1. Thịt trâu gác bếp Điện Biên
2. Nộm hoa ban
Hoa ban là một trong những sản vật quen thuộc của núi rừng Tây Bắc và cũng là một món ăn đặc sản nổi tiếng của người dân Điện Biên, đặc biệt là dân tộc Thái. Tháng 2, tháng 3 đầu năm, vào mùa hoa ban nở, du khách khi đến Điện Biên sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thuần khiết, hoang sơ của hoa ban và thưởng thức những món ăn đặc sản mang đậm nét đẹp văn hóa của người Thái tại vùng núi Tây Bắc. Khi chưa chế biến, hoa ban có mùi thơm rất quyến rũ, khi chế biến thành món ăn thì có vị chát và ngọt, tạo nên hương vị vô cùng độc đáo hiếm có. Bằng đôi bàn tay khéo léo, hoa ban được người Thái chế biến thành rất nhiều món ăn đặc sản phong phú như hoa ban xào thịt trâu, hoa ban nướng cá, hoa ban luộc chấm nước nghệ chin... Trong đó, công phu nhất phải kể đến nộm hoa ban.
Những bông hoa ban tươi được hái từ tờ mờ sáng, lúc hơi sương còn đọng trên từng cánh mỏng, đưa về ngắt nhụy, rửa sạch rồi chần qua nước sôi để bớt đi vị chát. Đặc biệt, khi chần nước sôi cũng phải canh lửa cho thật khéo để hoa ban vừa chín tới, bớt vị chát từ nhựa hoa mà không làm mất độ giòn của nộm cũng như vị thơm ngọt đặc trưng của hoa ban. Để làm món nộm hoa ban, những nguyên liệu chính như hoa ban, rau rừng (rau bò khai, rau tầm bóp, rau gai thối...) sẽ được luộc chín. Còn những loại gia vị như mùi tàu, húng, lá tỏi tươi, riềng, tỏi khô, ớt, gừng thì giữ nguyên để mùi thơm đặc trưng được trọn vẹn nhất. Tất cả nguyên liệu được trộn đều với nhau tạo thành món nộm hoa ban hấp dẫn với đủ vị mặn, đắng, bùi, ngọt, cay...
3. Xôi nếp nương Điện Biên
Những miếng xôi nếp nương nóng hổi, dẻo thơm luôn là món ăn đặc sản Điện Biên mà bất kỳ du khách nào đã từng thử qua cũng sẽ khó quên. Nếp nương tuy được trồng nhiều ở các tỉnh Tây Bắc nhưng khi nhắc đến loại nếp ngon nhất, người ta thường nghĩ ngay đến nếp nương Điện Biên. Ai từng được thưởng thức món xôi nếp nương thơm ngon tại Điện Biên sẽ cảm nhận được hương vị rất độc đáo mà không nơi nào có, hoàn toàn khác biệt so với những loại xôi thông thường. Từng hạt nếp nương Điện Biên căng tròn, sáng bóng được nấu chín mang vị ngọt bùi, dẻo thơm đặc biệt, không bị nhão hoặc dính quá nhiều lên tay hoặc các dụng cụ ăn.
Cách làm xôi nếp nương cũng khá công phu và phức tạp. Gạo nếp nương phải được ngâm trong nước nhiều tiếng liền thì khi nấu xôi mới không bị sượng. Xôi phải được đồ trong chõ gỗ đặc biệt của đồng bào dân tộc, xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Xôi được đồ rất kỳ công, phải qua hai lần đồ thì xôi mới dẻo thơm. Lần đồ thứ nhất, sau khi xôi tỏa hương thơm, vừa chín tới thì đem đổ ra một rá rồi lấy đũa trải ra cho đều, để một lúc sau thì đổ tiếp vào chõ và tiếp tục đồ cho xôi chín đều. Màu sắc của xôi phụ thuộc vào nguyên liệu tạo màu là các loại lá, quả, củ, với các màu, đỏ, tím, vàng, xanh trông rất đẹp mắt. Xôi thường được ăn kèm với cá hoặc thịt nướng chấm cùng nước mắm.
