1. Bệnh mạch vành là gì?
Bệnh mạch vành là tình trạng mà một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị hẹp hoặc cản trở do sự tích tụ của các mảng bám bên trong. Các động mạch trong cơ thể mềm mại và đàn hồi ban đầu, nhưng qua thời gian, chúng trở nên cứng và hẹp hơn do sự tích tụ các mảng bám như cholesterol và các chất khác trên thành mạch máu, gọi là chứng xơ vữa động mạch.
Khi bệnh mạch vành tiến triển, lưu thông máu qua động mạch trở nên khó khăn hơn. Kết quả là cơ tim không thể nhận đủ lượng máu và oxy cần thiết, dẫn đến tình trạng đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim. Hầu hết các trường hợp nhồi máu cơ tim xảy ra khi một cục máu đông bất ngờ di chuyển đến đoạn hẹp của mạch máu, gây tắc mạch và làm gián đoạn nguồn cung cấp máu cho tim, gây tổn thương tim vĩnh viễn.
2. Dấu hiệu của bệnh mạch vành
Cơn đau thắt ngực hoặc khó thở khi gắng sức là dấu hiệu thường gặp nhất trong bệnh mạch vành. Người bệnh có cảm giác nặng, nghẹn, thắt, bóp nghẹt ở trong lồng ngực, thường bên ngực trái hoặc sau xương ức. Tình trạng này xảy ra khi gắng sức, đi bộ leo dốc, căng thẳng, stress, cơn đau kéo dài vài phút (3 – 5 phút), thường dưới 15 phút và hiếm khi xảy ra chỉ vài giây. Cơn đau thường lan lên cổ, hàm, hai vai, cánh tay trái hoặc lan sau lưng. Đặc biệt cơn đau giảm khi ngồi nghỉ hoặc ngậm thuốc nitrate.
Ngoài ra còn có các dấu hiệu khác gợi ý suy mạch vành như:
- Khó thở
- Hụt hơi
- Chóng mặt
- Hồi hộp tim đập không đều
- Gần ngất...
Trong các triệu chứng trên, sự thể hiện ở nữ giới thường nhẹ hơn ở nam giới. Trong các cơn đau ngực có thể kèm theo sự buồn nôn, khó thở, mệt mỏi và đổ mồ hôi.
Tuy nhiên khi đã nhận thấy những biểu hiện tiêu cực này thì bệnh tình cũng đã tiến triển nặng hơn. Chính vì vậy để có thể phòng ngừa và ngăn chặn bệnh mạch vành sớm thì bạn nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên và đặc biệt nếu bạn là đối tượng dễ mắc bệnh mạch vành và thấy xuất hiện những biểu hiện nhẹ của bệnh thì cần phải đi khám ngay.
3. Các loại bệnh mạch vành
Hầu hết các trường hợp bị bệnh mạch vành đều bị xơ vữa động mạch, số khác có thể bị thu hẹp mạch máu. Căn cứ vào thực tế này mà các chuyên gia chia bệnh mạch vành thành 3 loại:
- Bệnh mạch vành do mảng xơ vữa: Mảng xơ vữa có thể mềm hoặc cứng, hình thành từ triglyceride, cholesterol, canxi và tế bào viêm ở trên thành mạch vành. Những mảng cứng sẽ khó nứt vỡ, khó tạo thành cục máu đông vì nó ổn định hơn còn những mảng mềm dễ nứt vỡ tạo thành cục máu đông gây ra bệnh đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
- Bóc tách động mạch vành tự phát: Đây là tình trạng tạo nên khi các lớp của thành mạch vành bỗng nhiên rách ra và khiến cho máu bị chảy một phần vào khe rồi bị giữ lại. Chính điều đó làm cho lượng máu đến tim bị chặn hoặc chậm hơn và gây ra tình trạng bất thường nhịp tim, đau thắt ngực và thậm chí còn tử vong.
