại học Mở Hà Nội (trước đây là Viện Đại học Mở Hà Nội) đã được Tổng cục Du lịch chọn làm đơn vị duy nhất thực hiện kiểm định và cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch từ năm 2010. Công tác quản lý sinh viên của Khoa có thể coi là một trong những xuất sắc nhất so với các khoa khác của trường Đại Học Mở Hà Nội. Tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp tăng lên từng năm, minh chứng cho chất lượng đào tạo xuất sắc của Khoa.


9. Khoa Tạo dáng Công nghiệp
Khoa Tạo dáng Công nghiệp được thành lập theo quyết định số 2653/TCCB ngày 01/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Là một trong những đơn vị của trường Đại học Công Lập, Khoa đảm nhận nhiệm vụ đào tạo họa sỹ thiết kế ở cấp độ đại học và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thiết kế Mỹ thuật công nghiệp.
Trải qua nhiều năm hoạt động, Khoa Tạo dáng Công nghiệp đã xây dựng được thương hiệu vững chắc về chất lượng, đào tạo ra các nhà thiết kế tài năng, trở thành đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực Mỹ thuật ứng dụng tại Việt Nam. Đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao cùng với hội đồng tư vấn khoa học, gồm những GS, TS hàng đầu và các chuyên gia thiết kế nổi tiếng, luôn tận tụy và nhiệt huyết trong việc hướng dẫn và giảng dạy. Hiện nay, Khoa đang tập trung đào tạo chủ yếu 2 ngành chính:
- Thiết kế Công nghiệp: Thiết kế Nội thất (Interior Design), Thiết kế Thời trang (Fashion Design), Thiết kế Đồ họa (Graphic Design)
- Kiến trúc (Architecture)
Là sinh viên của Khoa Tạo dáng Công nghiệp - Trường ĐH Mở Hà Nội, bạn sẽ có cơ hội phát triển đam mê nghệ thuật, được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng nghề nghiệp để tự tin làm việc trong lĩnh vực này sau này.


10. Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm
Khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Mở Hà Nội ra đời theo quyết định số 2653/QĐ-TCCB ngày 01/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo Nghị quyết số 18/ CP ngày 11/03/94 và Chỉ thị 50 – CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển ứng dụng công nghệ sinh học, Khoa Công nghệ sinh học là một trong bốn hướng công nghệ mũi nhọn được chính phủ ưu tiên phát triển. Với đầu tư vào cơ sở vật chất, khuyến khích nghiên cứu khoa học, và sự nỗ lực vươn lên của đội ngũ giảng viên, Khoa đã trở thành địa chỉ tin cậy về đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học ngành công nghệ sinh học. Ngày 15/8/2022, Khoa chính thức đổi tên thành Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm theo Quyết định số 2828/QĐ-ĐHM của Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội về việc tổ chức lại Khoa Công nghệ sinh học.
Hiện nay, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm có 16 giảng viên cơ hữu, với 01 Phó Giáo sư, 9 tiến sĩ, thạc sĩ, 5 thạc sĩ. Các giảng viên là những người có phẩm chất đạo đức tốt, yêu nghề, tận tâm với công việc, đã đạt được nhiều danh hiệu cá nhân và tập thể như Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Bằng khen tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, v.v. Viện còn mời hơn 50 giảng viên thỉnh giảng có kinh nghiệm từ các Viện nghiên cứu, Trường đại học như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Công nghệ thực phẩm, v.v.
Viện đã đào tạo hơn 3500 kỹ sư / cử nhân công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đang làm việc tại các công ty, viện nghiên cứu về công nghệ sinh học, dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm hoặc tiếp tục học sau đại học và giảng dạy tại một số trường đại học trong nước. Viện đang đào tạo học viên cao học ngành công nghệ sinh học với trung bình 3-5 học viên tốt nghiệp mỗi năm.