4. Gà đen Tủa Chùa
Gà đen Tủa Chùa hay còn được gọi là Ka Đu (theo tiếng H’Mông) là món ăn đặc sản đặc sắc tại Điện Biên mà hoàn toàn không ở đâu có được. Gà đen Tủa Chùa là giống gà đặc biệt của người H'Mông, vốn có cái tên 'gà đen' bởi vì toàn bộ đặc điểm từ mắt, da, vân thịt hay xương của giống gà này đều mang một màu đen tuyền. Ngoài ra, gà đen được mệnh danh là một trong những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng nhất, mang rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, chứa hàm lượng axit glutamic cao nên có khả năng ngăn ngừa mất ngủ, nhức đầu, ù tai... Chính vì thế, gà đen Tủa Chùa luôn được người dân địa phương trân trọng như một món tài sản quý báu mà thiên nhiên ban tặng.
Gà đen Tủa Chùa có thể được chế biến thành nhiều món ăn vô cùng đa dạng. Người dân địa phương thường luộc nguyên con, nấu cháo bồi bổ cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai hoặc đem làm món gà đen hấp rượu, một món ăn mà du khách nào cũng phải thử một lần khi đi du lịch Điện Biên. Gà đen rửa sạch để ráo nước rồi ướp gia vị muối, bột ngọt… cho vào nồi và thêm lượng rượu phù hợp, đậy kín nồi, đun lửa thật mạnh để rượu sôi mới để lửa nhỏ hấp khoảng 20 - 30 phút thì chín. Khi ăn, da gà dày, giòn, thịt săn nhưng không dai, ít mỡ, mềm và thơm nồng mùi rượu hấp dẫn vô cùng.
5. Pa Pỉnh Tộp
Khi nhắc tới món ăn đặc sản tiêu biểu của nền ẩm thực Điện Biên thì không thể không kể đến món cá nướng “Pa Pỉnh Tộp'', một món ăn sở hữu hương vị vô cùng đặc trưng không lẫn vào đâu được. Điểm đặc biệt nhất của món Pa Pỉnh Tộp nằm ở khâu chế biến và lựa chọn nguyên liệu vô cùng công phu. Để giữ được vị ngọt thơm đặc trưng của thịt cá mà không mang quá nhiều mùi tanh hôi, nguyên liệu chính để làm món Pa Pỉnh Tộp chính là những loài cá chép, cá trôi, cá trắm sống sâu trong các khe suối trên núi. Không giống như các loại cá sông hay cá biển khác, cá ở vùng suối có phần thịt khá dẻo, không có mùi tanh, sống trong vùng suối sâu nên vô cùng sạch sẽ.
Ngoài ra, cách ướp cá để làm ra món Pa Pỉnh Tộp cũng vô cùng đặc biệt. Khác hẳn với cách ướp cá truyền thống thông thường chỉ ướp gia vị bên ngoài thân cá, thì ở món Pa Pỉnh Tộp, tất cả các gia vị đều được nhét thẳng vào phần bụng cá. Chính vì thế mà Pa Pỉnh Tộp sở hữu hương vị kết hợp hài hòa giữa chua, cay, ngọt, đắng vô cùng độc đáo khiến ai ăn một lần thì sẽ nhớ mãi không quên. Đặc biệt, món Pa Pỉnh Tộp không thể thiếu hạt Mắc kén - một loại gia vị đặc trưng của người Thái. Thịt cá tươi sống kết hợp gia vị và hạt mắc kén sẽ tạo nên mùi thơm nồng, cay nhẹ, thơm ngon vô cùng đặc trưng.
6. Bánh khẩu xén
Bánh khẩu xén là một trong những đặc sản truyền thống nổi tiếng của đồng bào dân tộc Thái sinh sống tại Mường Lay, Điện Biên. Bánh khẩu xén là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết ở nơi đây, nên vào những dịp cận Tết, khắp bản làng người Thái ở Mường Lay lại nhộn nhịp tiếng chày, chị em phụ nữ lại cùng nhau quây quần làm bánh khẩu xén để dùng và làm quà biếu. Trong những năm gần đây, bánh khẩu xén dần trở thành một món ăn đặc sản được đông đảo khách du lịch từ khắp mọi miền yêu thích. Hương vị thơm ngon đậm đà, ngọt dẻo đặc trưng mà hiếm nơi nào có được của bánh khẩu xén luôn là một nét đẹp khó phai trong lòng khách du lịch mỗi khi đặt chân đến Điện Biên.