- Bệnh mạch vành co thắt: Bệnh này dễ khởi phát khi người bệnh sử dụng chất kích thích, bị căng thẳng kéo dài, tiếp xúc với không khí lạnh, hút thuốc,... và làm một hoặc nhiều động mạch vành bị thu hẹp tạm thời.
4. Những ai dễ mắc bệnh mạch vành?
Những yếu tố về tuổi tác hay về tiểu sử gia đình là những nguyên nhân gây bệnh mạch vành không thể thay đổi được. Những người dễ mắc bệnh mạch vành đó là nam giới trên 50 tuổi và nữ giới trên 55 tuổi.
Khi tuổi cao sức yếu thì bệnh mạch vành càng dễ xuất hiện. Thông thường đối tượng nam giới là những người có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn nữ giới, nhưng những người phụ nữ sau khi mãn kinh lại có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn nam giới.
Ngoài ra những người có bố mẹ hoặc ông bà mắc bệnh mạch vành
5. Nguyên nhân gây bệnh mạch vành
Nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh lý mạch vành là do mảng xơ vữa làm nghẽn lòng động mạch vành. Các yếu tố nguy cơ chính làm tăng xơ vữa động mạch gồm:
- Tình trạng cao huyết áp
- Bệnh đái tháo đường
- Rối loạn lipid máu
- Hút thuốc lá
Một khi thành trong của động mạch vành bị tổn thương, các chất béo (mảng bám) hình thành từ cholesterol và các chất thải tế bào khác có xu hướng tích tụ tại vị trí bị tổn thương này. Quá trình này được gọi là xơ vữa động mạch. Nếu bề mặt mảng bám bị vỡ, các tế bào máu (gọi là tiểu cầu) sẽ kết tụ lại với nhau tại đây để cố gắng sửa chữa tổn thương, tạo thành cục huyết khối, gây bít hoàn toàn lòng mạch vành, dẫn đến nhồi máu cơ tim.
6. Chẩn đoán bệnh mạch vành
Để chẩn đoán bệnh mạch vành mạn bệnh nhân sẽ được bác sĩ hỏi bệnh sử, hỏi các yếu tố nguy cơ chính đưa đến bệnh mạch vành, khám lâm sàng, nghe tim phổi và kết hợp với các cận lâm sàng chuyên biệt giúp chẩn đoán xác định bệnh.
Các cận lâm sàng cần làm để đánh giá và chẩn đoán bệnh mạch vành mạn gồm:
- Đo điện tâm đồ
- Chụp X-quang tim phổi
- Siêu âm tim Doppler màu
- Trắc nghiệm gắng sức: điện tâm đồ gắng sức (nếu bệnh nhân có thể chạy bộ được) hoặc siêu âm tim gắng sức bằng thuốc Dobutamine (cho người cao tuổi, không chạy bộ trên thảm lăn được)
- Chụp cắt lớp động mạch vành có cản quang: giúp kiểm tra mức độ tắc nghẽn và vôi hóa mạch vành.
- Thông tim, chụp động mạch vành: thường được thực hiện khi nghiệm pháp gắng sức dương tính hoặc kết quả chụp CT mạch vành có hẹp hoặc khi bệnh nhân cần can thiệp mạch vành. Bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ vào trong mạch máu ở tay hay ở đùi, đẩy lên tim. Tiếp theo bác sĩ sẽ bơm thuốc cản quang để xem mạch máu nuôi tim có bị tắc nghẽn hay không. Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán. Tuy nhiên, đây là phương pháp có xâm nhập vào người bệnh nhân nên được chỉ định chặt chẽ để giảm thiểu biến chứng.
7. Bệnh mạch vành có nguy hiểm không?
Bệnh mạch vành có khả năng dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:
- Nhồi máu cơ tim: đây là kết quả của hiện tượng bong tách của các mảng xơ vữa khỏi thành mạch và tạo thành cục máu đông bịt kín mạch vành và ngăn chặn dòng máu. Lúc này nếu không được cấp cứu kịp thì bệnh nhân tử vong rất nhanh.