Khẩu xén là loại bánh làm từ gạo nếp và củ sắn tươi, sau khi nấu chín sẽ được giã, xay thành bột, cho thêm trứng gà, đường hoặc muối để thêm phần gia vị cho bánh. Sau đó, bằng đôi bàn tay khéo léo, nhanh nhẹn, các cô gái Thái sẽ dùng con lăn để dàn bánh thành miếng mỏng rồi mang đi phơi trong bóng râm đến khi bánh se lại, và cắt thành từng miếng nhỏ theo hình dáng tùy ý. Bánh cắt thành hình sẽ được mang đi phơi tiếp cho đến khi khô và se lại. Bánh khẩu xén có bốn màu chính là: trắng, đỏ, vàng và tím. Trước khi ăn, bánh sẽ mang đi rán phồng lên, có độ giòn tan và hương thơm cuốn hút khiến ai cũng khó lòng từ chối. Hiện nay, để tăng thu nhập cho phụ nữ Mường Lay, chính quyền địa phương đang trong quá trình nghiên cứu mở rộng quy mô sản xuất, chế biến để tạo ra sản phẩm bánh khẩu xén mà người tiêu dùng có thể sử dụng được ngay chứ không phải chiên, rán. Góp phần nâng tầm và phổ biến rộng rãi món ăn đặc sản mang đậm nét văn hóa ẩm thực độc đáo của tỉnh Điện Biên này.
7. Sâu chít Điện Biên
Sâu chít Điện Biên là một trong đặc sản nổi tiếng mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất lịch sử Điện Biên. Sâu chít là một loại côn trùng sống trong thân cây chít. Vì mang hàm lượng protein cao cùng nhiều thành phần axit amin phong phú, nên sâu chít từ lâu đã luôn là nguyên liệu chính trong các món ăn dinh dưỡng, rượu thuốc và còn được dùng rộng rãi trong Đông Y để chữa các bệnh phế hư, thổ huyết, suyễn, ho, thận suy yếu. Ngoài ra, sâu chít còn được mệnh danh là 'Đông trùng hạ thảo' Việt Nam vì mang hàm lượng đạm rất “cao cấp”, cần thiết cho cơ thể con người. Vì vậy, sâu chít luôn là một trong những đặc sản được nhiều người biết đến và tìm mua nhất khi đặt chân đến Điện Biên.
Vào mùa thu hoạch, sâu chít được bán khá phổ biến tại chợ vùng cao. Người ta sẽ mang nguyên những ngọn chít được bó chặt, gọn ghẽ ra chợ. Khi có khách đến mua thì người ta sẽ tách đôi ngọn chít để lấy sâu ra. Những con sâu tươi rói có màu trắng sữa, căng mỏng sẽ được thả ngay vào trong bình rượu nhạt để giữ cho sâu không bị biến chất. Ngoài ra, Điện Biên còn là một trong những vùng trồng nhiều chít nhất và được mệnh danh là 'cái nôi' của sản vật nổi tiếng này. Chính vì thế mà khi nhắc đến sâu chít, người ta thường sẽ nhớ ngay đến Điện Biên và thường gọi sản vật này là 'sâu chít Điện Biên'.
8. Rêu đá nướng Điện Biên
Một món ăn đặc sản mà ai cũng muốn thưởng thức một lần khi đến Điện Biên chính là món rêu đá, sản vật đất trời tại dòng sông Mã của người dân Điện Biên. Rêu đá có thể chế biến thành các món ăn khác nhau, như: canh, nộm, rán, nướng… những phổ biến nhất là món rêu đá nướng. Để làm món rêu nướng, đầu tiên những phụ nữ thu hái rêu bám trên các tảng đá dưới sông; rũ nhẹ để bớt bùn, cát; cho rêu vào giá với khe hở vừa phải, đảm bảo có thể trôi các dị vật nhưng vẫn giữ lại các sợi rêu. Sau khi rêu đã được rửa sạch và tơi sẽ đặt lên tấm đá lớn rồi dùng chày hoặc gậy để đập; mỗi lần đập lượng nước trong rêu sẽ bắn ra kéo theo cát và các dị vật nhỏ, cứ như vậy tuần hoàn, đập cho kiệt nước, rửa rêu rồi lại đập tầm hơn 30 phút là đã cơ bản sơ chế sạch rêu.