- Đột tử: khoảng 30 % – 50% bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp bị đột tử trước khi đến bệnh viện.
- Bệnh suy tim: trong một thời gian dài, do thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim nên tim giảm khả năng co bóp. Cứ như vậy tim sẽ suy yếu không thể phục hồi và suy tim.
- Hở van tim nặng do đứt dây chằng van tim, sa lá van, dãn vòng van hay tâm thất trái co bóp bất thường. Cuối cùng làm cho tim ngày càng to ra và suy tim tiến triển nặng thêm.
- Rối loạn nhịp tim: bệnh mạch vành khiến cho tim không được nhận đủ oxy nên hoạt động của hệ thống điện tim bị rối loạn. Hệ quả tất yếu là nhịp tim nhanh quá hoặc chậm quá hoặc hỗn loạn. Có một số trường hợp tính mạng người bệnh bị đe dọa do rối loạn nhịp tim.
8. Bệnh mạch vành nên ăn gì?
Thực phẩm chống oxy hóa: Các thực phẩm này là:
- Trái cây tươi nhiều màu sắc, rau củ màu đậm như: súp lơ xanh, cải xoăn, cải bó xôi, cam, dưa hấu, quýt, dâu tây, cà rốt,…
- Ngũ cốc các loại: gạo lứt, bột yến mạch,…
- Nên sử dụng dầu thực vật như dầu lạc, dầu hướng dương,...
- Các loại quả hạch: hạnh nhân, hạt điều, quả óc chó,…
- Omega - 3 trong các loại cá béo như: cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích,…
Những loại thực phẩm trên không chỉ giàu chất chống oxi hóa mà còn chứa nhiều chất chống viêm cao, giúp giảm diễn tiến bệnh mạch vành.
Thực phẩm giúp tăng lưu thông máu: Lưu thông máu tốt rất quan trọng đối với bệnh nhân mắc bệnh mạch vành, vì thế không thể thiếu nhóm thực phẩm này trong thực đơn hàng ngày.
- Gia vị: gừng, tỏi, nghệ, hành tây, cam thảo, quế,…
- Trái cây: việt quất, nho tươi, nho khô, dâu tây,…
Những thực phẩm này chứa nhiều salicylate, giúp tăng lưu thông máu bằng cách ngăn chặn hình thành cục máu đông. Chúng cũng làm cho món ăn thêm hấp dẫn và thơm ngon, vì vậy hãy bổ sung chúng vào thực đơn hàng ngày của bạn.
Thực phẩm giúp giảm cholesterol: Một trong các thực phẩm giúp giảm cholesterol máu là chất xơ hòa tan, giúp giảm hấp thụ chất béo trong ruột và tăng đào thải ra khỏi máu.
Chất xơ hòa tan có nhiều trong các loại thực phẩm như:
- Ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, bánh mì đen.
- Rau xanh có độ nhớt cao: mồng tơi, rau đay.
- Rau họ đậu: đậu hà lan, đậu đỏ,…
- Trái cây: ổi, cam, táo, đu đủ, lê,…
Cách chế biến cũng rất quan trọng để đảm bảo cơ thể hấp thu lượng dinh dưỡng tốt nhất. Hãy ưu tiên chế biến món luộc, hấp hoặc trộn thay vì chiên xào nhiều dầu mỡ. Người mắc mỡ máu cũng nên hạn chế sử dụng bơ, sốt mayonnaise hoặc dầu động vật trong chế biến món ăn.
Đối với các món cần chiên rán, hãy thay thế bằng dầu thực vật với chất béo có lợi, chịu nhiệt cao như dầu lạc, dầu dừa,… Việc sử dụng dầu tái chế, chiên lại nhiều lần không tốt cho sức khỏe.
Ăn quá mặn làm tăng huyết áp và gây biến chứng cho bệnh mạch vành, vì vậy cần giảm lượng muối hoặc bột canh trong chế biến thực phẩm. Chế độ ăn theo phong cách Địa Trung Hải, bao gồm các món trộn salad với đa dạng thực phẩm như cá, rau xanh, dầu mè, dầu ô liu, các loại hạt,… được đánh giá là rất tốt để kiểm soát bệnh.
9. Phương pháp điều trị bệnh mạch vành
Điều trị các vấn đề liên quan đến mạch vành phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Mục tiêu của tất cả các phương pháp điều trị là cải thiện cung cấp máu cho tim, giảm triệu chứng và kéo dài tuổi thọ, bao gồm:
- Thay đổi lối sống và sử dụng thuốc là điều trị cơ bản trong mọi giai đoạn của bệnh.
- Can thiệp bằng nong, stent mạch vành và phẫu thuật bắc cầu mạch vành
Cụ thể:
Thay đổi lối sống: Ngừng hút thuốc lá, tập thể dục đều đặn hàng ngày, giảm cân nếu cần thiết, tuân thủ chế độ ăn lành mạnh, hạn chế uống rượu.
Điều trị bằng thuốc: Uống thuốc đúng cách và đều đặn, đặc biệt là thuốc chống đông máu phải dùng liên tục, đặc biệt là ở những người đã được đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu mạch vành.
- Thuốc chống đông máu: aspirin, clopidogrel, ticagrelor, prasugrel
- Thuốc giảm cholesterol, làm giảm xơ vữa động mạch: statin (atorvastatin, rosuvastatin, simvastatin, pravastatin,..)
- Điều trị các bệnh kèm theo như cao huyết áp, tiểu đường
- Thuốc giảm đau thắt ngực: beta-blockers, calcium channel blockers, nitrates, nicorandil, ranolazine, trimetazidine,…
Can thiệp động mạch vành và đặt stent: Stent mạch vành là một khung lưới kim loại nhỏ được đặt vào mạch vành để mở rộng mạch bị hẹp và giữ cho nó không bị hẹp lại.
Phẫu thuật bắc cầu mạch vành: Sử dụng một phần của động mạch hoặc tĩnh mạch để tạo thành một cây cầu qua vị trí mạch vành bị tổn thương, cung cấp máu cho vùng cơ tim bị thiếu máu. Sau khi đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu, bệnh nhân cần tuân thủ uống thuốc đúng cách và thay đổi lối sống để ngăn ngừa sự tái phát của hẹp hoặc tắc nghẽn trong stent hoặc cây cầu mạch vành.
10. Cách phòng ngừa bệnh mạch vành
Thực hiện lối sống lành mạnh: Đây là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa các bệnh tim mạch, bao gồm cả bệnh mạch vành.
- Bỏ hút thuốc lá, tránh hút thuốc lá passiv
- Tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 – 45 phút mỗi ngày, mỗi tuần. Có thể thực hiện đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, chơi xổ sống, bóng bàn, golf, yoga, thể dục nhịp điệu, thiền,.. tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người; tránh căng thẳng trong cuộc sống và công việc.
- Giảm cân nếu có thừa cân, béo phì (khi chỉ số BMI >23): đặt mục tiêu giảm từ 5% đến 7% cân nặng trong mỗi 6 tháng cho đến khi đạt cân nặng lý tưởng (BMI từ 18 – 22)
- Chế độ ăn tốt cho tim mạch:
- Giảm lượng chất béo, thịt mỡ, đường, thực phẩm chế biến, fast food, giảm muối, hạn chế rượu bia.
- Tăng cường ăn cá, thịt gia cầm; ăn nhiều rau, củ, quả, hạt, thực phẩm tươi sống, hữu cơ.
Điều trị tốt các bệnh lý đi kèm
- Kiểm soát lượng đường trong máu nếu bạn mắc bệnh tiểu đường
- Điều trị huyết áp và mỡ máu ổn định