Sau công đoạn sơ chế, để làm món rêu đá nướng, các gia vị như muối, ớt, mì chính, mắc khén, hành… đều phải được trộn đều tay, sau đó cuộn lại vào rêu bằng lá chuối và được nướng trên than hồng. Sau gần 10 phút, khi lớp lá chuối cháy sém, có mùi thơm là rêu đã chín. Khi ăn, rêu nướng sẽ có vị đắng nhẹ, giòn, sau đó sẽ lưu lại vị dịu ngọt đặc trưng cùng mùi thơm của các gia vị hòa quyện tan trong miệng. Món rêu nướng vô cùng thích hợp ăn kèm xôi trắng; vị ngọt dịu cùng sự béo ngậy thơm lừng của nếp mới tạo thành trải nghiệm khó cưỡng, độc đáo và đặc trưng.
9. Nhộng ong đất dầm trám đen
Bên cạnh những món ăn đặc sản quen thuộc tại Điện Biên như Pa Pỉnh Tộp, thịt trâu gác bếp, nộm hoa ban và xôi ngũ sắc thì nhộng ong đất dầm trám đen cũng là một trong những đặc sản được rất nhiều du khách yêu thích. Đây là món ăn đặc sản được người đồng bào dân tộc Thái tại Điện Biên giữ gìn qua biết bao thế hệ và luôn góp mặt trong mâm cơm truyền thống của đồng bào Thái vào các dịp lễ, Tết, đám hỏi, đặc biệt là khi tiếp đãi khách quý.
Trời chớm thu, se lạnh là thời điểm trám đen ở vùng núi Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng vào mùa. Và từ tháng 9 đến trước Tết nguyên đán, người dân nơi đây cũng thường thu hoạch nhộng ong đất. Vì thế chỉ khi đến Điện Biên vào những ngày lạnh, du khách mới có cơ hội thưởng thức món đặc sản kết hợp từ trám đen và nhộng ong đất này. Cách ăn đúng cách nhộng ong đất dầm trám đen là dầm nát nhộng ong cùng thịt quả trám đen, sau đó lấy một năm xôi bao bên ngoài bọc lại thành nắm. Giữa màu trắng của xôi và nhộng ong, màu tím hồng của thịt quả trám đen nổi bật, tạo nên vẻ đẹp vô cùng hấp dẫn cho món ăn. Việc dầm nhuyễn nhộng ong giúp những người sợ côn trùng cũng có thể thưởng thức được.
Thực khách có thể cảm nhận vị béo ngậy của nhộng ong đất, vị bùi và một chút chua, chát nhẹ của quả trám đen, độ dẻo, thơm, ngọt của xôi nếp nương. Đặc biệt, hầu hết các món ăn khác đều được tẩm ướp hạt mắc khén, nhưng món nhộng ong đất dầm trám đen được chế biến bằng cách hấp để giữ trọn vẹn được hương vị nguyên bản.
10. Vịt om hoa chuối
Vịt om hoa chuối là món ăn đặc sản mang đậm nét đẹp ẩm thực vô cùng sáng tạo trong việc kết hợp giữa thịt vịt và các loại gia vị phong phú của người Điện Biên. Món ăn này thường thấy trên mâm cơm của người dân nơi đây và cũng là một trong những món chính được chế biến trong những dịp lễ hội, ngày tết, cưới hỏi.
Để làm ra món vịt om hoa chuối chuẩn vị, người ta phải lặn lội lên rừng tìm hái những bắp bi hay còn gọi là hoa chuối rừng. Hoa chuối nhà cũng chế biến được nhưng phải là chuối rừng thì món ăn mới đậm đà hương vị. Thịt vịt để chế biến món vịt om hoa chuối phải là vịt bầu, giống vịt to, bơi dưới nước, thịt nhiều và thơm ngon hơn các giống vịt khác. Vịt mổ xong dùng dao băm thành những miếng nhỏ vừa ăn rồi ướp với hạt dổi nướng giã nhỏ, hạt mắc khén nướng, nước mắm, muối, cùng các loại rau thơm khác như hẹ, lá gừng, mùi tàu,... Dừng chân tại các bản làng ở Điện Biên, thưởng thức món vịt om hoa chuối, nhâm nhi chén rượu ngô trên ngôi nhà ven suối cùng tiếng suối chảy róc rách là những trải nghiệm khó quên trong lòng mỗi du khách khi đến đây.